Đường lên núi Thị Vải
Đường lên núi là những bậc thang lòng vòng làm từ những phiến đá xanh xếp đều, ngay ngắn. Nhỏ bạn tôi vừa nói vừa cười: “Đến 1.340 bậc lận nha”. Rồi nhỏ chỉ tôi lấy gậy tre chống đi và dặn vừa đi vừa phải hít thở đều mới không mệt. Nhỏ đã có kinh nghiệm leo núi rất nhiều lần và dường như năm nào cũng leo, mỗi khi có chuyện buồn phiền gì nhỏ bảo hay về quê leo núi, leo núi lạy Phật xong thì mọi chuyện cũng không còn nghĩa lý gì nữa... Leo núi rồi thấy tâm tĩnh tại và lòng cũng thanh thản hơn nhiều.
Dọc theo hai bên những bậc cấp là những rừng cây cổ thụ rậm rạp, mịt mù những dây leo, những rễ cây trồi lên, đan quấn lấy nhau, tiếng chim kêu líu ríu và cả tiếng nước chảy róc rách, lẩn khuất là một vài con khỉ chuyền cành vun vút, những chú sóc chạy ra cản lối. Chỉ cần lên vài chục bậc là đã cảm thấy cái lạnh mát rượi hương lá cỏ cây của núi rừng và không khí thoáng đãng trên cao.
Tôi hỏi: “Sao gọi núi Thị Vải vậy?”. Đáp: “À, tao chỉ nghe nói là có một vị ni đã lên núi lập am thờ Phật tu tập nên người dân về sau lấy tên bà đặt thành tên núi”. Nghe chúng tôi nói chuyện với nhau, hai sư thầy cũng đăng sơn lên chùa mới kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về nguồn gốc tên núi.
“Núi Thị Vải trước kia có tên gọi là “Nữ Tăng sơn” - tục danh núi Bà Vải, ở địa phận huyện Long Thành. Xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng bị lỡ thời, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng. Nhưng không bao lâu chồng lại chết, bà thề không tái giá. Kẻ cường hào có thế lực cậy mai mối thường đến quấy nhiễu bà. Bà bèn cạo đầu, lập một cái am ở đỉnh núi tự làm thầy cả, cùng bọn đồng bộc giữ lòng tu trì, sau được thành chánh quả, nên người ta nhân đó lấy tên bà đặt làm tên núi đó”... Theo thầy, đây là ngôi chùa ni sớm nhất của vùng đất này.
Tôi hỏi: “Sao không gọi là “Ni sơn” mà gọi là “Nữ Tăng sơn”? Thầy đáp: “Ô! Tại sao nhỉ?... Có lẽ, thuở ấy, từ “Ni” chưa phổ biến nên người ta dùng “Nữ Tăng” để gọi”.
Rồi vị sư trẻ còn cho biết thêm: “Núi Thị Vải có ba ngôi chùa chính. Đó là chùa Liên Trì ở chân núi. Chùa Hồng Phúc ở lưng chừng núi nên cũng gọi là chùa Trung, và chùa Thượng trên đỉnh núi, còn gọi chùa Tổ hay chùa Linh Sơn Bửu Thiền”. Ngoài ra, xưa kia còn có các am cốc của chư tăng. Đó là những hang đá nhỏ, mỗi hang có vẻ đẹo hoang sơ riêng.
Chùa Thượng lấp ló sau những rặng cây, phía sau cũng đang được trùng tu xây cất lên, bên phải chùa là hồ sen lác đác những bông sen với tượng Phật đản sinh đứng giữa trời mây với nước chảy lăn tăn từ những con suối đổ trên núi xuống. Mây trời như khói tỏa cứ lừng lững bay càng tạo nên khung cảnh linh thiêng. Trên đây nhìn xuống thành phố Vũng Tàu thật đẹp, những ô ruộng vuông vắn, những con đường đất uốn cong, những chóp nhà lè tè và đây đó là những cụm nhà cao tầng như hộp diêm.
Linh Sơn Bửu Thiền tự
Tượng Phật đản sinh trên núi Thị Vải
Chùa Thượng là một ngôi chùa đơn giản, đằng trước là tượng Phật nằm và hộ pháp, bên cạnh là những tháp mộ, bên phải là tượng Quan Âm cưỡi rồng, cầu sanh tử, rải rác khuôn viên chùa là điện Tỳ Lô Giá Na, vườn Lộc Uyển...
Một nữ Phật tử người địa phương kể: “Chùa núi này khai sơn từ thời xa xưa, chí ít muộn lắm cũng từ thế kỷ 18. Chùa có qui mô như thế nào, trùng tu, trùng kiến ra sao... đến nay không có tư liệu ghi chép gì. Chỉ biết trong chiến tranh chống Mỹ, chùa bị bom đạn phá hủy tan tành. Mãi sau 1975, chư tăng mới trở về xây dựng lại. Công lao đợt tái thiết này đầu tiên phải nhắc đến thầy Trí Thâm. Lúc ấy, chùa từ chân lên đỉnh núi chưa có bậc, có cấp như bây giờ mà chỉ một con đường mòn, cắt núi băng rừng mà đi. Một người mỗi lần chỉ vác được nửa bao xi măng là hết mức. Ấy thế mà Phật tử, lên xuống mỗi ngày hai mươi bận...”
Trên đường xuống núi tôi lại được chị Phật tử làm công quả lâu năm ở chùa cho biết thêm về một “thiên tình sử” khác giải thích tên núi Thị Vải và tên một ngọn núi khác ở vùng này: núi ông Trịnh.
“Ngày xưa, có một phú ông rất giàu, vợ mất sớm, không có con trai nối dõi tông đường. Ông chỉ có một đứa con gái tên là Thị Vải. Thị Vải tuy không đẹp, nhưng nhan sắc mặn mà dễ coi. Vì là con nhà giàu, hơn nữa nhà không có con trai, nên Thị Vải cũng theo học võ nghệ, cử chỉ đi đứng như con trai.
Khi phú ông đã già, Thị Vải đến tuổi phải lấy chồng. Phú ông đem việc chồng con, việc thừa tự nói với nàng. Thị Vải bèn xin cha nếu chàng trai nào đánh hạ được con thì con xin làm vợ người ấy. Vì cưng con nên phú ông cũng chiều theo và cho lập vỏ đài đề tỷ thí.
Thanh niên trai trẻ khắp vùng lân cận lăm le muốn làm rể phú ông, đã ráo riết luyện tập để đến so tài cùng Thị Vải. Nhưng suốt một tháng trời thi đấu, không có chàng trai nào võ nghệ hơn nàng. Chờ mãi không thấy ai đến tranh tài nữa, võ đài cũng được dẹp đi, việc chồng con của Thị Vải, phú ông không nhắc đến nữa. Một thời gian sau, phú ông bị bệnh rồi mất.
Thị Vải đứng ra thay cha trông coi việc cày cấy ruộng đất, coi sóc việc trong nhà. Trong số người ở có anh lực điền tên Trịnh, giỏi giang, siêng năng, rất được chủ tin dùng. Những công việc quan trọng trong nhà đều giao cho chàng Trịnh.
Một hôm, nàng cùng Trịnh đi coi ruộng của tá điền để định lúa tô. Trên đường đi có một dòng suối nhỏ chắn ngang. Bình thường đi qua lại không có gì khó khăn lắm, nhưng vì chiều hôm trước mưa quá to nên nước dâng tràn lên bờ suối, chảy rất xiết. Lội qua thì không được, đi vòng lên phía thượng nguồn thì mất thì giờ. Phân vân một lúc cả chủ và tớ cũng chưa biết tính sao. Vì phải đi nhiều nơi, không thể chần chờ được nên Thị Vải bảo chàng Trịnh cõng rồi lội qua vậy. Trịnh còn đang do dự, thì Thị Vải nói: Ngại là tôi đây, tôi còn không ngại mà anh lo cái nỗi gì rồi hối đi mau kẻo trưa.
Thế là Trịnh phải kê vai cõng Thị Vải lội qua suối. Không biết có phải vì chàng mất bình tĩnh hay vì nước sâu lại chảy xiết, nên chàng vấp phải đá dưới chân, ngã sấp xuống nước. Bị nước cuốn mạnh, Thị Vải sắp va đầu vào gộp đá gần đấy, hai tay quơ tìm chỗ để bám. Thấy chủ nguy ngập, Trịnh không còn e dè gì nữa, nhào phăng tới ôm lấy. Thị Vải đang chới với, được Trịnh tới cứu nên vội bám lấy chàng. Trịnh bồng Thị Vải sang bờ phía bên kia. Đến bờ, Trịnh buông Thị Vải ra, hai người mặt đỏ bừng, không nói với nhau lời nào, rồi tiếp tục lên đường.
Ba ngày sau khi về nhà, không hiểu Trịnh suy nghĩ những gì mà đang đêm chàng lén bỏ nhà đi mất biệt. Thị Vải cho người tìm cũng không thấy. Sau cùng đích thân nàng đi tìm... và rồi cũng không thấy nàng trở về.
Sau đó ít lâu, người ta tìm thấy xác của Trịnh ở một đỉnh núi, còn xác của Thị Vải ở một đỉnh núi khác. Có người biết chuyện cho rằng vì hai người có tình ý với nhau nhưng trong nghịch cảnh giàu nghèo không thể lấy nhau được, nên đành phải gặp nhau ở suối vàng. Và cũng từ đó, dân trong vùng gọi núi này là núi Ông Trịnh, núi kia là núi Thị Vải”.
Theo website : bariavungtau.com
"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích " |
Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy