1. Sinh tại Tô Châu (生在蘇州)
Con gái Tô Châu nổi tiếng đẹp, đàn ông trai tráng Trung Quốc "mê" tìm vợ Tô Châu là chuyện tất yếu. Nhưng trong thời hiện tại, qua Tô Châu muốn tìm thấy một người đẹp thật sự chắt cũng ít ỏi lắm, có một lần người dẫn đoàn có nói vui vui rằng ;"Du khách khắp nơi tìm về Tô Châu chỉ để nhìn ngắm các người đẹp như danh truyền thì có thể có một chút tiếc nuối vì hiện nay gái đẹp vùng này chia thành bốn cấp bậc. Bậc "nhất" đã theo chồng định cư tại các quốc gia phồn thịnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… Bậc "hai" theo chồng đến với Hồng Kông, Đài Loan, Macau… Bậc "ba" cũng đã nhanh chân yên bề gia thất tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu… và bậc "tư" còn lưu lại quê hương?" Nếu đây là sự thật cũng là chuyện thường tình, vì không chỉ gái đẹp miền Tô Châu mà tất cả người đẹp thế gian từ cổ chí kim đều có nhu cầu chính đáng cần bến đỗ bình an.
Phong cảnh Tô Châu cũng đẹp lắm, vẻ đẹp của nó là thi hứng cho biết bao nhà thơ TQ mà ta chắc không quên bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế(楓橋夜泊 - 張繼).
Nói vể Tô Châu: "Một thành phố lớn và quý phái... Nó có 1.600 cầu đá mà dưới đó thuyền bè có thể qua lại. - Marco Polo
Kinh đô tơ lụa, Venizia phương Đông, Nôi của nền văn hóa Ngô và Thế giới vườn – các cách nói khác về Tô Châu." (Theo Wikipedia)
2. Trú tại Hàng Châu ( 住在杭州):
Là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, Hàng Châu còn được cho là nơi đáng sống nhất ở Trung Quốc.
Hàng Châu thu hút người dân Trung Quốc và khách thập phương ở vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, có núi phía xa, có những hàng cây ngô đồng cổ thụ chạy dọc theo những con đường trong thành phố, có Tây Hồ rộng lớn, tương truyền do nàng Tây Thi, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, hóa thân thành và vô số những đền đài, cổ tháp hay công trình kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa thời phong kiến. Người ta còn kháo nhau rằng đi 7 ngày 7 đêm mới có thể hết được chu vi hồ.
Tây Hồ (西湖) là điểm tham quan thu hút du khách nhất. Cảnh quan ở đây đẹp đến ngỡ ngàng, dù là mùa đông đi chăng nữa. Bao quanh hồ, hàng liễu rủ mình soi bóng xuống làn nước in màu trời xám bạc; còn những cây anh đào thì đứng trơ cành khô trong gió đông, ý chừng muốn nghỉ ngơi để chờ mùa xuân ấm áp.
Từ giữa đời Đường, nhà thơ Bạch Cư Dị đã tới Hàng Châu làm thứ sứ. Ông đã cho đắp lại đê, xây đập ngăn nước ở Tây Hồ và đắp đường nối liền Đoạn Kiều (cầu Đoạn, bính âm là Dongqiao) với Cô Sơn để thuận tiện cho việc đi bộ. Con đường ấy sau này được gọi là đường Bạch để tưởng nhớ công lao của ông.
Cô Sơn thực chất là một ngọn núi thấp ở phía Tây Bắc của Tây Hồ, bốn bề nước vây quanh. Đây là vị trí lý tưởng để ngắm cảnh Tây Hồ nên ngày xưa, các vua chúa đã cho xây một điện nhỏ ở đây, vừa để nghỉ ngơi ngắm cảnh vào mùa hè, vừa để thiết triều bàn việc nước khi cần thiết. (theo TGVH online)
3. Thực tại Quảng Châu (食在廣州)
Ở Quảng Châu ăn uống cũng là một nghệ thuật, một nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Người Trung Quốc có câu nói nổi tiếng và lưu truyền mãi đến ngày hôm nay đó là " Ăn tại Quảng Châu ", điều này chứng tỏ nền văn hóa ẩm thực của Quảng Châu rất phong phú và đặc sắc. Món ăn Quảng Châu lấy món ăn của Quảng Đông làm chính, lấy tám hệ món ăn của Trung Quốc kết hợp hài hòa với các món ăn ngon trên thế giới. Món ăn Quảng Đông với đặc điểm thanh đạm là chính, rất chú trọng màu sắc, hương vị và hình dạng bề ngoài. Đồng thời, các món ăn đặc sắc của các nước trên thế giới như: Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, món ăn phương tây, Pháp... đã kết hợp hài hòa với nền văn hóa ẩm thực của Quảng Châu.
Người Quảng Châu rất chú trọng về nấu nướng. Ở đây có rất nhiều món ăn, cách ăn khá đa dạng và mới mẻ, thời gian thưởng thức món ăn được dành khá lâu. Người QC rất quan tâm đến bữa ăn sáng, rất nhiều người khi trời vừa hửng sáng đã thức dậy chuẩn bị bữa ăn sáng thật thịnh soạn. Cho nên, tập quán sinh hoạt này của người Quảng Châu đã khiến các món ăn ở đây càng thêm phong phú đa dạng. Các quán ăn ở Quảng Châu nhiều không đếm xuể, mọi con phố hay ngõ hẻm đều có những hàng quán bán đồ ăn. Về món ăn thì phong phú vô cùng, ví dụ như món "Thái da kê" của hiệu Chu Sinh Ký; "Quy linh cao" của Dưỡng Sinh Đường; "Chẻo tôm" của tiệm rượu Phán Khê... đều là những món ăn rẻ tiền nhưng lại rất ngon lành. Phố Tây Quan là nơi tập trung nhiều món ăn nhất của thành phố Quảng Châu, như mì vằn thắn Âu Thành Ký, cháo Ngũ Trạm Ký, các xe nhỏ bán đồ ăn làm từ nội tạng của trâu,bò ở hai bên đường ... nếu bạn đến Quảng Châu thưởng thức món ăn, thì chỉ cần đến đây là trên cơ bản có thể nếm đủ loại món ăn, không cần phải đi đâu thêm nữa.
Trên đường Bảo Hoa là các quán mỳ tuy nhìn không được đẹp mắt lắm nhưng mỳ nầm bò, mỳ móng heo ở đây lại ngon hơn cả trong số các lại mỳ ở Quảng Châu. Các quán ăn, nhà hàng ẩm thực Quảng Châu hiện đứng hàng đầu ở Trung Quốc, gồm có nhiều quán ăn, nhà hàng nổi tiếng đã có lịch sử hàng trăm năm hoặc mới nổi lên với các món ăn truyền thống cũng như các món ăn mới nổi tiếng, các món điểm tâm, món ăn vặt ... Canh Quảng Châu đã trở thành một món ăn mang đậm đà màu sắc văn hóa của người dân bản địa. Quảng Châu đã và luôn giữ được niềm tự hào và danh tiếng của ẩm thực trên mảnh đất xinh đẹp này. (Sưu tầm trên mạng)
4. Tử tại Liễu Châu (死在柳州)
Trong văn hóa của người Trung Hoa, sinh-tử đều quan trọng như nhau. Chết là việc lớn, do vậy việc an táng sau khi chết được coi là quan trọng hàng đầu, và cũng vì vậy nên Liễu Châu được biết đến với những chiếc quan tài tốt nhất. Lại Liễu Sinh, phóng viên Nhật báo Liễu Châu, một người bạn mới quen giảng giải, quan tài sản xuất ở Liễu Châu tốt, trước hết là do chất gỗ tốt, cứng mà lại nhẹ, không sợ mối mọt.
Theo sách “Ngư Phong văn sử” ghi chép, quan tài của Liễu Châu được làm bằng gỗ linh sam mọc trên vách núi cao trong rừng thẳm, có tuổi thọ không dưới 100 năm. Loại gỗ này, thả xuống nước không chìm, chôn trong đất không mục, thơm như gỗ tuyết tùng, lại có màu đồng sẫm. Dùng gỗ này làm quan tài, quét thêm một lớp sơn hoặc dầu bên ngoài, vừa đẹp mà chất lượng không gì địch nổi. Vì cây linh sam có đường kính lớn, toàn thân quan tài chỉ cần dùng một khối gỗ vẹn nguyên.
Sự nổi tiếng của quan tài Liễu Châu cũng gắn liền với Liễu Tông Nguyên. Sách cũ ghi, Liễu Tông Nguyên đến Liễu Châu làm quan, sau này chết thảm nơi đất khách. Cha ông vì thương tiếc con trai, đã đặt làm một chiếc quan tài gỗ chò cực kỳ tinh xảo để mang thi hài con về chôn cất tại quê nhà. Quê Liễu Tông Nguyên tận Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), đường về phải mất vài tháng, tuy vậy khi về tới nơi, mở quan tài ra, thi thể ông vẫn nguyên vẹn, khuôn mặt tươi như khi còn sống, khiến người nhà vô cùng kinh ngạc. Việc này sau được đồn xa, quan tài Liễu Châu càng ngày càng nổi tiếng, những người có của, quan lớn ở nhiều nơi cũng đổ về đây đặt làm hậu sự, nhờ vậy mà có câu “chết ở Liễu Châu”. Sau này, trong các cuốn tiểu thuyết của Kim Dung, Cổ Long đều nhắc đến câu này, khiến người đời càng nhớ lâu. Trong hồi 33 cuốn “Lộc đỉnh ký”, Kim Dung viết: “Liễu Châu có gỗ tốt, quan tài Liễu Châu hàng đầu thiên hạ”.
Ngày nay, dù đã có nhiều thay đổi trong việc an táng, nghề làm quan tài vẫn còn lưu truyền khá phổ biến ở Liễu Châu. Quan tài ngày càng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng đều là gỗ tốt. Những chiếc quan tài Liễu Châu vẽ tranh bách thọ, bách phúc hoặc cửu long không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước Đông Nam Á. Bên cạnh những chiếc quan tài thật, người ta còn sản xuất thành những món đồ trang trí xinh xắn. Chữ “quan tài” được người Liễu Châu đọc lái thành “thăng quan phát tài”, vì thế, mỗi du khách đến thành phố này đều muốn mang về những chiếc quan tài thủ công nho nhỏ và coi đó là vật mang lại may mắn cho mình.