TỔNG QUAN VỀ THỪA THIÊN HUẾ

 

 

 

 

Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học ngày nay đã chứng minh vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay có mối quan hệ nguồn gốc với văn hóa Sa Huỳnh và giao lưu với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc đất nước. Theo các tư liệu xưa, từ hàng nghìn năm trước, Thừa Thiên Huế đã từng là địa bàn cư trú của những cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau.

15965201_711946862288951_1378666437885838180_n
2.1. Lược sử hình thành và phát triển
Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học ngày nay đã chứng minh vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay có mối quan hệ nguồn gốc với văn hóa Sa Huỳnh và giao lưu với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc đất nước. Theo các tư liệu xưa, từ hàng nghìn năm trước, Thừa Thiên Huế đã từng là địa bàn cư trú của những cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau.


Tương truyền vào thời kỳ hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, Thừa Thiên Huế là một vùng đất thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang cổ đại. Đến đầu thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất này thuộc Tượng Quận. Năm 116 trước Công nguyên, quận Nhật Nam ra đời thay thế cho Tượng Quận. Năm 192, một lãnh tụ địa phương ở quận Nhật Nam là Khu Liên lãnh đạo nhân dân nổi dậy lật đổ ách thống trị của nhà Hán, lập ra một quốc gia được sử sách Trung Quốc chép là Lâm Ấp (Linyi). Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi từ Lâm Ấp thành Hoàn Vương và sau cùng là Champa, nhà nước Champa là một quốc gia độc lập nằm ở phía nam lãnh thổ cư trú của người Việt, vùng đất Thừa Thiên Huế là một phần lãnh thổ phía bắc của vương quốc Champa.


Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của Ngô Quyền (năm 938), Đại Việt giành được độc lập, vùng đất nay là tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thuộc về vương quốc Champa. Năm 1306, vua Champa là Chế Mân kết hôn với công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, và cắt đất hai châu ở vùng cực bắc của Champa là châu Ô và châu Lý là quà sính lễ. Nhà Trần đổi tên châu Ô và châu Lý thành châu Thuận và châu Hóa, chính thức trở thành các đơn vị hành chính của Đại Việt. Châu Hóa thời Trần chính là địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.


Trải qua nhiều thế kỷ phát triển, Thừa Thiên Huế trở thành địa bàn giao thoa giữa hai nền văn hóa lớn của phương Đông với nền văn hóa của các cư dân bản địa. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Thừa Thiên Huế là thủ phủ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của cả nước dưới thời Tây Sơn với tên gọi là Phú Xuân. Thời nhà Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long chia cả nước thành 23 trấn và 4 dinh, Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc dinh Quảng Đức; địa danh hành Quảng Đức tồn tại trong vòng 20 năm (1802 - 1822). Đến năm 1822, dinh Quảng Đức được vua Minh Mạng đổi tên thành phủ Thừa Thiên. Từ năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng lần đầu tiên chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên. Đến thời Pháp thuộc, được đổi thành tỉnh Thừa Thiên. Tên này được duy trì cho đến năm 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), tỉnh Thừa Thiên hợp nhất với tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên (năm 1976). Ngày 30.6.1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh như cũ, riêng tỉnh Thừa Thiên sau khi tách thì mang tên gọi mới là tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong hình ảnh có thể có: món ăn
2.2. Nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa


Là vùng đất của truyền thống lịch sử, Thừa Thiên Huế cũng là quê hương của nhiều anh hùng, nhân vật nổi tiếng như:


- Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767): Quê ở làng An Hòa, nay thuộc phường Hương Sơ, thành phố Huế. Ông là một nhà kinh tế, quân sự, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ XVIII của xứ Đàng Trong. Ông thực hiện chính sách mở mang đất đai, tổ chức cơ cấu hành chính phù hợp với tình hình mới, bài trừ tệ nạn trộm cướp, giúp đỡ và khuyến khích nhân dân mở đất, tích cực sản xuất, ổn định đời sống, giữ vững kỷ cương xã hội. Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Cư Trinh còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị, về chữ Hán có Đạm Am thi tập; Hạo Nhiên đường văn tập và 10 bài họa Hà Tiên thập vịnh cảnh; về chữ Nôm có bài vè Sãi vãi và 12 bài thơ vịnh cảnh Quảng Ngãi.


- Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873): Quê ở làng Ðường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, (nay là xã Phong Chương), huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên. Ông làm quan dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, là đại thần của nhà Nguyễn, có nhiều công lao trong việc khai khẩn xứ Nam Kỳ và đánh thực dân Pháp xâm lược.


- Tuy Lý Vương (1820 - 1897): Tên thật là Nguyễn Phúc Miên Trinh, danh sĩ lớn dưới thời Nguyễn, sinh tại kinh thành Huế, là con thứ 11 của vua Minh Mạng, em cùng cha khác mẹ với Tùng Thiện Vương (Nguyễn Phúc Miên Thẩm). Ông từng làm quan to dưới triều Thành Thái, nhưng ông rất mê sáng tác thơ văn và để lại cho người đời sau nhiều tác phẩm văn học lớn: Vĩ Dạ hợp tập, Vĩ Dạ văn tập, Vĩ Dạ thi tập, Nam cầm khúc… Tài năng văn học của ông không chỉ được nhắc đến trong văn đàn Việt Nam, mà còn được lưu truyền rộng rãi ra bên ngoài. Năm 1981, nhà xuất bản Gallin Mard (Paris) xuất bản tập thơ của các thi nhân 10 thế kỷ, trong đó có ông.


- Tôn Thất Thuyết (1839 - 1913): Quê ở xóm Phú Mộng, xã Xuân Hòa, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Kim Long, thành phố Huế) trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp thuộc phòng 4 hệ 5 của dòng họ Nguyễn Phúc. Trong sự nghiệp của mình, ông được cử giữ nhiều chức vụ: Án sát tỉnh Hải Dương, Tán tương quân thứ Thái Nguyên rồi Tán lý quân thứ Sơn - Hưng - Tuyên, Tham tán, Hữu tham tri bộ Binh, Tuần phủ Sơn Tây, Tuần phủ, Hộ lý Tổng đốc Ninh - Thái kiêm Tổng đốc các việc quân Ninh - Thái - Lạng - Bằng, Hiệp đốc quân vụ đại thần, Thượng thư bộ Binh, Phụ chính đại thần, Điện tiền tướng quân, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại…


- Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967): Là một tướng lĩnh chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông từng công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đều có khả năng phát triển lĩnh vực đó nên còn được gọi là "Vị tướng phong trào". Ông cũng là người đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh".


- Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967): Là một bác sĩ y khoa nổi tiếng của nền y học hiện đại Việt Nam. Ông là bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Ông cùng học Đại học Y khoa Đông Dương với các bác sĩ nổi tiếng khác của Việt Nam như: Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng.
Ngoài việc xây dựng các nhà thờ, nhà tưởng niệm, những năm gần đây, Thừa Thiên Huế còn tổ chức những lễ hội vào những ngày sinh và mất của các danh nhân, bao gồm các hoạt động như dâng hương, viếng mộ, tọa đàm, đọc tiểu sử,…


2.3. Di sản văn hóa 


Là nơi hội tụ giao thoa các yếu tố văn hóa và kinh tế của nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh; của nền văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa sau này là văn hóa phương Tây, Thừa Thiên Huế là một vùng văn hóa độc đáo, đa dạng và phong phú, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.


2.3.1. Văn hóa vật thể


a. Di tích


- Quần thể di tích cố đô Huế: Tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là trong nghệ thuật và kiến trúc, quy hoạch thành phố và bài trí cảnh quan, được đánh giá như một “kiệt tác đô thị”. UNESCO đã công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới với đánh giá: “Huế biểu trưng cho sự thể hiện nổi bật về uy quyền của một chế độ phong kiến đã mất của Việt Nam vào thời kỳ hưng thịnh của nó đầu thế kỷ XIX; Quần thể di tích cố đô Huế là một điển hình nổi bật của một kinh đô phong kiến Phương Đông”.
Quần thể di tích cố đô Huế bao gồm: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế và Tử Cấm thành Huế. Ba tòa thành lồng vào nhau nhưng được bố trí đăng đối trên một trục dọc, xuyên suốt từ nam ra bắc. Trong Quần thể di tích cố đô Huế có 16 điểm di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11.12.1993.


- Cầu ngói Thanh Toàn: Cách thành phố Huế khoảng 8km về phía đông nam thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu bằng gỗ được kiến trúc theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), cầu dài 43 thước mộc (khoảng 18,75m), rộng 14 thước (khoảng 5,82m), hai bên thành cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi nghỉ tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men, chia làm 7 gian, gian giữa của cầu dành để thờ bà Trần Thị Đạo, người có công xây dựng cầu. Qua nhiều lần trùng tu (vào các năm 1847, 1906, 1956, 1971), kích thước và vật liệu xây cầu có thay đổi chút ít nhưng kiểu kiến trúc vẫn được giữ nguyên.

Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Là một trong những chiếc cầu thuộc vào loại hiếm hoi và có giá trị nghệ thuật cao ở Việt Nam, đã được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 575/QĐ ngày 14.7.1990 của Bộ Văn hoá Thông tin.


- Trung tâm văn hóa Huyền Trân: Nằm cách thành phố Huế khoảng 7km về phía tây, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, thành phố Huế) là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch mỗi khi đến Huế. Đây không chỉ là điểm du lịch văn hóa, tâm linh, mà còn là điểm du lịch lịch sử, đưa du khách trở về sự kiện lịch sử trong đại trong việc bảo vệ và mở mang bờ cõi của đất nước Việt Nam vào thời nhà Trần, thế kỷ XIII. Theo sử liệu, công chúa Huyền Trân sinh năm Đinh Hợi (1287), ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu, là người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. 


- Làng cổ Phước Tích: Ngôi làng cổ này nằm bên bờ sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phước Tích có hơn 100 ngôi nhà cổ, trong đó có đến 30 nhà được xếp vào loại độc đáo nhất của các làng cổ Việt Nam. Ngày xưa, để làm được ngôi nhà như thế này công thợ phải mất hàng năm trời. Thợ làm nhà không tính công, tính tháng. Ngày xưa, làng Phước Tích có một nghề làm gốm rất nổi tiếng. Gốm làm bằng đất sét pha bùn, có mầu nâu đen. Sự giàu sang, xây dựng lên được nhiều ngôi nhà gỗ trong làng độc đáo, bề thế, tồn tại đến bây giờ cũng nhờ vào nghề gốm.


Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn có những đình làng như: đình làng An Truyền, đình và chùa Thủy Dương, đình Lại Thế, đình Dạ Lê, đình Mỹ Lợi, đình Phú Xuân, đình Thủ Lễ, đình và miếu khai canh Thế Lại Thượng, đình Văn Xá, đình Cổ Lão và những di tích văn hóa Champa: Cồn Ràng, đền Trạch Phổ, miếu Xuân Hòa, thành Lồi, thành Hóa Châu, tháp đôi Liễu Cốc, tháp Linh Thái, tháp Phú Diên...


b. Bảo tàng


- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: Đây là Bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế (năm 1923), với tên gọi đầu tiên là Musée Khải Định. Sau đó Bảo tàng này nhiều lần được đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (1947); Viện Bảo tàng Huế (1958), Nhà trưng bày Cổ vật (1979), Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (1995), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (2007).


Hiện vật trong bảo tàng được sưu tầm và tàng trữ từ năm 1913 (khi Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập), đến trước năm 1945, số lượng hiện vật có khoảng 10.000 đơn vị, phần lớn là đồ ngự dụng, quan dụng, đồ dùng của triều đình, các tác phẩm mỹ thuật trong các cung điện... bằng nhiều chất liệu, vàng, bạc, ngọc, đồng, ngà, thủy tinh, vải, giấy... Ngoài ra, tại bảo tàng còn một kho lưu giữ hàng ngàn hiện vật do triều đình sản xuất tại chỗ, hoặc đặt làm, đặt mua; quà do các phái bộ ngoại giao biếu tặng. Một kho lưu hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tập tại châu Ô, châu Lý xưa và trong cuộc khai quật khảo cổ tại Trà Kiệu (1927).


- Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế: Bảo tàng được thành lập vào ngày 16.9.1980 trên cơ sở những sự kiện đặc thù về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người suốt gần 10 năm ở Huế. Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế góp phần làm sáng rõ những vấn đề gắn bó giữa cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại. Bên cạnh những nội dung mang tính đặc thù về thời niên thiếu còn có phần trưng bày tổng hợp các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hình ảnh, hiện vật phong phú đa dạng. Ngoài việc tham quan nhà trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn tổ chức đón tiếp, hướng dẫn quý khách đến tham quan các di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.


- Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế: (Bổ sung vào)


c. Danh lam thắng cảnh
- Sông Hương: Sông Hương dài 30km, hợp nhất từ hai nguồn: Tả Trạch và Hữu Trạch. Nguồn Tả Trạch xuất phát từ dãy núi Trường Sơn chảy về hướng tây bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ, nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt 14 ngọn thác hiểm trở và đến ngã ba Bằng Lãng (ngã ba Tuần) hợp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng. Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng trùng điệp, đồi cây, mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách...


- Hồ Tịnh Tâm: Là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất Kinh thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, Thành phố Huế. Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Nổi bật hơn cả vẫn là bài Tịnh hồ hạ hứng, nằm trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất thần kinh của vua Thiệu Trị. Đương thời, bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh Tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.


- Núi Ngự Bình: Còn gọi là Bằng Sơn cao 104m, dáng cân đối uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn khi xây dựng Kinh thành Huế đã chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hóa, quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế.


- Núi Bạch Mã: Cách thành phố Huế 60km về phía nam, ở độ cao 1.450m, là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam. Trên đỉnh núi hùng vĩ 4 mùa xanh tươi với thác nước, suối rừng, là cả một vùng khí hậu ôn đới như ở SaPa, Tam Ðảo, Ðà Lạt... Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới. Núi Bạch Mã nổi tiếng bởi có những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục. Ðứng trên đỉnh núi Bạch Mã du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.


- Núi Túy Vân: Núi Túy Vân nằm về phía đông bắc huyện Phú Lộc, tên cũ là Mỹ Am Sơn, năm 1825 vua Minh Mạng đổi tên là Túy Hoa Sơn, năm 1841 vua Thiệu Trị đổi lại là Túy Vân Sơn có dựng bi ký thắng tích. Trên đỉnh núi có ngôi cổ tự. Chung quanh khu vực núi có thể tìm thấy một số di vật Champa và dấu vết của một ngôi tháp nổi tiếng của người Champa trên núi Linh Thái, một ngọn núi nằm phía đông núi Túy Vân.


- Đồi Thiên An - hồ Thủy Tiên: Thiên An là địa danh gồm nhiều ngọn đồi trồng thông phía tây nam thành phố Huế, gần lăng vua Khải Ðịnh. Trên đỉnh đồi có Tu viện Thiên An, chung quanh khu vực đồi có hồ Thủy Tiên và khu lăng mộ cổ Ba Vành, còn in dấu vết một nghi án xưa. Khung cảnh bình yên, không gian trong lành, Thiên An và Thủy Tiên là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần khá thú vị. Hiện nay khu vực này là trung tâm vui chơi giải trí của Thừa Thiên Huế.


- Lăng cô: Bãi biển Lăng Cô dài khoảng 8km, nằm dọc quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn quốc gia Bạch Mã 24km. Ðây là một bãi biển có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn, thủy triều lên xuống theo chế độ bán nhật triều với mức chênh lệch thấp (chỉ khoảng 0,7 - 0,8m), rất thích hợp cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển, và đã được xác định là một khu nghỉ mát lý tưởng từ mấy chục năm nay. Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã, đó là những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch: nghỉ mát, lặn biển, tìm hiểu hệ động - thực vật hoang dã, nuôi trồng thủy sản...


Thừa Thiên Huế còn có những danh lam thắng cảnh đẹp khác như: đồi Vọng Cảnh, bãi biển Thuận An, thác A Nô, suối Voi, suối Mơ, suối khoáng Thanh Tân...


2.3.2. Văn hóa phi vật thể
Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, Thừa Thiên Huế còn có một nền văn hóa phi vật thể phong phú. Các loại hình nghệ thuật (cung đình và dân gian), lễ hội, văn hóa ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, phong tục tập quán của Huế rất đa dạng, độc đáo và đặc sắc.


a. Phong tục tập quán


- Tục cưới hỏi: Quy trình tổ chức lễ cưới ở Huế cũng có đủ các bước thủ tục như các địa phương khác, từ lễ chạm ngõ, hỏi cưới, đến tân hôn vu quy... Nhìn tổng thể, các đám cưới Huế thường diễn ra tiết kiệm, giản đơn, không phô trương, nhưng ở mỗi phần cụ thể khá cầu kỳ, với quan niệm "trọng lễ nghi khi (khinh) tài vật".


- Tục ma chay:Phong tục ma chay của nhiều địa phương trên địa bàn Thừa Thiên Huế tuy có nhiều nét khác nhau nhưng vẫn giống nhau ở những điểm cơ bản. Khi có người qua đời, nếu chết ở đường xa, quan tài không đem vào nhà, mà làm tang ở ngã ba đường cái. Nếu qua đời trong sự bình thường, quan tài thường được quàng ở nhà lớn. Tùy theo địa vị trong gia đình quàng ở căn giữa, căn trên hay căn dưới. Người ta truyền miệng cho nhau trong làng cùng biết. “Nhất cận thân, nhì cận lân”, bà con lối xóm tập trung đông đúc, người làm rạp, người trang hoàng, người tẩm liệm. Công việc rộn rịp trong ngày đầu. Từ chết không ai được dùng đến, mà gọi là mất. Người vừa mất được đặt trên cái giường quay đầu ra ngoài sân.- Thờ cúng thờ Phật, tổ tiên: Hầu hết gia đình người Huế đều đặt bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật ngay gian giữa nhà chính. Bàn thờ Phật đặt ở phía trước, thờ Phật Thích Ca hoặc Bồ tát Quan Thế Âm. Ngay sau đó là bàn thờ tổ tiên, thờ những người đã khuất trong dòng họ nội. Thông thường con trai trưởng là người có trọng trách chăm lo việc thờ phụng và thừa kế tài sản chính trong gia đình. Người vợ có trách nhiệm mua sắm đồ cúng thật tươm tất. Hàng năm, các đám giỗ diễn ra khá linh đình, bà con họ hàng đến dự khá đông đủ.


- Tục cúng âm hồn: Sự kiện thất thủ kinh đô ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5.7.1885) khiến Kinh thành Huế chìm trong bể máu. Để tưởng nhớ những người vô tội đã ngã xuống, người dân Huế đã tổ chức cúng tế hằng năm gọi là cúng Âm hồn. Ngoài lễ tế được tổ chức trang trọng ở miếu Âm Hồn (ở ngã tư đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn), trong mỗi gia đình, các đoàn thể, tổ chức, tập thể… đều tiến hành cúng tế. Tập tục cúng âm hồn là một mỹ tục thắm đượm tình nhân đạo. Đây là một lễ hội mang đậm màu sắc dân gian, đồng thời còn là một nét văn hoá đẹp của người dân Huế. 


b. Lễ hội


- Lễ hội cung đình: Lễ hội cung đình diễn ra trong cung đình dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Hầu hết là những đại lễ của triều đình như lễ tế Nam Giao, lễ tế Văn Miếu, lễ tế Xã Tắc, lễ tế Thái Miếu, lễ tế Thế Miếu, lễ Tịch Điền, lễ tế Kỳ Đạo, lễ khai trạo của thủy quân, lễ đăng quang, lễ mừng thọ tứ tuần, ngũ tuần của hoàng đế, hoàng hậu, và lễ Hưng quốc Khánh niệm (mồng 2 tháng 5 âm lịch)...


- Lễ hội dân gian: Thừa Thiên Huế là nơi còn bảo lưu nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, đáng chú ý là các lễ hội sau:


+ Lễ hội điện Hòn Chén: Diễn ra một năm hai kỳ, tháng ba (xuân tế) và tháng bảy (thu tế). Lễ hội diễn ra ở điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản và đình làng Hải Cát, huyện Hương Trà. Lễ hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Vị thần tạo ra đất đai cây cối, rừng gỗ quý và dạy dân trồng trọt. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thánh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất.
+ Lễ cúng âm hồn: Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới có một nghi lễ cúng tế quy mô, mang tính toàn dân như lễ cúng âm hồn vào ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm ở Huế. Đây là lễ cúng tế mà thành phần tham gia vừa có tính chất đơn lẻ trong từng gia đình, lại vừa có tính chất cộng đồng trong từng đoàn thể, tổ chức, tập thể những người cùng chung một ngành nghề, cùng ở trong một thôn, xóm, phường. Tập tục cúng âm hồn là một mỹ tục thắm đượm tình nhân đạo, nghĩa đồng bào, đồng chủng, nó có đầy đủ ý nghĩa của một lễ hội dân gian mang màu sắc dân tộc đậm nét, tiêu biểu cho một vùng đất văn vật.


+ Hội vật làng Sình: Được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân địa phương. Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.


+ Hội diều truyền thống: Hội diều truyền thống thành phố Huế tổ chức vào ngày 26.3 hàng năm. Đây là ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và là ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế, nên hội diều thành phố Huế tổ chức để biểu diễn lòng hân hoan. Địa điểm tổ chức là sân vận động Ngọ Môn. Hội diều là nơi tập hợp các nghệ nhân chơi diều lớn tuổi lẫn thanh niên để giữ gìn, phát huy bộ môn thể thao bổ ích và tạo điều kiện cho các hội viên nâng cao trình độ thi tài và biểu diễn.


+ Hội đua ghe truyền thống: Là lễ hội mới được tổ chức sau ngày đất nước thống nhất. Hội được tổ chức trong một ngày, nhằm ngày lễ Quốc khánh (2.9). Địa điểm đua là bờ sông Hương trước trường Quốc Học. Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước, qua đó rèn luyện, tăng cường sức khỏe và tạo không khí vui tươi lành mạnh cho nhân dân. Đây cũng là dịp để biểu lộ lòng vui mừng của nhân dân vào ngày Quốc khánh. Hội tổ chức định kỳ mỗi năm một lần với quy mô rộng rãi.


+ Festival Huế: Được tổ chức 2 năm một lần vào mùa hè. Đây là lễ hội tầm cỡ quốc gia và mang tính quốc tế, nhằm đấy mạnh kinh tế du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa Huế và Việt Nam, mở rộng giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Chương trình liên hoan có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, sôi động và hoành tráng, với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp trong và ngoài nước; được tổ chức thành hai chương trình IN và OFF, với các hoạt động đa dạng diễn ra ở khắp thành phố Huế và một số nơi trong tỉnh với, các chương trình tham quan du lịch, vui chơi giải trí đầy ấn tượng.


c. Làng nghề và nghề truyền thống
Vốn là vùng đất kinh kỳ, Thừa Thiên Huế hiện có 88 làng nghề trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới với khoảng 32 nghề và nhóm nghề. Một số làng nghề và ngành nghề truyền thống đã được bảo tồn như gốm tranh làng Sình, gốm Phước Tích... Một số làng nghề đã được khôi phục và phát triển khá như: đúc đồng (phường Đúc), mộc mỹ nghệ (Mỹ Xuyên, Xước Dũ), nước nắm (Phú Thuận), đệm bàng (Phò Trạch), hoa giấy (Thanh Tiên), in tranh (Lại Ân), nón (Thủy Thanh, Mỹ Lam), dệt zèng (A Roàng, A Đớt)... Năm 2011 đã có 4 đề án triển khai trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với kinh phí gần 1,1 tỉ đồng (2 đề án đào tạo nghề cho 940 lao động và 2 mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm mới). Thông qua chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công, một số sản phẩm truyền thống đã phát triển thương hiệu như: mắm sò Lăng Cô (Phú Lộc), nước nắm Phú Thuận (Phú Vang), Công ty TNHH Tam Giang (Quảng Điền), doanh nghiệp tư nhân Đảnh Vân (Phong Điền); trà Hibicus (Công ty CP Thanh Tân)... Một số sản phẩm không những khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước, có mặt tại các siêu thị mà còn xuất khẩu đi một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Lào, Hoa Kỳ... Các nghề và làng nghề truyền thống nói chung và các sản phẩm đặc sản Huế nói riêng sẽ có nhiều bước phát triển mới góp phần phát huy giá trị văn hóa và bản sắc xứ Huế phục vụ du khách và xuất khẩu.


- Làng nghề mây tre đan Bao La: Làng Bao La là một làng nghề truyền thống, được hình thành và phát triển trên 600 năm. Làng nghề hoạt động đã tạo ra nhiều việc làm thường xuyên cho các hộ sản xuất mây tre tại địa phương. Năm 2007, Hợp tác xã mây tre Bao La được thành lập với định hướng khôi phục phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm bằng tre từ những sản phẩm đặc trưng truyền thống gắn với nông thôn Việt Nam, sản phẩm cao cấp phục vụ trang trí nội thất hiện đại và các mẫu mã theo yêu cầu.


- Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên: Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp Tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Cũng chính những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm, chủ yếu vào tháng Chạp.


- Nghề làm tranh làng Sình: Làng Sình có tên chữ là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, ở về phía hạ lưu sông Hương, cách thành phố Huế khoảng 10km về phía đông bắc. Tranh Sình là tranh thờ, có các bộ, chừng trên năm mươi tờ có đề tài khác nhau. Tất cả những tranh trên đều phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, là sự lưu ảnh của tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ thần bí và linh dị, cuộc sống bị chi phối bởi nhiều tai họa nên con người hình dung thành các vị thần cần tranh thủ. Mọi người cúng tranh để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi…


- Nghề đúc đồng Phường Đúc: Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 km về phía tây nam và nằm dọc bên bờ nam sông Hương, phường Đúc nổi tiếng là một làng nghề đúc đồng, có bề dày lịch sử hơn 400 năm. Các mặt hàng sản xuất bằng đồng ở phường Đúc ngày càng phong phú, chủ yếu đúc theo phương pháp truyền thống, ít có sự can thiệp của kỹ thuật hiện đại. Những nghệ nhân nơi này dựa vào đôi tay khéo léo, kinh nghiệm và những công cụ giản đơn đã làm nên những sản phẩm giá trị được thế giới thừa nhận. Sản phẩm đúc đồng ở phường Đúc có được chỗ đứng không chỉ ở trong nước mà cả thị trường thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Nepal, Ấn Độ...


d. Ẩm thực


Ẩm thực Huế có một chiều sâu mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch, nhẹ nhàng và tùng tiệm. Với trên dưới 1.300 món ăn, hiện đang lưu truyền trên dưới 700 món với 3 loại: món ăn cung đình, các món ăn dân gian và các món ăn chay, ẩm thực Huế trong dặm dài lịch sử hàng trăm năm không đơn thuần là những món ăn mang tính thực dụng mà đã tạo thành một giá trị văn hóa đặc trưng, một triết lý.


- Mè xửng: Là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của Huế. Những người Huế đài các phong lưu xưa thường uống trà và nhâm nhi miếng mè xửng nhỏ. Vị thơm của trà ướp sen Tịnh Tâm pha bằng sương hứng trên lá sen hòa quyện với hương vị mè xửng tạo nên cái thú thanh tao vô cùng. Bây giờ ở Huế có tới gần hai mươi lò mè xửng to, nhỏ như Nam Thuận, Hồng Thuận, Song Hỷ, Thiên Hương, Thanh Bình, Song Nhân…


- Tôm chua: Đây là một trong những đặc sản của đất cố đô. Thưởng thức tôm chua phải có 3 thứ cơ bản đi liền nhau: thịt heo phay (ba chỉ) xắt thành lát mỏng, tôm chua và dưa giá. Ngoài ra còn có quả vả hoặc chuối chát, khế chua xắt mỏng cùng rau quế, ớt tươi. Khách phương xa lần đầu đến Huế, khi được mời ngồi vào bàn ăn, nhác thấy chủ nhà dọn tôm chua ra, ắt không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ, nhưng khi đã thưởng thức thì sẽ ghiền món ăn ngon và độc đáo này.


- Cơm hến: Đây là món ăn dân dã, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị. Cơm hến là món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm của cơm hến là cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi, kêu cái "bụp!" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon cơm hến. Thế nên, có người còn gọi là "món ngon trời hành".

- Bún bò: Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún ở đâu cũng có. Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.

- Bánh bèo: Nguyên liệu làm bánh chỉ là gạo xay thành bột mịn, đem trộn với nước, chờ vài phút để có độ dẻo vừa phải, sau đó múc vào từng chén nhỏ, xếp vào vỉ đem hấp chín bằng hơi. Khi bánh chín, cho thêm gia vị như: tôm giã thật nhỏ, một ít dầu béo thực vật rưới lên chén bánh trước khi ăn. Nước chấm bánh bèo được nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt, vừa béo.

- Bánh ướt thịt nướng: Bánh ướt làm bằng bột gạo có pha bột lọc, tráng mỏng hơn. Thịt để nướng thường là thịt heo ba chỉ thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm, ngũ vị hương, mè. Thịt ướp sau vài giờ thì đem kẹp, nướng trên bếp than đỏ hồng cho đến khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Lấy thịt nướng này kẹp với rau thơm, giá, xà lách làm nhân để cuốn bánh ướt. Bánh ướt thịt nướng Kim Long ngon, hấp dẫn là nhờ chấm với loại nước chấm hết sức đặc biệt, được các chủ hàng chế biến từ nước mắm nguyên chất, đường, chanh, tỏi, ớt... như một bí quyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

- Bánh khoái: Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, to bằng hai bàn tay trẻ con có cán cầm. Khi nào có khách ăn, nhà hàng mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa. Bánh ngon một phần nhờ nước lèo, được chế biến rất cầu kỳ với hàng chục nguyên liệu như bột báng, gan lợn, mè (vừng), lạc rang...
- Các loại bánh khác: bánh in, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh xu xê, bánh ướt nhân tôm, bánh ướt nhân thịt...Bánh Huế thường được làm nhỏ và mỏng, tạo các hình hoa trái, làm cho người ăn khi nhìn đã thích thú và muốn thưởng thức.

- Các loại chè Huế: Huế có tới hàng chục loại chè khác nhau, mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Có những loại cầu kỳ như chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau... Một số chè bình dân như: chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é...

- Kẹo Huế: kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa là những thứ kẹo mà trẻ em thường thích ăn. Kẹo đậu phụng là kẹo làm từ mạch nha đen đổ trên bánh tráng tròn, ở giữa có đậu phụng rang còn nguyên vỏ mỏng màu đỏ gạch; thường được cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác. Kẹo Mè xửng là thứ kẹo ngọt dẻo, được làm từ mạch nha pha trộn lẫn với dầu phụng, có mè bao phủ, được cắt từng miếng vuông nhỏ gói trong hộp. Các tiệm mè xửng nổi tiếng hồi xưa thường tụ tập ở đầu cầu Đông Ba, nổi tiếng nhất là mè xửng Thuận Hưng, mè xửng Song Hỷ... Kẹo mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của Huế.

- Thanh trà: Huế vốn nổi tiếng là miền đất nhiều hoa trái tươi ngon ý vị, song ấn tượng nhất vẫn là thanh trà. Hàng năm, cứ vào độ tháng 7, tháng 8 là mùa thanh trà chín đẹp. Quả thanh trà tươi xanh tròn trĩnh, múi thanh trà mọng nước. Người sành ăn thường chọn thanh trà Nguyệt Biều, họ cho rằng cái ăn cốt để cho thơm miệng, ngọt lưỡi, mát họng mới gọi là đúng gu thưởng thức hương vị cây trái, và chỉ có thanh trà Nguyệt Biều hội đủ các yếu tố tuyệt hảo ấy.

 
cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 47
Trong ngày: 791
Trong tuần: 5296
Lượt truy cập: 1325658

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy