KIẾN TRÚC CHÙA KHMER - BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT.

Trong kho tàng di sản kiến trúc ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngôi chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống người dân. Ngôi chùa không những là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hóa lễ hội, thể dục thể thao trong năm. Ngôi chùa như một biểu tượng văn hóa tinh thần và vật chất của dân cư trong khu vực với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo và có nhiều nét riêng biệt, đặc sắc.

1. Đặc điểm văn hóa dân tộc của người Khmer Nam Bộ

Người Khmer Nam Bộ ở đồng bằng sông Cửu Long có cùng nguồn gốc với người Khmer ở Campuchia. Tuy nhiên, do những diễn biến của lịch sử nên hai khối người này đã là hai tộc người ở hai quốc gia khác nhau và người Khmer đồng bằng sông Cửu Long có những nét văn hóa gắn liền với địa bàn cư trú của mình. Hiện nay, số dân Khmer có khoảng 1,2 triệu người, sinh sống tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (chiếm gần 60% số dân Khmer Nam Bộ). Người Khmer thường định cư ở nơi đất giồng (vùng đất dài, cao ráo) và tập họp thành các phum và sóc (phum là đơn vị cư trú của những người trong dòng họ cùng huyết thống, còn sóc là tập họp nhiều phum, có quy mô tương đương với một làng của người Việt, xung quanh sóc có lũy tre bao bọc, trải dài trên các dãy giồng).

Người Khmer Nam Bộ có đời sống tinh thần gắn liền với cuộc sống nông nghiệp lúa nước. Trong tín ngưỡng dân gian, ngoài tập tục cúng ông bà, hằng năm còn có tục thờ các vị thần siêu nhiên như Neaka Tà, Arăk và các lễ nghi nông nghiệp khác. Neaka Tà, còn gọi là Ông Tà, là vị thần bảo hộ cho một vùng đất có ranh giới cụ thể và được thờ trong các miếu đặt ở trung tâm của vùng. Arăk là vị thần của dòng họ và được dòng họ cúng theo cách riêng.

Trước khi Phật giáo Tiểu thừa trở thành tôn giáo độc tôn của người Khmer (TK XIII), khoảng đầu CN, đạo Bàlamôn và Phật giáo Đại thừa đã có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long. Đạo Phật của người Khmer theo phái Tiểu thừa chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Tất cả người dân Khmer, từ lúc lọt lòng cho đến lúc chết, đều là phật tử. Nhưng chính đạo Phật cũng phải chấp nhận sự dung hòa những yếu tố văn hóa bản địa để tồn tại và phát triển.

Tất cả các yếu tố văn hóa được Khmer hóa ấy đã tác động đến kiến trúc ngôi chùa, làm cho nó trở nên độc đáo và mang một sắc thái địa phương rõ nét.

2. Đặc điểm kiến trúc ngôi chùa Khmer Nam Bộ

Ngôi chùa là một công trình công cộng quan trọng bậc nhất trong phum sóc. Đến vùng cư trú của người Khmer, điều gây ấn tượng mạnh mẽ cho du khách ngay cái nhìn đầu tiên là ngôi chùa. Từ xa, thấp thoáng ẩn hiện trong vùng rừng cây dầu, thốt nốt hay dừa là bộ mái cao vút rất ấn tượng của ngôi chùa.

Nếu như ngôi chùa Việt thường được xây dựng ở những nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình hoặc tuân theo những nguyên tắc của phong thủy thì vị trí xây dựng của ngôi chùa Khmer Nam Bộ thường là nơi được cho là có tụ linh khí của đất trời, và còn tuân thủ một số nguyên tắc trong triết lý Phật giáo Tiểu thừa cũng như phong tục tập quán của người Khmer. Bên cạnh đó, vị trí ngôi chùa phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa bàn cư trú. Thường chúng ở vị trí trung tâm của sóc như chùa Ông Mek, chùa Kleang, hoặc ở vị trí cao ráo của dải đất giồng, như chùa Phướn, chùa Âng, chùa Quy Nông, có khi ngay tại giao lộ đường giao thông thủy và bộ, trải dọc theo quốc lộ như chùa Diệp Thạch, chùa Hang, chùa Vũng Liêm.

Ngôi chùa Khmer thường có các hạng mục công trình như: ngôi chánh điện là điện thờ chính; sala (nhà hội), nơi tín đồ dâng cúng lễ và cũng là nơi dùng bữa vào dịp lễ của nhà sư cùng phật tử; trai đường (thọ trai) nơi các sư tập trung thực phẩm và dùng bữa sau khi khất thực; dãy nhà tăng (tăng xá), nơi ở các sư; nhà ở của các lục cả, lục nhì (trụ trì trưởng, phó); lớp học cho các sư cũng là trường học cho trẻ em ở phum, sóc; tháp cốt, tháp thiêu, nơi đựng tro hài cốt sau hỏa táng; cổng chính, tường rào và cuối cùng là miếu thờ Ông Tà (Neakta).

Ngôi chùa Khmer có bố cục phân tán nhưng vẫn tuân thủ những nguyên tắc riêng của nó. Từ ngoài vào phía đông là cổng chính, được kiến tạo khá phong phú, mang đậm phong cách dân tộc. Nối với cổng là con đường xuyên qua khu rừng nhỏ thâm u khá dài, đây là con đường “nhất chính đạo” tượng trưng cho con đường duy nhất dẫn tới phật đài. Cuối đường là trung tâm ngôi chùa. Chánh điện nằm bên trái đường chánh đạo, chạy dọc theo hướng đông - tây. Theo quan niệm của Phật giáo Tiểu thừa: Phật ở phương tây, ngồi nhìn về phương đông để giáo hóa, ban ân huệ. Hướng đông còn là hướng của thần thánh, hướng linh thiêng. Chánh điện là trung tâm của bố cục, đối diện với chánh điện phía bên kia đường chánh đạo - các lớp học của sư. Mặt tiền lớp học hướng về phía nam là phương của Bát Nhã - tức trí tuệ nhằm thu hút năng lực vô biên, khai sáng trí tuệ, thông hiểu phật pháp, tiến tới thức tỉnh, gạt bỏ sân si, giữ tâm trong sạch… Bên cạnh còn có ngôi trường tiểu học dành cho trẻ em trong khu vực dân cư. Quan trọng thứ hai là ngôi sala, công trình được xây dựng đầu tiên trong chùa. Sala nằm về phía sau góc tây - bắc của chùa.Tập trung trước chánh điện là vườn tháp cốt của các nhà sư đã viên tịch. Do số lượng sư sãi tu tại chùa khá đông nên trong khuôn viên chùa còn có nhiều tăng xá, các tăng xá thường nằm phía sau hoặc bên phải chánh điện. Trong chùa còn có miếu thờ Neakta với kiến trúc đơn giản, nằm ở gần cổng chính, góc đông - bắc chùa. Đây là minh chứng cho việc cộng sinh văn hóa giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo Ấn Độ. Ngoài ra trong chùa còn có nhiều giếng nước ngọt để lấy nước sinh hoạt hằng ngày. Cũng có một số chùa như chùa Âng gắn liền với hồ ao như ao Bà Om nổi tiếng ở Trà Vinh.

Đặc điểm kiến trúc ngôi chánh điện

Đây là hạng mục công trình được người Khmer đặc biệt quan tâm và là nơi tập trung đầy đủ nhất tài năng nghệ thuật xây dựng. Mặt bằng ngôi chánh điện có dạng hình chữ nhật, chiều dài gần gấp đôi chiều rộng. Bên ngoài có một đến hai tường rào ngăn cách giữa các cấp nền khác nhau. Để đến nền sân chánh điện, phải đi qua các cổng ở đầu hồi tường rào.

chanhdienkhmer

Sân chánh điện có hình chữ nhật, trong sân. ngoài tháp cốt của các sư còn có các hòn đá linh nhằm xác định ranh giới khu vực chánh điện, người Khmer gọi là đá kiết giới (seima). Việc chôn cất các seima này rất quan trọng. Các hòn đá linh có thể được chôn chìm hoặc nổi trên sân, hay được đặt trong một am nhỏ. Sân nền chung quanh chánh điện là nơi các tín đồ tụ tập, cầu nguyện và hành lễ giống như lối chạy đàn thứ nhất ở stupa của Ấn Độ.

Có 3 loại chánh điện: chánh điện có hành lang xung quanh, chánh điện chỉ có hành lang hai đầu và chánh điện không có hành lang. Hành lang rộng từ 1,8 - 2,5m có chức năng làm nơi chạy đàn trong quá trình hành lễ, là nơi các tín đồ chuẩn bị lễ vật, vì trong các ngày lễ lớn chỉ các nhà sư có trách nhiệm mới được vào chánh điện.

Đối với các ngôi chánh điện có hành lang xung quanh và hành lang ở hai đầu hồi thì hành lang ở đầu hồi hướng đông là tiền sảnh có lối vào chính, với hai bộ cửa đối xứng hai bên trục dọc. Nội thất trong chánh điện gồm có 7 gian với 8 hàng cột. Từ ngoài vào 3 gian đầu là không gian tiền đường, hai gian tiếp theo là không gian thiêu hương và hai gian còn lại là phật điện. Tại đây đặt tượng phật Thích Ca chính và các tượng phật Thích Ca nhỏ khác. Bệ tượng cách tường hồi khoảng hơn một mét là lối chạy đàn, giống như trong các điện thờ ở các Chaitya Phật giáo Ấn Độ. Chiều rộng chánh điện gồm 3 bước (4 hàng cột) được chia ra không gian chính dành cho các sư chủ trì buổi lễ, và các tín đồ làm lễ xuất gia, thọ giới, hai bên cánh với khẩu độ nhỏ hơn là gian để các tín đồ phật tử ngồi hành lễ.

Đối với loại chánh điện thứ ba khép kín thì chỉ là biến thể của hai loại trên mà thôi. Nhìn chung nội thất loại này, đều có chiều dài 7 gian và chiều rộng gồm 5 bước.

Muốn vào chánh điện, trước hết phải qua các cổng. Có loại chánh điện cổng ở 4 bên, trùng với 4 hướng đông, tây, nam, bắc với hai lớp tường rào (chùa Kleang, Sóc Trăng). Nhưng cũng có loại chánh điện chỉ có cổng vào ở hai đầu hồi và chỉ có một lớp tường rào (chùa Âng, chùa Hang, chùa Vũng Liêm). Đây là loại phổ biến nhất. Riêng chùa Phướn có tới 4 cổng từ hai hướng đông, tây. Và cuối cùng là loại không có cổng và tường rào (chùa Dơi, chùa Trà Tiên, Sóc Trăng).

Ngôi chánh điện thường đứng trên nền cao từ 0,5 - 1m và như được cao thêm bởi hàng cột đứng thẳng bên ngoài hành lang. Trên các đầu cột ở bốn góc được trang trí hình tượng chim thần Krud mình người đầu chim, trên đầu cột còn lại là các tượng nữ thần có cánh Keynor.

Các hình tượng này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái. Diềm mái được trang trí đầy hoa văn hoa lá chạy suốt chiều dài ngôi chánh điện. Trên mặt đứng chánh điện ở hai đầu hồi đông, tây là hai bộ cửa đối xứng nhau với kích thước trung bình từ 1,5 x 2,4m, đôi khi có cửa còn cao hơn. Mặt bên trổ các cửa sổ bằng gỗ hai cánh, kích thước trung bình rộng từ 1,0 - 1,2m, cao 1,4 - 2,4m. Trên mi cửa còn được trang trí các hoa văn. Do cách bố trí cửa như vậy, nên ánh sáng lọt vào bên trong vừa đủ để tạo nên một không gian tôn kính, thâm nghiêm nơi chánh điện.

Cuối cùng, bộ phận kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt đứng ngôi chánh điện chính là bộ mái. Độ dốc của bộ mái chính tới 600 và bộ mái phụ 300 thật sự hiệu quả cho việc che chắn mưa nắng tại vùng đất phương Nam. Nhờ bộ mái có tỷ lệ hài hòa với thân nhà cùng với các bước cột của chiều dài nhà tạo nên vẻ đẹp đầy ấn tượng. Mái thường được lợp ngói tráng men màu vàng hoặc đỏ điểm xuyến với màu xanh tựa như những chiếc vảy rồng lấp lánh dưới ánh mặt trời, trông khá đẹp mắt. Trên bờ nóc, bờ chảy, nghệ nhân Khmer trang trí các hình tượng rắn thần Naga với chiếc đầu ba sừng vươn lên hoặc những chiếc chaivia thon dần, có khi vươn cao gần 2m một cách thanh thoát.

Như đã đề cập ở trên, ngôi chánh điện thường nằm trên nền cao. Những ngôi chánh điện bề thế thường có ba cấp nền, còn với ngôi trung bình thì chỉ có hai. Cấp thứ nhất sát mặt đất cao khoảng 1 mét, càng lên trên càng nhỏ dần. Cấp trên cùng cao dưới 0,5m. Ngôi chánh điện được xem như là trung tâm của vũ trụ, nơi hội tụ khí thiêng của trời đất. Hình tượng núi vũ trụ Mêru trong triết lý của Phật giáo được Khmer hóa trong ngôi phật điện với ý nghĩa, nơi đây là nơi đức phật tối cao ngự trị, hiển thị uy quyền của phật pháp. Mặt khác, nó cũng phù hợp với khí hậu ẩm thấp, mưa lũ nhiều của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đỡ lấy bộ mái cao lớn của ngôi chánh điện là hệ khung cột kèo đơn giản, thuộc dạng “xuyên trính”, giống ngôi nhà người Việt. Một bộ vì kèo thường có sáu hàng cột, trong đó có hai cột cái đỡ vì kèo tam giác, hai cột con đỡ hai gian hai bên và ngoài cùng là các cột hành. Nét đặc thù của bộ mái chùa Khmer chính là có độ dốc cao lại được phân ra nhiều cấp và nhiều nếp. Có loại đến bốn tầng mái liền với ba nếp mái chồng lên nhau, có loại có ba tầng mái với ba nếp mái hoặc không có nếp mái nào. Đặc biệt có loại lại có tháp nóc ở giữa các tầng mái như chùa Hang ở Trà Vinh, chùa Trường Khánh ở Sóc Trăng. Đây là loại chịu ảnh hưởng kiến trúc của các ngôi chùa ở Thái Lan và Campuchia.

Hầu hết các ngôi chánh điện xưa đều được làm bằng gỗ quý, chỉ những ngôi chánh điện sau này mới sử dụng hệ khung bê tông cốt thép, còn tường chỉ có tính chất bao che. Trong nội thất, gian chính giữa được đóng trần, còn lại để lộ phần kết cấu bên trong bộ mái.

Kiến trúc tháp

Những ngôi tháp mộ, tháp thiêu thường thấy ở các ngôi chùa Khmer là hình ảnh thu nhỏ và biến thể của tòa stupa Ấn Độ. Tháp mộ có quy mô phụ thuộc vào vai vế trong xã hội và khả năng tài chính của người đã khuất. Tháp có bệ hình vuông, mỗi cạnh dài 2m. Phần trên còn được trang trí hình ảnh Reahu lấy trong điển tích Phật giáo. Thân tháp là một khối vuông thon dần lên trên, phía trước có chừa một hốc nhỏ để đưa hũ cốt vào, tiếp đến là một khối hình thuôn hoặc hình quả chuông úp, bề mặt để trơn hoặc trang trí hoa văn. Trên quả chuông là các đĩa tròn nhỏ dần lên tới đỉnh. Phần lớn trên đỉnh được trang trí đầu tượng thần Mahaprum bốn mặt, đầu đội mũ nhọn. Đấy là những nét cơ bản, còn thực tế, tháp mộ rất đa dạng về hình thức cũng như trang trí hoa văn.

thapkhmer

Ngoài tháp mộ còn có tháp thiêu để gìn giữ tro của người chết sau khi hỏa táng với ước nguyện mong sự che chở của đức phật. Loại tháp này chỉ có ở một số chùa lâu đời và danh tiếng như chùa Quy Nông, chùa Samrong Ek. Kiến trúc tháp thiêu tương tự như tháp cốt nhưng quy mô lớn hơn nhiều.

Sala (nhà hội)

Sala là ngôi nhà đầu tiên được xây dựng trong chùa. Đây là nơi thờ phật, đồng thời cũng là chỗ sinh hoạt của các vị sư sãi trong lúc chính điện và các hạng mục khác chưa có điều kiện xây dựng. Kiến trúc sala mang dấu ấn của ngôi nhà sàn dài truyền thống của người Khmer, có cốt nền cao hơn mặt đất khoảng 1 - 2m. Cột chống bằng gỗ hoặc gạch, xây vòm cuốn hay bằng bêtông cốt thép. Tầng hầm dùng làm kho. Sàn được làm bằng cách ghép các thanh gỗ lại với nhau. Mặt bằng sala rộng rãi với diện tích có khi còn lớn hơn cả chánh điện. Thông thường, có ba bước cột, khoảng giữa lớn nhất, các bước hai bên nhỏ hơn. Chiều dài sala có từ 5 - 7 gian, cá biệt đến 11 gian như ở chùa Phướn. Gian cuối của khoảng giữa có bàn thờ Phật hướng đông. Mặt bằng sàn sala không đồng đều mà được phân chia thành các khu vực có cốt nền khác nhau, phù hợp với chức năng sử dụng và chức sắc sư sãi trong chùa.

Kết cấu sala tương tự như kết cấu ngôi chánh điện, có loại theo kiểu kết cấu xuyên trính, có loại theo kiểu nọc ngựa của ngôi nhà dân gian người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cổng, tường rào

Cổng, tường rào là thành phần không thể thiếu được của một ngôi chùa. Cổng thường có ba loại:

Loại thứ nhất, làm bằng khung gỗ, có mặt bằng hình chữ T, tạo thành hai lối đi hai bên, có đặt ghế ngồi. Đây là biến thể của loại nhà thala - loại nhà tạm ở phum, sóc dành cho người dân dừng chân trú mưa nắng. Bộ mái gồm có 2 -3 nếp giao nhau hình chữ thập. Trên nóc chỗ giao nhau có tháp nhọn và được trang trí theo lối truyền thống như ở ngôi chánh điện.

Loại thứ hai, xây dựng bằng vật liệu bêtông cốt thép. Mặt bằng hình chữ nhật hoặc vuông. Đây cũng là dạng biến thể của ngôi thala truyền thống, tuy nhiên trên đỉnh mái có các tháp dạng Angkor nhiều tầng và được trang trí rắn thần Nagar.

Loại thứ ba, đơn giản hơn hai loại trên và mang dáng dấp một cổng tam quan của người Việt. Dạng này có kết cấu bằng bêtông cốt thép, đặc biệt trên tấm đan bêtông có ba tháp kiểu Angkor.

Dù ở dạng nào thì kết cấu cổng tam quan của chùa Khmer vẫn toát lên tư tưởng triết lý Phật giáo. Đó là ba nguyên tắc tư duy của trí tuệ. Tam quan (thật ra là tam quán) bao gồm: không quan, mang ý nghĩa lối nhìn về bản thể, uyên nguyên; giả quan: lối nhìn về quy luật vô thường và trung quan: cách nhìn thấu suốt đạt chân lý là phật pháp.

Nhà tăng là chỗ ở và học hành của sư sãi giống kiểu tăng phòng (vihara) Ấn Độ. Công trình thường được xây dựng theo lối nhà ở truyền thống của người Khmer. Với tăng phòng của vị đại đức chủ trì có kiến trúc theo kiểu nhà sàn bằng gỗ, mái dốc cao, lợp ngói với các hoa văn trang trí dân tộc. Còn lại là những ngôi nhà cấp bốn bình thường.

Cột cờ là một kiến trúc tuy nhỏ nhưng khá độc đáo, dùng để treo cờ ngũ sắc của Phật giáo. Vị trí của nó thường rất tự do nhưng phải gần ngôi chánh điện. Cột cờ có khi đơn giản chỉ là cột sắt trên nền xi măng, trên đỉnh thường có chim thần. Hoặc cầu kỳ như ở chùa Quy Nông có đế được xây như một ngôi chánh điện thu nhỏ. Trên phần giao nhau của mái có cột cờ, trên đỉnh được trang trí chim thần, hay sư tử… Cột cờ còn có ý nghĩa khác là tượng trưng cho trục vũ trụ, trục linh thiêng nhằm thu hút sinh khí của trời đất đem phân phát cho chúng sinh

3. Đặc điểm nghệ thuật trang trí, điêu khắc

Trong không gian chánh điện, nghệ thuật trang trí, tượng hoa văn được tập trung chủ yếu ở phật điện. Tuy được chia ra nhiều tầng cấp nhưng chỉ có một hình ảnh tượng Thích Ca với các chủ đề khác nhau mà thôi.

Ở các cột được sơn mài màu đen, tô vẽ nhũ vàng với các hình rồng, hoa sen nở cùng phối với những đường diềm hoa văn hình thoi cũng được nhũ vàng. Trên các bức cửa võng ở bệ thờ được chạm lộng cực kỳ tỉ mỉ hình hoa lá sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngoài tượng phật, trong chùa còn sử dụng các tượng linh thú khác để trang trí như Krud thân người đầu chim, tượng Keynor có dáng tiên nữ mình chim với gương mặt hiền lành đẹp đẽ giống tượng vũ nữ Apsara, đội nón chóp nhiều tầng, mình mặc áo xà rông hoặc hai bên hông có cánh.

keynor

Reahu là hình tượng trang trí độc đáo và rất phổ biến tại chùa Khmer. Nhân vật Reahu gắn liền với thần thoại cổ, mang màu sắc tín ngưỡng bản địa. Tượng Reahu có dạng chung là mặt mày dữ tợn, đội mắt trợn trừng, miệng rộng với răng nhọn lởm chởm, chỉ có đầu, không có mình, hai tay cầm mặt trời hay mặt trăng đưa vào miệng để nuốt; hay ở dạng đang thổi một luồng cuồng phong được cách điệu. Hình tượng này thường xuất hiện trên cổng, vòm cửa mặt tiền chánh điện, trên bàn thờ phật hay trên các mặt tháp.

Tượng Chằn (Yeak), hình dáng được nhân cách hóa, dưới dáng vẻ của một võ tướng có thân hình cao to, chắc khỏe, toàn thân mặc giáp tục, vẻ mặt hung tợn, mắt lồi, mày xếch, miệng rộng nhe nanh nhọn, tay cầm chày vồ. Tượng Chằn đứng trước cổng chùa hay xung quanh chánh điện, có nhiệm vụ bảo vệ chùa.

Trên diềm mái được trang trí hoa văn dạng hoa lá hay những dãy mũi giáo hướng xuống. Còn ở trường hồi tam giác thì trang trí các đề tài có liên quan đến sự tích ra đời của Phật giáo như thái tử cưỡi cổ xe ngựa, phật tọa thiền trên đài sen hay đơn giản chỉ là hoa sen, phật Thích Ca và Chư Tiên, Reahu phun gió nuốt trăng.

Có thể nói, ngôi chùa Khmer Nam Bộ là một tổng hòa các sắc thái riêng của người Khmer. Mặc dù không thể sánh được về mặt quy mô, tính chất hoành tráng với các kiến trúc Phật giáo Ấn Độ hay các đền tháp của người Khmer Campuchia, nhưng những giá trị nghệ thuật được gửi gắm trong hình khối kiến trúc, sự hòa hợp giữa kiến trúc và điêu khắc cùng với những đường nét trang trí tinh xảo đầy ấn tượng, tất cả tạo nên những nét riêng biệt đặc sắc góp phần xứng đáng vào kho tàng kiến trúc của các dân tộc Việt Nam

Nguồn : Trung Tín Lê

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 755
Trong tuần: 5190
Lượt truy cập: 1318675

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy