CUỘC KHỞI NGHĨA BẤT THÀNH CỦA VUA DUY TÂN

CUỘC KHỞI NGHĨA BẤT THÀNH CỦA VUA DUY TÂN

Trong lịch sử thời Pháp thuộc, có hai vị vua đã trực tiếp tổ chức kháng Pháp là Hàm Nghi Duy Tân. Trong vụ binh biến đêm 4 rạng 5 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi còn quá nhỏ, mới 13 tuổi, việc quyết định hành động và tổ chức đánh úp quân Pháp tại Huế nằm hoàn toàn trong tay Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết. Chỉ trong những năm về sau, khi lặn lội giữa vùng rừng núi Quảng Bình, nhà vua mới trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến Cần vương. Với vua Duy Tân thì khác. Ông là người đứng lên cùng các nhân sĩ yêu nước tổ chức lật đổ chính quyền Pháp bằng vũ lực ngay từ những phút ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Tiếc là cuộc khởi nghĩa đó bị Pháp dìm từ trong trứng nước và vua Duy Tân đã trả giá cho hành động anh hùng này bằng bản án lưu đày cho đến ngày nhắm mắt.

vua_duy_tan
Năm 1916 mở đầu bằng những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Nam kỳ, với một trong những mục đích chính là phá khám lớn Sài Gòn, giải thoát cho Phan Phát Sanh, tức “hoàng đế” Phan Xích Long cùng nhiều tù nhân khác. Tại nhiều nơi, người dân chống lại các cuộc mộ quân của Pháp nhằm đưa thanh niên Việt Nam sang tham chiến tại châu Âu. Ba giờ sáng ngày 15.2.1916, khoảng 300 thường dân trang bị gươm giáo, dùng ghe di chuyển vào cửa sông Sài Gòn. Họ chia thành ba nhóm, hướng về trung tâm Sài Gòn. Nhóm đầu tấn công một chiếc ô tô của Pháp, làm bị thương một người ngồi trong xe, sau đó đụng độ với một toán cảnh sát và hi sinh hai người. Cuộc tấn công khám lớn không mang lại kết quả mong muốn. Lực lượng bảo vệ khám dùng súng bắn hàng loạt vào người biểu tình, làm bị thương 3 người, khiến đám đông trở nên hỗn loạn phải rút lui. Khoảng 60 người hướng về Chợ Lớn, đụng phải đám lính tuần tra của trung úy Vermeren, lại có thêm 4 người thiệt mạng nữa. Về sau, một số người tham gia cuộc biểu tình này bị bắt và nhận lãnh những bản án nặng nề của thực dân Pháp. Lúc đó, nhà cách mạng Trần Cao Vân, từng bị 5 năm tù đày ở Côn Đảo (1908-1913), đang có mặt ở Huế. Ông cùng một số đồng chí bàn bạc kế hoạch đánh đổ thực dân Pháp. Trong một buổi họp đông đủ, họ thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, với những ý kiến không phải lúc nào cũng đồng nhất. Nhưng có một điều họ rất nhất trí, đó là rước vua Duy Tân giữ vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa để có sức lôi cuốn quần chúng. Năm ấy, vì vua yêu nước đã 17 tuổi. Sau 9 năm ngồi trên ngai vàng, ông nhìn thấy hết những cảnh đau lòng của một nước thuộc địa, ở đó những đồng bào của ông luôn bị áp bức, bóc lột. Bên cạnh một bầy tôi an phận ở kinh thành, làm ngơ trước những kêu đòi của dân tộc, nhà vua thường sống trong một tâm trạng phiền muộn, u uất. Đầu năm 1916, được biết thực dân Pháp đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc đại chiến thế giới, ông cho rằng đây là cơ hội tốt để lật ngược thế cờ, ít ra cũng buộc người Pháp phải có những nhượng bộ cần thiết. Ông triệu tập các thượng thư, ra lệnh cho họ thảo một văn thư gửi Khâm sứ Pháp tại Huế, thông báo việc cử Lễ bộ Thượng thư cùng một thượng thư trong hoàng tộc sang Pháp yêu cầu chính phủ Pháp xét lại các hòa ước đã ký. Các ông thượng thư đớn hèn chẳng những tìm cách thoái thác trách nhiệm được giao mà còn đem chuyện đó tâu lên bà thái hậu khiến nhà vua bị mẹ rầy la thậm tệ. Lễ bộ thượng thư Huỳnh Côn còn bày tỏ một quan điểm khá đặc biệt trong hồi ký của mình: ”Tôi không giấu các bạn đồng liêu ý kiến nên đề nghị nhà vua thoái vị nếu ngài vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những ý định như thế” (tạp chí Revue Indochinoise).


Tình trạng bị cô lập của vua Duy Tân được nhóm Trần Cao Vân nắm rõ. Họ quyết định thực hiện kế hoạch tiếp cận ông hầu mưu đồ đại sự. Để tránh những con mắt rình mò của mật thám Pháp cùng sự ngăn trở của các đại thần, họ tiến hành từng bước một. Trước tiên, họ bỏ tiền ra vận động cho viên tài xế của nhà vua xin nghỉ việc, rồi sau đó tìm cách cài một hội viên ưu tú của Việt Nam Quang phục hội là Phạm Hữu Khánh vào thay chỗ viên tài xế. Khánh khéo léo thu phục cảm tình của vua Duy Tân, ngày nọ trao cho ông một phong thư của Trần Cao Vân, kể lể nỗi đau nước mất nhà tan, sự bất lực của triều đình, trong đó có câu:
Phụ hoàng hoàng đế hà tội kiến thiên?


Dực Tôn tôn lăng hà cớ kiến quật?


(Vua cha của hoàng thượng vì cớ gì mà phải đi đày? Lăng mộ vua Tự Đức vì cớ gì mà bị khai quật?). Vế trên nhắc đến trường hợp cựu hoàng Thành Thái, thân phụ vua Duy Tân đã bị giam lỏng tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) từ năm 1907; về dưới nhắc chuyện Khâm sứ Pháp Mahé đã đào phá khu vực Khiêm Lăng của vua Tự Đức để tìm kho báu, một việc làm mà vua Duy Tân không được biết trước.


Ít lâu sau, với sự hỗ trợ của Phạm Hữu Khánh, Trần Cao Vân và Thái Phiên giả làm người câu cá, lẻn vào Hậu hồ để gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch khởi nghĩa. Hình ảnh những ngư ông bất đắc dĩ đó đã làm xúc động lòng người, về sau một nhà thơ nổi tiếng miền sông Hương núi Ngự là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã theo đó mà sáng tác những câu hò mái nhì bất hủ:


Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non…


Trong những lần gặp gỡ ấy, Trần Cao Vân và Thái Phiên tâu trình nhà vua tình hình chung cùng tiến trình chuẩn bị khởi nghĩa. Vua Duy Tân tán đồng kế hoạch của các nhà cách mạng, nhận lời làm minh chủ và ban mật dụ cho cuộc khởi nghĩa. Về ngày giờ khởi nghĩa, lúc đầu tính khởi sự vào giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ (có lẽ cho dễ nhớ), tức ngày 8.6.1916. Do đó, cụ Trần Cao Vân đã làm một bài thơ có dụng ý nhắc nhở các đồng chí:


Một mối xa thư đã biết chưa?
Bắc Nam hai ngả gặp nhau vừa.
Đường rày đã sẵn thang mây bước,
Ống khói càng cao ngọn gió đưa.
Sấm dậy tư bề trăm mái chuyển,
Phút thâu muôn dặm một giờ trưa.
Trời sai ra dọn xong từ đấy,
Một mối xa thư đã biết chưa?


Theo sự giải thích của các nhà nho, cụm từ “một giờ trưa” (có bản ghi là “nửa giờ trưa”) trong bài thơ có ý ám chỉ giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ, là thời điểm khởi nghĩa để mọi người không quên.


Tuy nhiên, ở kinh thành lúc bấy giờ có một đội lính mộ cả ngàn người đang hướng về cuộc khởi nghĩa mà lại sắp xuống tàu sang Pháp nên vua Duy Tân muốn tiến hành sớm hơn để họ có dịp tham gia. Do đó, ông quyết định khởi nghĩa vào ngày 3.5.1916, sớm hơn dự định của nhóm Trần Cao Vân hơn một tháng. Dù vậy, kế hoạch khởi nghĩa cũng được bàn soạn kỹ lưỡng, khởi phát từ Huế rồi lan đến các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, chiếm giữ cửa bể Đà Nẵng để mở đường giao thông với Đức. Mỗi nhà cách mạng nhận trách nhiệm lãnh đạo việc đánh chiếm một tỉnh, riêng Trần Cao Vân và Thái Phiên thì lo việc đưa vua Duy Tân ra khỏi kinh thành tạm thời để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, khi kế hoạch chưa thực sự tiến hành thì tin tức đã bị lọt ra ngoài và đến tai viên Khâm sứ Charles. Viên chức này bề ngoài làm ra vẻ không biết gì, nhưng ra mật lệnh cho công sứ các tỉnh phòng bị nghiêm nhặt, và nếu cần thì tạm thời giải giới các đội lính An Nam. Trong thời gian đó, nếu tinh mắt, người ta sẽ thấy không khí ở các tỉnh trầm lắng hẳn, các đơn vị đi tuần tiễu chỉ còn có lính Pháp, không thấy lính An Nam đâu cả. Hiện tượng này làm chột dạ các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh, song do bộ phận đầu não tại Huế không phổ biến lệnh nào khác nên họ vẫn theo kế hoạch định sẵn. 


Tại triều đình, vua Duy Tân vẫn chưa hay biết gì về sự bại lộ của kế hoạch khởi nghĩa. 11 giờ đêm 3.5.1916, ông cải trang làm một thường dân, đi chân đất, đầu chít khăn đen, mặc áo ngắn màu đỏ sẫm, quần trắng, mang theo ấn tín cùng thanh kiếm báu của vua Gia Long truyền lại, cùng hai hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu lén ra khỏi hoàng thành. Theo kế hoạch đã định, đêm đó Trần Cao Vân và Thái Phiên sẽ chờ nhà vua trên một chiếc thuyền đậu ở bến Thương Bạc. 


Khi chưa đến nơi hẹn, vua Duy Tân đã chạm mặt với Trần Quang Trứ, còn gọi là Phán Trứ, làm việc tại tòa Công sứ Thừa Thiên. Tuy ông đã cải trang, song viên chức này nhận ngay ra nhà vua. Vốn đã nghe tin đồn về cuộc khởi nghĩa, lại thấy nhà vua cải trang ra khỏi hoàng thành trong đêm hôm khuya khoắt, Phán Trứ vội xuống đò qua sông, chạy đến tòa Khâm sứ để cấp báo. Hành động này về sau được một số người cho rằng do Trứ sợ bị liên lụy nếu một mai cuộc khởi nghĩa thất bại, song phần đông cho rằng y muốn lập công với Pháp để mưu cầu danh lợi. Các viên chức Pháp tuy có nghe tin về cuộc khởi nghĩa, song sự trực tiếp tham gia của vua Duy Tân khiến họ khá bất ngờ. Nghe Trứ báo đã gặp nhà vua ở gần sông Hương, khâm sứ Charles tỏ ý không tin, vì chiều hôm đó, vua Duy Tân còn dặn quan giáo đạo người Pháp là Eberhardt sáng hôm sau vào cung cùng bác sĩ Gaide. Viên đổng lý văn phòng tòa khâm sứ là Le Fol vội chạy sang hoàng cung thì mới biết là nhà vua không còn ở đó nữa (có tài liệu ghi là khâm sứ Charles đích thân đi). 


Hay tin trên, thượng thư lục bộ và các hoàng thân quốc thích ngỡ ngàng nhìn nhau, không ai ngờ nhà vua đã ra khỏi kinh thành vào giữa đêm. Khâm sứ Charles vội tung quân đi các nơi tìm kiếm nhà vua, đồng thời áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như cấm trại lính An Nam, bắt giữ những ai đi đường có vẻ khả nghi. Khi đó, nhà vua cùng hai nhân sĩ cách mạng đang ở trong một chiếc thuyền xuôi dòng sông Hương, nghe chộn rộn, biết là cơ mưu có thể đã bại lộ, vội xuôi thuyền về Hà Trung, dự định đến Quảng Nam, Quảng Ngãi để tổ chức kháng chiến hoặc đưa vua Duy Tân ra ngoài nước. Trong cuộc hành trình, họ dừng thuyền tạm nghỉ tại một ngôi chùa bên núi Ngũ Phong. Sáng ngày 6.5, nhà vua cùng bầy tôi dậy sớm, định tiếp tục cuộc hành trình thì lực lượng truy đuổi do Le Fol chỉ huy đã ập đến. Biết là có biến, vua Duy Tân vẫn giữ thái độ bình thản. Le Fol đến gần ông, cất nón chào và nói với ông bằng tiếng Pháp:


Thế nào, hoàng thượng ngự giá đến đây là hết rồi chứ?
Nhà vua nhún vai, trả lởi, cũng bằng tiếng Pháp:
- Các ông chả hiểu được đâu
Ngay lúc đó, Trần Quang Trứ có mặt trong toán quân Pháp, đến ra mắt nhà vua. Ông nghe nói nhiều về con người này nên lạnh lùng nói với y:
- Ta nhớ mặt mi, đồ phản quốc!


Rồi ông ngoảnh mặt đi một cách khinh bỉ. Viên chánh mật thám Sogny (cũng là một trong những cây bút chủ lực của Tập san Đô thành Hiếu cổ - BAVH) trông thấy bên trong áo nhà vua có một vật gì nổi cộm, nghi ngờ ông có giắt theo súng nên cung kính hỏi ông về điều này. Vua Duy Tân cười nhạt, móc túi áo trong đưa cho y xem, hóa ra đó là hai chiếc ấn vàng. Le Fol vội sai người chạy đi tìm một chiếc kiệu và một cây lọng để rước nhà vua đến chiếc ô tô đang đỗ trên một con đường cái dưới chân đồi. Ông từ chối lên kiệu, lủi thủi đi bộ xuống đồi.


10 giờ sáng, xe đưa vua Duy Tân đến tòa Khâm sứ Huế. Khâm sứ Charles đã chờ sẵn. Ông ta cất lởi chào nhà vua và lên tiếng trước:


- Bệ hạ bằng lòng với cuộc du ngoạn chứ?
Vua Duy Tân trả lời sẵng, cũng bằng tiếng Pháp:
- Không, bởi vì nó đã thất bại
Từ đó, ông không nói thêm một lời nào cả.
(Theo Phổ thông Tập chí năm 1952 và Văn hóa Nguyệt san số 54 – Sài Gòn 1960)


Sau khi gặp khâm sứ Charles, vua Duy Tân bị giam lỏng tại đồn Mang Cá của Pháp để chờ triều đình Huế - theo chỉ thị của thực dân Pháp – công bố bản án kết tội ông. Người được giao trực tiếp nhiệm vụ này là Thượng thư Học bộ Hồ Đắc Trung. Về phần Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu, cả bốn người bị bắt giam vào ngục Thừa Thiên. Khi được tin ông Hồ Đắc Trung, một người quen biết và có thiện cảm với mình được giao soạn thảo bản án kết tội vua Duy Tân, cụ Trần Cao Vân dùng loại giấy quyến (để vấn thuốc hút) viết gửi cho ông Trung một lá thư nhận hết trách nhiệm về mình và khẩn thiết xin cứu lấy nhà vua. Cuối thư cụ ghi hai câu đối:


Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt
Trời còn đó, Đất còn đó, Xã tắc sơn hà còn đó, Mong cho thánh thượng sinh toàn.
Cụ còn làm một bài thơ đọc trong ngục Thừa Thiên vào những ngày chờ ra pháp trường:


“ … Người thù non nước còn đây,
Trời xanh với tấm lòng này tương tri,
Anh hùng thành bại sá gì,
Nghìn thu lịch sử còn ghi lại đời… “
(Hành Sơn dịch nôm)


Sáng ngày 17.5.1916, cụ Trần Cao Vân cùng ba đồng chí: Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị đưa ra pháp trường làng An Hòa chịu án trảm quyết.


Cuộc sống và cái chết anh hùng của họ là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sinh sau noi theo. Dù sao, thượng thư Hồ Đắc Trung cũng còn chút nghĩa trung quân khi đổ hết tội cho Trần Cao Vân, cũng là thể theo ý nguyện của cụ Trần.
Ngày 3.11.1916, cuộc lưu đày biệt xứ của vua Duy Tân cùng vua cha là cựu hoàng Thành Thái và toàn gia quyến khởi sự từ Cap Saint-Jacques, sau 17 ngày thì đến hòn đảo Réunion. Cuộc đời của vì vua yêu nước giở sang một chương mới.

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 733
Trong tuần: 5365
Lượt truy cập: 1359602

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy