Các cộng đồng dân cư ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh

 

 

 

 

 

 

Do vị trí chiến lược đặc biệt, Sài gòn là nơi hội tụ của nhiều luồng dân cư dân tộc từ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đến định cư sinh sống trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau. Ngoài ra dưới thời Mỹ-Ngụy còn một số lớn binh lính, công nhân viên chức nước ngoài như Mỹ, Pháp, Canada, Úc, Philippines, Đài Loan, Thái Lan... đến Sài Gòn. Do đó cộng đồng dân cư ở Sài Gòn-Gia Định có rất nhiều thành phần khác nhau về địa phương, dân tộc, tôn giáo...

Người Việt ở Sài Gòn: Trong các thành phần dân cư ở Sài Gòn-Gia Định, người Việt chiếm tuyệt đối đa số. Vào những năm 1960, riêng vùng nội thành Sài Gòn có 1.423.500 người Việt trên tổng số 1.800.000 người, chiếm tỉ lệ 77,8%.

 

Người Việt có gốc miền Bắc di cư vào khoảng 33.000 người (năm 1945) cư trú ở các vùng Sài Gòn-Gia Định và Chợ Lớn, trong đó 75% là người công giáo di cư từ các vùng Bắc Ninh, Bùi Chu, Phát Diệm, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh... Số người này tập trung đông nhất ở các quận vành đai Sài Gòn như Tân Bình (chiếm 40% dân số quận và tập trung trong 13 phường), Gò Vấp (10 phường), Phú Nhuận (5 phường), Bình Thạnh (phân bố đều trong các phường)...

 

Người Việt gốc miền Trung di cư vào thành phố từ những năm 1959, 1960 và nhất là từ năm 1963 khi tình hình chính trị, chiến sự trở nên gay gắt ở miền Trung lúc bấy giờ. Ngoài gốc Quảng Nam tập trung ở khu Bảy Hiền, người Bình Định, Thừa Thiên và các tỉnh khác tập trung ở các xóm lao động vùng Cô Giang, Khánh Hội, Bàn Cờ...

 

Người Việt gốc lục tỉnh Nam Bộ như Tây Ninh, Long An, Đồng Nai hay An Xuyên (Bạc Liêu), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Long Xuyên... qua những biến động thời cuộc đã lên thành phố để làm ăn sinh sống.

 

Cộng đồng người Hoa ở Sài gòn: Người Hoa ở Sài gòn có khoảng 400.000 người, chiếm gần 15% dân số toàn thành phố. Sài gòn là nơi tập trung người Hoa đông nhất nước ta. Người Hoa cư trú rải rác trong nhiều quận huyện của thành phố , đông nhất là tập trung sinh sống ở các quận 5 (chiếm khoảng 45% dân số của quận), quận 11 (chiếm khoảng 45% dân số toàn quận) và các quận 10, quận 6, quận Tân Bình. Trong quá trình lịch sử xây dựng và phát triển, bà con người Hoa đã có nhiều đóng góp tích cự, to lớn và có một vị trí kinh tế-xã hội quan trọng của thành phố. Người Hoa, ngày nay là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

 

Người Hoa có mặt ở Sài gòn vào cuối thế kỷ 17. Đó là những lưu dân miền Duyên Hải-Hoa Nam của lục địa Trung Hoa, họ là những nông dân nghèo khổ, binh lính và một số quan lại phong kiến rời bỏ quê hương vượt biển tìm đất mưu sinh. Lý do rời bỏ quê hương của họ là tình trạng nghèo đói, loạn lạc bất yên, do những cuộc chiến tranh, những cuộc thanh trừng, bất phục tùng của các quan lại phong kiến, tri thức... Trên đường lênh đênh lưu lạc về phương Nam, một bộ phận lưu dân người Hoa có dừng chân, lập nghiệp nơi mảnh đất miền Nam Việt Nam, trong đó có khu vực Sài Gòn-Gia Định xa xưa.

 

Người Hoa đến Sài Gòn-Gia Định với nhiều đợt di dân, định cư, mà một trong những đợt đông đảo, khá sớm là nhóm người của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạc Định đến Việt Nam vào năm 1679 cùng với 3.000 người, 50 chiếc thuyền xuất phát từ Quảng Đông. Đoàn người của Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đến Đà Nẵng xin chính quyền phong kiến Việt Nam cho tỵ nạn. Nhà vua Việt Nam đã cho phép những người Hoa này đến cư trú ở miền Nam Việt Nam. Nhóm của Trần Thượng Xuyên chọn đất Trấn Biên (nay là vùng Biên Hòa) để lập nghiệp. Một bộ phận của nhóm Dương Ngạn Địch đến vùng đất Phiên Trấn (sau là vùng Sài Gòn-Gia Định) tổ chức công cuộc định cư lâu dài, thành lập làng Thanh Hà.

 

Năm 1778 nhóm cư dân của làng Thanh Hà chuyển từ vùng Biên Hòa về hợp nhất với bộ phận cư dân người Hoa ở Phiên Trấn lúc này đã lập nên làng Minh Hương. Thành phố Chợ Lớn đã khai sinh từ sự hợp nhất đó và nhanh chóng mở rộng để về sau trở nên thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn. Tên "Chợ Lớn" vốn có từ năm 1801 khi Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng Trấn Gia Định thành, còn người Hoa vẫn quen gọi Chợ Lớn là "Đê Ngạn" (tiếng Quảng Đông là "Tai Ngon"). Những đợt di dân của người Hoa đến vùng Sài Gòn-Chợ Lớn còn tiếp diễn mãi đến năm 1949 là năm chính quyền cách mạng Trung Quốc ở lục địa thành công.

 

Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nhóm ngôn ngữ, chủ yếu gồm các nhóm sau đây: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Hẹ (Hakka). Ngôn ngữ nhóm Hakka khá phức tạp, bao gồm nhiều nhóm nhỏ hơn và có sự dị biệt lớn. Tiếng Quảng Ðông và tiếng Triều Châu được nhiều người Hoa ở thành phố sử dụng và giao tiếp giữa các nhóm. Tiếng Bắc Kinh (phổ thông) cũng được các nhóm sử dụng và được giảng dạy trong nhà trường để cho con em người Hoa học. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã sớm công nhận một bộ phận người Hoa là công dân, các làng Minh Hương và Thanh Hà của người Hoa được hưởng các qui chế như các làng xã Việt Nam, người Minh Hương (người Hoa) cũng được đối xử bình đẳng như mọi thần dân trong vương quốc của nhà Nguyễn. Sự hội nhập của người Hoa vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một tất yếu lịch sử, điều đó là một bảo đảm chắc chắn cho hiện đại cũng như tương lai của đồng bào Hoa ở nước ta.

 

Ở Sài gòn, người Hoa sinh sống bằng nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, nhưng chủ yếu trên hai lĩnh vực: sản suất tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp, dịch vụ. Trên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp của thành phố, người Hoa góp một phần quan trọng trong tổng giá trị sản phẩm, ở một số quận đông người Hoa, từ 50% đến 70% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp thuộc về bà con lao động người Hoa. Hoạt động tiểu thủ công nghiệp của người Hoa ở thành phố rất đa dạng, họ có mặt hầu hết trong các ngành lớn nhỏ, đáng chú ý là có đông người Hoa tham gia ngành cơ khí, hóa nhựa, cao su, thủy tinh, thuộc da và sản phẩm của da, dệt,v.v.. Một số ngành nghề thủ công của người Hoa mang tính truyền thống và sản phẩm của họ được ưa chuộng trên thị trường trong nước cũng như ở nhiều nước như chế biến thực phẩm, hương liệu, đông nam dược v.v...

 

Người Hoa ở Sài gòn cũng rất tài giỏi trên lĩnh vực buôn bán, dịch vụ. Trước ngày giải phóng 30.4.1975, hơn 80 hàng hóa bán lẻ và 60% hàng hóa bán buôn của thành phố do người Hoa đảm trách. Nhiều công ty xuất nhập khẩu lớn thuộc người Hoa quản lý, một số ngân hàng cũng nằm trong tay tư sản người Hoa. Từ sau ngày giải phóng, một số bà con buôn bán, dịch vụ người Hoa đã chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhưng trên mặt trận lưu thông phân phối, dịch vụ, người Hoa vẫn còn nhiều ưu thế. Trong sản xuất và kinh doanh, người Hoa có một đội ngũ thợ chuyên môn tay nghề giỏi, tiếp cận kỹ thuật và thị trường thế giới nhanh chóng, linh hoạt. Giữ chữ "tín" trong quan hệ sản xuất, buôn bán là một đặc điểm và truyền thống của người Hoa.

 

Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người Hoa ở Sài gòn rất phong phú. Văn hóa của người Hoa là sự kết hợp giữa những nét truyền thống và được phát triển trong quá trình hội nhập của người Hoa vào Việt Nam, là sự giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam. Nếp sống của bà con lao động người Hoa tương đối giản dị, chất phác, bà con còn bảo lưu nhiều tập tục, tín ngưỡng dân gian. Hàng năm vào các ngày tết cổ truyền như tết Nguyên Ðán, Nguyên Tiêu, Ðoan Ngọ, Trung Thu... bà con người Hoa thường tổ chức những cuộc vui hội lễ tưng bừng náo nhiệt. Nhà ở, chùa chiền, đình, miếu... được treo đèn kết hoa, dán đầy các mảnh giấy màu đỏ với dòng chữ chúc mừng hạnh phúc, bình yên, may mắn. Sân khấu hát Tiều, hát Quảng, múa Lân, múa Rồng, Sư tử... là những hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của nghệ sĩ và quần chúng người Hoa.

 

Trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp-Mỹ vừa qua, bà con người Hoa đã có nhiều hy sinh cống hiến to lớn vì sự nghiệp độc lập tự do của đất nước và thành phố. Những tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ người Hoa như Trần Bội Cơ, Hàn Hải Nguyên, Lý Phong... còn sống mãi trong lòng nhân dân thành phố và dân tộc Việt Nam. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bà con người Hoa tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tích cực lao động và hăng hái sản xuất, đạt nhiều thành tựu lớn lao, góp phần vì một Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp...

 

Các dân tộc khác: Ngoài ra, trước năm 1975, ở thành phố Sài Gòn còn có khoảng 32.000 viên chức nước ngoài, 9.713 công nhân Mỹ và 5.612 công nhân Philippines, Nam Triều Tiên, Nhật, Pháp... Sài gòn còn có nhiều dân tộc anh em cư trú, ngoài người Hoa còn có người Khmer-6.260 người, người Chăm-1.810 người. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các dân tộc ít người miền Bắc di cư như: Tày (579 người), Mường (108), Nùng (5.812), Thái (196), Mèo (1), Hán (198), Cao Lan (3), Sán Dìu (5), Thổ (142), Mán (1)... và các dân tộc vùng Trường Sa Tây Nguyên như Gia Lai (10 người), Ê đê (18), Bana (7), Xơ Đăng (1), Stiêng (2), Vân Kiều (4), Churu (2).

 

 

 

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 719
Trong tuần: 5216
Lượt truy cập: 1358198

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy