Sư Thiện Chiếu sinh năm 1898, có tên thật là Nguyễn Văn Giảng hay Nguyễn Văn Tài, bút hiệu là Xích Liên. Từ thuở nhỏ, ông đã xuất gia tu hành tại chùa Linh Tuyền (nay ở xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉh Tiền Giang). Được ông nội là hòa thượng Thích Huệ Tịnh (nguyên là nghĩa quân của lĩnh tụ khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên ở Nam Bộ là Trương Định) hết lòng dạy dỗ nên ông vừa tinh thông đạo pháp vừa có trình độ học vấn khá cao. Năm 16 tuổi ông đã thông làu kinh sử, giỏi cả chữ Hán và Quốc ngữ nên cùng cha dạy chữ cho dân làng. Trong thời gian này, ông cũng có dịp tiếp xúc với nhiều nhà trí thức yêu nước khi các vị này đến chùa Linh Tuyền bàn việc quốc sự với sư trụ trì. Đặc biệt, ông còn được tiếp kiến và nhận được lời chỉ bảo chí tình của Cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cụ Nguyễn có tặng ông quyển Tự điển Pháp - Việt và lời căn dặn: “Muốn đánh đuổi được giặc thì phải hiểu giặc, tuổi còn trẻ cố học cho giỏi Pháp văn”. Tinh thần yêu nước thương dân của ông đã được nhân lên và chuyển hướng từ khi ấy.
Ảnh: Chùa Linh Tuyền (Vĩnh Hựu, Gò Công Tây, Tiền Giang) ngày nay.
Năm 1923, ông lên Sài Gòn học và được Phật tử ở đây mời về trụ trì chùa Linh Sơn (nằm trên đường Cô Giang, thuộc phường Cô Giang, quận 1, tp. Hồ Chí Minh). Ông chủ trương “Phật pháp không lánh đời, từ bi có thể sát sanh để độ chúng sanh”. Cho nên tại đây ông vừa mở lớp dạy học và thuyết giảng giáo lý đạo Phật, vừa cổ súy phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trong giới tăng ni, phật tử. Sư Thiện Chiếu là người đã tích cực vận động chấn hưng Phật giáo thông qua việc thành lập Hội Phật học kiêm tế và xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Tạp chí này chủ trương “không chỉ tuyên truyền cho Phật học mà còn giới thiệu bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm cho chúng sanh khỏi khổ và được vui”. Đối với cuộc vận động chấn hưng Phật giáo, Sư Thiện Chiếu quan niệm tăng sư phải thông suốt nội điển (trí giáo lý) và ngoại điển (trí xã hội học). Đạo Phật phải là đạo nhập thế, không phải đạo yếm thế. Tăng ni phải biết “ngũ minh” tức phải biết các nghề nghiệp cho phép, không được trông chờ bá tánh hiến cúng. Ông phê phán những kẻ lợi dụng tôn giáo ru ngủ tín đồ hoặc lợi dụng việc mê tín để trục lợi. Câu nói nổi tiếng của Sư Thiện Chiếu là “con rắn không thay da không thể sống mãi. Tinh thần không thể biến đổi đặng nữa, cũng không thể gọi là tinh thần”. Năm 1927, ông được Hội cử ra miền Bắc để thảo luận với các nhà lãnh đạo Phật giáo Bắc Kỳ trong việc xúc tiến thành lập Hội Phật giáo Thống nhất cho cả nước. Sau đó, ông trở về Nam, dồn hết trí tuệ và công sức cho Hội Chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ. Nhờ thế, Hội hoạt động khá mạnh và phong trào đấu tranh yêu nước của giới tăng ni, Phật tử ngày càng dâng cao. Sư Thiện Chiếu đã để lại cho đời hơn 10 tác phẩm về Phật giáo có giá trị như: Phật hóa tân thanh niên, Chân lý của Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo, Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật, Phật học vấn đáp, Tranh biện... Ngoài ra, ông còn dịch Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú, Phật giáo vô thần luận của Thiền sư Thái Hư...
Ảnh: Chùa Linh Sơn nằm trên đường Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, tp. Hồ Chí Minh ngày nay
Không chỉ tận tâm với đạo Phật, Sư Thiện Chiếu còn là người hết lòng phụng sự cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông đã xây dựng chùa Linh Sơn thành căn cứ của những người yêu nước đấu tranh giải phóng dân tộc. Lo sợ trước những hoạt động yêu nước của ông, chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn ra lệnh trục xuất ông khỏi chùa Linh Sơn. Kể từ đó, ông bị nhà cầm quyền Pháp liên tiếp trục xuất ra khỏi các chùa Chúc Thọ, Hưng Long... Mặc dù vậy, ông vẫn không hề khiếp sợ, tiếp tục dạy học, thuyết pháp, viết sách và tranh luận với bọn tay sai Pháp về mối liên quan giữa đạo với đời trên báo Tân Phong và một số tờ báo khác. Năm 1926, ông và một số nhà sư cấp tiến tổ chức lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh trong giới tăng ni, Phật tử Nam Kỳ.
Ảnh: Bìa các quyển sách về chấn hưng Phật giáo do sư Thiện Chiếu viết
Năm 1928, ông giác ngộ Chủ nghĩa Mác - Lênin và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là nhà sư đầu tiên ở nước ta được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đây, cuộc chiến đấu của ông không chỉ vì công cuộc chấn hưng Phật giáo theo tinh thần chánh pháp, mà còn nhằm mục đích giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Sau đó, ông đi khắp Nam Kỳ xây dựng cơ sở Đảng trong các nhà chùa. Năm 1934, ông chuyển sang hoạt động bí mật và là cán bộ của Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1936, ông được Đảng phân công về Rạch Giá hoạt động. Tại đây, ông cùng với Hòa thượng Trí Thiền - trụ trì chùa Tam Bảo thành lập Hội Phật học kiêm tế và cho tái bản báo Tiến Hóa nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối giải phóng dân tộc của Đảng và giáo dục, giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Hội cũng cho thành lập cô nhi viện đặt tại chùa Tam Bảo, nuôi dưỡng từ 200 - 300 trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh; để qua đó, làm nơi liên lạc cho các cơ sở cách mạng và đào tạo cán bộ cho Đảng. Năm 1940, ông cùng với nhiều nhà sư yêu nước khác vận động đồng bào Phật tử nổi dậy, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau đó, với tinh thần “Từ bi có thể sát sanh để độ chúng sanh”, ông tổ chức xưởng sản xuất vũ khí tại chùa Tam Bảo (Rạch Giá). Mật thám Pháp ở Rạch Giá phát hiện được, bắt bớ một số nhà sư, riêng ông trốn thoát được và chuyển về Sài Gòn hoạt động. Đầu năm 1943, ông bị giặc bắt tra tấn dã man rồi đày ra Côn Đảo.
Ảnh: Chùa Pháp Hoa (Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) là nơi tôn trí tro cốt của sư Thiện Chiếu.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được Đảng rước về đất liền và tham gia Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến tỉnh Gò Công. Năm 1947, ông vào Chiến khu 7, làm công tác biên tập báo Tiền Đạo. Sau đó, ông được điều về Chiến khu 8 rồi Chiến khu 9 làm công tác tuyên huấn. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1956, ông được Nhà nước ta cử sang Trung Quốc làm chuyên gia khảo cứu, công tác tại Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh với chức vụ Trưởng Ban dịch thuật Văn hóa Trung - Việt. Năm 1961, ông trở về nước làm chuyên viên nghiên cứu Triết học tại Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1965, do tuổi cao sức yếu, ông được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Năm 1974, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 76 tuổi. Năm 1993, thể theo nguyện vọng của giới tăng ni, Phật tử và được sự chấp thuận của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành việc di dời hài cốt của ông từ nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) về hỏa thiêu và tôn trí tại chùa Pháp Hoa ở quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Sư Thiện Chiếu là một tăng sĩ trí thức, ông đã sống hết mình cho lý tưởng: Người trí thức phải có nhiệt tâm với vận mệnh dân tộc và với xã hội; đạo và đời là một chỉnh thể không phân biệt. Đây cũng là phương châm hành động của Phật giáo nước ta hiện nay: “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”. Thiết nghĩ, với những đóng góp to lớn của Sư Thiện Chiếu, một người Nam Bộ kiệt xuất, cho nên thành phố Hồ Chí Minh dành một con đường trang trọng để lưu danh ông cho con cháu ngày sau, đó là con đường nằm ngay mặt tiền chùa Xá Lợi ở quận 3, bên hông trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Ảnh: Chùa Xá Lợi (quận 3, tp. Hồ Chí Minh) với mặt tiền là con đường mang tên "Sư Thiện Chiếu"
"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích " |
Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy