GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH





Nội dung được sao chép từ website : Bảo tàng Hồ Chí Minh!

 b1_kbqd

Bảo tàng Hồ Chí Minh, thuộc loại hình bảo tàng lưu niệm danh nhân, là công trình văn hoá tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình Bảo tàng được khởi công xây dựng ngày 31-8-1985 và khánh thành vào đúng ngày 19-5-1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả thiết kế công trình là kiến trúc sư người Nga nổi tiếng - ông Garon Isacovich.  

Toà nhà mang biểu tượng bông sen trắng tượng trưng cho cuộc đời giản dị thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu, quyết tâm đi theo con đường   mà Người đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam.

Gian mở đầu (còn gọi là gian long trọng) trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh  cũng là tượng trưng cho nhụy của bông sen trắng. Trung tâm của gian là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 3.5 m, nặng 2.8 tấn. Phía sau tượng là biểu tượng mặt trời và hình ảnh cây đa tượng trưng cho ánh sáng và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm “trời tròn, đất vuông” của triết học phương Đông: trần gian mở đầu được trang trí một vòng tròn bằng đồng đan xen những chùm đèn tết hoa, tượng trưng cho trời. Giữa sàn của gian này được trang trí hình vuông với những bông hoa bằng đá ghép lại, tượng trưng cho trái đất với hình ảnh đất nước Việt Nam.  Hai bên cửa gian long trọng là hai bức phù điêu thể hiện truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam dựa trên các truyền thuyết: Bọc trăm trứng, Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm.

Những biểu tượng nghệ thuật trên đã khái quát chủ đề trưng bày của Bảo tàng: giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sự phát triển của dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Trưng bày chính của Bảo tàng Hồ Chí Minh thể hiện 3 nội dung:

1. Giới thiệu tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tuổi ấu thơ cho đến khi Người qua đời và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Người.

2. Giới thiệu về cuộc sống, chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam.

3. Giới thiệu một số sự kiện lịch sử thế giới (từ cuối thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20) có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Ba nội dung trên là một tổng thể không thể tách rời khắc họa huyền thoại

Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn, như tổ chức UNESCO đã tôn vinh Người tháng 11 năm 1987, một lãnh tụ, một con người  luôn gắn với dân tộc, đất nước và thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890, tại Nghệ An, miền Trung Việt Nam. Lúc nhỏ với tên gọi Nguyễn Sinh Cung, lúc đi học mang tên Nguyễn Tất Thành, Người sớm tỏ ra là một cậu bé thông minh, ham hiểu biết. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong cảnh mất nước, nhà tan, triều đình phong kiến suy tàn và trở thành người cộng tác với thực dân Pháp (cuối thế kỷ 19). Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Tất Thành đã định hướng sang phương Tây, sang xứ sở với khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng Pháp, mà hàng ngày Người vẫn đọc thấy trên tấm bảng học ở trường tiểu học bản xứ và sau này học quốc học Huế. Người muốn đến tận nước Pháp, đất nước của những kẻ đang đô hộ Việt Nam, để xem bản chất “tự do, bình đẳng, bác ái” thể hiện trên lý tưởng của cách mạng tư sản Pháp 1789 thực chất là cái gì?

Ngày 5-6-1911, rời cảng Sài Gòn (miền Nam Việt Nam) với tên gọi Văn Ba, làm phụ bếp trên chiếc tàu buôn của Pháp Amiral Latouche Tréville, Nguyễn Tất Thành đã đến với nước Pháp vào mùa hè năm 1911 và nhận thấy: trong xã hội đó không hề “tự do, bình đẳng, bác ái”, như những nhà cách mạng tư sản Pháp nêu lên vào thế kỷ 18. Người còn thấy rằng ở đất nước này có hai loại người: Một loại người thì sống phè phỡn sung sướng và một loại người thì chịu đau khổ bóc lột như dân tộc mình. Những hiểu biết về giai cấp bắt đầu từ đây. Gần 10 năm tiếp theo, Nguyễn Tất Thành đã theo những con tàu biển đi khảo sát tìm hiểu qua 3 đại dương, 4 châu lục, đặt chân tới hàng chục quốc gia. Hành trình đó đem lại cho Người sự đồng cảm sâu sắc với số phận của nhân dân cần lao ở chính quốc cũng như các nước thuộc địa1.

Trở lại nước Pháp khi chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra ác liệt (cuối năm 1917), Nguyễn Tất Thành đã hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước. Năm 1919, với sự giúp đỡ của những người bạn Pháp, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp và trực tiếp hoạt động  trong phong trào công nhân Pháp. Cũng năm 1919, lần đầu tiên lấy tên Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Người đã ký tên dưới bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới hội nghị chia phần giữa các nước thắng trận trong thế chiến thứ nhất với nội dung đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Dù không được hội nghị xem xét đến, văn kiện này đã gây tiếng vang lớn ở Pháp và thức tỉnh cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa.

bao_tang_ho_chi_minh_ben_nha_rong_1

Tháng 7-1920,  Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do V.I.Lenin soạn thảo (đăng trên báo Nhân đạo (L'Humanité) của Đảng Xã hội Pháp vào tháng 7/1920). Luận cương có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan của Nguyễn Ái Quốc: giúp cho Người tìm thấy con đường đấu tranh cách mạng để giành độc lập, tự do cho dân tộc; trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo cách mạng, lực lượng tham gia cách mạng, mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc… Và tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (tổ chức ở thành phố Tours - Pháp) Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên, khi cùng những đảng viên tiến bộ của Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành quốc tế III. Hồ Chí Minh là một phần không thể thiếu trong lịch sử Đảng Cộng sản Pháp.

Vào thời điểm đó, sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt nguồn từ chỗ không có một học thuyết nào, không có một quốc gia nào đứng về phía những người nghèo khổ, đứng về phía những người bị áp bức, ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, là tiền đề để có thể thực hiện quyền sống và mưu cầu hạnh phúc. Ở đầu thế kỷ 20, những lực lượng yêu nước trong phong trào dân tộc Việt Nam cũng tìm tòi, cũng hướng tới những cái giá trị mới của nhân loại. Họ tìm đến những tư tưởng duy tân ở các xứ sở xung quanh mình: ở Trung Hoa, ở Ấn Độ, ở Nhật Bản như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu... Cũng có người vươn tới nền dân chủ ở châu Âu, như Phan Chu Trinh. Nhưng tất cả những nhà yêu nước hết mực ấy lại không biến mục tiêu đề ra thành hiện thực được, bởi vì không tìm ra con đường để giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp. Với một mẫn cảm chính trị đặc biệt và một nhận thức rất xuất chúng, Hồ Chí Minh đã không đi sang con đường của các bậc tiền bối, dù luôn luôn tán thành và kính trọng sự yêu nước của họ. Hơn hẳn các bậc tiền bối, Người nhận thức được cuộc đấu tranh chống Pháp xâm lược theo con đường phong kiến đã trở nên lỗi thời, theo con đường dân chủ tư sản thì quá mới mẻ với người Việt Nam và Việt Nam chưa có cơ sở kinh tế cho cuộc đấu tranh dân chủ tư sản.

Hồ Chí Minh là người đầu tiên tìm thấy con đường đúng đắn giải phóng dân tộc Việt Nam. Tìm được con đường đó, Người đã dồn hết trí tuệ để chuẩn bị về mặt tổ chức và lực lượng cho sự ra đời một chính đảng của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh của dân tộc và là nhân tố đầu tiên, quyết định đưa cách mạng Việt Nam đạt được những thành quả to lớn sau này2.

Năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về Việt Nam. Người cùng Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc. Người đã xây dựng được một mặt trận có sức thu hút và tập hợp đứng trong mặt trận đó tất cả mọi lực lượng, bất kể họ thuộc đảng phái nào, ở thành phần giai cấp nào, miễn là họ tán thành chống đế quốc xâm lược. Đó là Mặt trận Việt Minh. Cách mạng thì phải có thực lực, tức là phải có quân đội. Với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay), tức là lấy tuyên truyền trọng hơn quân sự nhằm động viên mọi lực lượng cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Cách mạng Việt Nam đã có Đảng, mặt trận, quân đội để  tiến hành một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8-1945, đại chiến thế giới thứ II kết thúc, thời cơ thuận lợi đến, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới và khẳng định “Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống sung sướng và quyền tự do”.

Câu đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn từ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Song không phải Người trích nguyên bản mà chọn lọc, nhằm tiếp nhận những tư tưởng lớn của nhân loại và khẳng định thành quả của cách mạng Việt Nam là bước đi tất yếu trong tiến trình tiến bộ và phát triển của nhân loại.

Là một anh hùng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ về quyền của những con người được tự do và Người đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp đó. Tư tưởng quan trọng nhất để hướng tới mục tiêu mưu cầu hạnh phúc và quyền sống con người chính là tư tưởng dân chủ. Hồ Chí Minh đã tiếp thu được tinh thần dân chủ ấy từ những giá trị truyền thống Việt Nam; từ tư tưởng Dân vi bản của đạo Khổng; đến tư tưởng hiện đại của Tôn Trung Sơn: Tam dân chủ nghĩa “Độc lập dân tộc, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc”; cho đến tư tưởng của Abraham Lincon là: Một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính những tư tưởng ấy đã được thể hiện trong thực tiễn phấn đấu của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiết kế cho sự nghiệp của dân tộc Việt Nam. Cùng với sự nghiệp của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đóng góp vào sự nghiệp xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, đó cũng là đóng góp to lớn nhất, mang tầm vóc lịch sử của thế kỷ 20.  

 Trong các nước thuộc địa, Việt Nam là nước đầu tiên đã vùng dậy và tuyên bố độc lập vào cuối chiến tranh thế giới thứ II, năm 1945. Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, sức ép từ phía Anh, Pháp, Mỹ đối với một nước vừa giành được độc lập là rất lớn, đất nước Việt Nam đã đứng vững trong tình thế hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc.  Đặc biệt, thực dân Pháp đã bộc lộ dã tâm lớn quay lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành linh hồn của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dẫn dắt cuộc kháng chiến đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, dân tộc Việt Nam tiếp tục bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với chiến thắng mùa xuân 1975, nhân dân Việt Nam đã làm lên một kỳ tích vĩ đại là một dân tộc nhỏ bé đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ.

Khát vọng lớn nhất cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có thể gói gọn trong những dòng chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm tiêu đề cho quốc hiệu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Người đã phấn đấu cả cuộc đời mình cho mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất lãnh thổ và đoàn kết quốc gia và đóng góp cho nhân loại trong thế kỷ 20 một nguyên lý hết sức có ý nghĩa: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Kết thúc thế kỷ 20, bước sang thế kỷ 21, tờ báo Time, một tờ báo rất có uy tín trên thế giới đã lựa chọn Hồ Chí Minh là một trong những chính khách lớn nhất đã làm thay đổi bộ mặt của hành tinh chúng ta.

Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO ra nghị quyết công nhận Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn. Các thành viên hội đồng đã nêu lên rất nhiều điểm nổi bật ở Hồ Chí Minh, không chỉ ở góc độ anh hùng giải phóng dân tộc, mà đặc biệt vai trò của Người về văn hóa và đã ghi nhận Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn. Bởi với một con người đã góp phần làm biến đổi bộ mặt của thế giới, thì đó là phẩm chất quan trọng nhất của một người làm văn hóa.

Trong con người Hồ Chí Minh, thật khó tách bạch giữa Anh hùng giải phóng dân tộc với Danh nhân văn hóa. Bởi vì, việc Người lãnh đạo thành công công cuộc giải phóng dân tộc, đấy chính là sự nghiệp văn hoá cao cả nhất. Hồ Chí Minh không chỉ phấn đấu vì nền độc lập của Việt Nam và các nước thuộc địa khác, mà còn vì bản sắc văn hóa Việt Nam, trong khi vẫn tiếp thu những giá trị từ những nền văn hóa của thế giới. Hồ Chí Minh thật am hiểu về văn hóa Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... và sử dụng thành thạo ngôn ngữ của các nước đó. Hồ Chí Minh thực sự là biểu trưng của văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới.

Tiếp cận với rất nhiều vùng đất khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau và cũng có nghĩa là rất nhiều nền văn hóa khác nhau, Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng dù xuất phát từ một nền văn hóa nào thì cũng phải hướng tới việc tiếp thu được những cái giá trị chung của nhân loại. Tinh thần dân chủ là một quá trình tìm tòi, mà đấy là hạt nhân, là cốt lõi của văn hóa hiện đại. Là một người rất từng trải, đã từng sống và tiếp cận với rất nhiều nền văn hóa khác nhau như vậy, gặp gỡ rất nhiều những nhân vật văn hóa lớn: từ Picaso, đến Sacli Saplin, đến Ilia Erenbua, đến Hăngry Bacbuyt, Tôn Trung Sơn... nhưng thấm nhuần tinh thần của người phương Đông, luôn lấy tính gương mẫu làm một nguồn lực để thuyết phục, để tập hợp lực lượng xã hội, cho nên trong phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại rất là Việt Nam. Tất cả những tư tưởng lớn của nhân loại đều được thể hiện theo một phong cách rất Việt Nam.

Hồ Chí Minh là sự hội tụ rất trọn vẹn của một anh hùng giải phóng dân tộc với một danh nhân văn hóa tầm cỡ thế giới và được thế giới tôn vinh.

Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Như vậy, Người đã chỉ cho nhân dân thấy rằng cốt lõi sức mạnh của một con người, sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của dân tộc cũng bắt đầu từ văn hóa. Bởi, trải qua một thời gian dài, dân tộc Việt Nam sống trong cái chế độ phong kiến lạc hậu, một thời kỳ mà nền giáo dục thuộc địa của thực dân dùng chính sách ngu dân để cai trị, nên việc giải phóng con người, giải phóng thân phận của một dân tộc thuộc địa đồng nghĩa với giải phóng sức sáng tạo, trí tuệ của nhân dân. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí của các thế hệ trước được cụ thể trong việc xây dựng một phong trào học tập. Trước hết, là việc xóa nạn mù chữ, một di sản của chế độ cũ và để mọi con người có thể thực hiện được quyền công dân của mình trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 1-661946. Và tiếp đó, chính bằng trí tuệ ấy, văn hóa ấy có thể hoàn thành được trách nhiệm xứng đáng là công dân của một quốc gia độc lập. Phải chăng đó là cốt lõi văn hóa của Việt Nam.

Là kiến trúc sư của nền văn hóa mới, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò, sức mạnh của văn hóa khi khẳng định “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Hơn thế, bản thân Người là một nhà văn hóa với tất cả mọi ngữ nghĩa của từ đó. Hiện thân văn hóa ở một chính khách lớn chính là ở chỗ đưa ra những tư tưởng, những nguyên lý thuyết phục được quần chúng. Với Hồ Chí Minh, những nguyên lý nhất quán không chỉ trong lời nói mà trong cả hành động. Khi viết báo, làm thơ, cầm bút vẽ hay cầm cây đũa nhạc chỉ huy cả một dàn nhạc, Hồ Chí Minh đều mang ý thức của một nhà chính trị thấu hiểu và khai thác được sức mạnh, nguồn lực của văn hóa.

Hồ Chí Minh chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà tư tưởng. Song những  cống hiến của Người trên các lĩnh vực tư tưởng lý luận như vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; những tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tư tưởng về việc xây dựng chế độ xã hội mới cùng những cống hiến to lớn trên các lĩnh vực: Triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức, lối sống... đã chứng minh Người là một nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của dân tộc Việt Nam

Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ vững phẩm cách, sự quyết đoán, tính khiêm nhường và một điều rất quan trọng là trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh luôn gần gũi nhân dân. Những giá trị tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống Hồ Chí Minh sẽ luôn  giúp ích cho chúng ta đến hôm nay và mãi sau này.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tạo nên bởi sự kiên trì, sự thuyết phục của tình yêu thương, sự công bằng và khát vọng độc lập. Là một nguyên thủ quốc gia được mọi người ngưỡng mộ, nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ nói mình là Chủ tịch nước. Khả năng đắc nhân tâm của Hồ Chí Minh ngang tầm với những lãnh tụ lớn trên thế giới. Hồ Chí Minh đi đến mọi nơi trên trái đất này, mà ít người có thể làm như vậy. Người luôn có những tác động tích cực tới cuộc sống của mọi người, những người hạnh phúc cũng như những người đau khổ. Người có thể biến những tư tưởng cao siêu thành những điều giản dị để thấm vào lòng mỗi người. Vì thế, còn hơn cả một nhà lãnh đạo chính trị, Hồ Chí Minh là một phần trong đời sống của nhân dân  Năng lực văn hóa của Hồ Chí Minh quả là kỳ diệu.

Di chúc là văn kiện cuối cùng khép lại cuộc đời hoạt động oanh liệt của Hồ Chí Minh. Trong bản Di chúc Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân...”. Đó là một tình yêu vô bờ bến, không phải cái gì khác. Hồ Chí Minh không sở hữu bất kỳ cái gì, không có gì cho người thân, không có gì cho riêng mình. Cùng với bản Yêu sách gửi Hội nghị Versailles năm 1919 đòi quyền tự quyết, tự do cho dân tộc Việt Nam, thì Di chúc của Người năm 1969 đã đề cập đến vấn đề lớn nhất của ngày hôm nay: đó là quyền con người, quyền mưu cầu hạnh phúc và cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền độc lập - tự do - hạnh phúc của mỗi con người và cho mỗi dân tộc. Những điều đó là lý tưởng mà Hồ Chí Minh suốt đời theo đuổi. Đây cũng thể hiện Hồ Chí Minh là một tâm hồn lớn, một nhà văn hóa lớn không những của dân tộc Việt Nam mà là của toàn nhân loại.

Nghị quyết của UNESCO nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh viết: “… Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau…”

Trong trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, biểu tượng kiệt xuất Hồ Chí Minh cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam hòa trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, đã được thể hiện rõ nét qua từng trang tài liệu, hiện vật với những kỹ thuật trưng bày hiện đại đan xen tính truyền thống dân tộc, những biểu tượng nghệ thuật, các tổ hợp không gian hình tượng đa dạng kết hợp hệ thống nghe nhìn hiện đại. Trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực sự khắc họa được hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh “…được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một hy vọng và viễn cảnh mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này…”.

ben_nha_rong_2

Trưng bày cố định của Bảo tàng nằm ở tầng 3 với 4000m2. Hai gian triển lãm ở tầng 2 rộng 600m2. Không gian khám phá học đường rộng hơn 150m2.

Kho cơ sở của Bảo tàng có 13 vạn tài liệu, hiện vật; có thư viện chuyên đề sách, báo, tạp chí…về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kho Tư liệu có hơn 12.000 tài liệu, trong đó có nhiều tư liệu quí. Thư viện hiện có hơn 6.700 đầu sách với khoảng 25.000 nghìn bản và đầu tạp chí, báo...  Tư liệu - Thư viện đã áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, phục vụ bạn đọc tra cứu.

Bảo tàng có các loại hội trường: 350, 250, 60, 50 chỗ ngồi có thể tổ chức     các hội nghị, hội thảo khoa học, chương trình ca múa nhạc, tổ chức sự kiện... Thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức và cung cấp các triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có Trung tâm đảm nhiệm việc nghiên cứu thiết kế trưng bày và xây dựng các dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích lịch sử văn hoá khác.

* Bảo tàng tọa lạc trong khuôn viên cây xanh với hơn 7,3ha, có bãi đỗ xe ô tô thuận lợi và các dịch vụ phục vụ khách tham quan.

* Từ 1-5-2015, Thời gian mở cửa thăm quan Bảo tàng:

- Sáng: Từ 8h00-12h00

- Chiều: Từ 14h00-16h30

(Riêng thứ Hai và thứ Sáu chỉ mở cửa thăm quan buổi sáng, từ 8h00 đến 12h00)

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 706
Trong tuần: 5147
Lượt truy cập: 1318144

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy