Tên gọi vùng đất Vũng Tàu







10515108_652255174893957_4138919251079484796_o

Tượng Chúa Jesus trên núi Nhỏ Vũng Tàu. Ảnh Internet.

Vũng Tàu là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam xưa nay, nơi ông bạn Bulukhin đang đóng đô trên một cao ốc, ngày ngày ngắm và hưởng gió biển. Có lẽ dân Saigon không ai là không một lần ghé biển Vũng Tàu. Bây giờ có những bãi biển ở những nơi khác xa hơn, có thể đẹp hơn Vũng Tàu, như Mũi Né (Phan Thiết), Ninh Chữ (Phan Rang), hoặc xa hơn nữa ở Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Đà Nẵng... Nhưng đối với dân Saigon thì cho đến tận ngày nay, đi du lịch, tắm biển Vũng Tàu vẫn là một chọn lựa "phải chăng". 
 
Trước năm 1975 thời chiến tranh Vũng Tàu gần như dành cho những chàng G.I. (General/Government Issue: lính Mỹ) đến nghỉ dưỡng, ăn chơi. Thời đó chưa có những công ty du lịch, lữ hành, đường xá đi lại khó khăn nhiều khi nguy hiểm, ai muốn đi du lịch cứ tự đón xe đò mà đi, đời sống dân chúng còn khá khó khăn, con cái ngày trước đông, lo cái ăn cái mặc đã mệt, ít nhà nào nghĩ đến việc đi du lịch như bây giờ, ngoại trừ những nhà giàu có, quyền thế, có xe cộ riêng.
 
Nhưng điều tôi muốn nói không phải là chuyện du lịch Vũng Tàu, mà là tên gọi của vùng đất Vũng Tàu. Đất Vũng Tàu ngày nay trong quá khứ có khá nhiều tên gọi. Thời trước năm 1975 các bạn ở Saigon chắc còn nhớ, người dân Saigon gọi Vũng Tàu bắng ít nhất ba tên gọi, Cấp, Ô Cấp, Vũng Tàu, còn trong sách vở, sách sử, vùng đất này có nhiều tên hơn thế.
 
Xứ Vũng Tàu đã được nhắc đến trong sách vở khá sớm, từ cuối thế kỷ XIII. Năm 1295 một xứ thần nhà Nguyên tên là Châu Đạt Quan, trong đoàn sứ giả thăm Chân Lạp đã viết lại trong "Chân Lạp phong thổ ký", vùng đất có tên gọi là "Chân Bồ" (Tchen-p'ou) tức Vũng Tàu ngày nay, khi thuyền của phái đoàn sứ giả Trung Quốc đến thị trấn Chân Bồ, là một ngôi làng đánh cá ở một chân núi, đó là biên giới cửa ngõ để vào xứ Chân Lạp.
 
Đến đầu thế kỷ thứ XVI, khi những thương nhân người Bồ Đào Nha đi tìm kiếm một thị trường để khai thác những nguồn hàng mới ở Châu Á, họ đã đến vùng biển này. Các chuyến hải trình của họ từ Ấn Độ đến Trung Quốc đều phài qua vùng biển Chân Lạp, Chămpa, Đại Việt, mà Pulo Condor (Côn Đảo) là điểm định vị để vào các nước này. Thời đó Vũng Tàu được biết đến với tên gọi Oporto Cinco Chagas Verdareiras, đó là tiếng Bồ Đào Nha với ý nghĩa "Vịnh nằm giữa những ngọn núi Cinco Chagas". Địa danh này được giải thích là "năm vết thương của Chúa cứu thế" (bốn vết thương bị đóng đinh ở chân, tay, và một vết thương bị đâm bằng giáo ở cạnh sườn), vì ở đây có 5 ngọn núi liền kề nhau, từ ngoài khơi có thể nhìn thấy từ xa rất rõ. Đó là những ngọn núi: núi Nhỏ, núi Lớn, núi Nứa, núi Dinh, núi Bà Rịa. Trong bản đồ hải hành của người Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều ghi vùng đất Vũng Tàu ngày nay là Cinco Chagas.
 
Đến khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, địa danh này được thay bằng tên gọi Saint Jacques, trong sách của Maner Vilet, tác giả cuốn hải trình nổi tiếng La Neptune Oriental (Biển phương đông). Và có một cách giải thích là sở dĩ có địa danh Saint Jacques là do cách phát âm của các thủy thủ người Âu, từ Cinco Chagas trở thành Sinkel Chagas và thành Saint Jacques. vì nơi này có địa thế là một mũi đất nên được gọi Cap Saint Jacques (mũi Saint Jacques) tồn tại suốt trong thời kỳ người Pháp cai trị Nam kỳ. Vũng Tàu cũng là một bán đảo ba bề là biển, còn được gọi theo tiếng Pháp là Au Cap Saint Jacques (đi ra mũi Đất - Aller au Cap). Trong cách gọi Vũng Tàu của người Saigon trước đây là Cấp, Ô Cấp là rút gọn từ chữ Cap Saint Jacques và Au Cap Saint Jacques của tiếng Pháp mà ra.
 
Từ tên gọi Chân Bồ của sứ giả Trung Quốc ở cuối thế kỷ XIII, cho đến tên gọi bằng tiếng Bồ Đào Nha Cinco Chagas ở vào thế kỷ XVI-XVII, và tên gọi bằng tiếng Pháp Cap Saint JacquesAu Cap Saint Jacques ở vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII để chỉ vùng đất là Vũng Tàu ngày nay. Ngoài những tên gọi trên, năm 1830 trong một cuốn sách được xuất bản ở London do John Crawfurd, người cầm đầu một phái bộ do toàn quyền người Anh ở Ấn Độ phái sang Việt Nam đã viết, gọi Saint Jacques là Saint James. Đó là những tên gọi của người ngoại quốc để chỉ vùng đất Vũng Tàu.
 
Trong sách sử của người Việt Nam tên gọi Vũng Tàu đã có từ khá lâu, các sách dẫn dưới đây tính theo thứ tự thời gian:
 
- Sớm nhất có lẽ là sách của nhà bác học Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục viết năm 1776 (thời hậu Lê), Lê Quý Đôn đã nói đến Vũng Tàu dưới tên gọi Hán-Việt "Vịnh Tào". Sách viết: Bính Thân, năm thứ 37 (năm 1776 dương lịch), tháng 1, sửa sang thành lũy lại bố trí trọng binh để khống chế một phương. Phúc Thuần độc chiếm ba phủ là Gia Định, Bình Khang (vùng đất nay thuộc Khánh Hòa) và Bình Thuận (tương ưng với Ninh Thuận, Bình Thuận bây giờ). Tháng 2 (1776), Văn Nhạc sai em đem chiến thuyền đánh vào Bình Thuận, nhưng không được. Tháng 3, đánh phá Cửa Lạp và Vịnh Tào (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Vũng Tàu), rồi vào cửa biển Cần Trừ (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Cần Giờ), lấy được ba dinh Phan (Phiên) Trấn, Biên Trấn và Long Hồ. Tên Vũng Tàu đã được Lê Quý Đôn nói đến vào năm 1776.

- Sách Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức biên soạn, được dâng lên vua Minh Mạng từ năm 1820. trong sách chép: "Thất Sơn (tục gọi là núi Ghềnh Rái) vây che đứng sững bên ngoài, Thuyền Úc (tục gọi Vũng Tàu) vũng lớn bát ngát ở trong, lòng cảng sâu và rộng, bốn mùa gió đều được yên ổn...". Trong mục viết về Trấn Biên Hòa sách chép: "... qua Vụng Tàu là ra núi Ghềnh Rái...", ở đây sách chép là "Vụng Tàu".
 
- Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn bởi Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn từ năm 1861 đến 1882), trong mục tỉnh Biên Hòa có nói đến những ngọn núi ở Vũng Tàu như núi Thùy Vân, núi Bà Rịa, núi Nứa, núi Ghềnh Rái... và địa danh Vũng Tàu. Sách viết: "Núi Ghềnh Rái:... Đầu núi làm cửa hữu cho Ngọc Tỉnh, đuôi núi làm bình phong cho Cần Giờ, ở trong có vũng lớn, tục gọi là Vũng Tàu. Vũng này bảo vệ cho ghe thuyền đậu nghỉ...".

Vũng Tàu (Thuyền Úc): Ở phía Tây Nam huyện Phước An 31 dặm, tách dòng từ bến sông Phước Thắng, tục gọi là Vũng Tàu... Thuyền Úc, cũng có sách chép là Thuyền Áo (Áo, âm khác của Úc), là tên viết và đọc theo âm Hán-Việt.

- Sách Đại Nam thực lục, cũng được biên soạn bởi Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn từ năm 1821 Minh Mạng năm thứ hai, đến năm 1909 Duy Tân năm thứ ba mới hoàn thành), cũng có nói đến Vũng Tàu với hai ý nghĩa:

+ Thứ nhất Vũng Tàu là tên riêng: "... đạo thủ Vũng Tàu Ghềnh Rái, ba thuyền Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam thuộc binh...". Ở đây đạo thủ Vũng Tàu Ghềnh Rái là tên gọi hành chính lúc bấy giờ.

+ Thứ nhì Vũng Tàu là danh từ chung: "Mùa thu, tháng 7 (Nhâm Tý 1793), thuyền vua về đậu ở Vũng Tàu Phan Rang...". Sách Đại Nam thực lục ghi chú: "Vũng Tàu tức là cửa biển Phan Rang, khác với Vũng Tàu ở cửa biển Cần Giờ". Ở đây sách phân biệt Vũng Tàu Phan Rang và Vũng Tàu Cần Giờ, như vậy Vũng Tàu ở đây là để chỉ nơi thuyền neo đậu.

Theo Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư, tên gọi Vũng Tàu có từ thời chúa Nguyễn và thời Gia Long. Năm Minh mạng thứ 5 đổi thành Thủ Phước Thắng. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời kỳ Pháp thuộc gọi chung là Cap Saint Jacques và lập thành Thị xã từ 1-5-1895. Ngày 14-1-1899 giải thể Thị xã Cap Saint Jacques, đổi thành Tổng Vũng Tàu. Ngày 11-11-1899 lập lại Thị xã Cap Saint Jacques. Ngày 30-4-1929 đổi Tổng Vũng Tàu thành khu hành chính tự trị của Nam Kỳ gọi là Tỉnh Cap Saint Jacques. Ngày 27-11-1934 giải thể Tổng Vũng Tàu từ 1-1-1935, hạ Tỉnh Cap saint Jacques xuống Thị xã. năm 1947 nâng cấp trở lại thành Tỉnh Vũng Tàu. Năm 1952 hạ còn Thị xã Vũng Tàu.

Đến thời Đệ nhất Công hòa ngày 22-10-1956 hạ Tỉnh Vũng Tàu xuống Quận Vũng Tàu thuộc Tỉnh Phước Tuy. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa ngày 8-9-1964 chuyển thành Thị xã Vũng Tàu.

Sau ngày 30-4-1975 Thị xã Vũng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 30-5-1979 Thị xã Vũng Tàu hợp với Huyện Côn Đảo thành Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngày 12-8-1991 giải thể Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thành lập Thành phố Vũng Tàu. Ngày 16-9-1999 Thành phố Vũng Tàu được xếp vào đô thị loại II.

Bổ sung:

Trong từ điển Annamite-Francais của tác giả Jean Bonet xuất bản năm 1899 có giải thích từ Vũng và địa danh Vũng HànVũng Tàu:

vungtau2

Trích Tử điển Annamite-Francais, Jean Bonet, xuất bản năm 1899.

Từ Vũng được giải thích là Ao, vũng, vũng nước; vũng tàu, vịnh, vũng, vụng,..  trong mục từ Vũng có từ Vũng Hàn giải thích là vịnh ở Tourane (Tourane tên gọi Đà Nẵng thời Pháp), và Vũng Tàu: vịnh (cap Saint-Jacques).

vungtau3

- Về tên gọi Saint Jacques, Saint James:

Như ta đã biết thời thuộc Pháp Vũng Tàu được người Pháp gọi là Cap Saint Jacques, Au Cap Saint Jacques, và trong một quyển sách của một người Anh viết vào năm 1830 gọi Vũng Tàu là Saint James. Câu hỏi tôi muốn nêu ở đây Saint Jacques, hoặc Saint James là ai? hoặc có nghĩa là gì?

Có hai cách giải thích về từ Saint Jacques:

1- Saint Jacques: có nghĩa là Thánh Jacques (Saint là Thánh). Theo trang Wikipedia: Jacques là viết theo tiếng Pháp, viết theo tiếng Anh là James, tiếng Tây Ban Nha là (San) Tiago, và tiếng Việt là Gia-cô-bê hay Gia-cơ. Như vậy trong sách của người Anh gọi là Saint James, chỉ là cách gọi theo tiếng Anh của Saint Jacques.

Trong quyển Từ điển Tôn giáo thế giới giản yếu của tác giả người Hoa Kỳ John Bowker (NXB Từ điển Bách Khoa-2011), có viết về Saint James như sau: JAMES tên của hai hay ba  Kitô hữu thuở đầu. Thánh James, con của Zebedee, là anh của John, và là một trong các môn đệ thân thiết của Jesus. Ông chịu chết vì đạo vào năm 44 CN. (Công vụ Tông đồ 12. 2). Thánh James, "anh em của Chúa" (Mark 6. 3), người trở thành lãnh đạo Kitô giáo thuở ban đầu tại Jerusalem sau khi rời bỏ Peter. Thư của James là thư đầu tiên của các thư chung trong Tân ước.

2- Saint Jacques: bắt nguồn từ chữ "coquille Saint Jacques", đây là tên củamột loại sò lớn  mang tên Thánh Jacques (coquille: con sò) ăn ngon, giả thiết này cho là ngày xưa các thủy thủ người Châu Âu tìm thấy loại sò này ở biển Vũng Tàu. Tuy nhiên sách vở cũng cho biết loại sò "coquille Saint Jacques" sinh sống ở Đại Tây Dương, không sống ở vùng biển Vũng Tàu.



cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 705
Trong tuần: 5127
Lượt truy cập: 1316201

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy