Lai lịch ngôi miếu linh thần cứu nạn ngư dân

 

 

 

Suốt hơn 300 năm tồn tại, Dinh Cậu ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí thú vị được ngư dân lưu truyền đến tận ngày nay. Do "tam sao thất bản" nhiều lần và suốt hàng thế kỷ qua, những câu chuyện về Dinh Cậu không còn nguyên mẫu như xưa nữa.

Giai thoại sóng Long vương cứu người

Chuyện xưa kể rằng, ngư phủ đi biển gặp bão chỉ cần chạy tàu vào cửa biển Dương Đông trú ẩn sẽ thoát nạn. Rất nhiều lần người ta đứng tại cửa Dương Đông chứng kiến cuồng phong thịnh nộ quật tan nát những chiếc tàu bên ngoài cửa biển, trong khi những chiếc tàu neo đậu trong cửa biển vẫn bình yên vô sự. Từ hiện tượng đó, người ta tin rằng có linh thiêng ngự trị nơi cửa biển nên cuồng phong không dám mon men gần bờ. Người ta lại chứng kiến nhiều lần, những chiếc tàu gặp nạn ở tít khơi xa được một ngọn sóng lớn nâng lên cao rồi đẩy vào tận bờ cửa Dương Đông một cách an toàn.

 

Sau nhiều lần trùng tu, từ miếu thờ Long Vương, giờ biến thành miếu thờ Cậu Tài, Cậu Quí.

Ông Nguyễn Khải, 57 tuổi, là một "ngư phủ từ khi còn là trứng nước" - tự nhận như vậy - kể rằng: "Tôi tự hào là cư dân rặt ròng của Phú Quốc. Tổ tiên tôi lập nghiệp trên đảo này từ xưa. Sống trên đảo, chúng tôi cứ bám mặt biển mà thu lượm của trời. Cha tôi kể rằng, ông cố tôi, ông nội tôi và chính ông từng chứng kiến và được sóng Long Vương cứu nạn ở Dương Đông.

Cha tôi kể, hồi năm 1932, ông đi đánh lưới rùng thì gặp bão. Con tàu bị đánh nát tả tơi, gãy bánh lái. Bạn trên tàu chỉ còn biết chắp tay khấn cầu đấng linh thiêng. Bỗng dưng xuất hiện một ngọn sóng cao hàng chục mét. Ngọn sóng nâng con tàu của cha tôi lên tận trên đỉnh rồi đưa vào bờ. Từ mạn tàu nhìn xuống hướng đảo, cha tôi còn trông thấy mấy ngọn cây cổ thụ nhỏ xíu như ngón tay. Vậy mà, ngọn sóng hạ con tàu xuống bãi cát êm ru. Mọi người thoát chết. Sau chuyến biển đó, tháng nào cha tôi cũng đến miếu Long Vương cúng bái".

Ông Khải cũng khẳng định, Dinh Cậu là do những người dân địa phương đời sau quen gọi. Tên chính thức hồi xưa của ngôi miếu là "Long Vương thần miếu", tức miếu thờ Long Vương. Ban đầu, ngư dân lập ngôi miếu trên mỏm đá ven bờ Dương Đông để thờ "sóng Long Vương".

Theo mô tả, "sóng Long Vương" có hình thù như con rồng nên ngư phủ tin rằng, đó là hiện thân của Long Vương cứu người gặp nạn trên biển.

Thuở ban đầu, miếu được cất bằng vật liệu thô sơ trên đỉnh một hòn đá lớn nhất trong quần thể các hòn đá nơi cửa Dương Đông được gọi là hòn Quy vì có hình thù giống đầu một con rùa. Ngôi miếu không có biển danh môn nhưng ai cũng gọi là miếu Long Vương. Quần thể đá này nằm chơi vơi nơi mép nước. Hòn lớn nhất cao khoảng 30 mét so với mặt nước biển. Cạnh hòn Quy còn có một số mỏm đá vôi lớn mang hình thù kỳ dị mà người ta liên tưởng đó là bầy cá sấu.

Trước mỗi chuyến ra khơi xa, ngư phủ đều ghé tàu vào miếu cầu an, cầu xin Long Vương phù trợ chuyến đi biển an toàn.

Ngai Vua ở mũi Ông Đội chỉ là một tảng đá có hình dáng giống ghế bành. Ảnh Thành Dũng.

 

Ông “cậu” là ai?

Nhiều bậc kỳ lão được sinh ra trên đảo khẳng định rằng, hồi đầu thế kỷ XX có một người đàn ông lạ xuất hiện tại ngôi miếu Long Vương. Lúc đầu, ông tá túc trong miếu, tự làm các công việc quét dọn, nhang đèn. Ông tịnh khẩu, không nói chuyện mà chỉ ra dấu nên không ai biết quê quán, gốc gác ở đâu. Mọi người chỉ đoán ông là người từ đất liền ra đảo tìm chốn tu hành.

Một thời gian sau, ông ta không ở trong miếu nữa mà chui xuống hang dưới lòng hòn đá lớn quy ẩn. Ông dùng đá tự lấp cửa hang. Nhiều người lo ông chết đói đã đem cơm chay đến đặt trước cửa hang nhưng đến ngày sau vẫn thấy còn nguyên.

Ông ta ẩn tu suốt 2 năm liền như thế.

Một ngày nọ, người ta thấy ông ra khỏi hang, trở lên miếu Long Vương tiếp tục công việc của một thủ từ. Lần xuất hiện này, ông chịu nói chuyện nhưng rất kiệm lời. Mỗi khi mở miệng, ông thường tiên tri hậu vận cho những người đến miếu Long Vương lễ bái. Vào những ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch hàng tháng, ông ta tự ngồi giá, lên đồng để phát lộc cho các ngư phủ đến cúng.

Đến những ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch hàng năm ông tổ chức lễ cúng Long Vương. Trong buổi cúng, ông cũng để lên đồng ban phát bùa cầu an, phát tài. Từ đó, dân quanh vùng gọi ông là "Cậu".

Thạch Sơn Động, nơi ông Cậu ẩn tu.

 

Nhiều người dân trên đảo đánh trúng luồng cá trở nên giàu có đã tin rằng nhờ lộc Cậu cho. Họ bỏ tiền ra trùng tu và xây lớn ngôi miếu Long Vương.

Cái tên "Dinh Cậu" bắt đầu xuất hiện từ đó

Khoảng năm 1940, một toán lính Pháp trên đảo bất thần ập vào ngôi miếu Long Vương bắt ông Cậu đưa đi. Từ đó không ai trông thấy ông nữa. Có người cho rằng, sau đó, lính Pháp có thả ông ra. Là "người trời" lại bị lính Pháp bắt, ông Cậu giận dỗi bỏ dương trần trở về trời trú ngụ. Thế là một số người đến miếu không cầu khấn Long Vương phò trì nữa mà chỉ cầu khấn ông Cậu.

Dần dà, người ta quên hẳn nơi đó từng là ngôi miếu Long Vương.

Sau khi trùng tu những người đời sau khắc hẳn lên cửa miếu hàng chữ "Dinh Cậu". Đó là nguyên nhân dẫn đến ngộ nhận về vị linh thần trấn ngôi miếu.

Ngày nay, nơi đó không chỉ mỗi Dinh Cậu (tức miếu Long Vương) là kiến trúc duy nhất. Hang đá mà ông Cậu quy ẩn, tịnh tu được gọi là "thạch sơn động". Chiếc cổng dưới chân hòn đá lớn có tấm biển ghi "Dinh Cậu". Ven cổng lên núi là một ngôi miếu Thổ thần. Đường lên miếu gồm 29 bậc đá. Bên ngoài ngôi miếu thờ Long Vương là bàn thờ "thông thiên". Bên trong ngôi miếu thờ Long Vương không phải là tượng cốt của Long Vương, của ông Cậu mà là 3 nhân vật thuộc về tín ngưỡng… Chăm tức Bà Chúa Ngọc cùng 2 cậu con trai là Cậu Tài, Cậu Quí.

Hiện nay, nhiều giai thoại huyễn hoặc liên quan đến Dinh Cậu được du khách lưu truyền rộng rãi từ Nam chí Bắc. Hầu hết những giai thoại "hiện đại" ấy đều xuất phát từ việc thờ sai đối tượng trong miếu Long Vương. Giai thoại hiện đại này cho rằng, linh thần Dinh Cậu là "Cậu Tài, Cậu Quí".

Theo tín ngưỡng dân gian, Cậu Tài, Cậu Quí rất mê cờ bạc, đá gà. Chính vì nghĩ Dinh Cậu thờ "Cậu Tài, Cậu Quí" nên rất nhiều "hảo hán cờ bạc" từ Nam chí Bắc đã đua nhau về đây cúng kiếng. Trong số đó có rất nhiều gương mặt cộm cán trong giới giang hồ như Năm C., D. "hà", O. "hà", H. "sự", M. "xăng", Ch. "lò thiêu"… từng đến cúng tiến 2 Cậu ít nhất một lần.

Nhiều đại gia đầu tư sòng bạc ở tuyến giáp biên Campu chia - Việt Nam cũng lò mò đến cúng bái, vái lạy sì sụp vào các ngày rằm trong tháng. Hiện tượng lên đồng cho số đề, cá cược bóng đá cũng âm ỉ, ngấm ngầm xảy ra ở Dinh Cậu. Một nét tín ngưỡng cầu an của ngư dân đã bị ô uế.

Truyền thuyết về Gia Long bôn tẩu Tây Sơn

Thời nhà Nguyễn có ghi nhận một truyền thuyết cho rằng "Cậu Tài, Cậu Quí" là 2 anh em ruột đều là con của Thánh Mẫu Chúa Ngọc Nương Nương, tức Nữ thần Thiên Y A Na - Poh Yang Inư Nagar (theo tín ngưỡng Chăm). Truyền thuyết này có xuất xứ tận Nha Trang cùng thời gian xuất hiện miếu Long Vương ở Phú Quốc.

Một luồng truyền thuyết khác cho rằng, năm 1777, trong cuộc bôn tẩu, Nguyễn Ánh, bị quân Tây Sơn truy đuổi có đến lánh nạn tại hòn đảo Phú Quốc. Tại đây, đoàn tàu của ông ta bị mắc cạn tại rặng đá ngầm ở một mũi đảo. Trong cơn nguy khốn, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng khẩn cầu Bà Chúa Ngọc phù hộ độ trì. Ông hứa, sau khi lấy lại được vương triều sẽ phong sắc "Thượng Đẳng Linh Thần" cho bà.

Sau khi khấn xong, bỗng có một ngư phủ trên bờ trông thấy tàu mắc cạn đã dùng dây rừng kéo tàu ra khỏi chỗ nông và đưa mọi người lên bờ an toàn. Ngư phủ được Nguyễn Ánh phong ngay cho chức "đội". Nơi đó được Nguyễn Ánh đặt tên là mũi Ông Đội.

Khi lên bờ, Nguyễn Ánh dùng kiếm cắm xuống một khe đá ven bờ để lấy nước ngọt, đồng thời in dấu giày trên một tảng đá để làm chứng tích. Nhớ lời hứa, sau khi lấy lại được vương triều, Nguyễn Ánh đã sắc phong cho Bà Chúa Ngọc và cất ngôi thờ tại Dương Đông. Vì thế, Dinh Cậu là nơi thờ Cậu Tài, Cậu Quí là đúng. Những người đồng ý với giả thuyết này còn khẳng định, tại một bãi biển hoang sơ có tên gọi là mũi Ông Đội, thuộc An Thới, Phú Quốc vẫn còn lưu dấu tích Nguyễn Ánh bôn đào.

Tuy nhiên, hầu hết những nhà nghiên cứu về Phú Quốc đều phủ nhận điều đó.

Để xác tín thông tin, chúng tôi đến tận mũi Ông Đội. Đó là một mũi đá nhô ra biển nằm chơi vơi nơi hẻo lánh, hoang sơ vẫn còn khỉ rừng cư trú. Để đến đó chúng tôi phải thuê tàu từ bãi Sao (An Thới) chạy men theo vách đá hơn nửa giờ.

Quả nhiên, tại đây vẫn còn một số "hiện vật" của Nguyễn Ánh như: Ngai vua, giếng ngự, dấu giày và một ngôi miếu thờ. Tuy nhiên "hiện vật" được gọi là "Ngai vua" chỉ là một phiến đá có hình thù giống chiếc ghế bành; giếng ngự được người dân địa phương xây xi măng bao quanh chỉ là một mạch nước khe chảy ra từ lòng đảo; dấu giày in trên đá trông giống như có bàn tay chạm khắc của con người. Riêng ngôi miếu thì có vẻ như đã tồn tại nơi đó rất lâu.

Và chính ngôi miếu thờ Vua Gia Long đã xác tín rằng, Dinh Cậu không liên quan gì đến việc Nguyễn Ánh bôn đào ra Phú Quốc. Bởi, nếu Vua Gia Long có sắc phong thì cũng trao cho nơi ông ta đã từng trú ngụ, tức mũi Ông Đội. Vả lại, tính theo đường chim bay từ mũi Ông Đội đến Dinh Cậu là một khoảng cách hơn 15 km.

Rất nhiều người khẳng định, tuy nhiều lần trùng tu nhưng những câu liễn chữ Hán vẫn còn còn được chạm khắc lại theo nguyên nghĩa của ngôi miếu cũ xưa như: "Tọa đại thạch đầu quy danh hiển" (ngôi miếu nổi tiếng có vị trí tọa lạc ở mỏm đá lớn giống đầu con rùa). "Vạn cổ anh linh thông tứ hải" (Ngôi miếu linh thiêng vang khắp bốn biển từ xưa). "Chấn phong bình lượng bảo lương dân" (Ngôi miếu như tấm bình phong bảo vệ dân lành). "Phong điếu vũ thuận dân an lạc" (Giữ mưa thuận gió hòa cho dân cư an lạc). Từ ý nghĩ những câu liễn này cho thấy, và căn cứ vào những câu chuyện truyền khẩu của các bậc cao niên sinh sống trên đảo thì ngôi miếu trên Dinh Cậu chỉ thờ Long Vương - một tín ngưỡng dân gian lưu truyền của ngư dân vùng biển.

Những cư dân địa phương cho biết, 3 lần trùng tu gần nhất được ghi nhận là ngày 14/7/1937, ngày 14/7/1997 và năm 2009.

Cuộc trùng tu năm 1937, miếu được cất thành mái tol, vách vôi, trên biển có ghi "Thạch Sơn động". Cuộc trùng tu ngày 14/7/1997, người ta vẫn ghi trên biển là "Thạch Sơn động" mặc dù nơi cổng dưới chân "núi" lại ghi là "Dinh Cậu". Lần trùng tu gần nhất là năm 2009, trên biển ngôi miếu bỗng xuất hiện dòng chữ "Dinh Cậu" cho đến ngày nay. Kể từ sau lần trùng tu năm 1997, trên bàn hương án mới xuất hiện cặp tượng thờ Cậu Tài, Cậu Quí và Chúa Ngọc.

Đã từ lâu, Dinh Cậu trở thành một biểu tượng của niềm tin để ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường. Cho dù phán xét Dinh Cậu ở khía cạnh phi tín ngưỡng thì người dân địa phương vẫn xem đó là một biểu tượng khẳng định chủ quyền đất nước từ mấy trăm năm trước. Ngoài ra, Dinh Cậu còn là một địa chỉ du lịch nổi bật của huyện đảo Phú Quốc.

Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu của địa phương cần xác định rõ và thiết lập một giai thoại nhất quán cho Dinh Cậu để khách du lịch có cơ hội chiêm nghiệm một nét văn hóa của đời sống ngư phủ xưa trên đảo. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần xem xét lại "kịch bản" cúng cầu ngư, cầu an nguyên mẫu của Dinh Cậu, không để một lễ hội của ngư dân biến thành dị bản. Hoặc, ít nhất, không biến Dinh Cậu thành một địa chỉ… xin số đề, cầu thắng độ bóng đá

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 790
Trong tuần: 5451
Lượt truy cập: 1359199

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy