Đại Việt- Chiến tranh 2 đàng Trịnh - Nguyễn

trinh_nguyen_16_38_54_418

Đại Việt

Thời kỳ phân liệt - Trịnh - Nguyễn (1600 - 1777)

Họ Trịnh:

  • Trịnh Tùng : 1570 - 1623
  • Trịnh Tráng: 1623 - 1657
  • Trịnh Tạc: 1657 - 1682
  • Trịnh Căn: 1682 - 1709
  • Trịnh Cương: 1709 - 1729
  • Trịnh Giang: 1729 - 1740
  • Trịnh Doanh: 1740 - 1767
  • Trịnh Sâm: 1767 - 1782
  • Trịnh Cán: 1782 - 1783
  • Trịnh Khải: 1783-1786

Họ Nguyễn:

  • Nguyễn Hoàng: 1600 - 1613
  • Nguyễn Phúc Nguyên: 1613 - 1635
  • Nguyễn Phúc Lan: 1635-1648
  • Nguyễn Phúc Tần: 1648-1687
  • Nguyễn Phúc Trăn: 1687-1691
  • Nguyễn Phúc Chu: 1691-1725
  • Nguyễn Phúc Trú: 1725-1738
  • Nguyễn Phúc Khoát: 1738-1765
  • Nguyễn Phúc Thuần: 1765-1777.

I. Quá trình phân ly hai đàng

Trong lúc họ Trịnh loay hoay tập trung sức lực hòng tiêu diệt họ Mạc thì một thế lực khác nổi lên và lần lần tách ly khỏi quỹ đạo của họ Trịnh. Đó là họ Nguyễn, mà khởi đầu là Nguyễn Hoàng, con của Nguyễn Kim.

Sau khi Nguyễn Kim bị hại chết, quyền hành đều ở trong tay của Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm nắm hết quyền lãnh đạo nhưng vẫn lo sợ các con của Nguyễn Kim tranh giành nên đã giết người con lớn của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông, Người con khác của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng giả bị bệnh tâm thần để tránh nguy hiểm và cho người đến hỏi kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạnh Trình trả lời: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời). Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị là Ngọc Bảo xin cùng Trịnh Kiểm cho ông vào trấn đất Thuận Hóa.

Năm 1558 Nguyễn Hoàng được phép vào Nam, bèn đem theo họ hàng của mình cùng nhiều quân sĩ, nhân tài gốc Thanh Nghệ. Ông đóng tại xã ái Tử, huyện Vủ Xương, thành lập bộ máy hành chính trên vùng đất mới và tập trung vào việc khai phá đất đai. Công việc của ông đạt được nhiều kết quả. Năm 1569, ông được vua Lê cho trấn nhậm luôn cả đất Quảng Nam.

Sau khi Trịnh Tùng đuổi được họ Mạc lên Mạn Bắc và đưa vua Lê về thành Thăng Long vào năm 1592, Nguyễn Hoàng ra chầu vua và ở lại đấy trong tám năm để giúp Trịnh Tùng đánh họ Mạc. Ông đã đánh thắng nhiều trận to ở Sơn Nam, Hải Dương, Võ Nhai... hai lần hộ giá vua Lê đến Nam Quan hội kiến cùng sứ nhà Minh.

Vào năm 1600, biết Trịnh Tùng không tin tưởng mình, nhân cớ đi dẹp loạn, Nguyễn Hoàng đem binh tướng thẳng về Nam và ở lại đấy luôn. Nguyễn Hoàng vẫn giữ hòa khí với Trịnh Tùng, đem con gái là Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng, con của Trịnh Tùng. Đồng thời, Nguyễn Hoàng ra sức xây dựng cơ đồ, chú trọng đặc biệt đến việc phát triển nông nghiệp và trọng dụng nhân tài. Theo sách sử cũ thì ông là người khoan hòa và công bằng, được dân hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam yêu mến. Cuộc sống của dân chúng ở đấy tương đối sung túc và bình yên, chợ không hai giá, nhiều năm được mùa.

Nguyễn Hoàng là người mộ đạo Phật. Ông cho xây dựng nhiều chùa, trong đó có chùa Thiên Mụ xây cất vào năm 1601.

Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, người con thứ sáu là Nguyễn phúc Nguyên lên nối nghiệp, được gọi là chúa Sãi.

Chúa Sãi có nhiều nhân tài giúp sức như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ. Đào Duy Từ lập đồn Trường Dục ở huyện Phong Lộc (Quảng Bình) và xây một cái lũy dài ở cửa Nhật Lệ (Đồng Hới). Lũy này vẫn thường được gọi là lũy Thầy. Sau khi có được đồn lũy che chở, chúa Sãi ra mặt không phục tùng họ Trịnh nữa và cho tướng ra lấn đất cho đến phía Nam sông Gianh.

Từ đó hai bên đánh nhau. Đại Việt bị chia làm hai, phía Bắc từ sông Gianh trở ra thuộc về chúa Trịnh, được gọi là Đàng Ngoài. Phía Nam từ sông Gianh trở vào thuộc quyền họ Nguyễn. Trên danh nghĩa, cả hai họ Trịnh Nguyễn vẫn tôn xưng vua Lê, nhưng ở Đàng Ngoài, quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh, còn ở Đàng Trong, sau nhiều lần muốn thụ phong An Nam quốc vương không thành thì đến năm 1744 Nguyễn Phúc Khoát tự xưng vương.

Hai Nhà Trịnh Nguyễn đánh nhau bảy lần từ 1627 đến 1672 bất phân thắng bại. Thấy không thể áp đảo được nhau, cuối cùng cả hai lấy sông Gianh làm giới hạn. Từ đấy dân chúng không thể vượt qua sông Gianh để buôn bán với nhau nữa.

II. Các vấn đề chính trị - kinh tế

1. Đàng Ngoài

a. Vấn đề nhà Mạc

Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài dù đã đành đuổi được họ Mạc ra khỏi Thăng Long nhưng không tiêu diệt được lực lượng này mà cuối cùng phải chấp nhận cho họ Mạc hùng cứ ở đất Cao Bằng. Họ Mạc thỉnh thoảng lại đem quân quấy nhiễu làm cho quân Trịnh phải vất vả đi đánh dẹp.

Bấy giờ ở Trung Hoa, nhà Thanh đuổi được nhà Minh để chiếm ngôi Hoàng Đế (1644). Họ Mạc lại cũng nhận được sự ủng hộ của triều đình này. Nhờ thế kể từ khi Mạc Mởu Hợp bị Trịnh Tùng bắt giết đi, họ Mạc truyền đến được ba đời nữa là Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ. Về sau, họ Mạc theo Ngô Tam Quế, một phản thần của nhà Thanh cai trị Vân Nam và Quảng Tây. Sau khi Ngô Tam Quế chết, họ Trịnh liền cho quân tấn công Cao Bằng (1667), Mạc Kính Vũ cùng tùy tùng chạy sang đất Trung Hoa, nhưng bị nhà Thanh bắt và đem trao cho họ Trịnh. Từ đó mới dứt hẳn nhà Mạc.

b. Tổ chức cai trị đàng Ngoài

Vua Lê được tôn xưng nhưng thực chất chỉ làm vì mà thôi. Bao nhiêu quyền hành đều ở trong tay chúa Trịnh cả. Phía vua Lê vẫn được gọi là Triều đình còn phủ chúa Trịnh thì gọi là Phủ Liêu. Mọi quyết định đều từ Phủ Liêu mà ra, thậm chí bổng lộc và việc thế tập của vua cũng do Phủ Liêu quyết định. Chúa Trịnh lại hay lập các vua trẻ con, phần lớn được nuôi dưỡng trong phủ chúa cho dễ điều khiển. Chúa Trịnh còn tự quyền phế lập các vua nữa. Vua nào chống đối sự chuyên quyền của họ Trịnh đều bị giết hại như Lê Anh Tông (1573), Lê Kính Tông (1619), Lê Duy Phương (1732)

Trong bộ máy quan chức của họ Trịnh, ngoài quan văn và quan võ, còn có thêm quan giám. Quan giám được chúa Trịnh tin dùng và cho tham dự vào việc chính trị. Đó là điểm khác biệt của đời chúa Trịnh so với các triều trước. Việc này được duy trì cho đến đời Trịnh Doanh thì bỏ (1740).

Quan lại được tuyển lựa qua các kỳ thi văn, võ, hoặc được tiến cử. Cứ vài năm, Phủ Liêu lại tổ chức một lần khảo hạch khả năng của các quan. Ai không đạt thì bị truất chức. Để tránh việc ức hiếp, tham nhũng của quan lại, chúa Trịnh cấm các quan không được lập trang trại tại địa phương cai trị của mình. Tuy thế, về sau luật lệ của chúa không còn nghiêm minh nữa. Tệ nạn mua quan bán tước bắt đầu từ thời Trịnh Giang và cứ bành trướng lên mãi. Từ đó, hễ có tiền là có thể làm quan, không cần thông qua học vấn.

c. Về kinh tế

Nông nghiệp: Dưới thời này, ruộng đất công ngày càng bị thu hẹp, còn ruộng đất tư ngày càng phát triển. Chiến tranh, nạn cường hào làm cho nông dân xiêu tán, để đất lại cho cường hào chiếm đoạt. Các trang trại do các nhà quyền thế mua rẻ lại của nông dân được thành lập và lấn chiếm đất công. Vì ruộng đất công không còn nhiều nên phép lộc điền cũng không thực hiện được. Nhà nước chỉ ban rất ít đất cho một số quan lại hạn chế. Các quan tại chức được ấp tiền gạo thu của dân chứ không có lộc điền.

Sản xuất nông nghiệp có phát triển vào đầu thế kỷ 17. Có câu ca dao nói lên việc ấy: "ời vua Vĩnh Tộ (1619-1628) lên ngôi. Cơm thổi đầy nồi, trẻ chẳng thèm ăn". Nhưng về sau, nông nghiệp càng ngưng trệ, đê điều không được tu bổ. Đê vỡ, hạn hán thường xảy ra làm cho nền sản xuất nông nghiệp suy sụp.

Thủ công nghiệp: Trong khi nông nghiệp không có những bước thuận lợi thì thủ công nghiệp lại phát triển đều đặn. Nhiều làng thủ công nổi tiếng xuất hiện như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Ninh), Hương Canh, Đình Trung (Vĩnh Yên) làng tơ Thanh Oai, làng sa lĩnh La Cả, La Khê (Hà Đông) làng nhuộm Huê Cầu, các làng dệt vải ở Hải Dương... nhờ sự phát triển mạnh của thủ công nghiệp mà Đàng Ngoài đã một thời phồn thịnh trong việc buôn bán với nước ngoài.

Nghề khai mỏ cũng phát triển rất mạnh do nhu cầu kim loại của nhà nước. Đó là các mỏ vàng, đồng, kẽm, thiếc ở tại các vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Sản lượng khai thác khá lớn, ví dụ như mỏ đồng Tụ Long ở Tuyên Quang nộp thuế vào năm 1773 đến một vạn cân đồng.

Hoạt động thương mại trong nước và đối với nước ngoài phát triển đáng kể. Các trung tâm buôn bán thu hút khách ngoại quốc là Kẻ Chợ (Thăng Long) và Phố Hiến.

2. Đàng Trong

a. Khai thác đất phương Nam

Sau khi ly khai khỏi Đàng Ngoài, đối với chúa Nguyễn, việc mở mang lãnh thổ trở thành một nhu cầu bức thiết hòng có đủ thực lực mà cân bằng hoặc áp đảo chúa Trịnh. Vì thế các chúa Nguyễn tích cực đẩy mạnh cuộc Nam tiến.

Năm 1611, có cớ là người Chăm xâm lấn biên giới, Nguyễn Hoàng sai một tướng tài là Văn Phong đem quân đi đánh lấy phần đất phía Bắc của Champa và lập ra phủ Phú Yên. Sau đó, chúa cho chiêu tập lưu dân đến định cư ở đấy và khai thác đất đai. Năm 1653, nhân người Chăm hay đánh đòi lại Phú Yên, quân chúa Nguyễn lại tấn công xuống đến tận bờ Bắc sộng Phan Rang. Vua Chăm là Bà Thấm phải xin hàng. Chúa Nguyễn lấy phần đất mới chiếm lập thành dinh Thái Khang.

Sau khi chấm dứt cuộc chiến với họ Trịnh (1727 - 1772), họ Nguyễn tích cực đẩy việc mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Năm 1693, lấy cớ vua Chăm đánh phá phủ Diên Ninh, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Cảnh đem quân đi đánh Champa, bắt được vua Chăm là Bà Tranh cùng các cận thần trong đó có Kế Bà Tử. Vua Chăm cùng thuộc tướng bị đưa về giam giữ ở Ngọc Trản (Thừa Thiên). Chúa Nguyễn nhập phần đất cuối cùng của Champa vào Đàng Trong lập nên trấn Thuận Thành rồi đưa Kế Bà Tử về đấy làm Phiên Vương, hàng năm phải nộp cống.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long được các chúa Nguyễn khuyến khích khai hoang.

Năm 1659, nhờ sự hỗ trợ của chúa Nguyễn, Battom Reachea, một hoàng thân Chân Lạp lên nắm quyền và đến năm 1663 thì tức vị, trở thành Paramaraja VIII. Vì thế, Batom Reachea chấp nhận việc triều cống cho chúa Nguyễn, đồng thời cho phép người Việt được định cư trên lãnh thổ Chân Lạp, được quyền sở hữu đất đai mà họ đã khai thác cùng những quyền lợi khác giống như một công dân Khmer vậy.

Batom bị người con rể ám sát vào năm 1672, hoàng gia Chân Lạp lâm vào hoàn cảnh cực kỳ rối ren. Phó Vương Uday Surivans (tức là Ang Tan) cùng người cháu là Ang Non chạy sang nương nhờ chúa Nguyễn, trong khi tại kinh đô Oudong cuộc tranh ngôi vua xảy ra quyết liệt giữa người con rể và các người con của Batom Reachea. Ang Non được chúa Nguyễn nâng đỡ, đóng quân ở Prey Nokor.

Năm 1679, một nhóm người Trung Quốc cầm đầu là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên không chịu thần phục nhà Thanh, đã bỏ xứ, đem 50 chiếc thuyền đến đầu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn thâu nhận và phong tước cho họ rồi sai quân đưa họ vào đất Đông phố (Gia Định) và Mỹ Tho để khai khẩn đất hoang, làm ăn buôn bán. Họ lập được hai trung tâm buôn bán nổi tiếng là Nông Nại đại phố và Mỹ Tho đại phố.

Đến thập niên 90 tình trạng bất ổn của Hoàng gia Chân Lạp vẫn kéo dài. Cuối cùng một người con của Batom Reachea lên ngôi vua. Đó là Jayajettha III mà sách sử Việt Nam gọi là Nặc Thu.

Quan hệ giữa Jayajettha III cùng chúa Nguyễn trở nên căng thẳng khi Jayajettha III cho giăng xích sắt ngang sông M𫯮g. Chúa Nguyễn hạ lệnh cho quân tiến phá xích sắt ấy đi (1689) và nâng đỡ hoàng thân Ang Non, khi ấy đang đóng tại Pey Nokor. Thoạt tiên Jaysjettha Iii nhờ Xiêm chống Ang Non, nhưng sau lại phải rước Ang Non về làm Phó vương. Sau khi Ang Non chết (1697), ông lại gã con gái của mình cho con trai của Ang Non là Ang Em (Nặc Yêm). Vào năm 1698 sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai, đặc nền móng hành chính của Đàng Trong tại đây Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập các xã, thôn, phường, ấp, định thuế, lập sổ đinh, sổ điền. Ngoài ra ông còn lập hai xã Thanh Hà và Minh Hương để quy tụ những người Hoa. Tất cả những công việc này được tiến hành nhanh chóng và hòa bình dưới sự công nhận mặc nhiên của Jayajettha III.

Vào đầu thế kỷ 18, lãnh thổ của Đàng Trong được mở rộng thêm nhờ việc sáp nhập của đất Hà Tiên. Nguyên Hà Tiên do một người Trung Hoa là Mạc Cửu mở mang, lập được 7 thôn nhưng thường bị quân Xiêm quấy nhiễu. Vì thế năm 1708,Mạc Cửu đến Thuận Hóa xin quy phục. Chúa Nguyễn Phúc Chu bèn lập Mạc Cửu làm Tổng binh Hà Tiên và đổi đất Hà Tiên thành trấn.

Năm 1732, Nặc Thu chính thức nhường cho chúa Nguyễn đất Mỹ Tho và Long Hồ.

Năm 1756 vua Chân lạp lúc bấy giờ là Nặc Nguyên nhường tiếp hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (tức là Long An và Gò Công ngày nay - 1756). Một cuộc nhượng đất khác xảy ra vào năm 1761 sau khi chúa Nguyễn giúp Nặc Tôn lên làm vua. Quà tạ ơn của Nặc Tôn đối với chúa Nguyễn là đất Tầm Phong Long (Sóc Trăng, Trà Vinh). Sau đó Nặc Tôn còn tặng cho Mạc Thiên Tứ (đã thay cha cai quản đất Hà Tiên) năm phủ khác để tạ ơn đã giúp mình trong khi còn bôn ba. Mạc Thiên Tứ sáp nhập năm phù này vào đất Hà Tiên.

Như thế, trong một thế kỷ, chúa Nguyễn đã tiến đến mũi Cà Mau, làm chủ được một vùng rộng lớn từ sông Gianh cho đến vịnh Thái Lan.

b. Tổ chức cai trị

Tổ chức bộ máy cai trị của chúa Nguyễn chuyển dần theo quá trình phân ly của mình, từ bộ máy của một chính quyền địa phương dần dần trở thành bộ máy chính quyền của một nước riêng biệt, không những độc lập mà còn có phiên quốc nữa.

Thời Nguyễn Hoàng bộ máy cai trị vẫn là bộ máy chính quyền địa phương do triều đình vua Lê cử vào. Nguyễn Phúc Nguyên lên thay cha (1613) đã sửa đổi tổ chức cai trị, ông bổ nhậm lại quan lại thay cho những người đã được chúa Trịnh cử vào trước đây.

Nguyễn Phúc Nguyên đổi "dinh" Thuận Hóa thành "phủ" Thuận Hóa. Đứng đầu triều thần là tứ trụ đại thần gồm Nội tả, Ngoại tả, Nội hữu, Ngoại hữu.

Các tổ chức địa phương vẫn được gọi la dinh. Cho đến đời Nguyễn Phúc Khoát thì Đàng Trong có tất cả 12 dinh và một trấn:

  1. Dinh Bố Chính (dinh Ngói)
  2. Dinh Quảng Bình (dinh Trạm)
  3. Dinh Cựu (dinh Cát, dinh ái Tử)
  4. Chính dinh (dinh Phú Xuân)
  5. Dinh Lưu Đồn (dinh Mười)
  6. Dinh Quảng Nam
  7. Dinh Phú Yên
  8. Dinh Bình Khang
  9. Dinh Bình Thuận

10. Dinh Trấn Biên

11. Dinh Phiên Trấn

12. Dinh Long Hồ

13. Trần Hà Tiên

Đứng đầu các dinh là Trấn Thủ, Cai bạ, Ký lục. ở cấp phủ, huyện có tri phủ, tri huyện. Ngoài ra còn có một ngạch quan riêng gọi là Bản đường quan, chuyên trách việc thu thuế.

Quan lại không có lương mà được cấp lộc điền và thu thuế của dân làm ngụ lộc. Lúc đầu quan lại được bổ nhiệm theo cách tiến cử nhưng về sau theo thi cử. Việc bổ nhiệm quan lại không tiến hành thường xuyên mà tùy theo nhu cầu của bộ máy.

Vào cuối thời kỳ chúa Nguyễn, tệ nạn mua quan bán tước cũng bành trướng như ở Đàng Ngoài vậy. Các quan cũng được thăng chức nếu nộp một số tiền lớn.

c. Kinh tế

Trên vùng đất mới mở, ngoài một số vùng đã được dân địa phương khai phá, còn lại là đất hoang ngút ngàn. Chúa Nguyễn tích cực khuyến khích việc đưa lưu dân vào khai thác các vùng đất mới này. Các đồn điền được thành lập làm cho sức sản xuất tăng cao, nhất là đất Gia Định "ruộng không cần cày, phát cỏ rồi cấy, cấy một hột thóc, gặt được 300 hột" (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch, Hà Nội, 1964).

Hỗ trợ cho việc khai hoang tại Nam Bộ và tạo thuận tiện trong việc di chuyển, buôn bán, các chúa Nguyễn đã cho đào các con kênh quan trọng. Năm 1705, một con kênh được đào, nối liền hai nguồn của hai con sông Vũng Cù và Mỹ Tho. Nguyên ở hai nguồn sông này có hai điểm đô hội là chợ Thị Cai và chợ Lương Phú. Con kênh đào đã nối được hai điểm ấy lại. Tuy thế, con kênh này có giáp nước (nơi gặp nhau của hai dòng thủy triều) nên bùn cỏ hay bị tích tụ, phải đảo vét luôn. Qua đến đầu nhà Nguyễn, kênh được đào vét quy mô hơn và được đặt tên là sông Bảo Định. Một con kênh khác được đào vào năm 1972 kéo dài sông Cát ra phía Bắc (Chợ Lớn hiện nay). Kênh có hình thẳng nên được mang tên là kênh Ruột Ngựa. Tuy thế, vì đáy kênh cạn nên thuyền bè chỉ đi lại được khi nước lên mà thôi. Đến đầu đời nhà Nguyễn, kênh cũng được đào vét rộng ra. Dù việc đào kênh tại Nam Bộ vào thế kỷ XVII, XVIII chưa có quy mô lớn, nhưng nó đã tạo được tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XIX.

Hoạt động thủ công cũng phát triển, những làng thủ công nổi tiếng như xã Phú Trạch, huyện Hương Trà chuyên dệt chiếu lát, xã Đại Phước và xã Tuy Lộc (huyện Lệ Thủy) chuyên dệt chiếu cói. Đặc biệt nghề làm đường rất thịnh vượng. Đường đã từng là món hàng thu hút khách nước ngoài và trở thành phương tiện cho các chúa Nguyễn đổi lấy vũ khí của Tây phương. Ngoài ra, còn có những nghề thủ công mới hình thành nhờ vào sự giao lưu với người Tây phương như nghề làm đồng hồ, nghề đúc đồng. Có người thợ đồng hồ nổi tiếng Nguyễn Văn Tú đã từng theo học hai năm tại Hà Lan và đã truyền nghề lại cho gia đình. Tay nghề của họ đã làm cho người ngoài phải thán phục. Nghề đúc đồng có được những bước phát triển kỹ thuật Tây phương, nhất là trong lãnh vực đúc súng thần công nhờ có sự cộng tác của người thợ đúc Bồ Đào Nha Joao Da Cruz.

Hoạt động khai mỏ của Đàng Trong không được sôi động bằng Đàng Ngoài nhưng cũng đem lại cho chúa Nguyễn một nguồn lợn nhuận đáng kể. Khoáng sản được khai thác chủ yếu là sắt và vàng. Mỏ sắt có ở xã Phú Bài thuộc huyện Phú Vang, xã Điển Phúc thuộc Bố Chính. Mỏ vàng thì ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là các mỏ ở Quảng Nam. Tại đây sông cũng có vàng mà núi cũng có vàng. Một ngày rửa đãi đất có thể tìm đầy cả bong bóng trâu. Vàng cũng như đường đã làm cho khách buôn nước ngoài đổ xô đến Hội An để tìm mua.

Buôn bán cũng được phát triển. Những trung tâm buôn bán lớn mọc ra như Nông Nại Đại Phố, hà Tiên... và nhất là Hội An.

Các chúa Nguyễn không duy trì được tình trạng phồn thịnh này vào cuối thế kỷ 18. Tham nhũng, cường hào đã là những nguyên nhân chủ yếu đưa tầng lớp nông dân vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

3. Việc giao thiệp với các nước phương Tây

Cả hai chúa Trịnh và Nguyễn đều mở cửa giao thiệp với nước ngoài nhất là với các người phương Tây. Hai thành phố quan trọng trong việc ngoại thương thời ấy là Phố Hiến ở Đàng Ngoài và Hội An ở Đàng Trong. Các người ngoại quốc có quyền lập thương điếm tại hai thành phố trên. Các hàng hóa xuất khẩu là tơ, lụa, kỳ nam, trầm hương, tiêu, quế, đường, vàng, tổ chim yến...

Hàng nhập chủ yếu là vũ khí và các đồ thủ công tinh xảo của Tây Phương.

Vào đầu thế kỷ 17, bạn hàng quan trọng của cả hai Đàng là Trung Quốc và Nhật Bản. Cả hai Đàng đều cố gắng chiếm độc quyền mối quan hệ với Nhật Bản, nhưng người Nhật vẫn duy trì cuộc trao đổi tam phương, cung cấp vũ khi cho chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn. Thương buôn Nhật nhờ đó làm giàu nhanh chóng. Việc buôn bán này kéo dài cho đến năm 1636 khi nhà cầm quyền Nhật Bản cấm người Nhật xuất dương thì chấm dứt.

Người Tây Phương đầu tiên đến lập quan hệ buôn bán với Đại Việt là người Bồ Đào Nha. họ đến Hội An vào khoảng giữa thế kỷ 16 và thực hiện thương mại ấn - ấn (tức là việc buôn bán được thực hiện trong vùng từ ấn Độ đến Đông á và ngược lại). Đến đầu thế kỷ 17, tức là khi chúa Nguyễn Hoàng đã ly khai với Đàng Ngoài rồi, công cuộc buôn bán của người Bồ tại Hội An rất phát đạt và gần như độc quyền. Vào năm 1615 các cha cố Thiên Chúa giáo theo thương nhân đến giảng đạo tại Đàng Trong và bắt đầu việc phiên tiếng Việt ra chữ Quốc Ngữ. Vào năm 1626, người Bồ ra Đàng Ngoài đặt quan hệ buôn bán và được chúa Trịnh tiếp đãi niềm nở. Từ đấy họ buôn bán với cả hai Đàng, nhưng chủ yếu là với Đàng Trong.

Năm 1636, người Hà Lan đến buôn bán tại Hội An, một thời gian sau, họ cắt đứt với chúa Nguyễn mà chỉ buôn bán với Đàng Ngoài, và trở thành đồng minh của chúa Trịnh trong việc đánh phá Đàng Trong. Năm 1644, họ đem ba chiến thuyền định kết hợp cùng quân Trịnh đánh quân Nguyễn. Nguyễn Phúc Tần, lúc ấy là Thế tử, đã đánh đắm được chiếc thuyền chỉ huy cùng viên thuyền trưởng.

Người Pháp đến Đại Việt vào thập kỷ 60. Đó là những thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris. Nhưng những thừa sai này mang danh nghĩa của Hãng Đông ấn thuộc Pháp, đến Đàng Ngoài dưới bộ áo thương buôn, còn đến Đàng Trong thì phải lén lút vì bấy giờ các chúa đã có chủ trương cấm đạo. Họ thực hiện việc truyền đạo trong bí mật.

Người Anh đến Đại Việt vào năm 1762 tại Phố Hiến. Nhưng cuộc buôn bán của người Anh tại đây không lâu bền. Thị trường Đàng Ngoài không đem lại nhiều mối lợi cho thương nhân nữa. Người Anh rời thị trường này vào 1697. Ba năm sau người Hà Lan cũng ngừng buôn bán với Đàng Ngoài. Người Bồ cũng rời bỏ Đàng Ngoài, đồng thời công việc buôn bán của họ với Đàng Trong cũng trở nên rời rạc.

Qua thế kỷ 18, hoạt động ngoại thương của Đại Việt ngưng trệ. Chỉ còn ở Đàng Ngoài là các thừa sai dưới danh nghĩa thương nhân, họ làm những công việc lặt vặt như sửa đồng hồ, sửa các dụng cụ thiên văn, toán học. ở Đàng Trong thì thỉnh thoảng mới có tàu buôn của Bồ Đào Nha đến.

III. Các vấn đề xã hội - văn hóa

1. Tôn giáo

Tiếp theo thời Lê, Nho giáo vẫn được chúa Trịnh và chúa Nguyễn duy trì. Các kỳ thi nho học đều được tổ chức ở cả hai miền. Nhưng chiến tranh, việc thay vua đổi chúa xảy ra liên tục làm cho kỷ cương Nho giáo không còn cứng nhắc như trước nữa. Một số nhà nho xem họ Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn đều là những người theo bá đạo nhưng một số khác lại chấp nhận sự thay đổi chủ, khi theo Mạc, khi theo Trịnh, lúc đang ở với Trịnh lại về Nguyễn, không lên án những lần thí vua của họ Trịnh. Nguyên tắc của Nho giáo không còn được xem như mẫu mực cho việc xử thế nữa.

* Phật giáo

Phật giáo dần dần hưng thịnh trở lại. Các chúa Trịnh nâng đỡ việc phát triển của Phật giáo và cho xây cất cùng sửa chữa nhiều chùa chiền. Cứ mỗi lần có chùa hoặc chuông được hoàn thành là dân chúng quanh các vùng ấy được miễn thuế vì đã góp phần xây chùa. Chúa Trịnh Giang cho người sang Trung Quốc thỉnh Kim Cang hòa thượng sang giảng thiền học cho mình và cho dân chúng.

Một số phái Thiền mới xuất hiện. Vào cuối thế kỷ 16, phái Thiền Tào Mộng của Trung Hoa được truyền vào Đàng Ngoài do nhà sư Thủy Nguyệt. Vị thiền sư này đã theo học với vị tổ thứ 35 của phái Tào Động tại Trung Hoa. Khi về nước, ông lập nên phái Tào Động Việt Nam. Nhiều chùa của giáo phái này được xây lên ở Thăng Long như chùa Hòa Giao, Hàm Long, Trấn Quốc...

Một phái Thiền khác - phái Liên Tôn xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 do thiền sư Chân Nguyên. Phái này là tái sinh của phái thiền Trúc Lâm nhà Trần. Thiền sư Chân Nguyên người quê ở Hải Dương, sinh năm 1614, xuất gia năm 19 tuổi, tu tại núi Yên Tử... Chân Nguyên có một đệ tử là vương công Trịnh Thập, và chính vị vương công này, sau khi xuất gia, đã biến nhà riêng của mình thành chùa, đó là chùa Liên Phái (ở đường Bạch Mai, Hà Nội).Thiền sư và các đệ tử hết mình khôi phục lại phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, đã cho khắc lại tác phẩm "Khóa Hư Lục", "Thiền uyển tập anh", "Tam tổ thực lực"... của đời Trần. Các tác phẩm này đã may mắn thoát khoải việc tịch thu của nhà Minh nhờ được cất giấu tại các chùa xa xôi hẻo lánh.

Cũng như họ Trịnh, họ Nguyễn nâng đỡ Phật giáo. Từ năm 1601, khi mới tách ly ra khỏi chính quyền trung ương ở Thăng Long, Nguyễn Hoàng đã cho xây ngồi chùa Thiên Mụ danh tiếng ở Huế. Nguyễn Hoàng cho phổ biến nguyên nhân việc xây chùa Thiên Mụ như sau: Dân chúng gặp bên bờ sông Hương một bà lão mặc áo đỏ ngồi trên gò đất (hiện nay là nơi tọa lạc của chùa). Bà nói cho dân chúng biết rằng sẽ có minh chủ xuất hiện để xây dựng cơ đồ bền vững tại đấy. Vì thế, để ghi nhớ đến việc này, chúa cho xây chùa và đặt tên là Thiên Mụ (người phụ nữ linh thiêng ở trên trời). Chùa này được trùng tu nhiều lần và trở nên một danh thắng của Huế.

Phái thiền Lâm Tế Việt Nam xuất hiện dưới thời chúa Nguyễn do Tạ Nguyên Thiều, một thiền sư Trung Quốc phải lưu vong vì biến cố nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ. Nhà sư này đến Quy Nhơn vào năm 1665, tại đây, ông xây chùa và truyền bá đạo Phật. Vào những năm 80 ông đến Huế thuyết pháp và xây ngôi chùa Quốc Ân. Ông được chúa Nguyễn sai đến Quảng Châu để thỉnh tượng Phật cùng thỉnh các thiền tăng về Đàng Trong để hành pháp (cuối thế kỷ 17).

Một thiền sư xuất sắc của phái này là Liễu Quán, đã có công lập nhiều chùa quan trọng nhu chùa Thiền Tôn ở núi Thiên Thai, chùa Viên Thông ở núi Ngự Bình (Huế).

Một trong số thiền tăng được Tạ NguyênThiều mời về là Hòa thượng Thạch Liêm, tức là Thích Đại Sán, tác giả của tác phẩm Hải ngoại kỷ sự. Tác phẩm này là một sử liệu quý báu, không những chỉ cho ta biết được mức độ sùng đạo Phật của các chúa Nguyễn mà còn thể hiện sống động cuộc sống, tập tục của xã hội Đàng Trong thời ấy.

Chính Thích Đại Sán đã du nhập giáo phái Tào Động vào Đàng Trong, và nhu nhận chúa Nguyễn Phúc Chu làm đệ tử thứ 29 của giáo phái này.

Mặc dầu được khuyến khích, Phật giáo dưới thời kỳ phân liệt này vẫn không tìm lại được vẻ huy hoàng của thời Lý và Trần, thậm chí có những lúc vì nhu cầu chiến tranh, chúa Trịnh tịch thu chuông chùa để lấy đồng đúc súng và tiền.

Quang niệm Tam giáo đồng nguyên phát triển. Theo quan niệm này, cả ba tôi giáo Nho, Phật, Lão đều có cùng một nguồn gốc độc nhất. Từ đó, tư tưởng này thấm sâu vào dân chúng để biến thành một dạng tôn giáo hỗn hợp, vay mượn từ mỗi tôn giáo một số lễ nghi để thờ cúng.

* Thiên chúa giáo

Một tôn giáo mới xuất hiện tại Việt Nam vào thời ấy là Thiên Chúa giáo. Trước thời kỳ này đã có một số giáo sĩ Đại Việt truyền giáo, nhưng những hoạt động của họ không để lại dấu tích gì quan trọng. Công cuộc truyền giáo thật sự trở nên có hệ thống chỉ từ năm 1615. Năm ấy, một số giáo sĩ thuộc dòng Tên đến Đàng Trong xin giảng đạo và được chúa Nguyễn cho phép cư ngụ tại Hội An. Mười năm sau, thấy công cuộc truyền giáp gặp được thuận lợi ở Đàng Trong, các giáo sĩ dòng Tên đến Đàng Ngoài (1626) và cũng được tiếp đón niềm nở. Trong số này có Alexandre de Rhodes.

Tuy thế, việc hành đạo của tôn giáo mới này đi trái lại với một số phong tục cổ truyền chẳng hạn như không chấp nhận việc thờ cúng Tổ tiên, quan niệm tôn quân và các đạo lý của Nho giáo, vốn đã ăn sâu trong xã hội Đại Việt. Sự quy tụ các giáo dân và sự phục tùng truyệt đối của họ vào những người ngoại quốc làm cho cả hai họ Trịnh Nguyễn lo sợ. Vì thế hai nhà chúa đã hạn chế việc truyền đạo và dần dần đi đến việc cấm đạo.

Alexandre de Rhodes bị trục xuất vào năm 1630. Vào năm 1643, Trịnh Tráng ra lệnh cấm đạo. Năm 1663, Trịnh Tạc ban bố những điều giáo hóa phong tục cho toàn dân, trong đó có nhắc đến việc cấm "tà đạo". Năm 1696, Trịnh Căn lại nhắc đến lệnh cấm đạo mà ông gọi là đạo Hoa Lang.

ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cũng cấm đạo. Chúa Nguyễn có vài lần trục xuất các nhà truyền giáo, nhưng không đến nỗi khắc khe vì chính các chúa đã dùng các nhà truyền giáo làm thầy thuốc riêng, hoặc làm nhà thiên văn, nhà toán học cho mình. Do đó, việc cấm đạo tại Đàng Trong không quá nghiên khắc như Đàng Ngoài.

Dù gặp phải nhiều khó khăn trong việc truyền đại, các giáo sĩ vẫn kiên trì hoạt động và lần hồi đạo Thiên chúa trở thành một trong những tôn giáo quan trọng của Việt Nam.

2. Văn học

Vào thời này dù có nhiều cảnh chiến tranh, nhưng nền văn học vẫn phát triển. Các tác phẩm được viết bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm. Đặc biệt chữ Nôm không những nhiều về số lượng mà còn phong phú về nội dung và hình thức. Một số thi xã được hình thành như thi xã Bạch Vân với Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Dương vào cuối thế kỷ 16, Chiêu Anh Các với Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên vào thế kỷ 17.

Thời này có một khuynh hướng văn học rất tích cực là việc sưu tầm và chép lại hoặc bằng chữ Nôm hoặc bằng chữ Hán các chuyện truyền khẩu trong dân gian, nhờ thế một số truyện dân gian được chép vào thời ấy còn truyền đến ngày nay như truyện "Thạch Sanh", "Truyền kỳ mạn lục", "Truyền kỳ tân phả"...

Văn học chữ Hán rất phong phú với các tác phẩm Bạch Vân am tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng công thi tập, Mai lĩnh sứ hoa thi tập của Phùng Khắc Khoan, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Chinh Phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Ngọ Phongvăn tập của Ngô Thì Sĩ, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Tục Truyền kỳ của Đoàn Thị Điểm, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái, Dao đình sứ tập của Hồ Dĩ Đống, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tứ và nhất là tác phẩm quan trọng của Lê Quý Đôn như Phủ biên tạp lục, Vân Đài Loại ngử, Kiến văn tiểu lục...

Các tác phẩm bằng chữ Nôm cũng không kém phần phong phú, đặc biệt là đã xuất hiện những truyện dài chữ Nôm. Có thể kể một số tác phẩm bằng chữ Nôm thời ấy như Ngọa Long cương của Đào Duy Từ, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngậm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Cung oán thi của Nguyễn Hữu Chính, Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự... Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm khuyến danh bằng chữ Nôm rất có giá trị như Trê cóc, Trinh thử, Thạch Sanh, Phạm Tử Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Quan Ânm thị kính, Phan Trần, Nhị Độ mai, Bạch Viên Tôn Các...

Các ca dao tục ngữ, bài vè, chuyện khôi hài, châm biếm chiếmmột số lượng quan trọng trong kho tàng văn học dân gian. Các vua quan, thầy tu không chân chính, thầy bói... đều là những đối tượng để châm biếm đả kích... như trong các truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn...

Một số sách sử quan trọng được ra đời. Năm 1663, Trịnh Tạc cho viết tiếp cuốn "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu và Lê Quý Đôn từ 1533 đến 1662. Sau đó Trịnh Căn lại cho soạn tiếp cho đến 1675. Bộ sử tục biên này được khắc in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Đến đời Trịnh Sâm, cuốn sử này lại được tiếp tục từ 1676 cho đến 1775. Ngoài ra còn có một số sách sử như Hoàng Lê ngọc phổ, Trịnh gia thế phả dùng để đốn chiếu các niên đại, Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục của Nguyễn Hoàn, Việt sử bị lãm của Nguyễn Nghiễm, Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ... Đặc biệt cuốn Thiên Nam ngữ lục là quyển sử đầu tiên viết bằng thơ Nôm gồm hơn 8.000 câu lục bát được sáng tác dưới đời Trịnh Căn.

Một sự kiện đáng chú ý dưới thời này là sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ ra đời cho một số giáo sĩ đạo Thiên Chúa muốn cho việc truyền giáo đạt được kết quả, đã phiên tiếng Việt bằng mẫu tự Latin quen thuộc của họ. Công phiên chữ quốc ngữ này là của nhiều giáo sĩ, trong đó đáng kể là Alexandre de Rhodes đã hoàn thành bộ tự điển "Việt - Bồ - La" vào năm 1651.

3. Nghệ thuật

Cũng như văn học, nghệ thuật thời này phát triển mạnh mẽ dù bối cảnh chiến tranh luôn luôn sẵn sàng phá hoại những tác phẩm tài hoa.

Nghệ thuật đúc đồng tiến tới việc đúc những tác phẩm có kích thước to lớn. Tượng Trấn Võ bằng đồng đen được chúa Trịnh cho đúc vào năm 1692 cao đến 3,28m, nặng gần 4 tấn. ở Đàng Trong chúa Nguyễn cũng cho đúc nhiều vạc đồng lớn, trong số vạc đồng này có chiếc nặng đến 1.588kg, đường kính 2,2m, cao 1,48. Trên vạc có nhiều hình chạm nổi hoa lá đường nét tinh vi phóng khoáng.

Nghệ thuật chạm khắc rất điêu luyện với các đề tài mang đậm tính dân gian như các cảnh sinh hoạt hàng ngày, chèo thuyền, hái hoa, gánh con, bổ củi, làm xiếc... (ở đình Tây Đằng, Hà Nội). Đến giữa thế kỷ 18, cùng với việc xây dựng chùa chiến, nghề chạm khắc càng phát triển và càng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Chạm khắc đá cũng công phu, tinh xảo như ở chùa Ninh Phước, bia Lam Sơn, bia Nam Giáo. ở lăng của Nguyễn Điền (Bắc Ninh) xây năm 1769 thì những đường nét trang trí lại mang tính chất kỹ hà học, những đường cong trước đây được thay thế bằng những đường thẳng. Các chữ, các cảnh đều được đóng khuông trong những ô vuông cân đối.

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đã có những công trình mang tính sáng tạo độc đáo. Vào những năm Chính Hòa (1680 - 1705) chùa Hương Tích được xây dựng. Nhờ vào sự hài hòa giữa kiến trúc và phong cảnh thiên nhiên mà chùa Hương Tích được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam). Một số chùa khác được xây dựng với qui mô lớn có giá trị về nghệ thuật kiến trúc như chùa Bút Tháp (xây năm 1646) chùa Keo (thế kỷ 16), chùa Tây Phương...

IV. Di tích, Danh thắng tiêu biểu

* Chùa Hương Tích

Chùa Hương Tích tọa lạc tạ địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Tây), cách thủ đô Hà Nội chừng 60km về phía Tây Nam. Chùa Hương Tích còn được gọi là chùa Hương Sơn, hoặc một cách ngắn gọn là chùa Hương. ở đây có sơn thủy hữu tình, không gian khoáng đạt và là nơi chứa đựng nhiều truyền thuyết, huyền thoại.

Hàng năm cứ vào tiết tháng hai, tháng ba âm lịch nơi đây lại diễn ra hội lớn. Những phật tử vá chân đất, những tao nhân mặc khách, những danh nhân văn hóa, những bậc đế vương... đều đến Hương Sơn. Các thi sĩ của các thời đại đã bao lần xúc động trước vẻ đẹp kỳ diệu của Hương Tích, đã để lại những vần thơ ca ngợi danh thắng này.

Vào năm Canh Dần 1770, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm võng lọng đến đây và để lại những bài thơ trên vách đá, trong đó có câu bất hủ "Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam). Qua nhiều đời, người ta khó mà thống kê hết được bao nhiều dài thơ ca ngợi về vẻ đẹp Hương Sơn. Thực dân Pháp cũng phải công nhận giá trị văn hóa của di tích này. Vào năm 1925, Phủ Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã ký văn bản liệt hạng di tích cho Hương Sơn. Khi miền Bắc được giải phóng (1954), Hương Sơn được Nhà nước xếp hạng ngay từ đợt đầu. Ngày 21 tháng 2 năm 1991, Nhà nước đã ra quyết định cho Bộ Văn Hóa - Thông tin cùng các ngành hữu quan, tỉnh Hà Tây, ủy Ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam làm hồ sơ đăng ký di tích Hương Sơn (cùng Hạ Long, Huế, Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương) vào danh mục di sản thế giới.

Để đi chùa Hương, du khách có thể đi từ Hà Nội qua thị xã Hà Đông tới Vân Đình và vào Bến Đục rồi thâm nhập vào cảnh quan của danh thắng:

Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động" hỏi là đây có phải?

(Thơ của Chu Mạnh Trinh)

Từ bến Đục đến Hương Sơn có hai đường thủy bộ. Đi thuyền theo đường thủy, dọc theo suối Yến, hai bên bờ là phong cảnh ảo mộng:

Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ ngọn núi xanh
Dịp cầu xa nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như tranh.

(Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp)

Từ dưới thuyền du khách có thể thấy ẩn hiện núi non mà người xưa đã đặt tên phỏng theo hình dáng: núi Ông Sư, núi Bà Vãi, núi Mâm Xôi, núi Voi Phục, núi Trống, núi Chiêng...

Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con voi phục
Có đủ cả đầu đuôi.

(Nguyễn Nhược Pháp)

Trước khi vào chùa Chính, thuyền ghé đến đền Trình để khách thập phương thắp hương trình với Sơn thần. Rồi từ đền Trình lại xuống thuyền len lỏi theo dòng suối để tới hang Bà. Trước hang là một thảm thực vật gồm cây, cỏ, hoa và đặc biệt là rau đắng ngọt ngào.

Rời hang Bà, thuyền đưa khách thập phương đi tiếp theo dòng suối đến chùa Thiên trù (bếp nhà trời), chùa còn được gọi là chùa Ngoài hay chùa Trò. Tại đây, khách rời thuyền lên bờ vào chùa làm lễ. Chùa Thiên Trù có một mõm đá mọc ngược như hình cây tháp được gọi là tháp Thương Thủy. Quanh chùa bốn bề núi cao sừng sững và hàng trăm ngọn tháp xây từ các triều đại trước đã bị đổ nát bởi thời gian. Tới Thiên Trù, khách có thể dừng chân, văn cảnh nghỉ ngơi một hai ngày vì đây có nhà nghĩ, sau đó tiếp tục cuộc hành hương vào chùa Trong (động Hương Tích)

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu
"Mai ta vào chùa Trong"

(Nguyễn Nhược Pháp)

Đường vào động Hương Tích thì thật diệu kỳ. Một lối mòn len lỏi bằng những tấm đá được thiên nhiên mài nhẵn xếp nối nhau gập ghềnh lúc lên cao, xuống thấp quanh co lượn theo các triền núi đá. Bốn bề vắng lặng, hương hoa rừng thơm ngát. Du hách được hít thở khí trời trong sạch của cỏ cây hoa lá.

Động Hương Sơn nằm trong một hang núi. Chính tại cửa động này có khắc dòng chữ của Trịnh Sâm: "Nam Thiên đệ nhất động". Theo truyền thuyết, động này được tìm cách đây hơn hai nghìn năm nhưng mãi đến năm 1575 mới được dân chúng dựng chùa và lập bàn thờ Phật. Trong động có rất nhiều nhũ đá tạo thành những hình thù độc đáo như: núi Cây Gạo, Cây Vàng, Buồng Tằm, Nong Kén, Núi Cô, núi Cởu (Gồm những hòn đá giống hệt như đầu trẻ em. Theo quan niệm của người xưa, các bà, các chị hiếm con thường đến đây vuốt ve, xoa đầu "cầu tự" mong đức Phật ban cho một "cậu"). Ngoài ra, động còn có các tượng Vua Cha, Hoàng Hậu, Phật Quan âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ... đặc biệt là tòa Cửu Long là những nhủ đã lớn long lanh hình chín con rồng từ phía trên chầu xuống.

Hương Sơn còn có nhiều đền, chúa, hang động hấp dẫn khác như Long Vân, Tuyết Sơn, Hinh Bồng... Nhất là hang Ông Bảy. Hang này là nơi cư trú của người cổ cách đây hàng chục nghìn năm.

Tới Hương Sơn, du khách có thể mua mơ Hương Tích và rau đắng để làm quà. Trái mơ ở đây có hương vị kỳ lạ không nưi nào có được: dài cùi, nhỏ hạt, khi chín có vị ngọt chua chua mà không chát.

Hương Tích với vẻ đẹp kỳ ảo quả là một danh thắng độc đáo, là niềm tự hào của dân tộc.

* Làng gốm Bát Tràng

Làng Bát Tràng nằm ven sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 15km về phía Đông Nam. Làng gốm nổi tiếng này đã xuất hiện từ lâu và trở nên rõ nét là một làng nghề từ thời nhà Lê. Đến cuối thế kỷ XVI danh tiếng Bát Tràng lừng lẫy khi bước vào quá trình chuyên môn hóa với việc sản xuất gốm sành trắng hoa lam.

Sản phẩm gốm hoa lam của thế kỷ này tập trung vào các vật dụng để ăn uống và thờ cúng. Các vật dụng này có dáng vươn lên theo chiều cao, ngay cả bát, dĩa cũng có chân cao. Chất liệu thuộc loại sành trắng có độ nung cao và kỹ thuật hoàn nguyên tốt.

Sản phẩm của Bát Tràng có chất lượng cao và nổi tiếng đã có mặt trên đất nước Nhật từ thế kỷ 16. Người Nhật thời bấy giờ đã sản xuất phỏng theo gốm Bát Tràng. Loại gốm này được mang tên là gồm Kotchi (Giao Chỉ). Ngày nay, trong bảo tàng Tokugawa vẫn còn lưu giữ một số gốm Bát Tràng do thương thuyền Nhật đem về từ thế kỷ này.

Gốm Bát Tràng, với kỹ thuật điêu luyện đã không hề mai một theo thời gian, mà trái lại ngày càng phát triển cho đến hôm nay.

Chất liệu chính của sứ Bát Tràng là đất cao lanh có sức chịu nhiệt cao (135oC). Nhờ nung dưới nhiệt độ cao như thế nên sản phẩm Bát Tràng rất bền và chắc.

Men gốm Bát Tràng ngày nay không chỉ thuần là hoa lam mà có loại men giả cổ, men rạn tam thái, men rạn chàm, sứ táp lửa, sứ trộn sơn...

Sứ men giả cổ có màu trắng bóng và chỉ dùng màu lam để trang trí, mô phỏng theo các đồ sứ thời Khang Hy, Càn Long của nhà Thanh xưa.

Sứ men rạn có những vết rạn như những hoa văn tự nhiên và thường dùng ba màu để tranh trí nên gọi là men rạn tam thái. Sứ men rạn chàm cũng giống sứ tam thái nhưng chỉ dùng một màu trong trang trí.

Sứ táp lửa thường không tráng men, được để trực tiếp trên ngọn lửa khi nung nên có màu sắc tự nhiên, thường là màu nâu đỏ ngả sang nâu đen. Sứ táp lửa nặng và bền, mô phỏng theo sứ đời Tống.

Sứ trộn sơn được làm bằng cách trộn bột đá màu với đất cao lanh. Tùy theo tỷ lệ pha trộn mà màu sứ thay đổi từ nâu đỏ, thâm đỏ sang đỏ cam... Sứ trộn sơn không có trang trí bằng những loại men màu khác nên mang dáng vẻ cổ kính. Đó là sản phẩm đặc biệt của Bát Tràng.

Chủ đề sáng tác của gốm Bát Tràng đa dạng nói lên cuộc sống và thiên nhiên. Đó là các con giống như con gà, con lợn, con mèo... hoặc ông câu, cô tiên, tháp, chùa, đến các đồ thờ như chân đèn, lư hương, bát nhang, bình hoa hoặc các vật dụng hàng ngày như lọ, chén, dĩa, hộp...

Làng vẫn duy trì cách sản xuất thủ công từ việc chuẩn bị đất cho đến khi ra lò. Bí quyết nhà nghề được truyền từ đời này sang đời khác và hiện vẫn được lưu giữ trong các gia đình nghệ nhân Bát Tràng. Hỗu hết các khâu đều làm bằng tay từ luyện đất cho đến vẽ trang trí và nung. Sau khi luyện đất một cách công phu, nghệ nhân với bàn tay khéo léo tạo dáng cho đất theo bàn xoay. Sau đó là trang trí, phun màu, phun men và cuối cùng là nung trong lò.

Hiện nay có khoảng 1500 lò nung gốm sứ của các hộ gia đình. Ngoài ra, còn có một số đơn vị doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn. Đó là môi trường cho những người thợ thủ công giỏi phát huy tài năng của mình.

Mặc dù được phát triển và nổi tiếng, nhưng hiện nay Bát Tràng đang gặp phải một số khó khăn, trong đó nghiêm trọng nhất là cơ sở hạ tầng yếu kém cùng vấn đề ô nhiễm môi trường. Hệ thống giao thông của Bát Tràng hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu của phát triển. Đường sá hẹp, dốc, bị cày xới thường xuyên bởi những chiếc xe chở hàng nặng nề, lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa nắng. Cộng vào đó là khói của hàng ngàn lò nung lớn, nhỏ, làm cho môi trường làng nghề ô nhiễm nặng nề. Nhiều cư dân bị lao phổi, ung thư phổi. Hiện nay Bát Tràng đang cố gắng cải tạo môi trường của mình, trồng thêm nhiều cây xanh, cải tạo một số con đường, nhưng kết quả chưa đáng kể.

Gốm Bát Tràng hiện nay rất có giá trị trên thị trường quốc tế vì tính truyền thống và thủ công của nó. Làng Bát Tràng thu hút nhiều khách du lịch. Du khách đến có thể tận mắt nhìn ngắm các nghệ nhân đang lao động sáng tạo, tận tay mua sản phẩm và còn có thể đặt hàng theo ý muốn của mình nữa. Ngoài ra, tại Bát Tràng còn có nhiều di tích văn hóa lịch sử như chùa Tiêu Dao, chùa Kim Trúc, đình Giang Cao, chùa Bảo Minh... làm cho Bát Tràng thêm đa dạng, lôi cuốn nhiều du khách.

* Hà Tiên

ở Đàng Ngoài có "Nam thiên đệ nhất động" thì Đàng Trong cũng có đệ nhất thắng cảnh Hà Tiên, vùng đất được hàng bao thế hệ lưu dân tôn tạo ở cực Nam của Tổ quốc.

Hà Tiên xưa có tên là Mang Khảm vốn là nơi hoang vu, đến thế kỷ XVII mới bắt đầu được khai phá. Người có công đáng kể nhất trong việc biến vùng đất hẻo lánh này thành nơi đô hội là Mạc Cửu (1652-1735).

Mạc Cửu vốn là thương gia người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), có thuyền đi lại buôn bán giữa Trung Hoa và các nước Philippines, Batavia (Indonesia). Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh nắm quyền, Mạc Cửu không thần phục nhà Thanh, rời xứ đến xin vua Chân Lạp cho khai phá và mở mang đất Mang Khảm. Mạc Cửu lập nên bảy xã thôn ở vùng ven vịnh Thái Lan. Nhưng đến năm 1688 quân Xiêm đến cướp phá và Mạc Cửu bị bắt đưa về Xiêm mãi đến năm 1700 mới được thả trở lại Hà Tiên.

Để có một chữ dựa vững chắc, Mạc Cửu xin quy phục chính quyền Đàng Trong (1708). Chúa Nguyễn Phúc Chu liền chấp nhận, đổi vùng này thành Hà Tiên trấn và phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn. Người Việt và người Hoa đi đến đấy sinh sống lập nên ruộng đồng phì nhiêu, phố xá trù phú.

Hà Tiên là nơi một nơi non sông kỳ tú. Theo truyền thuyết, Hà Tiên có tên gọi như thế vì vào mấy thiên niên kỷ mới, trong một đêm trăng sáng lung linh, một bầy tiên nữ giáng trần đến đấy vui chơi, múa hát rồi cùng nhau xuống tắm mát dưới Đông Hồ. Các nàng tiên về trời, để lại hình ảnh của mình qua tên gọi "Hà Tiên".

Cảnh sắc thiên nhiên của Hà Tiên đã được người đương thời ca tụng và cũng chính nơi đây xuất hiện nhóm Tao Đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tứ (con của Mạc Cửu) lập. Chiêu Anh Các gồm nhiều nhà thơ Việt Nam và Hoa cùng hội lại với nhau để sáng tác, ngâm vịnh, đàm luận. Có tác phẩm được chú ý hơn cả là "Hà Tiên thập vịnh" tả mười cảnh đẹp của Hà Tiên lồng trong sinh hoạt của cư dân để tạo dựng lên bức tranh ngư tiều canh mục:

  1. Kim Dữ lan đào (Đảo Vàng chắn sóng)
  2. Bình Sơn điệp thúy (núi Bình Sơn xanh biếc)
  3. Tiêu Tự thần chung (Tiếng chuông chùa Tiêu Tự)
  4. Giang Thành dạ cổ (Tiếng trống đêm ở Giang Thành)
  5. Thạch Động thôn vân (mây luồn Thạch Động)
  6. Châu Nham lạc lộ (Châu Nham cò đậu)
  7. Đông Hồ ấp nguyệt (Đông Hồ trăng soi)
  8. Nam Phố trừng ba (Sóng trong Nam Phố)
  9. Lộc Trĩ thôn cư (Xóm dân ở Lộc Trĩ)

10. Lư khê ngư bạc (Cảnh chài cá ở Lư Khê)

"Thạch Động thôn vân" cách thị xã Hà Tiên khoảng 3km cạnh quốc lộ 17. Có đường xe đi đến tận cửa hang. Hang ở cao độ chừng 50m, nằm trong một hòn núi đá xanh trơ trọi trên một vùng bằng phẳng. Hang Thạch Động sâu hun hút và khá rộng. Tại đây, mây và mây. Mây bao trùm cảnh vật, mây trôi lững lờ đây đó, mây phiêu lãng luồn vào động. Một chốn trữ tình.

Đông Hồ, nơi hân hạnh được các nàng tiên xuống tắm là một hồ nước khá rộng nằm phía Đông thị xã Hà Tiên, chiều ngang của hồ khoảng chừng 2km, chiều dài khoảng chừng 3km. Chung quanh hồ có núi Ngũ Hổ, núi Tô Châu che chắn. Đáy hồ phủ đầy cát trắng mịn màng, nước xanh trong vắt. Những đêm trăng tỏ, ánh trăng xuyên tận đáy hồ qua làn nước lung linh tạo nên một cảnh huyền ảo, thần tiên làm say đắm bao thi nhân.

Nam Phố là một vùng bãi biển có hai bãi cát là bãi Heo và bãi ớt. Đây là những bãi tắm lý tưởng, nhất là bãi ớt quanh năm trời yên biển lặng. Trước năm 1945 có một số người Pháp đã đến đây lập đồn điền trồng cà phê, nông trại nuôi heo nhưng thất bại phải rút lui, trả thiên nhiên trở về thành cũ.

Ngoài ra còn có bãi Dương với những hàng dương lả lướt theo gió, Hòn Trẹm, một quả đồi nhỏ nhô ra biển. Cách hòn Trẹm chừng một cây số là hòn Phụ Tử, nằm giữa biển cách bờ chừng 200m. Ngày trước, hòn Phụ tử có tên là Thố đảo (đảo Con Thỏ) vì người xưa nhìn thấy là hình ảnh con thỏ đang giỡn nước, khác với sự tưởng tượng của các thế hệ sau, qua hình dáng vững chắc của các cột đá mà gắn cho tình cha con. Hai trụ đá cao, nghiên song song vùng chiều, ở giữa hai trụ đá cao ấy là một tảng đá thấp, cả ba tảng đều dính liền nhau. Trụ đá phía trước là cha, con ở giữa, sau lưng con là mẹ. Thật xứng đáng là đệ nhất thắng cảnh của Nam Bộ.

Cũng như mọi miền đất nước, Hà Tiên còn có các cảnh chùa thanh u như chùa Lũng Kỳ do Mạc Cửu xây nên vào năm 1715, chùa Địa Tạng trong núi Địa Tạng, chùa Hang ở không xe hòn Trẹm. Những địa điểm ấy bổ sung cho sự hoàn thiện của danh thắng Hà Tiên. Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, Hà Tiên còn là một miền kinh tế đặc sắc với miệt vườn tiêu ngút ngàn và cũng là nơi sinh sống của giống đồi mồi, góp phần làm nên nét riêng của Hà Tiên.

 

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 780
Trong tuần: 5217
Lượt truy cập: 1358281

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy