Chùa Vĩnh Tràng là một danh thắng của tỉnh Tiền Giang, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa tọa lạc ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho nên khá thuận tiện cho việc tham quan
Chùa Vĩnh Tràng là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, đến nay đã được 2 thế kỷ.
Nét đặc sắc của ngôi cổ tự này chính là ở kiến trúc. Có lẽ kiến trúc chùa không giống bất kỳ ngôi chùa nào ở Việt Nam. Không giống chùa Việt, không giống chùa Khmer, cũng không giống chùa Tàu. Đó là một sự pha trôn kiến trúc Á - Âu. Âu thì có nét kiến trúc của Pháp, Ý, Á thì pha trôn giữa Việt, Miên, Thái và cả Trung Hòa, Chàm nữa. Chính vì thế việc chiêm ngưỡng ngôi chùa rất thú vị. Kiến trúc như hiện nay được thực hiện vào năm 1907.
Gần đây người ta cho xây dựng bên phải chùa một pho tượng Phật Di Lặc thật to. Phía trước chùa xây tượng Phật Thích Ca, trong một công viên gọi là công viên Vĩnh Tràng.
Xây tượng Phật trong khuôn viên chùa và gần khuôn viên chùa là điều hợp lý - và điêu khắc của 2 tượng này cũng khá đẹp. Đây là nơi phật tử cũng như nhiều người dân thường lui tới để tỏ lòng thành kính và thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Tuy nhiên, dường như nét điêu khắc cũng như kích thước của pho tượng Phật Di Lặc có gì đó không khớp với ngôi chùa cổ. Thí dụ, bạn hãy xem bức ảnh chụp ở góc nhìn này:
Tên thường gọi: Chùa Vĩnh Tràng
Chùa tọa lạc ở đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. ĐT: 073.873427. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa vốn là một thảo am do ông Tri huyện Bùi Công Đạt xây cất vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Tràng. Kế vị trụ trì là Hòa thượng Thích Thiện Đề. Khi ngài viên tịch, ngôi chùa hương tàn khói lạnh.
Năm 1890, bổn đạo đến chùa sắc tứ Linh Thứu thỉnh Hòa thượng Quảng Ân – Chánh Hậu về trụ trì. Năm 1895, ngài đã tổ chức xây lại ngôi chùa. Chùa lại bị hư hỏng nặng vì trận bão năm 1904. Từ năm 1907 đến năm 1911, ngài đã khuyến giáo tín đồ đóng góp công của đại trùng tu ngôi chùa và mời điêu khắc gia Tài công Nguyên đảm nhận phần trang trí và tạc các tượng thờ trong chùa.
Hòa thượng Chánh Hậu gốc người Minh Hương, sinh năm 1852 tại làng Điều Hòa, tỉnh Định Tường (cũ). Năm 1876, ngài quy y thọ giới với Hòa thượng Thích Minh Phước tại chùa Bửu Lâm. Ngài đã được cử làm Thủ tọa chùa sắc tứ Linh Thứu từ năm 1880, trụ trì chùa Vĩnh Tràng từ năm 1890, và đã thường xuyên mở các lớp gia giáo để đào tạo tăng tài. Ngài viên tịch vào năm 1923. Hòa thượng Tâm Liễu – An Lạc (tức HT. Minh Đàng, thế danh Lê Ngọc Xuyên) kế tục, cho xây cổng tam quan, mặt tiền, chánh điện và nhà tổ.
Cổng giữa của tam quan làm bằng sắt theo kiểu Pháp. Hai cổng hai bên làm bằng xi măng, dạng cổ lầu, được ghép toàn mảnh sành sứ với nhiều đề tài bông hoa, thú vật, truyện tích… do thợ Huế làm, trong đặt tượng chân dung HT. Chánh Hậu và HT. Minh Đàng do nhà điêu khắc Nguyễn Phi Hoanh thực hiện vào năm 1933.
Chùa rộng khoảng 2 hecta. Trước có sân kiểng và tượng đức Phật Thích Ca tham thiền dưới cội bồ đề. Bên phải có ao sen, tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên có nhiều ngôi tháp cổ của các vị Hòa thượng tiền bối, phía sau có hội trường và phòng phát hành kinh sách. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều cây cao bóng mát và vườn cây ăn trái.
Mặt tiền chùa được xây bằng bê tông nửa Á nửa Âu. Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2002) cho biết đây là môtíp La Mã xen với môtíp Phục Hưng, bông sắt Ấn Độ, gạch men Nhật Bản. Những câu chữ Hán viết theo thể truyện xen với những câu niệm Phật chữ quốc ngữ. Đứng xa trông vào nóc chùa mường tượng như năm tháp Ăngkor.
Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Tượng Phật Trung Tôn, bộ tượng Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí), tượng Đản sanh, tượng Di Lặc và tượng Thất Phật Dược Sư được tôn trí ở án giữa. Hai bên án thờ có tượng hai vị Hộ Pháp, tượng chân dung Hòa thượng Chánh Hậu và Hòa thượng Minh Đàng. Chùa còn đặt thờ nhiều tượng như Quan Âm, Địa Tạng, Ngọc Hoàng, Minh Vương… Đặc biệt, hai bên vách có thờ bộ Thập bát La Hán, mỗi tượng cao khoảng 0,80m, cỡi trên các con thú như trâu, ngựa, lạc đà,… là những tác phẩm tượng tròn độc đáo của Nam Bộ.
Chùa có nhiều bao lam và hoành phi, câu đối. Các bao lam ở đây được chạm trổ công phu, như bộ bao lam Bát tiên kỵ thú đặt ở gian giữa.
Theo sách Phật giáo Tiền Giang – Lược sử và những ngôi chùa (HT Thích Huệ Thông, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2002), chùa là ngôi tổ đình của dòng Lâm Tế – Trí Huệ. Năm 1987, Hòa thượng Trí Long, đời 41, trụ trì chùa từ năm 1955 đến năm 1987 viên tịch. Do không có người thừa kế nên Nhà nước giao cho Tỉnh hội Phật giáo quản lý và đặt văn phòng làm việc của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Từ năm 1987, Tỉnh hội bầu Ban trụ trì theo nhiệm kỳ. Các vị trụ trì qua các nhiệm kỳ là: Hòa thượng Thích Bửu Thông, Thượng tọa Thích Hoằng Từ, Hòa thượng Thích Hoằng Thông, Hòa thượng Thích Nhựt Long và hiện nay là Thượng tọa Thích Huệ Minh.
Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Vĩnh Tràng là ngôi cổ tự danh tiếng bậc nhất ở miền Nam.
"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích " |
Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy