Nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất Trịnh Công Sơn (1/4/2001 -1/4/2013), cùng điểm lại những điều thú vị nhất xung quanh các ca khúc nổi tiếng của ông.
Cát bụi
Bài hát được bắt nguồn từ một thoáng buồn không nguyên cớ là một đoạn phim, một cuốn truyện chưa ưng ý. Trong hồi ký của Trịnh Công Sơn viết: "Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ".
Biển nhớ
Ca khúc được viết cho Tôn Nữ Bích Khê học trường Sư phạm Quy Nhơn vào hè 1962. "Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya, Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn 'trời cao níu bước Sơn Khê'", Đinh Cường chia sẻ.
Diễm xưa
Bài hát do Khánh Ly thể hiện, đã trở thành top hit ở Nhật năm 1970. Ngữ nghĩa của Diễm xưa được Trịnh Công Sơn lý giải: "Diễm là đẹp, xưa là ngày xưa". Nhân vật được nhắc tới trong ca khúc là nữ sinh Ngô Thị Bích Diễm của Đại học Văn khoa Huế. Nhà Bích Diễm ở bên kia sông qua cầu Phú Cam, rẽ tay phải về phía đường Phan Chu Trinh, hàng ngày cô gái vẫn đi qua nơi Trịnh Công Sơn ở.
"Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là chàng cứ sướng ran cả người. Một tình yêu 'hương hoa' kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó", giáo sư Bửu Ý nói.
Một cõi đi về
Ca khúc được viết vào khoảng 1974 đầu năm 1975 nhưng từ năm 1980 mới phổ biến. "Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong. Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm", Trịnh Công Sơn từng nói.
Hạ trắng
Hạ trắng là một ca khúc trữ tình do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1961 (sau bài Diễm xưa). Bài hát được bắt nguồn cảm xúc từ nỗi ám ảnh của một mùa hè nóng bỏng tại Huế, cộng với một câu truyện về cái chết của cha mẹ một người bạn.
"Sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài Hạ trắng" - trích hồi ký Trịnh Công Sơn
Nối vòng tay lớn
Đây là ca khúc được Trịnh Công Sơn viết để kêu gọi sự đoàn kết giữa 2 miền Nam Bắc. "Trịnh Công Sơn đã viết Nối vòng tay lớn cho khắp cả miền Nam cùng hát, thế nhưng ít ai có dịp nghe anh hát. Một ngày, ngày trọng đại của thành phố Sài Gòn và của cả nước, 30/4/1975, người dân Sài Gòn bỗng được nghe Trịnh Công Sơn hát.
Khoảng 3h chiều 30/4/1975, phần lớn người dân đều túa ra đường để được tận hưởng bầu không khí hân hoan, phấn khởi của ngày thành phố được giải phóng và trực tiếp gặp gỡ thăm hỏi với các chiến sĩ giải phóng. Vào lúc ấy, những người dân ở nhà mở radio nghe tin tức qua Đài phát thanh Sài Gòn đột nhiên có cảm giác khác lạ khi chương trình chợt lặng đi một chút và tiếp ngay đó là tiếng của Trịnh Công Sơn: 'Tôi là Trịnh Công Sơn', rồi anh cất tiếng hát bài Nối vòng tay lớn", Nguyễn Đức cho biết.