Thân phận Việt Kiều Thái Lan ? Đâu phải ở Thái sẽ sướng !







Trong lịch sử, có ba đợt di cư của người Việt đến Thái Lan: đợt thứ nhất xảy ra đã 230 năm trước; nhóm thứ nhì đa số là những tín đồ Công giáo bỏ chạy lánh nạn bắt đạo tại Việt Nam; và đám người thứ ba là những người đến Thái vào năm 1944-45, trước khi Pháp trở lại Đông Dương. Nhóm đầu tiên thì không có gì đặc biệt để nói. Top thứ hai thì được vua Thái giúp đở về mọi mặt. Đám người đến sau cùng là đáng nói hơn hết, vì số phận hẩm hiu, tăm tối, bị kỳ thị mà họ đã chịu đựng trong gần 50 năm. Và đây cũng là nhóm người Việt còn giữ được gốc rễ Việt nam.

NHỮNG ĐỢT DI DÂN ĐẦU TIÊN ĐẾN THÁI LAN CỦA NGƯỜI VIỆT

Theo như những tài liệu còn được lưu lại bởi các nhà sư thuộc phái An Nam (tại Thái) thì số người Việt chính thức đến định cư tại Thái Lan vào năm 1776. Do tranh chấp tại triều đình Huế, một vị Hoàng tử đã đưa thân nhân và người của ông ta lánh mạn tại Hà Tiên. Nhưng khi bị truy đuổi theo, biết không chống nỏi nên vị Hoàng tử này đã ghé vào Thái lan xin tị nạn. Ông được cấp đất để sinh sống, nhưng sau vài năm thì bị xử tử vì bỏ trốn (muốn về lại VN).

Vua Gia Long đã cùng đám tàn quân đến tị nạn tại Bangkok năm 1782. Ông từng nhiều lần dùng quân của mình để giúp vua Xiêm chiến đấu với quân Miến Điện. Đã có lần quân Thái giúp ông đánh Sài Gòn, nhưng không thành vì có xảy ra (đột ngột) chiến tranh Thái-Miến. Sau 4 năm sống lưu vong, vua Gia Long âm thầm để lại bức thư ghi ơn vua Thái và xin lỗi: không thể công khai nói lời chào với đức vua. Ông đã thành công bí mật tập trung quân tại một đảo nhỏ để cùng kéo về Việt Nam. Dĩ nhiên là một số bị kẹt lại.

Năm 1834, Thái lan đưa 30 ngàn bộ binh và 10 ngàn thuỷ binh đánh vào Hà tiên, rồi sau đó kéo lên đánh các tỉnh miền Tây. Khi rút quân họ đã mang theo 1500 người Việt (Công giáo) đang trốn trong rừng tại Châu Đốc và 1500 thường dân về lại Thái. Trong chuyến đi này quân Thái đã đem theo 15 giáo dân Công giáo trên một chiếc thuyền đặc biệt – chủ yếu là giáo sĩ Tây biết tiếng Việt nhằm mục đích chiêu dụ và giúp đở các giáo dân đang trốn tránh.

kieubao5

Cuộc viễn chinh này của Thái, ngoài mục đích gây chiến họ còn có ý định mang về một số người Việt. Giám mục Lasalle Taberb, trưởng giáo phận Nam Kỳ, đang lánh nạn ở BK được mời tham gia, nhưng ông từ chối vì sợ việc giúp các giáo dân sẽ làm vua VN giận dữ và tình hình có thể xấu hơn.

Người Việt theo đạo Công giáo

Những người Việt theo công giáo được 2 sĩ quan chức cao cấp người Thái trong đoàn quân đứng ra bảo trợ, che chở và giúp đỡ – Những thanh niên khoẻ mạnh được xâm chữ “Việt trung thành” vào lòng bàn tay. Vua cho họ đất để làm ruộng, cho đồ ăn, tiền bạc, cho miễn thuế và giúp xây nhà thờ, tu viện, mở trường học dạy tiếng Việt (hầu tiện việc dạy giáo lý). Sau 4, 5 năm thì đám thanh niên Công giáo bỏ nghề nông, quay về làng Việt (Công giáo) Samsen. Lúc này, vua cho phép họ làm bất cứ nghề nào và đi bất cứ đâu.

Người Việt bắt đầu làm nghề đánh cá, thợ mộc, đóng ghe, và xây cất nhà cửa. Cũng từ đó họ di tản, lập nghiệp trên khắp đất nước Thái và góp công xây dựng nền tảng, cơ sở đạo cho Công giáo Thái vào buổi ban đầu. Hiện nay, Thái có độ 400 ngàn tín đồ CG.

Người Việt theo đạo Phật

Ngoài ra, còn có một số người Việt Công giáo (đi đường bộ) qua cư ngụ tại tỉnh Chathaburi, có biên giới với Cambodia. Những người này và những người theo Phật giáo được cho sống tại tỉnh Kanchanaburi, (vài chục năm sau) được chính phủ cho về Bangkok sống và những thanh niên được bổ sung vào lực lượng pháo binh. Vua còn bỏ tiền và đất riêng để xây chùa cho người Việt: chùa Bảo Ân, tức Wat Somyanamborihar, ở BK.

Chùa do người Việt xây lên có hơn 10 cái, một nữa trong số này nằm ở khu phố Tàu Bangkok, và tất cả đã trở thành chùa Tàu hay Thái. Có vài chùa vẫn còn tên Việt, chẵng hạn, chùa Hội Khánh, tức wat Mongkholsamakhom ở phố Tàu; có chùa vần còn tụng kinh bằng tiếng Việt do các sư sãi người Thái hay Tàu tụng. Chùa xây đầu tiên từ thời vua Gia Long lánh nạn: chùa Khánh Nhân Tự, tức wat Uphrayratbamrung, BK, và chùa Quảng Đức Tự, tức wat Anamnikayaram, BK. Theo cuốn sách “Thailand in the 80s” (304 trang) do văn phòng Thủ tướng Thái xuất bản vào năm 1984 mà Songtra tìm thấy tại thư viện ở Canada thì có tất cả 15 chùa Phật giáo do người Việt xây trên đất Thái.

Vừa rồi là nói về những người Việt đầu tiên trên đất Thái (theo Công giáo nhiều hơn Phật giáo); họ đã trở thành người Thái từ lâu và hầu hết đã quên gốc Việt. Khu Việt Nam ở Bangkok còn được gọi là “Ban Yuan Samsen” hay làng Việt Nam Samsen, nơi đây có nhà thờ Samsen hay nhà thờ Francisco Xavier, nhà thờ đầu tiên của người Việt.

NHỮNG NGƯỜI VIỆT XẤU SỐ – ĐẾN THÁI LAN VÀO NĂM 1944-45

Đợt nhập cư cuối cùng của người Việt xảy ra sau chiến tranh thế giới lần thứ II, họ đến từ ngã Lào và định cư ở những tỉnh thuộc miền bắc nước Thái – có tất cả khoảng 70 ngàn người, phần lớn bỏ đi vì sợ Pháp trả thù khi chiến tranh chấm dứt. Tuy nhiên, họ không may mắn như những người đi trước, họ phải đối diện với sự kỳ thị, bạc đãi và xua đuổi của chính quyền Thái Lan, vì chính phủ Thái luôn xem họ là những người nhập cư trái phép, có hại cho an ninh quốc gia.

Chính sách của chính phủ Thái đối với người Việt

Ban đầu, chính phủ Thái cũng đối xữ tử tế, nhưng sau khi ông Hồ Chí Minh đến vận động sự ủng hộ của người Việt và thiết lập một chính quyền song song với chính quyền Thái thì chính phủ Thái bắt đầu kiểm soát gắt gao. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác: vì các cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Thái đều sang Hà Nội để học tập; và vì tâm lý lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản vào lúc đó.

Thái thành lập sở quản lý Việt kiều, một bộ phận riêng trực thuộc tổng nha cảnh sát và nhiều luật cấm được ban hành:

1. Mọi công chức, cảnh sát, binh sĩ, không được lập gia đình với Việt kiều, nhất là người trong quân đội: phải giải ngũ hoặc ly dị.

2. Việt kiều chỉ được phép định cư tại 9 tỉnh qui định và không được ra khỏi quận mình cư ngụ. Ra khỏi quận phải có giấy phép để trình tại các trạm kiểm soát dọc đưòng (để kiểm soát VK và cộng sản Thái), nếu không muốn bị bắt tù.

3. Cấm hội họp, cấm dạy Việt ngữ (sợ cán bộ CSVN dạy lý thuyết CS, tuyên tuyền chống chính quyền).

4. Không được học đại học.

5. Cấm làm một số nghề dành cho người Thái hay ngoại kiều hợp pháp.

6. Cấm mua đất đai, cấm mua xe, cấm xuất ngoại.

7. Cấp sổ gia đình và giấy chứng minh riêng cho Việt kiều.

Chia phe và sự phân biệt đối xữ giữa người Việt

Nhờ những biện pháp độc tài, kỹ luật sắt và trừ phạt dã man, mà cán bộ phụ trách Miền Bắc đạt được hiệu quả tối đa trong việc kiểm soát, chi phối Việt kiều thân Bắc và tổ chức những cuộc vận động gây quỷ gởi về giúp Miền Bắc. Tất cả mọi lệnh của cán bộ đưa ra, VK đều thi hành tuyệt đối, mặc dù không thích, nhưng không nói, không dám chống đối. Ví dụ: có lần ở rạp chiếu phim, mọi người xem quảng cáo và tin tức của Thái, nhưng khi vào phim. Cả rạp đứng lên bỏ về, trả lại vé và tuyên bố sẽ tẩy chay nếu còn tiếp tục chiếu phim Miền Nam. VK sợ cán bộ còn hơn cảnh sát, chính quyền Thái. Cán bộ bắt VK phải xây nhà sát với nhau và nhà nào cũng phải có cửa bí mật thông với nhau để cán bộ trốn tránh các cuộc lùng bắt của chính phủ – khu vực đông người Việt sinh sống là căn cứ an toàn mà cảnh sát Thái không làm gì được.

Đa số VK thân Bắc, chỉ có 5% thân Nam. Ra đường hai phe không nhìn nhau, không dám bắt chuyện; ra chợ phe thân Nam bán hàng thì phe thân Bắc không mua, phe thân Nam mua thì phe thân Bắc không bán. Trai gái của 2 phe không được lấy nhau. Bà con họ hàng bên phe Nam có đám ma, đám cưới, hỏi, giỗ, bà con phe Bắc không được đến dự và ngược lại.

Phe Nam thường bị đe doạ, khủng bố; đi đâu cũng bị coi thường là “Việt gian bán nước”. Trong số thân Nam có một số không đứng đắn, thường xuyên bịa chuyện để bán tin hay báo cáo cho sứ quán VNCH, cũng như chính quyền Thái. Nếu có người tố những việc làm bất chính của họ thì liền bị họ vu khống, phá rối đủ điều, bịa chuyện không tốt viết thư giấu tên, làm hại người tố. Ngay cả cán bộ thông tin Miền Nam (cùng phe) họ cũng không chừa và nội bộ của sứ quán Miền Nam có vài lần đã bị xáo trộn nặng. Lợi dụng sự quen biết với cơ quan chính quyền Thái, họ chạy chọt kiếm tiền khi VK gặp nạn.

Thái dàn xếp cho Việt kiều hồi hương

Chính phủ Thái xem cộng đồng VK như trái bom nổ chậm, rất nguy hại cho đất nước của họ. Vì vậy, Thái gia tăng nổ lực thương lượng (trả chi phí và chuyên chở, vv,) cho tất cả VK hồi hương. Miền Nam chỉ nhận tượng trưng 99 người, còn Miền Bắc nhận làm nhiều đợt. Tuy nhiên, VK hồi hương về Bắc, đã thất vọng về sự quá nghèo nàn so với miền bắc Thái và cuộc sống của họ ở đó – không đúng như từng được tuyên tuyền; bất mãn vì không được hậu đãi, không được giúp đở nhiều về sinh kế và chổ ở. Sau khi nhận khoảng 35 ngàn VK thì Hà Nội tìm cách ngưng vì thấy không có lợi. Trước đó một thời gian ngắn, Miền Nam cũng có nhận mấy ngàn VK từ Cambodia hồi hương, nhưng vì họ được đưa đến vùng đất quá khô cằn, và vì nạn tham nhũng nên tiền bạc, vật liệu, những hổ trợ từ chính phủ cũng không đúng như được hứa trước khi về. Nói chung, chính sách hồi hương của cả Nam và Bắc đều thất bại và làm mất sự tin tưởng đối với cả người đã về và người chưa về.

Kết luận:

Việt kiều đến Thái từ gần 200 năm trước đã hoàn toàn mất gốc. Đợt VK đến Thái vào những năm 1944-45, nhiều người còn giữ được gốc nhờ sự kèm kẹp của cán bộ. Chính sách bạc đãi quá khắt khe và hình ảnh người Việt xấu xí, mà chính quyền và truyền thông Thái, đã dành cho những VK đến muộn này trong suốt gần 50 năm (từ 1945 đến khi 2 nước có quan hệ bình thường vào đầu thập niên 90), làm cho nhiều Việt kiều không dám ngẫng cao đầu mạnh dạn xưng: tôi là người gốc Việt và đã làm cho người Việt không có cơ hội học hành, làm ăn lớn hay vươn lên so với người Thái trong suốt thời gian dài đó.

Giả sử ngày xưa cán bộ CS hoạt động ở Thái Lan âm thầm như những người Tàu thân Trung Quốc thì chắc những biện pháp áp đặt đối với VK đã đở khắt khe hơn. Thời đó, công an vẫn theo giỏi người Tàu thân và hoạt động cho Trung Quốc, nhưng không có những phản ứng hay hành động mạnh đối với những người này. Họ vẫn được tự do đi lại làm ăn, không bị hạn chế nơi cư ngụ hoặc nghề nghiệp hay bị bắt bớ, tù tội, tống tiền bởi đủ diều, mặc dù vào thời gian đó, chính sách của Thái là không bang giao và chống Trung Quốc.

Theo tôi, chính sách kiểm soát gắt gao Việt kiều phù hợp với việc bảo vệ an ninh quốc gia của Thái và 70 ngàn Việt kiều đến muộn này là những người bất hạnh. Ngoài ra các chính quyền Việt nam cũng tệ: chỉ lo đạt được mục đích chính trị, được tiền, được lòng chứ không nghĩ đến hậu quả mà Việt kiều phải gánh chịu hay nghĩ đến tương lai của họ – chỉ muốn vắt sữa từ những con bò gầy còm, kiệt sức, chứ không tìm cách nuôi cho bò mập ra nhằm có nhiều sữa hơn và sữa cũng bổ hơn.

Những gì đã xảy ra đối vơi người Việt tại Cambodia và Thailand là những bài học vô giá cho dân tộc Việt Nam, vì ít có dân tộc nào khác trên thế giới, ngoại trừ người Do Thái, phải gánh chịu những đau khổ và nhục nhã như vậy nơi xứ người.

Mọi chi tiết trong bài này đều lấy ra từ bài viết của Hoàng Linh về Việt kiều tại Thái Lan, nằm trong cuốn sách: “Vòng quanh thế giới – Người Việt tại hải ngoại.” Đăng bài này và những bài về Cambodia, vv, nhằm chia sẽ vài sự thật phản ảnh “hậu quả của sự chia rẽ giữa người Việt Nam tại nước ngoài”. Tôi nghĩ, tôi may mắn mới bắt gặp những sách tài liệu chỉ in 500 bản copy này.

Nguồn : Nghiên cứu lịch sử

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 712
Trong tuần: 5140
Lượt truy cập: 1362169

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy