Phong tục ba ngày Tết

 

 

 

 

Tết Nguyên Đán là lễ tiết quan trọng nhất trong năm, là ngày hội bắt đầu năm mới. Không khí Tết được khởi đầu từ ngày 23 tháng chạp, tức là ngày đưa Ông Táo về trời. Sau ngày đưa ông Táo là ngày chạp mả. Chạp mả là việc thăm, sửa sang phần mộ của ông bà, tổ tiên. Ngày cụ thể tùy theo sự ấn định của từng họ, từng gia đình, thường là trong tháng chạp, trước ngày 25. Đến ngày quy định của gia đình, người trong họ, trong nhà hội về; đàn ông lo việc làm cỏ, sửa sang phần mộ, đàn bà lo việc bếp núc. Trong tục chạp mả, có một quy ước truyền đời: Khi làm cỏ, sửa sang xong một cái mả, người ta đánh dấu bằng một cục đá (hoặc hòn đất), đặt lên tờ giấy vàng bạc ở nấm mả để biết mả đã có chủ. Sau ngày 25, nếu thấy ở khu vực ấy còn mả chưa đánh dấu, tức mả vô chủ thì người ta huy động người trong nhà đến đốt nhang, làm cỏ, cốt không để một mả nào “hoang vắng, lạnh lùng” trong những ngày Tết.

16105841_1885366968358593_8526731225225225484_n

Ngày 25 tháng chạp, dân làng thường dọn một bữa cúng đạm bạc gọi là tiễn ông bà, thần thánh đi thăm viếng họ hàng, người thân đâu đó, ấy cũng là ngày quan chức trong làng khép ấn, thợ thầy được nghỉ việc.

Những ngày cuối tháng chạp là những ngày bận rộn: Hàng quán sửa soạn để vào phiên chợ Tết (28 đến 30 tháng chạp), thanh toán các khoản nợ nần, làm nốt các công việc đang dở dang, gởi quà biếu Tết đến thầy học, sui gia, họ hàng thân thuộc. Ngày 30 tháng chạp, mọi nhà đều soạn lễ cúng đón ông bà. Việc chưng cúng ở bàn thờ luôn thể hiện sự tươi mới, lâu bền, sung túccho nên, hoa: thường có hoa mai (may mắn), vạn thọ (sống lâu); trái: thường có mâm ngũ quả gồm sung (sung túc), dừa (vừa), đu đủ (đủ) xoài (sài, tiêu xài), mãng cầu (thỏa mãn điều cầu mong)... Dưa hấu được chọn chưng phải là dưa ruột đỏ thắm. Nếu ngày Tết dưa không đỏ gia đình sẽ kém may mắn, cho nên các phiên chợ Tết thường có tục “bói dưa”. Đặc biệt, trên bàn thờ ông bà, thường có một gói đường phổi, đường phèn, bánh tổ, bánh nổ đặt trên trái dưa có dán giấy đỏ. Tục này có lẽ để tưởng nhớ xứ sở Trung bộ.

15941109_1885366971691926_644740753163199701_n

Lễ cúng đón ông bà thịnh soạn như một bữa giỗ. Tục xưa, còn có gia đình gánh thức cúng (rất nhiều bánh trái, giấy vàng bạc) cúng đón ông bà tận ngõ. Trong ngày 30 (nếu tháng thiếu thì ngày 29), mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu, cau, vôi; ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu” (1). Cây nêu được dựng như thế cho đến mồng 7 thì hạ. Việc đòi nợ để sau ngày hạ nêu.

Lễ giao thừa có ý nghĩa thiêng liêng nhất trong các ngày Tết. Đó là lễ “tống cựu nghênh tân” đúng vào lúc năm cũ bước qua năm mới. Người miền Bắc và người Hoa gọi là lễ Trừ tịch, người Đồng Nai gọi nôm na là lễ đón giao thừa. Đúng vào phút giao thừa, con vật nào lên tiếng trước người ta tin rằng tính khí của con vật ấy chi phối cả năm mới. Lễ giao thừa, gia chủ lên đèn sáng trong sáng ngoài, mở toang các cửa lớn nhỏ, đốt nhang khấn cúng; văn cúng ngắn gọn, nêu rõ năm tháng họ tên gia chủ, kể tên các phẩm vật cúng, khấn các vị hành binh hành khiển mới và các vị Thổ Địa, Táo quân, Thần độ mạng, ông bà... phù hộ cho toàn gia năm mới tăng phúc, tăng thọ, an khang thịnh vượng. Cư dân Việt tin rằng mỗi năm có một vị hành binh, hành khiển và 1 vị phán quan coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia. Cho nên, người ta cúng Tết để tiễn ông cũ và đón ông mới; ví dụ, năm Bính Tý, các vị hành khiển hành binh đương niên là: Châu Vương hành khiển, Thiên Ôn hành binh, Lý Tào phán quan. Tết năm Sửu, các vị này sẽ bàn giao cho: Triệu Vương hành khiển, Tam Thập Lục Thương hành binh, Khúc Tào phán quan.. cứ vậy đến tròn một con giáp, bắt đầu trở lại từ năm Tý.

Ngày mồng một thực sự là ngày của năm mới. Trẻ con mặc đồ mới, mừng tuổi người lớn, được lì xì tiền lẻ trong bao đỏ. Phải là tiền lẻ để có thể sinh sôi thành chẵn. Tục xông đất cũng được thực hiện như phong tục phổ biến. Người nào vía tốt đi xông đất người khác được mừng đón. Người nào tự thấy mình xui xẻo, nhiều rủi ro hoặc không hạp thì tránh xông nhà người khác. Từ mồng một đến mồng ba, người ta kiêng đổ rác, không dùng giếng nước, mạch nước, không động đất trong vườn, không nghỉ qua đêm ở nhà người khác. Người xưa giữ lễ nghĩa: “Mồng một Tết nhà, mồng hai Tết (nhà) vợ, mồng ba Tết thầy”. Từ khi rước ông bà cho đến hết ngày mồng ba, mỗi ngày dọn mâm cúng ông bà hai lần, phụng sự chu tất như lúc ông bà còn sống.

Mồng ba: (có nhà cúng mồng bốn) là ngày Tết vườn, Tết chuồng. Các loại cây cối, chuồng heo chuồng gà, chuồng bò đều được dán vàng bạc hoặc giấy đỏ. Gia chủ soạn một mâm cỗ gồm gà trống luộc để nguyên con, bánh tét, hoa, trái cây, rượu, khấn cúng Thổ Công, Thổ Kỳ, Thổ Địa, Thổ Chủ phù hộ cho vườn đất, gia cầm, gia súc được sung mãn, sinh sôi nảy nở ra tiền của. Con trâu là đầu cơ nghiệp nên được chăm sóc kỹ nhất. Trâu được cỏ mới, được ăn một lát bánh tét; trâu đực được uống một chén rượu, trâu cái được uống trà; sừng được dán vàng bạc; trẻ chăn trâu được chủ lì xì nhiều tiền và bộ quần áo mới.

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời

Tết là ngày vui chơi, nhất là đối với thanh niên, trẻ em. Các trò chơi gồm: Đốt pháo (nay không còn), đánh đu tiên, đá gà, múa lân, lắc bầu cua, xuất hành, hái lộc... Đó là những trò vui vẻ được người Đồng Nai ưa thích nhất.

Ngày mồng bốn cúng đưa ông bà. Lễ vật cúng như lúc đón. Theo tục cổ, người phụ nữ gánh thức cúng và vàng mã đưa ông bà đến ngõ, có khi đến tận mả, cúng và “hoá vàng” ở đấy. Một số gia đình cúng ông bà bằng cháo cá ám, dạng cháo nấu bằng cá lóc để nguyên vẩy để tưởng nhớ thuở khai sơ của gia đình. Mồng bảy có lễ hạ nêu. Vì sao hạ nêu vào ngày mồng 7, người địa phương không giải thích được, cứ theo tục cổ truyền và xem đó là dấu hiệu chấm dứt Tết Nguyên Đán. Lễ hạ nêu đơn giản, lễ vật như cúng giỗ. Sau hạ nêu, mọi người bắt đầu công việc năm mới của mình, người làm nghề nông thì “động cuốc cày”, thợ rừng thì khai sơn, học trò thì khai bút, thương nhân thì đi buôn lấy ngày.

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 51
Trong ngày: 753
Trong tuần: 5259
Lượt truy cập: 1325581

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy