Trịnh - Nguyễn phân tranh theo lối viết chống sự buồn tẻ

Tình hình Việt Nam bắt đầu xấu đi nhiều kể từ sau cái chết của vua Lê Thánh Tông vĩ đại. Nhà Lê đã xuống dốc không phanh, nhất là khi Lê Uy Mục lên ngôi. Trước đây anh Lê Long Đĩnh (aka Lê ngọa triều, con Lê Đại Hành) bị dìm hàng nhưng đã được minh oan. Còn Lê Uy Mục thì người ta phải dùng từ Bạo đế. Lão này thì kinh số một rồi, đến bà nội còn dám giết thì còn ai mà Uy Mục không dám?

 trinh_nguyen_16_38_54_418_0

-Tụi mày phải bảo vệ tao mọi lúc, cấm lơ là.

Uy Mục ra lệnh cho đội quân cấm vệ của mình như thế. Hắn ý thức được sự độc ác của mình gieo rắc thù oán khắp nơi nên luôn cẩn thận tối đa trong công tác an ninh. Trong đội vệ sĩ hoàng tộc sáu múi to khỏe đó, Mạc Đăng Dung là người đứng đầu. Nhưng ông trời có mắt, cuối cùng Lê Uy Mục cũng chết về tay Lê Tương Dực.

-Bạo chúa đã chết, ta là hoàng đế mới của Đại Việt.

 

Lê Tương Dực ban đầu cai trị ngon lành cành đào, nhưng về sau thay đổi chóng mặt, tiếp tục trở thành một tên bạo chúa thứ hai. Nhân dân đã chán ghét nhà Lê vô cùng. Các đại thần đổ xô vào cung tìm giết vua, và Việt Nam chính thức đại loạn từ lúc này.

Thằng bé Lê Y được tôn lên làm vua Lê Chiêu Tông kế vị. Nhưng cháu nó còn quá nhỏ, biết gì để làm vua. Thế là các phe tranh nhau giành giật vị hoàng đế bé con này như bùa hộ mệnh. Trần Cảo lúc này đang làm loạn kinh thành. Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Duy Sản khi ấy dẫn đầu hai gia tộc Trịnh Nguyễn, cùng nhau đưa tiểu hoàng đế ra khỏi Thăng Long lánh nạn.

Nội chiến càng lúc àng gay go. Mặc dù đã giành lại kinh thành từ tay Trần Cảo, nhưng bây giờ trùm cuối Mạc Đăng Dung mới xuất đầu lộ diện. Hai bên đánh nhau kịch liệt tại Thanh Hóa, cuối cùng Lê Chiêu Tông lẫn lãnh đạo hai phe Trịnh Nguyễn đều chết. Đăng Dung lập Lê Cung Hoàng lên làm vua, nhưng ít lâu sau cũng giết đi. Giờ đây ông ta đã thật sự trở thành người đàn ông quyền lực nhất cõi Việt, Mạc hoàng đế.

Tuy nhiên với tư tưởng Nho giáo bấy giờ thì chuyện giết vua cướp ngôi là rất dở. Tướng Nguyễn Kim vẫn còn trung thành với vua Lê, nên dù Nguyễn Hoằng Dụ của Nguyễn tộc đã chết, đó chỉ mới là sự khởi đầu. Nguyễn Kim tìm khắp thiên hạ được Lê Duy Ninh để kế thừa ngôi vị còn đang bỏ trống. Giai đoạn này sử gọi là Nam Bắc triều, vì Việt Nam tồn tại cùng một lúc hai triều đại là Mạc ở Hà Nội và Lê ở Thanh Hóa.

Dĩ nhiên một nước không thể có hai vua, nên một thằng sẽ là “chính thống”, còn thằng kia là “ngụy triều”. Mà vấn đề chính thống hay không ngày đó do Tàu quyết định. Thằng nào mà Tàu cho rằng không chính đáng sẽ bị anh đại kéo quân sang dạy cho một bài học. Lê Duy Ninh biết rõ, nên cho người sang méc Đại Minh xử Mạc Đăng Dung. Triều Mạc 100% là banh xác nếu cả Minh và Lê đánh cùng lúc. Mạc Đăng Dung đành chấp nhận ra biên giới cúi lạy cầu xin để Tàu đừng đánh. Hành động này của Mạc Đăng Dung khiến ông bị sỉ nhục, nhưng ông đã gián tiếp cứu cả nhà Lê. Vì nếu quả thật quân Minh diệt xong nhà Mạc, chắc chắn nhà Lê cũng vỡ mồm với Tàu khựa. Đây là cách xử lý thông minh và hợp lý nhất ở thời điểm đó của vua Mạc.

Nhà Lê cay cú lắm vì Tàu công nhận Mạc Đăng Dung là An Nam đô thống sứ. Quyết tâm phải đòi lại đất tổ Thăng Long, Lê liên tục gây sự với Mạc. Nhà Mạc sau khi Mạc Đăng Dung qua đời thì toàn mầm non nhi đồng với cả thiếu niên tiền phong lên làm vua. Nếu không có hai siêu nhân Mạc Kính Điển và Mạc Ngọc Liễn gồng gánh giang sơn thì chắc chết tươi với họ Trịnh lâu rồi. Nhà Lê tuy là kẻ thù nhưng cũng phải khen lấy khen để Mạc Kính Điển trong Đại Việt sử ký toàn thư. Còn Mạc Ngọc Liễn trung thành với 5 đời vua Mạc thì để lại lời dặn giá trị muôn đời khi mọi thứ sắp kết thúc:

-Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào? Chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng.

Lúc này phe nhà Lê đã có thêm Trịnh Kiểm (ông này mình từng có một bài viết riêng rồi). Nguyễn Kim bị nhà Mạc sai sát thủ ám toán chết tức tưởi. Trước khi tắt thở, Nguyễn Kim giao tất tần tật mọi công tác “phò Lê diệt Mạc” cho ông con rể Trịnh Kiểm quý hóa.

Nguyễn Hoàng (con trai Nguyễn Kim) vì quá lo sợ sự hắc ám của anh rể Trịnh Kiểm, đặc biệt là sau cái chết đáng ngờ của anh ruột Nguyễn Uông nên tìm mọi cách để xin vào miền nam. Trịnh Kiểm đồng ý và đây chính là điểm rạn nứt đầu tiên dẫn đến Trịnh Nguyễn phân tranh về sau.

Hoàng cập bến Quảng Trị rồi liền bắt đầu âm thầm xây dựng, cấp tốc mở rộng về phương nam, lấn sang cả đất của Chăm Pa ngày xưa. Ông muốn tạo nên một vương quốc của riêng mình, đề phòng nhỡ sau này Kiểm trở mặt thì gia tộc họ Nguyễn vẫn an toàn thoát khỏi nanh vuốt của nhà Trịnh.

-Hoàng, giúp anh đánh Mạc.

Trịnh Kiểm gửi thư vào nam ra lệnh. Nguyễn Hoàng phải vâng mệnh vì xứ sở Đàng Trong non trẻ đang phát triển dở dang, giờ nhỡ Trịnh Kiểm phát giác ý đồ của ông có khi bộ phim đến đây là hết. Nhà Mạc dù thua te tua nhưng quyết chơi quân tử không cầu viện giặc Minh nhờ di ngôn của Mạc Ngọc Liễn. Trịnh Kiểm sau đó bệnh chết, nhưng Trịnh Tùng con trai ông ta lại càng đáng sợ hơn cha mình gấp bội. Dã tâm và tài năng của Trịnh Tùng vô cùng ghê gớm. Sếp Tùng hai lần chiếm lại được Thăng Long, chém đầu được Mạc Mậu Hợp, trung hưng nhà Lê và tự xưng là chúa Trịnh.

Chưa hết, Trịnh Tùng còn lừa Nguyễn Hoàng ra bắc và giam lỏng ở đây. Hoàng bị giam đến tận 7 năm mới trốn thoát được về nam, từ đấy mãi mãi chẳng quay lại nữa. Nguyễn Hoàng sau pha hết hồn đó liền điên cuồng xây dựng dữ dội hơn trước. Hoàng biết rằng ngày mà họ Trịnh muốn tận diệt họ Nguyễn để thống trị Đại Việt không còn xa, và nếu chính ông không hành động ngay bây giờ thì dòng dõi ông sẽ phải trả giá rất đắt.

-Nếu đánh thắng họ Trịnh thì đó là công nghiệp muôn đời. Còn nếu không thì hãy cố giữ đất đai mà chờ cơ hội. Đừng bỏ qua lời dặn của cha...

Nguyễn Hoàng trăn trối trên giường bệnh. Nguyễn Phúc Nguyên hoàn toàn kế thừa di nguyện của cha mình. Ông từ chối mọi yêu sách đòi cống nạp của sếp Tùng. Trịnh Tùng tức lắm nhưng vẫn còn nhiều thứ phải lo nên chưa muốn động binh trừng phạt. Đến khi con trai Trịnh Tráng lên thay, cho gửi thư vào yêu cầu Nguyễn Phúc Nguyên nhận sắc phong của triều đình. Đào Duy Từ đáp lại Trịnh Tráng bằng một cái mâm đồng phủ lụa, có kèm một bài thơ mà ghép lại thì thành ra 4 từ rất sốc não:

“Ta không nhận sắc”

Trịnh Tráng nổi cơn thịnh nộ xé toạc bức thư và khởi đại binh tiến đánh Đàng Trong. Chiến tranh chính thức bùng nổ. Đàng Ngoài tấn công dữ dội trong 4 tháng nhưng không khuất phục được Đàng Trong. Trịnh Tráng tức tối phải thu quân về. Ngay sau chiến thắng, Đào Duy Từ hiến kế cho chúa Nguyễn:

-Tôi sẽ giúp chúa xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố và tối tân nhất ngay Quảng Bình.

Nguyễn Phúc Nguyên thắc mắc:

-Thầy định làm gì?

Duy Từ cứng rắn:

-Nghênh ngang một cõi biên thuỳ, gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà!

 

Và thế là một công trình vĩ đại được tiến hành thi công bên bờ nam sông Gianh. Ngày xưa Tần Thủy Hoàng xây dựng Vạn Lý Trường Thành để ngăn hung nô từ phương bắc, thì ngày nay Nguyễn Phúc Nguyên cũng xây dựng Lũy Thầy để ngăn họ Trịnh từ phương bắc. Đại khái lũy này gồm nhiều lớp tường thành, ngăn cách Đàng Trong với Đàng Ngoài. Trong chiến tranh Việt Nam thì chỉ có sông Bến Hải là chia đôi đất nước, nhưng thời Trịnh Nguyễn phân tranh thực sự đã có một bức chiến lũy hùng tráng cắt ngang quốc gia của chúng ta.

 

Luỹ cao 6 mét, ngoài đóng gỗ lim và có hàng rào sắt, trong đắp năm bậc, voi ngựa đi lại được, dựa núi men khe, dài hơn 18 cây số. Mỗi 4 mét đặt một khẩu súng nhỏ, cách 20 mét, đặt một pháo đài, một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Dây xích chắn ngang cửa Nhật Lệ và Minh Linh. Các con sông cắm đầy cọc nhọn. Cuối cùng là hệ thống phong hoả đài, hễ có biến ngoài biên ải là đốt lửa báo về kinh đô.

 

“Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Thương anh em cũng muốn ra,

Sợ rằng mọc cánh khó qua luỹ Thầy…”

 

Người ta gọi chúa Trịnh là Thủy Vương (Lord of Water), chúa Nguyễn là Hỏa Vương (Lord of Fire) để tán thưởng thực lực của hai phe. Đội thuyền của chúa Trịnh rất khủng bố, và súng của chúa Nguyễn thì chất lượng miễn bàn. Bạn nào có quan điểm rằng quân đội Việt Nam ngày xưa chỉ toàn đóng khố bắn cung tên vớ va vớ vẩn thì bỏ ngay nhé.

 

Xin nói thêm súng trường của Việt Nam (Súng Giao Chỉ - Jiaozhi Aquerbus) được tuồn qua Trung Quốc khi nhà Hậu Mạc giao chiến với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Nhà Minh lẫn nhà Thanh vô cùng ưa chuộng và trang bị ngay cho quân đội của họ. Trong thế kỷ 17, đặc biệt là những người châu Âu được chứng kiến Trịnh - Nguyễn phân tranh trực tiếp, đánh giá rất cao Jiaozhi Arquebus. Nhà Minh thậm chí còn khen là loại súng hàng đầu thế giới (finest gun in the world), vượt qua cả súng Thổ Nhĩ Kỳ của đế quốc Ottoman. Một phát bắn của súng Giao Chỉ có độ chính xác khó tin, đủ để xuyên thủng vài lớp giáp, dư sức xâu táo từ 2 đến 5 bạn trẻ, mà lại phát ra âm thanh rất êm tai.

 

Vì lũy Thầy nguy hiểm chết người như thế, nên nó luôn là mục tiêu tối thượng hàng đầu của các chúa Trịnh để mở cánh cổng bước vào xứ Đàng Trong trù phú:

 

“Nhất sợ ma luỹ Thầy

Nhì sợ đầm lầy Võ Xá”

 

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở cửa Hội An chào đón thương nhân toàn cầu. Ông biết nước mình so với Đàng Ngoài còn rất nghèo, nếu không buôn bán thì dẹo trước binh lực mạnh gấp 4 lần của chúa Trịnh mất. May mắn rằng Hội An ở vị trí cực đẹp, nằm ngay “con đường tơ lụa trên biển” và “con đường gốm sứ” trong kỷ nguyên đại thương mại của thế giới. Tiền vàng cứ chảy như suối vào túi chúa Nguyễn, đặc biệt là từ bạn hàng thân thiết Nhật Bản.

 

“Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một món là củ nâu, thuyền ở Thuận Hóa về chỉ mua được một món là hạt tiêu, còn thuyền từ Quảng Nam về thì trăm hóa vật không món gì không có. Do đường thủy bộ, đi thuyền, đi ngựa đều tập hợp ở phố Hội An, cho nên rất đông thương khách phương Bắc tới đó để mua...”.

 

Cơ bản công tác chuẩn bị của chúa Nguyễn trong sứ mệnh tách ra làm một vương quốc độc lập là thế. Còn chi tiết hơn mong các bạn tham khảo thêm sách vở.

 

Lại nói Đào Duy Từ sau nhiều năm phò tá, cũng đến lúc trả nợ trần gian. Hôm ông hấp hối, chúa Sãi ngậm ngùi đau xót đứng cạnh giường:

 

-Thầy đi rồi, ta biết tính sao?

 

Đào Duy Từ không nói gì, run rẩy đưa tay trỏ hai người đứng sau lưng chúa. Hai người vội vàng sụp lạy. Đào Duy Từ khẽ mỉm cười, rồi thiếp vào cõi vĩnh hằng. Chúa Sãi không ngăn được nước mắt:

 

-Trên trời cao xin phù hộ, nhất đại quân sư.

 

-Ngài đừng quá đau buồn, vẫn còn chúng tôi ở đây.

 

Người thanh niên đứng sau chúa Sãi ôn tồn. Đó chính là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, đệ tử chân truyền của Đào Duy Từ. Người này mặt trắng môi đỏ, mắt sáng mày ngài, tóc dài chấm lưng, toàn thân toát ra vẻ anh tuấn tiêu sái phi thường. Chẳng những văn võ song toàn, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, kỹ năng bắn súng cũng rất bá.

 

-Hữu Tiến sẽ bảo vệ ngài.

 

Người còn lại cũng cất tiếng ồm ồm. Không ai khác hơn Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến. Cao to vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn như hộ pháp, râu hùm hàm én, giọng nói sang sảng, chuyên sử dụng cây đại đao. Tương truyền một đêm Đào Duy Từ ngủ mơ thấy con hổ đen hung dữ lao vào nhà ôm cây cột. Duy Từ kêu quân sĩ đuổi bắt thì con hổ mọc cánh gầm lớn bay đi. Ít lâu sau, một thanh niên tráng kiện tìm đến xin ăn. Đào Duy Từ hỏi chuyện thì thấy ứng với giấc mơ, bèn gả con gái và giao cho nắm binh quyền.

 

Chúa Sãi cảm động vỗ vai hai người:

 

-Gánh nặng này mong Chiêu Vũ và Thuận Nghĩa chia sẻ cùng ta.

 

Thế nhưng năm sau Nguyễn Phúc Nguyên cũng qua đời. Con trai Nguyễn Phúc Lan lên thay, sử gọi chúa Thượng.

 

Lại nói mặc dù Đàng Ngoài của họ Trịnh nhiều dân hơn, nhưng Đàng Trong vẫn có lợi thế nhất định. Họ Nguyễn sở hữu địa lợi: nơi đây hẹp nhất Việt Nam, núi dôi ra gần biển che chở cho Đàng Trong, lại thêm đồng bằng phẳng phiu để đóng quân. Cuối cùng là các chuyên gia quân sự châu Âu cũng như những vũ khí hiện đại nhất thế giới ngày đó đóng đầy ở Lũy Thầy.

 

Trịnh nhiều lần cố gắng hết sức để chọc thủng Lũy Thầy nhưng đều bị chặn đứng. Họ thử đủ thứ cách. Từ đi đường biển để vòng qua tường thành, cho tới đua đòi bắt chước phong cách châu Âu. Các khẩu thần công Hà Lan bắn thủng được lớp tường thành đầu tiên nhưng bó tay với lớp thứ hai. Ba tàu chiến Hà Lan tới được cửa biển Thuận An thì bị thế tử Nguyễn Phúc Tần làm thịt, còn được một cái chạy về. Bọn thuỷ thủ bị bắt lên bờ tức tối:

 

-Đồ ăn gian.

 

Chúa Thượng cười ha hả:

 

-Ngươi thắng thì nói gì cũng là chân lý, ngươi thua thì nói gì cũng là sủa!

 

Rồi ra lệnh đem chém đầu, cắt tai đóng thành thùng gửi về cho triều đình phương bắc để troll Trịnh Tráng. 5 năm sau, chúa Trịnh trả thù. Quân đội Đàng Ngoài ào ào như vũ bão đến sát dinh Quảng Bình. Lũy Thầy bị đe dọa nghiêm trọng, may mà có Trương Phúc Phấn kiên cường chống đỡ chờ quân tiếp viện. Thế tử Nguyễn Phúc Tần được chúa Thượng cử đi chặn địch:

 

-Bọn nó đông mà đánh đấm gà lắm. Đêm đến cứ thả hết voi ra ủi thẳng vào trại Trịnh là được.

 

Các tướng lo lắng:

 

-Nghe kỳ cục thế?

 

Nguyễn Phúc Tần cười:

 

-Đánh nhau mà không dùng kế, cứ xông bừa vào hiến máu trong khi yếu hơn thì khác gì làm trò cho người ta ngó, làm chó cho người ta đập?

 

Đoạn hỏi:

 

-Vậy ai sẽ dẫn voi ra trận?

 

Ai cũng ái ngại, đùn đẩy:

 

-Thôi, em chưa 18, anh xung phong đi.

 

-Tao có biết cưỡi voi đâu???

 

-Ờ, mày chỉ biết đánh bài thôi chứ đánh trận như cứt í.

 

-Có Hữu Tiến!

 

Thuận Nghĩa vỗ tay vào ngực đầy quyết tâm. Bầu không khí náo nhiệt bỗng trở nên yên lặng phăng phắc. Nguyễn Phúc Tần hài lòng lắm. Thế là canh năm đêm ấy, khi trăng vẫn đương treo đầu luỹ, gió lạnh thổi vi vu trên những tán lá ngái ngủ, trời đất bỗng rung chuyển ầm ầm. Bầy voi 100 con như những quả núi di động không thể cản phá. Lều trại ngã rạp xuống, gãy răng rắc, binh khí bị cuốn phăng như đồ chơi, số người bị dẫm đạp chết không biết nhiêu mà kể. Thuận Nghĩa ngồi trên bành voi chúa vung cờ điều khiển.

 

“Đoàng, đoàng, lạch cạch”

 

Chiêu Vũ lên đạn bắn yểm trợ phía sau. Cứ mỗi lần khai hoả là có kẻ sấp mặt. Nguyễn Phúc Tần mừng lắm:

 

-Tổng tấn công!

 

Thế tử hăng hái dẫn quân tiếp ứng, quân Trịnh không chống đỡ được. Mấy chục viên chiến tướng và 3 vạn quân bị bắt sống, còn lại chết sạch. Đây được xem là đệ nhất võ công của nhà Nguyễn thời phân tranh nam bắc. Nguyễn Phúc Tần còn muốn rượt theo nữa nhưng được tin cha mất, phải về kế ngôi. Cậu trai trở thành chúa Nguyễn tiếp theo, sử gọi Hiền vương. Tên thì Hiền mà hổng “hiền” tí nào, Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Ánh có lẽ là hai chiến binh máu lửa nhất của gia tộc, đánh nhau cứ gọi là tưng bừng...

 

Trận này phe Trịnh thua quá đau đớn. Đánh mãi, đánh hoài mà không phá sập được hệ thống phòng thủ cứng cáp của miền nam nên Trịnh Tráng bắt đầu thấy ức chế và mệt mỏi. Cùng lúc đó vua Lê lăn đùng ra chết ngoài bắc, và đây là cơ hội cho nhà Nguyễn phản công.

 

-Chiêu Vũ, Thuận Nghĩa! - Chúa Hiền ra lệnh.

 

-Ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên!

 

Hai người hăng hái lên đường và quân Nguyễn khởi hùng binh bắc phạt. Đây thực sự là một bất ngờ lớn với nhà Trịnh vì “thằng con nít” mà mình chuyên ăn hiếp đã đủ thực lực để bật lại. Quân Nguyễn tiến cực nhanh, chiếm Quảng Bình, rồi kế đó là Hà Tĩnh. Chưa dừng tại đây, họ thừa dịp đánh lên Nghệ An luôn. Chiêu Vũ và Thuận Nghĩa như hai mũi tên được căng hết cỡ, xuyên phá vào tử huyệt của Đàng Ngoài. Coi như chỉ còn Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nam nữa là tới Thăng Long - sào huyệt chúa Trịnh rồi! Tên tuổi của họ nổi còn hơn cả Trường Giang cộng với Trấn Thành, phủ sóng rộng rãi như Viettel và MTP, đến mức nó trở thành một nỗi ám ảnh của cả quân đội miền bắc. Chúa Trịnh Tráng giận run người:

 

-Thằng Toàn, xuống phía nam hốt xác hai thằng tướng Nguyễn đó cho bố.

 

Công tử nhà Trịnh lập tức ra trận. Trịnh Toàn mới đến Nghệ An thì hay tin:

 

-Thuận Nghĩa vừa đánh bại hai tướng, còn Chiêu Vũ phá tan thuỷ quân rồi!

 

Toàn nghiêm mặt:

 

-Việc gì phải xoắn lên như thế, cứ để ta.

 

Rồi Trịnh công tử kéo quân thần tốc đi giải vây, đánh cho Thuận Nghĩa thua to ở Đại Nại. Vị danh tướng sửng sốt:

 

-Tên nào mà lợi hại quá vậy?

 

Chiêu Vũ và Thuận Nghĩa phối hợp đánh Trịnh Toàn nhiều trận. Có thắng có thua nhưng Toàn đang làm rất tốt công việc của mình: kềm chân không để quân Nguyễn tiến xa hơn nữa. Lối dụng binh lì lợm của Trịnh Toàn khiến binh lính Đàng Ngoài tin tưởng và yêu mến. Tuy nhiên một biến cố đã xảy ra, cha Trịnh Tráng qua đời, và người anh Trịnh Tạc lên ngôi. Một hôm Toàn nhận được thư của Tạc:

 

-Về kinh ngay, không được chậm trễ.

 

Trịnh Toàn lúc đó đang giằng co với hai danh tướng nên chưa định về. Đến khi Trịnh Tạc cử con trai là Căn vào nói chuyện:

 

-Chú về đi, bố cháu đang đợi.

 

Lúc bấy giờ Trịnh Toàn đành phải giao chức Thống lĩnh quân đội cho cháu trai để về Thăng Long. Trịnh Tạc thấy Toàn về, lập tức ra lệnh trói nghiến lại. Toàn quát lớn:

 

-Tạc, tao làm gì mà mày bắt?

 

-Biết tin cha mất mà không về chịu tang, đại bất hiếu, không xứng đáng là con cháu họ Trịnh.

 

Rồi tống thẳng vào đại lao và giam cho đến rục xương. Trịnh Toàn qua đời trong sự uất ức tột cùng, khi không chết ngoài sa trường mà vì người anh em máu mủ ruột rà của mình. Vậy mới hay, để giữ được ngôi chí tôn thiên hạ thì luân thường đạo lý có nghĩa gì đâu?

 

Lại nói Trịnh Căn thay Trịnh Toàn. Dẫu con cháu họ Trịnh từ bé ai cũng được đi thực tập để sau này tranh suất làm chúa, nhưng “bài tập về nhà” lần này có vẻ hơi… quá sức so với cậu trai mới bước qua ngưỡng 24 tuổi. Làm thế nào để đòi lại toàn bộ 7 huyện ở Nghệ An, và quan trọng hơn, sống sót trước áp lực phải đối diện với hai quái kiệt đến từ Đàng Trong?

 

-Nàng, nếu ta hy sinh khi chiến đấu với Chiêu Vũ và Thuận Nghĩa, đó không phải do ta kém mà ý trời bắt phải thế.

 

Xếp lá thư lại cẩn thận rồi đưa quân hầu gửi về kinh. Trịnh Căn thở dài bước ra ngoài doanh trại nhìn trời đêm lấp lánh trăng sao. Ngày mai phải xuất quân rồi, liệu ta có còn được nhìn thấy ánh mặt trời buổi sớm nữa không?

 

-Bắt sống Thuận Nghĩa đem về lĩnh thưởng!

 

Trịnh Căn hô to động viên binh sĩ. Thuận Nghĩa hung hãn sấn đến:

 

-Mày có tin là anh cày cả nhà mày lên không??? Thằng ranh con mới nhớn bày đặt ăn nói bố đời thiên hạ. Anh vả cho phát thì nằm vật ra chứ ở đó mà rống! Mà anh cũng đang suy nghĩ xem nên vả hay nên đạp mày. Vả thì thiếu mà đạp thì thừa, anh éo biết phải đánh sao cho vừa miếng.

 

Nói đoạn vung thanh đại đao chém lính như chặt chuối. Quân Nguyễn và quân Trịnh đụng nhau ở làng Nam Hoa. Trịnh Căn thúc ngựa đón đánh, trường thương vung lên loang loáng. Hai tướng giao đấu 50 hiệp thì Căn đuối sức phải rút chạy. Thuận Nghĩa hăng hái rượt theo, đến sông Lam thì bỏ do quân Trịnh liều chết cứu chủ. Vị chiến tướng miền nam cười sang sảng:

 

-Đất chật người đông, ai không có nhu cầu sống thì anh cũng không tiễn. Vậy nhé!

 

Trở về trại, Chiêu Vũ nói chuyện với Thuận Nghĩa:

 

-Tôi bấm độn thì thấy ngày 25 sao Chẩn sẽ gặp mặt trời, bão táp mưa sa, lại có khí đen suốt đến phần sao Đẩu. Mây trắng che vào chấn cung, miền bắc chắc chắn lụt to.

 

Trịnh Căn không biết, thế là nhân ngày mưa bão, quân Nguyễn đại phá được quân Trịnh lần nữa. Thuận Nghĩa khen:

 

-Ông hay thật đấy!

 

Trịnh Căn thua nhiều trận, thất vọng ném mũ xuống, lấy bình rượu ra tu sạch:

 

-Giang hồ đồn ầm lên Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ vô địch thiên hạ không phải là khoác lác.

 

Lê Thì Hiến an ủi:

 

-Thế tử đừng buồn nản, còn sống là còn hy vọng.

 

Căn thở dài rồi gật đầu, từ đó ra sức củng cố hậu phương chứ không dám solo nữa. Một phút chơi ngu có khi thiên thu ôm hận. Tuy thất bại trước hai danh tướng nhà Nguyễn nhưng Trịnh Căn đâu phải hạng kém cỏi? Định Nam Vương tương lai thân hình khôi vĩ, cước bộ trầm ổn, nhãn thần như điện, văn chương võ công tất thảy đều cao cường, thực sự là anh kiệt của họ Trịnh. Căn cầm quân cực nghiêm. Đố kỵ lẫn nhau? Chém. Bán lương cho quân Nguyễn? Chém. Bất tuân mệnh lệnh? Chém hết. Tuy còn non kinh nghiệm nhưng cậu luôn cố gắng quan sát và học hỏi để tìm ra điểm yếu của đối phương, bởi vì sự tồn vong của toàn gia tộc hiện đặt nặng trên đôi vai mình. Trịnh Căn nói:

 

-Ta thấy quân Nguyễn ít nên lợi ở đánh nhanh, giờ cứ đánh nhây thì xem họ đối phó thế nào?

 

Nói rồi Trịnh Căn dựa vào ưu thế quân đông, cho bày trận tràn lan khắp Đàng Ngoài khiến Chiêu Vũ - Thuận Nghĩa không biết nên đánh ở đâu, dàn trải sức mạnh của họ. Quả nhiên kế ấy hiệu nghiệm. Chiêu Vũ cũng hiểu điều này:

 

-Quân ta đánh 5 năm rồi mới chỉ chiếm được 7 huyện ở Nghệ An, ai cũng mệt mỏi cả. Bây giờ tôi sẽ ngầm viết thư cho chúa Mạc ở Cao Bằng và chúa Bầu ở Tuyên Quang, khuyên họ phối hợp với chúa Nguyễn ở Quảng Bình. Ba mặt cùng tấn công thì chúa Trịnh chỉ có quỳ lạy van xin.

 

Nói rồi làm luôn. Thế nhưng hai vị chúa kia có vẻ không… mặn mà lắm:

 

-Nếu chúa Nguyễn đánh gần tới Thăng Long thì giúp, còn không thì nghỉ khoẻ. Bọn này đẹp trai nhưng không dễ dãi.

 

Thế là Mạc, Bầu và Nguyễn nhìn nhau, chờ bên kia động thủ rồi mình mới ra tay. Nhưng ông nào cũng không chịu tấn công trước, vô tình giúp chúa Trịnh có thêm thời gian để chuẩn bị. Thuận Nghĩa thấy bầu không khí chán nản bao trùm doanh trại, số quân đào ngũ mỗi lúc một đông, liền hội họp bộ chỉ huy chiến dịch:

 

-Giờ rút về nam hay đánh nữa?

 

Các tướng Nguyễn ỷ ôi:

 

-Về về về, đừng có cố đấm ăn xôi. Bọn tôi đuối lắm rồi.

 

Chiêu Vũ bực mình, cầm thượng phương bảo kiếm đập mạnh xuống:

 

-Đã đi xa được tới tận đây thì đó là công sức của tất cả mọi người, sao lại có ý tưởng quăng game như thế? Nếu rút về thì mấy năm qua coi như vứt đi à?

 

Giữa lúc bàn bạc sôi nổi thì có tin báo:

 

-Trịnh Căn đang đánh An Điền và Phù Lưu, quân ta không chống nổi.

 

Thuận Nghĩa vỗ tay:

 

-Được rồi mọi người, tối 28 chúng ta sẽ đánh An Tràng. Còn Chiêu Vũ, ông sẽ đem quân đi sau tiếp ứng cho tôi.

 

Ai nấy vâng mệnh rồi ra về. Thuận Nghĩa vốn ganh Chiêu Vũ được chúa Nguyễn Phúc Tần tin yêu hơn, thậm chí trao tặng bảo kiếm, nên nửa đêm dặn riêng rằng các tướng rằng:

 

-Toàn bộ các ông theo tôi trở về, tuyệt đối đừng cho Dật biết.

 

Chiêu Vũ sửa soạn đâu ra đấy rồi lên đường. Tối 28 đến An Tràng, sương đêm lạnh giá, khung cảnh u buồn. Đáng ra phải thấy Thuận Nghĩa rồi chứ? Chiêu Vũ cứ đứng ngơ ngác cả canh giờ, kiểu tôi là ai? đây là đâu? tại sao tôi lại ở đây? có ai giải thích được không?....

 

-Thưa ngài, đại quân đã rút về nam cả rồi!

 

Binh lính xôn xao:

 

-Chời má, ông Tiến chơi dơ vậy???

 

-Trở mặt còn nhanh hơn người yêu cũ của tao...

 

Cảm giác hoang mang sợ hãi lan rộng trong toán quân Nguyễn bị bỏ rơi. Bỗng chốc có tiếng huyên náo ầm ầm như thiên binh vạn mã trên trời sa xuống. Nhìn bên kia sông Lam thấy đuốc quân Trịnh cháy đỏ rực, ánh sáng chói loà chân mây lẫn mặt đất. Giữa vạt cam rực rỡ hiện lên nổi bật viên chiến tướng cưỡi ngựa bạch, uy dũng như Triệu Tử Long ngày xưa, người ấy là Trịnh Căn. Chiêu Vũ sau cơn sốc, nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, đưa tay trấn an binh sĩ:

 

-Ta nghĩ được kế thoát thân, nhưng các ngươi phải tuyệt đối làm theo.

 

Trịnh Căn đứng quan sát một lúc rồi lạnh lùng nói:

 

-Bao vây đồn Khu Độc của bọn chúng.

 

Quân bắc ùn ùn tản ra khắp nơi. Trịnh Căn dừng ngựa lắng nghe, thấy tiếng hát văng vẳng:

 

-Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời, lạc trôi giữa trời wohooo…

 

Tiếng đàn trống ca hát vang lên từ trại quân Nguyễn, không khí rất vui vẻ náo nhiệt, Căn nghi ngờ:

 

-Khoan tấn công, cẩn thận mắc mưu Chiêu Vũ.

 

Lợi dụng lúc Trịnh công tử đang do dự, Chiêu Vũ thông báo:

 

-Tất cả nhổ trại, nhắm hướng đèo Ngang đi gấp! Đã tới lúc về nhà.

 

Toán quân Nguyễn bị Thuận Nghĩa bỏ rơi lập tức khởi hành về nam. Giữa chừng gặp ai ốm yếu hoặc cha mẹ binh sĩ rớt lại dọc đường, Chiêu Vũ cũng hốt theo luôn. Cần nói thêm những người dân Nghệ An bị quân Nguyễn bắt đi trong chiến dịch này có ông tổ của anh em Tây Sơn. Thế là hai vị danh tướng đã vô tình mang theo mầm tai hoạ về xứ Đàng Trong mà không hề hay biết. Thám mã chạy về báo Trịnh Căn:

 

-Quân Nguyễn lạc trôi đi đâu không rõ, đồn Khu Độc trống trơn.

 

-Bị Chiêu Vũ lừa tình rồi!

 

Trịnh Căn nổi cơn thịnh nộ, thúc đại binh rượt theo. Lại nói Thuận Nghĩa khi ấy đã về đến Hoành Sơn, không biết Chiêu Vũ sống chết thế nào, trong lòng cũng áy náy:

 

-Lẽ ra ta không nên làm vậy…

 

Đột ngột thấy đằng xa cờ hiệu của quân Nguyễn bay phấp phới, theo sau đó là cờ quân Trịnh. Chiêu Vũ đang phi ngựa hết tốc lực. Thuận Nghĩa cắn môi chần chừ. Sau đó đột ngột giật lấy khẩu súng từ tên lính, dùng hết sức ném mạnh:

 

-Hữu Dật, súng có đạn!

 

Chiêu Vũ bằng một nỗ lực phi thường, rướn lên bắt lấy, rồi lật tay, xoay người, khai hoả.

 

“ĐOÀNG!”

 

Trịnh Căn giật mình ghì cương ngựa sang phải, vừa kịp né tình huống hung hiểm. Viên đạn găm thẳng vào vai Trịnh Đào, hất văng gã xuống đất. Thuận Nghĩa gầm lớn:

 

-Không còn đường lui đâu, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực! DOOOOOÔ!

 

Trịnh Căn múa trường thương sấn tới. Hai danh tướng Lê Thì Hiến và Đào Quang Nhiêu cũng xông lên bảo vệ chủ soái. Thuận Nghĩa một chấp ba nhưng không nao núng. Bốn chiến mã lồng lộn vờn nhau như bầy hổ đói, tiếng binh khí đập chan chát ghê người. Chiêu Vũ thấy nguy bèn vung bảo kiếm, đâu lưng sát cánh chiến đấu cùng Thuận Nghĩa. Trịnh - Nguyễn phân tranh ngay tại dãy Hoành Sơn. Đánh từ sáng đến chiều tối, khói lửa mù trời, đạn bay veo véo. Đây là trận chiến dữ dội cuối cùng của năm 1660. Tàn cuộc, cả hai bên đều thiệt hại rất nặng, đành chừa cho nhau một lối đi riêng. Trịnh Căn trỏ tay, tuyên bố:

 

-Lần tới hai ngươi sẽ không may mắn vậy đâu.

 

Rồi dẫn quân trở lại đất bắc. Chiêu Vũ trách:

 

-Mình chơi với bạn hết lòng, bạn chơi lại mình hết hồn.

 

Thuận Nghĩa đáp:

 

-Mọi người đều mong về nhà, ai bảo ông cứ thích ráng.

 

-Không phải tại ông và cái quyết định rút quân chuối cả nải đó thì chắc giờ này chúng ta đã ngồi uống rượu ở Thăng Long rồi!

 

Chiêu Vũ tức tối, cổ họng nghẹn đắng uất ức. Thuận Nghĩa không nói gì nữa. Hai người đi ngựa song song. Lát sau Thuận Nghĩa trầm giọng:

 

-Đơn giản vì Dật luôn luôn vô tội, còn Tiến, Tiến mãi mãi là người có lỗi. Phải thế không?

 

Họ mệt mỏi đưa tàn quân trở về phương nam. Gió thổi mạnh, một tia sét rạch ngang bầu trời đùng đục, bức màn mưa lạnh lẽo kéo đến trút xuống đoàn viễn chinh. Chẳng mấy chốc đã đến sông Gianh, Chiêu Vũ hỏi:

 

-Giờ ông đi đâu?

 

-Nhật Lệ. Còn ông?

 

-Đông Cao. Tạm biệt.

 

Đoạn Chiêu Vũ thúc ngựa, dẫn quân sang đường khác, để lại Thuận Nghĩa đứng đó trong cơn mưa tầm tã.

 

Đặt chân vào Đàng Trong, mỗi người đóng ở một nơi. Tuy giận nhau nhưng vì cùng sứ mệnh bảo vệ chúa Nguyễn, cả hai vẫn phải bắt tay hợp tác. Đắp thêm luỹ Trấn Ninh và Sa Phụ để ứng cứu nếu có sự cố. Năm sau hai cha con Trịnh Tạc đánh tiếp. Chiêu Vũ bắc loa nói với Trịnh Tạc và Trịnh Căn:

 

-Sao các bạn lại tụ tập đông gây mất trật tự tổ dân phố vậy? Rất ảnh hưởng đến hình ảnh khu phố văn hoá. Mời các bạn giải tán, ai về nhà nấy.

 

Rồi liên tục bày kế, chơi cả vườn không nhà trống nên ít thiệt hại. Trịnh Tạc đánh mấy tháng không hạ được luỹ Thầy, bèn bỏ cuộc. Quân Nguyễn hú hét chọc quê:

 

“Có tài vượt nổi sông Gianh

Dẫu thêm hai cánh, trường thành khó qua”

 

Năm tháng trôi dần, Chiêu Vũ tuổi già gõ cửa, Thuận Nghĩa cũng bệnh nặng mất đi. Đời người cũng như bốn mùa, thu tàn thì đông sang. Cặp đôi hộ vệ xứ Đàng Trong nay chỉ còn lại một. Người đời sau có thơ than tiếc Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến:

 

“Nghiệp dựng trời cao sáng đẩu tinh,

Vua tôi gặp gỡ đất Nam Thành.

Văn thần thao lược bày rồng hổ,

Võ tướng xông pha mạnh giáp binh.

Thu hết càn khôn khoe tuấn kiệt,

Tung hoành bốn biển rạng uy linh.

Bảo đao sáng suốt oai thần vũ,

Thuận Nghĩa danh lừng thật hiển vinh.”

 

Tuy vậy cuộc đời Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật cũng cay đắng, 50 năm trải qua 3 đời chúa Nguyễn đâu hẳn chỉ có vinh quang mà không tủi nhục. Nhớ có lần Hiền vương tống giam vì nghi ngờ làm gián điệp cho họ Trịnh, khiến ông phải ngồi trong ngục làm thơ để bày tỏ nỗi oan ức, rồi chưa kể đồng nghiệp chèn ép đủ đường. Nhưng sau Đào Duy Từ, ông là người quan trọng nhất mà vương quốc Đàng Trong có thể trông cậy.

 

-Cấp báo quân sư!

 

Chiêu Vũ cười nhạt:

 

-Lâu ngày không gọi tự dưng nhớ đến, một là mượn tiền, hai là gửi thiệp cưới, ba là rủ bán hàng đa cấp.

 

Tên thám báo khẩn khoản:

 

-Quân Trịnh lại tấn công, lực lượng vô cùng khủng khiếp! Công tử Hiệp Đức sắp không giữ nổi luỹ Trấn Ninh rồi. Cúi xin quân sư...

 

Chiêu Vũ buồn bã:

 

-Các người chê ta già cả, đâu trọng dụng nữa…

 

Trầm tư hồi lâu, ông rũ tay áo đứng dậy:

 

-Thôi được rồi, chuẩn bị ngựa để lão phu lên đường.

 

Trận chiến thứ bảy không hề dễ dàng, nhà Trịnh sau khi dứt điểm được Mạc triều đã dẫn TOÀN BỘ sức mạnh của họ nam tiến để làm cỏ nhà Nguyễn. Quyết tâm của chúa Trịnh Tạc lần này cao đến mức dẫn theo hoàng đế Lê Gia Tông ra trận, đã đánh là phải thắng luôn.

 

-Sao thảm hại thế này?

 

“Tình hình Trấn Ninh đang căng đét khét lẹt. Lê Hồng Quang, phóng viên thường trú đài truyền hình Việt Nam tại vương quốc Bỉ, đưa tin từ xứ Đàng Trong”

 

Khi Chiêu Vũ có mặt thì luỹ đã bị xuyên thủng đến hơn 30 trượng. Quân Nguyễn chiến đấu trong tuyệt vọng. Công tử Hiệp Đức thấy Chiêu Vũ thì mừng quá la ầm lên:

 

-Quân sư, chúng tôi ở đây! Cứu tinh đến rồi mọi người ơi!

 

Binh sĩ phấn khởi hò reo. Bấy giờ trời đã sập tối, cảnh vật đen như mực, xoè tay ra trước mặt cũng không thấy. Chiêu Vũ ra lệnh:

 

-Lấy rơm cỏ buộc lại rồi đốt lên!

 

Ánh lửa lập tức bùng cháy như ban ngày dọc theo luỹ Trấn Ninh. Tây Định vương Trịnh Tạc lẩm bẩm:

 

-Chiêu Vũ tới, tất cả lùi lại.

 

Quân Trịnh nhả luỹ, giúp quân Nguyễn có thời gian sửa lại hết những đoạn trường thành hư hỏng. Chiêu Vũ truyền thu gom ghe thuyền của ngư dân ở ven sông, phá ra lấy ván ốp vào các lỗ toang hoác. Sáng hôm sau Trịnh Tạc thấy luỹ Trấn Ninh lại vẹn nguyên như mới thì vô cùng bất ngờ. Ông sai sát thủ trèo lên mặt lũy, ẩn nấp kín đáo, thò nòng súng ra mà bắn. Tên sát thủ giết được vài người, nhưng may Chiêu Vũ chưa bị làm sao thì hắn đã bị phát hiện và chém làm hai đoạn. Trịnh Tạc sôi máu:

 

-Theo binh pháp, nếu đông gấp 10 thì bao vây, đông gấp 5 thì tấn công, ngang nhau thì có thể đánh một trận!

 

Rồi quát lớn:

 

-Đã đến núi báu thì ai chịu về không? ĐÁNH!

 

Súng lệnh nổ vang. Ba nghìn quân Trịnh uống rượu cấp nộ, không còn sợ chết nữa, vác cuốc lao vào như cơn lốc để đào chân thành. Bức tường kỳ vĩ có nguy cơ sụp đổ. Chưa kể Trịnh Tạc còn sai mang diều giấy tẩm dầu rái, lựa chiều gió mà tung vào trong luỹ. Đàn diều nóng hổi bay phần phật như sao chổi sa xuống. Thứ vũ khí tàn độc này nếu đổ nước vào thì không những chẳng dập được mà còn cháy loang ra. Chiêu Vũ bảo anh em dùng cát dập lửa. Đoạn sai quân cưa hơn 300 tấm gỗ đóng đinh nhọn vào, móc vào dây thừng thả xuống. Quân Trịnh mắc bàn đinh đập vào chân, bị câu bắt vào thành đều rú lên:

 

-Ối cha mẹ cô dì chú bác cậu mợ con cái cháu chắt bà con hàng xóm hai bên nội ngoại đôi đường thông gia ơi!!!

 

Tây Định vương công phá liên tục đều bị Chiêu Vũ trổ tài vô hiệu hoá hết nên cực kỳ căm hận, ông ra lệnh:

 

-Dùng trái phá.

 

Toàn bộ súng lớn dàn hàng chĩa thẳng hướng luỹ Thầy, bắn trái phá dồn dập vào thành. Quân Trịnh tràn tới như bầy kiến, ai lùi một bước là chém. Đến chiều tối luỹ đã bị áp sát, trái phá bay ầm ầm. Loại mìn này nổ một phát văng thành mười quả bé hơn, sát thương vô cùng bạo liệt. Mưa lớn kéo đến. Quân Trịnh cố gắng trèo lên luỹ, quân Nguyễn cầm giáo nhọn đâm xuống. Thây người chất thành đống. Quân Nguyễn xiên mỏi tay thì vác đại bác ra nã, quân Trịnh tung thòng lọng kéo súng bật khỏi tường thành, nhét đất đá rơm cỏ vào để làm tắc nòng. Quân Nguyễn bám riết mặt thành mà tử thủ, quân Trịnh đào đường hầm đánh thọc lên. Máu me văng tung toé khắp nơi. Tiếng gào khóc như thể hoà ca cùng bão táp vần vũ bên ngoài. Đây là trận kinh khủng nhất của Trịnh - Nguyễn phân tranh (1672).

 

Trịnh Căn đem thuỷ binh vượt sông Gianh yểm trợ cha. Bất ngờ bị trúng gió, nằm vật trên thuyền, mạch đập điên cuồng, không ăn uống được, thuốc gì cũng bó tay. Tây Định vương đau lòng, bèn đưa con trai cưng về Thăng Long, không còn muốn đánh nữa. Người đời sau có thơ khen Chiêu Vũ rằng:

 

“Lòng tàng thao lược suốt bình sinh

Mưu kế ngăn lui trăm vạn binh.

Chỉ thả bàn chông quân địch khiếp,

Chẳng cần kiếm lớn chém nghê kình.

Chớ rằng Gia Cát nay tìm khó,

Lại thấy Lưu Cơ mới tái sinh.

Thỏa chí anh hùng mưu giúp chúa,

Trần ai quét sạch, nước phồn vinh.”

 

Sau nhiều ngày đêm căng sức chống cự, nay thấy quân bắc ùn ùn rút lui, bấy giờ Chiêu Vũ mới ngồi phịch xuống. Ông ngửa mặt lên trời, dòng nước mắt hạnh phúc chảy đầy hai má:

 

-Thắng rồi, Tây Định vương chạy rồi...

 

Và cười to ba tiếng ha hả. Buổi sáng hôm ấy trời quang mây tạnh, nắng vàng chiếu xiên xiên trên non nước Quảng Bình. Mọi thứ đã chấm dứt, Trịnh Nguyễn phân tranh kết thúc thật rồi.

 

Công tử Hiệp Đức xua quân rượt theo thì phát hiện quân bắc đang qua sông Gianh nửa chừng. Có người lính khẩn khoản nói vọng sang:

 

-Chúng tôi và các anh em đều là người cả, sao nỡ tàn hại lẫn nhau. Chỉ vì nhà chúa tranh chấp, anh em ta mới phải chịu chết oan. Xin ngài đừng đuổi nữa.

 

Hiệp Đức nghe vậy, bèn dừng ngựa lại. Trong buổi tiệc mừng công tối hôm đó, Hiệp Đức chạm chén với từng người. Thấy những lá cờ tả tơi xơ xác, vết đạn xuyên thủng chi chít như tổ ong, bất giác rơi lệ nói với Chiêu Vũ:

 

-Quân sư nhìn này, vật vô tri còn nát bét như thế, huống chi da thịt con người.

 

Công tử lập đàn tế những người tử vong, lòng buồn rầu mãi không thôi. Thế nhưng chiến thắng kỳ tích, màn lội ngược dòng ngoạn mục tại luỹ Trấn Ninh khiến toàn bộ xứ Đàng Trong hò reo vang dậy, mọi người đổ ra đường ăn mừng. Hiền vương cũng không giấu được niềm sung sướng vô bờ. Dân chúng gọi tên Chiêu Vũ:

 

-Ông Bồ Tát Nguyễn Hữu Dật!

 

Họ Trịnh Nguyễn vốn là thông gia nên tranh chấp của họ có thể xem là “mâu thuẫn gia đình” gay go nhất lịch sử Việt Nam. Sau thất bại ở Trấn Ninh, Tây Định vương Trịnh Tạc chấp nhận chia đôi thiên hạ với Hiền vương Nguyễn Phúc Tần, có hoàng đế Khang Hy nhà Thanh làm chứng.

 

Hòa bình kéo dài cỡ 100 năm, tới khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Ba anh em Nhạc Huệ Lữ quẩy tưng bừng Đàng Trong. Trịnh Sâm nhận thấy thời cơ đã chín, bèn ra lệnh cho chiến thần Hoàng Ngũ Phúc vượt Lũy Thầy một lần nữa. Và lần đầu tiên thưa các bạn, lần đầu tiên Lũy Thầy đã bị xuyên thủng, quân Trịnh ồ ạt băng qua sông Gianh để tiến vào lãnh địa chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Thuần hoảng sợ bỏ chạy vào Gia Định, kinh thành Phú Xuân thất thủ. Quân Tây Sơn đuổi theo truy sát tới người cuối cùng, còn cậu bé Nguyễn Phúc Ánh sống sót. Vài năm sau quân Tây Sơn tiếp tục ra bắc múc luôn nhà Trịnh.

 

Trịnh Nguyễn phân tranh 200 năm cuối cùng hoàn toàn chấm dứt bởi Bắc Bình Vương. Mở đầu cho cuộc chiến mới của kỳ phùng địch thủ Ánh - Huệ. Nhưng đó là một câu chuyện khác.

 

Lại nói về Đốc chiến Chiêu Vũ, đại anh hùng của 9 chúa 13 đời vua Nguyễn, hộ thần xứ Đàng Trong. Khi ông mất, ai ai cũng thương tiếc rơi lệ. Chí lớn của Chiêu Vũ là trở lại Thăng Long, nơi mình chào đời, nhưng điều đó vĩnh viễn không bao giờ trở thành hiện thực:

 

“Uẩn súc trong lòng mấy vạn binh

Sớm rời hoài bão giữa thanh minh.

Kinh đô chưa thỏa lòng rong ruổi,

Quê cũ còn lưu mãi nghĩa tình.

Chẳng bởi Thuận công vùi tiết lớn,

Nhờ tài Sử thị sáng cao danh.

Động Hồi qua đó vạn người hỏi

Phụ lão đều phô Đốc chiến thành.”

 

 

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 699
Trong tuần: 5387
Lượt truy cập: 1358995

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy