TỔNG QUAN VỀ QUẢNG NAM

 

 

 

 

 

Kể từ đầu thế kỷ XV, khu vực Quảng Nam đã chính thức thuộc vào quyền lực của nhà nước Đại Việt sau khi nhà Hồ (1400 - 1407) thương thảo với triều đình Chiêm Thành, họ đã thuận giao nộp cả Chiêm động (bắc Quảng Nam) và Cổ Lũy động (Quảng Ngãi ngày nay) cho người Việt. Từ đó, nhà Hồ chia đất Chiêm động và Cổ Lũy thành 4 châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lĩnh 4 châu, đưa dân từ Nghệ An, Thuận Hóa vào khai khẩn và cho người cai quản.

 15940690_711948702288767_8176394348141266144_n


2.1. Lược sử hình thành và phát triển


Kể từ đầu thế kỷ XV, khu vực Quảng Nam đã chính thức thuộc vào quyền lực của nhà nước Đại Việt sau khi nhà Hồ (1400 - 1407) thương thảo với triều đình Chiêm Thành, họ đã thuận giao nộp cả Chiêm động (bắc Quảng Nam) và Cổ Lũy động (Quảng Ngãi ngày nay) cho người Việt. Từ đó, nhà Hồ chia đất Chiêm động và Cổ Lũy thành 4 châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lĩnh 4 châu, đưa dân từ Nghệ An, Thuận Hóa vào khai khẩn và cho người cai quản.


Năm 1471, vua Lê Thánh Tông sau khi chiếm vùng đất phía nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông đã lập Thừa tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), Quảng Nam trở thành một bộ phận của Đại Việt, và danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đó. Trong thời điểm Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn từ năm 1570, góp phần vào tiến trình mở nước của dân tộc và tạo lập cuộc sống phồn vinh của một vùng xứ Quảng.


Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Quảng Nam đã đi đầu, lập công ngay từ khi chúng đặt chân đến vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, và tự hào là nơi phát tích các phong trào đấu tranh kháng Pháp, đồng thời là quê hương của những chí sĩ yêu nước như: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Nguyễn Thành, Trần Văn Dư… Quảng Nam còn là địa phương sớm có tổ chức Đảng Cộng sản ra đời và hoạt động.


Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam đã lập được nhiều chiến công. Những chiến thắng của quân và dân Quảng Nam trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng tháng 3.1975 đã góp phần đưa đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

15894970_711948698955434_1965107537135405058_n

Sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã sát cánh hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày càng phát triển. Ngày 06.11.1996, tại kỳ họp lần thứ 10, khóa IX, Quốc hội phê chuẩn việc tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính (tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng) trực thuộc trung ương. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.1997.


2.2. Nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa


Quảng Nam nổi tiếng là vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, quê hương của những danh nhân tài hoa lỗi lạc. Ngay từ thời các chúa Nguyễn, Quảng Nam đã có những người đỗ thi hương như Lê Cảnh, Phạm Hữu Kính, Trần Phúc Thành. Sang triều Nguyễn, theo danh sách 5.232 vị cử nhân, trong đó trường thi Thừa Thiên có 911 người đăng khoa trong 32 khoa thi từ 1807 đến 1918, Quảng Nam có tất cả 252 người đỗ liên tiếp cả 32 khoa. Trong số 32 khoa này, riêng khoa thi năm Canh Tý (1900), ở Quảng Nam đã có đến 14 người đăng khoa mà những người đỗ kế tiếp nhau từ thứ nhất đến thứ tư là Huỳnh Thúc Kháng (Hương nguyên), Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh. Tổng cộng, sĩ tử Quảng Nam có 6 lần đỗ thủ khoa và 11 lần đỗ á nguyên thi hương.


Không chỉ có nhiều người đỗ ở hàng trung khoa (cử nhân) và rất nhiều người đỗ hàng tiểu khoa (tú tài), Quảng Nam còn có 39 vị đỗ đại khoa gồm 14 tiến sĩ và 25 phó bảng trong đó có một Đình nguyên Hoàng giáp là Phạm Như Xương, 2 trường hợp song nguyên là Phạm Phú Thứ và Huỳnh Thúc Kháng vừa đỗ Hương nguyên vừa đỗ Hội nguyên. Nếu tính theo số dân đinh của Quảng Nam lúc bấy giờ là 51.458 người thì tỉ lệ người đỗ cử nhân là 0,49% và tỉ lệ người đỗ phó bảng, tiến sĩ xấp xỉ 0,08%. Nếu so với cả nước hàng đại khoa thì Quảng Nam đứng hàng thứ 6, còn so với các tỉnh từ đèo Hải Vân trở vào thì đứng hàng đầu.


Không thể kể hết tên tuổi danh nhân Quảng Nam trên nhiều lĩnh vực như đỗ đạt cao trong các kỳ thi, các danh thần, các chí sĩ hy sinh vì dân vì nước như Phạm Phú Thứ (1821 - 1882), Hoàng Diệu (1828 - 1882), Trần Văn Dư (1839 - 1885), Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887), Lê Đình Dương (1863 - 1919), Nguyễn Thành (1863 - 1911), Trần Cao Vân (1866 - 1916), Trần Quý Cáp (1870 - 1908), Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Phan Thúc Duyện (1873 - 1944), Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947), Phan Thành Tài (1878 - 1916), Lê Quang Sung (1905 - 1935), Bùi Thế Mỹ (1904 - 1943), Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964), Nguyễn Phan Vinh (1933 - 1968), Hồ Nghinh (1913 - 2007), Lê Thị Xuyến (1909 - 1996), Hoàng Châu Ký (1922 - 2008)… Ngoài ra, còn có các danh nhân trên các lĩnh vực văn học, ngoại giao, giáo dục, khoa học thời xưa cũng như hiện tại. Những nhân vật này đã có nhiều đóng góp cho đất nước, làm rạng danh vùng đất Quảng Nam.


2.3. Di sản văn hóa
Vùng văn hóa Quảng Nam được hình thành trong tổng thể vùng văn hóa miền Trung. Điều đặc biệt là Quảng Nam vẫn còn lưu giữ được những công trình văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị cao. Đến với Quảng Nam, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những công trình kiến trúc cổ đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc và trang trí, chứa đựng những giá trị về lịch sử văn hóa được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau. Ở Quảng Nam hiện có 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đó là Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn và trên 260 di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, trong đó có 15 di tích xếp hạng quốc gia. Giá trị văn hóa của Quảng Nam không chỉ là những công trình kiến trúc cổ mà còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất này.

2.3.1. Văn hóa vật thể

a. Di tích
- Đô thị cổ Hội An: Là một đô thị thương cảng cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thịnh vượng trong các thế kỷ XVII - XVIII, suy tàn vào cuối thế kỷ XIX. Hội An từng là thương cảng thu hút thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây đến buôn bán. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ XX. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn khá nguyên vẹn. Phần lớn những di tích ở đây có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX, người dân vẫn duy trì cuộc sống thường nhật của mình ngay trong lòng phố cổ. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Chính những giá trị đó, ngày 01.12.1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
- Thánh địa Mỹ Sơn: Thuộc xã Duy Phú (Duy Xuyên), là tổ hợp nhiều đền đài Chămpa tọa lạc trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi diễn ra lễ cúng tế của các vương triều Chămpa xưa, cũng như là lăng mộ của các vị vua Chămpa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được xem là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á, và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Năm 1999, cùng với đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
- Phế tích kinh thành Trà Kiệu: Thuộc xã Duy Sơn (Duy Xuyên), là nơi đặt kinh đô của nước Lâm Ấp (Champa) từ khoảng năm 605 đến năm 757, với tên gọi là Simhapura.
- Tháp Chiên Đàn: Tọa lạc ở làng Chiên Đàn (Tam Kỳ). Các nhà nghiên cứu xếp Chiên Đàn vào nhóm tháp thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định, có niên đại cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI.
- Tháp Bằng An: Thuộc xã Điện An (Điện Bàn). Tháp xây dựng theo hình bát giác, chóp tháp nhọn, thon, bên trong thờ linga bằng đá, có giá trị cao về mặt lịch sử liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm, niên đại khoảng thế kỷ XII.
- Tháp Khương Mỹ: Thuộc xã Tam Xuân 1 (Núi Thành), gồm có 3 tháp, là kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm 3 tầng, có niên đại đầu thế kỷ X.

b. Bảo tàng
- Bảo tàng Quảng Nam: Nằm trên đường Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, kiến trúc cổ Hội An, hiện vật cách mạng, hiện vật các làng nghề truyền thống xứ Quảng, gốm sứ Chu Đậu được khai quật từ con tàu cổ đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An).
- Bảo tàng Điện Bàn: Tọa lạc ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn). Đây là bảo tàng cấp huyện được thành lập sớm nhất ở Quảng Nam (1977), cũng như trong cả nước, trưng bày các hiện vật lịch sử, văn hóa về huyện Điện Bàn trong thời kỳ trước năm 1930 và từ năm 1930 - 1975.
- Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Hội An: Tọa lạc tại số 7 Nguyễn Huệ (Hội An). Bảo tàng trưng bày các hiện vật gốc và tư liệu có giá trị bằng gốm, sứ, đồng, sắt, giấy, gỗ... phản ánh các giai đoạn phát triển của đô thị thương cảng Hội An qua các thời kỳ: văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ II sau Công nguyên); văn hóa Champa (thế kỷ II - XV); văn hóa Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ XV - XIX).
Bên cạnh đó, tại Hội An còn có các bảo tàng như: Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch… trưng bày các hiện vật văn hóa dân gian Hội An qua các thời kỳ; các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 2.000 năm; các hiện vật gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam niên đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII.

c. Danh lam thắng cảnh
- Bãi biển: Quảng Nam có nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng như: Hà My, Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh, Kỳ Hà, Bãi Rạng... nơi đâu cũng hoang sơ, tràn đầy gió và ánh nắng mặt trời. Biển Quảng Nam không chỉ thu hút du khách về cảnh đẹp mà còn bởi sự hấp dẫn của nhiều loại loại hải sản dường như cũng ngon hơn, “đậm” hương vị biển hơn những vùng biển khác.
- Hồ Phú Ninh: Cách thành phố Tam Kỳ 7km về phía tây, là công trình thủy lợi có sức chứa gần nửa tỉ m3 nước, với diện tích mặt hồ rộng 3.433 ha cùng 23.000 ha rừng phòng hộ và 30 đảo, bán đảo nhỏ xinh đẹp. Đây là khu du lịch sinh thái lý tưởng bởi khí hậu luôn mát mẻ, hệ động thực vật đa dạng và nguồn nước khoáng lộ thiên có công dụng chữa được nhiều căn bệnh về cơ khớp, gan, mật, tiêu hóa...
- Mõm Bàn Than: Nằm trên địa bàn xã Tam Hải (Núi Thành), là một vách đá sắc đen như than, xếp chồng lên nhau kéo dài hơn 2km, đỉnh cao khoảng 40m với nhiều hình thù lạ mắt, kết hợp với những vân đá tạo thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo.
- Hồ Giang Thơm: Thuộc huyện Núi Thành. Được cấu tạo bởi một con suối đầu nguồn đổ xuống các tảng đá tạo thành những ngọn thác đẹp quyến rũ. Ở đoạn trũng, suối hình thành những hồ nhỏ phẳng lặng, trong vắt.
- Hòn Kẽm Đá Dừng: Thuộc xã Quế Lâm và Quế Phước (Quế Sơn). Trên hành trình hướng ra biển Đông, tại đây con sông Thu Bồn đã tạo ra một hồ nước rộng, trong xanh, phản chiếu nét uy nghi của bóng núi, triền sông, lúc mờ sáng hoặc khi chiều buông, hơi đá hai bên bờ phả ra mặt sông tạo cho phong cảnh ở đây vẻ huyền bí, kỳ ảo lạ lùng.
- Suối Tiên: Thuộc xã Quế Hiệp (Quế Sơn). Gồm 14 thác nước chảy liên hoàn từ trên đỉnh cao khoảng 400m xuống các tảng đá tung bọt trắng xóa và tạo nên những cung bậc âm thanh sống động nối tiếp nhau giữa đại ngàn.
- Thác Grăng: Thuộc xã Tabhing (Nam Giang). Thác như một dải lụa mềm vắt lưng chừng núi, đẹp nhất là thác 3, cao khoảng 30m, bụi nước tựa sương mờ, tỏa ánh sáng rất đẹp.
- Đồi Bồ Bồ: Gồm 4 ngọn đồi nhỏ nằm liên tiếp nhau trên địa bàn hai xã Điện Tiến và Điện Thọ (Điện Bàn). Nơi đây có cảnh quan thơ mộng với những rừng thông xanh tươi, những hồ nước phẳng lặng và bầu không khí trong lành quanh năm mát mẻ.
- Suối nước nóng Tây Viên: Đây là suối nước khoáng có nhiệt độ trung bình khoảng 850C nằm ở huyện Nông Sơn. Trong nước chứa nhiều khoáng chất quý như: canxi, kali, lưu huỳnh, sắt... và nhiều khoáng chất khác, là địa điểm lý tưởng cho du khách ngâm mình trong nước nóng, tắm bùn, thư giãn chữa bệnh.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh: Nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, nơi đây có những cảnh đẹp nên thơ nằm dọc trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, cùng những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa vô cùng phong phú của đồng bào các dân tộc ít người.
- Khu du lịch sinh thái thủy điện Duy Sơn II: Thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Công trình nằm trên một ngọn đồi cao, bên những hồ nước xanh biếc, những dòng suối đá, những hang đá kỳ ảo, những cách rừng phi lao thơ mộng.


2.3.2. Văn hóa phi vật thể
Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể phong phú, Quảng Nam còn gìn giữ, bảo lưu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức to lớn, tiềm ẩn trong đời sống dân gian, tạo nên dấu ấn riêng của vùng văn hóa xứ Quảng. Thời gian gần đây, những giá trị, tinh hoa của văn hóa Champa như trích đoạn lễ hội Chăm, diễn xướng nghệ thuật dân gian với điệu múa Chàm rông, kèn saranai, trống paranưng, dân ca, trò chơi đội nước, ẩm thực, trang phục Chăm là những sản phẩm độc đáo được phục hồi ngay bên khu đền tháp Mỹ Sơn mà bất kỳ du khách nào cũng say mê, yêu thích. Hoặc vào những dịp lễ hội ở Hội An, xuất hiện áo bà ba, áo dài, khăn đóng, guốc mộc và cả các loại trang sức, mũ nón cổ xưa của cha ông, gợi lại nét cổ xa xưa; các làn điệu dân ca như hát hò khoan, hô bài chòi, hát bả trạo, hát múa sắc bùa; và nghệ thuật ẩm thực với cao lầu, mỳ Quảng, bánh đập, bánh ít, bánh tét, bánh chưng, bánh bao, bánh nậm, đậu hủ... là sản phẩm dân gian bình dị và đặc sắc của xứ Quảng.
Bên cạnh đó, ở các làng quê, phố thị xứ Quảng vẫn duy trì nhiều lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân đó là lễ hội Bà Thu Bồn, lễ Rước cộ Bà Chợ Được, lễ hội cầu ngư miền biển, lễ vía Quan Công, lễ vía Thiên Hậu, lễ cầu bông… Ngoài ra, còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi như Katu, Xơđăng, Giẻ - Triêng, Cor với kiến trúc nhà làng truyền thống, nghề dệt và trang phục, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng, lễ hội, múa tâng tung ya ýa, hát lý, kiến trúc, tạc tượng nhà mồ, nhà gươl;… lễ hội liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng... như lễ ăn mừng lúa mới (cha haroo têmê), lễ kết nghĩa giữa hai làng (cha bhoi), lễ mừng nhà mới.

a. Phong tục, tập quán
Phong tục tập quán là những lề thói, thói quen, giềng mối của cả cá nhân và tập thể trong môi trường xã hội, lâu dần trở thành những quy định khuôn phép, được cộng đồng người công nhận, bảo vệ và gìn giữ. Phong tục tập quán là sự biểu hiện cụ thể của bản sắc dân tộc, phản ánh và bộc lộ những tính chất, tính cách, đường nét, màu sắc, ý thức tâm linh, sự tôn trọng thiêng liêng trước con người và vạn vật hữu linh như trong tập tục hôn nhân, gia đình, sinh đẻ, ma chay, cúng giỗ tổ tiên, tế thần, cầu phước cầu tài, chúc thọ, xuống đồng, chăn nuôi, làm rừng, đi biển, săn bắn, học hành, thi cử, ăn uống, vui chơi, làm nhà, kiêng kỵ… Vì vậy, phong tục tập quán bao giờ cũng ẩn chứa ý nghĩa, mục đích tốt đẹp, hướng thiện; bài trừ, đả phá cái ác, phi nhân phi nghĩa.
Ở Quảng Nam, phong tục tập quán ẩn chứa trong nhiều lĩnh vực như trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp, sinh hoạt gia đình, sinh hoạt tộc họ, sinh hoạt xã hội… Những phong tục, tập quán đó đã tạo thành những nét riêng, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa tín ngưỡng, làm nổi bật đời sống tâm linh của con người xứ Quảng.

b. Lễ hội
Lễ hội ở Quảng Nam cũng hết sức phong phú và đa dạng, gồm các lễ hội của người dân miền núi, miền biển, lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo… Tất cả đều mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; để ngợi ca những bậc tiền nhân; hướng về cội nguồn, truyền thống của dân tộc và thể hiện khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ của con người nơi đây. Đáng chú ý là một số lễ hội tiêu biểu như sau:
- Lễ hội Bà Thu Bồn: Tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch tại dinh Bà Thu Bồn ở xã Duy Tân (Duy Xuyên) nhằm tưởng nhớ Bà Thu Bồn, người đã có công gây dựng nghề nông - ngư nghiệp cho cư dân nơi đây.
- Lễ hội Long Chu: Tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch ở Hội An để trừ ôn, tống dịch.
- Lễ hội Cầu Bông: Tổ chức vào một ngày thuận tiện của mùa xuân hàng năm tại Hội An. Lễ hội có ý nghĩa như một nghi lễ mở mùa cho một năm mới, cầu cho dân được mùa, nhà nhà bình an và thịnh vượng.
- Lễ vía Bà Thiên Hậu: Do người Hoa ở Hội An tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm để cúng Thiên Hậu - vị nữ thần biển của cư dân Trung Hoa.
- Lễ Nguyên tiêu: Tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ cúng đầu năm của hai bang Triều Châu và Quảng Đông của người Hoa ở Hội An.
- Lễ tế cá Ông: Tổ chức vào dịp cầu ngư hàng năm tại các làng chài Hội An nhằm tri ân cá Ông đã cứu giúp người dân đi biển thoát khỏi hoạn nạn.
- Lễ cúng tổ Minh Hải: Tổ chức tại chùa Chúc Thánh (Hội An) vào ngày 07 tháng 11 âm lịch hàng năm. Lễ cúng tổ Minh Hải, người sáng lập ra dòng Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An.
c. Làng và làng nghề truyền thống
Ở Quảng Nam có nhiều làng nghề truyền thống như: làng gốm Thanh Hà (Hội An), làng mộc Kim Bồng (Hội An), làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), làng dệt Mã Châu (Duy Xuyên), làng dâu tằm Đông Yên - Thi Lai (Duy Xuyên), làng dệt chiếu cói Bàn Thạch (Duy Xuyên), làng rau Trà Quế (Hội An), làng trống Lam Yên (Đại Lộc)… Những làng nghề này hiện vẫn đang hoạt động và sản xuất bằng những quy trình kỹ thuật truyền thống.

d. Ẩm thực

- Mỳ Quảng: Từ lâu đã được biết đến như cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam. Mỳ được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mỳ thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua... Nhưng là nhân gì đi nữa thì mỳ Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm.
- Cao lầu: Là món ăn riêng có của Hội An. Sợi cao lầu được cán từ bột gạo ngâm với nước tro, hấp qua 3 lần lửa, nên cứng và có màu vàng tự nhiên. Nhân cao lầu chủ yếu là thịt xá xíu, trộn với ít tép mỡ làm bằng sợi mì chiên dòn ăn với sợi cao lầu, rau sống, xì dầu, tương ớt. Cao lầu ngày càng được nhiều thực khách trong, ngoài nước biết đến.
- Bánh bao - bánh vạc: Là hai loại bánh có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm không quá mặn, không quá nhạt và có hương thơm, vị ngọt của thịt tôm. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo, tôm tươi, muối, tiêu, hành, nấm mèo, giá, lá hành, thịt heo và một vài loại gia vị khác. Do có hình dáng như những đóa hoa hồng nên bánh bao - bánh vạc còn có tên gọi là “white rose” (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở thành phố Hội An.
- Bánh ít lá gai: Được làm từ gạo nếp, đậu xanh, mật đường, lá cây gai, lá chuối, bánh có hình dáng mộc mạc, chân chất như những sản vật miền thôn dã nhưng vẫn hàm chứa cái hương vị rất riêng của vùng đất Quảng Nam. Bánh ít lá gai được bày bán nhiều nhất ở Hội An, ngay trên những khu phố, chợ và trong các nhà hàng, quán ăn.
- Bánh susê (hay còn gọi là bánh phu thê): Bánh có màu vàng nhạt, dẻo, vị ngọt và thơm. Bánh cũng được bao bọc bởi một lớp lá chuối giống như bánh ít lá gai. Là một trong những loại đặc sản được bày bán ở nhiều nơi tại Hội An. 
- Bê thui Cầu Mống: Là đặc sản ẩm thực của vùng đất Quảng Nam đã có từ rất lâu và ngày càng được nhiều thực khách biết đến. Để có được món ngon này, người ta phải thực hiện qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn bò, quay bò, thái thịt đến cách pha chế nước chấm và chọn rau để ăn kèm với bò tái cũng được thực hiện một cách kỹ lưỡng.
- Rượu tavak: Là loại rượu truyền thống của người Katu, có màu trắng đục, vị ngòn ngọt, mát lạnh. Rượu tavak được chế biến từ nước thân cây đoác mọc tự nhiên trong rừng. Cách lấy nước cây đoác là một bí quyết của người Katu không phải ai cũng có thể làm được. Khi đã lấy được nước đoác, người ta chỉ cần bỏ thêm vỏ cây chuồng vào nước cây đoác là đã có ngay một loại rượu tavak uống rất ngon và bổ dưỡng

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 735
Trong tuần: 5186
Lượt truy cập: 1323906

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy