Truông Nhà Hồ, Phá Tam Giang







Đặt vấn đề đi tìm địa danh trong một câu ca dao cổ giãi bày tâm trạng của những đôi lứa yêu nhau được lưu truyền nhiều ở miền Trung, là để hiểu hơn quê hương nước Việt thân yêu của chúng ta, khi mà mỗi ngọn núi con sông gắn liền với những câu chuyện lịch sử thấm đẫm nhân văn...

Không biết từ bao giờ khi ngợi ca những mối tình lứa đôi thủy chung trong sáng của người con gái (nhưng cũng có thể là người con trai) người ta liên tưởng ngay đến câu “mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. “Sông” với “đèo” có thể do lòng người nhưng cũng có thể là một chướng ngại vật địa lý có thật để hai người yêu nhau không đến được với nhau, bật lên lời than:

“Yêu em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. 


Câu ca nêu hai địa danh mà cũng là hai chướng ngại vật đó là: phá Tam Giang, truông nhà Hồ. Vậy hai địa danh nói trên có gì ghê gớm. Theo tư liệu từ một số đề tài khoa học nghiên cứu về đầm phá (Đại học Khoa học Huế) thì phá Tam Giang nằm hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km2, trải dài khoảng 24km, từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương thuộc địa phận ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phá Tam Giang chiếm khoảng trên 50% diện tích đầm phá Việt Nam. Tương truyền phá Tam Giang có sóng thần, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị đánh chìm nên nhiều người rất lo lắng: “Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ/ truông nhà Hồ làm khổ lòng nhau/ cho nên xin hẹn kiếp sau/đổ truông Nhà Hồ, đập phá Tam Giang”. 

700px_Ph_Tam_Giang_2Phá tam giang

Riêng địa danh truông Nhà Hồ có lẽ ít ai biết đến mà chỉ biết nhiều đến thành Nhà Hồ. Đó là một thành đá được Hồ Quý Ly cho xây dựng năm 1397 trên khu đất rộng gần 1km2 nằm giáp ranh giữa các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long thuộc huyện Vĩnh Lộc. Theo sử sách để lại thì phải mất 3 năm nhà Hồ mới xây dựng xong thành. Trải qua hơn 600 năm, Thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn và bí ẩn đối với giới nghiên cứu lịch sử. Cuối năm 2006, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho Thành nhà Hồ. 

Image result for truông nhà hồTruông nhà hồ ( ảnh chụp hiện nay )

Quay lại di tích truông nhà Hồ, theo GS. Tôn Thất Bình - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian miền Trung, thì vị trí truông nhà Hồ nằm ở trục giao thông xuyên quốc gia, đoạn giáp giới giữa xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Tình cờ về thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh tôi được nghe nhiều cụ cao niên ở đây kể: thị trấn Hồ Xá xưa kia là làng Hồ Xá do một nhánh triều Hồ di dời vào lập nghiệp. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao các gia phả tộc họ ở vùng này thì tộc Hồ là một trong số ít những tộc họ thuộc bậc tiền hiền. Xét về mặt địa lý hiện tại khoảng cách làng Hồ Xá rất gần với truông nhà Hồ. 

Cũng theo GS. Tôn Thất Bình, trước đây truông nhà Hồ là một vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, từng là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc để cướp của đòi tiền mãi lộ. Thời bấy giờ có quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh. Biết được mối lo sợ của dân chúng, ông tìm cách đánh dẹp. Một hôm ông cho xe chở lúa và hàng hóa qua truông. Ông cho một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa. Khi bị cướp, người lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ có dấu lúa rải này, ông đã lần ra sào huyệt của bọn cướp, quan quân tràn vào bắt gọn cả ổ. Từ đó truông nhà Hồ trở nên yên bình. Dẹp xong giặc truông nhà Hồ, quan Nội tán lại tìm cách trị sóng thần phá Tam Giang. Một mặt ông sai người lặn xuống phá, đào bới mở rộng cửa phá để trừ sóng dữ. Một mặt ông cho loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Nghe tin ấy ai nấy đều khiếp sợ, nghĩ rằng quan Nội tán xâm phạm đến thần linh, phen này chắc họa lớn. Mặc mọi người khuyên can, ngăn trở, đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng hướng ra phá, ra lệnh bắn. Ba tiếng súng ầm ầm vang lên, khói bốc mù mịt. Những người chứng kiến đều sợ hãi quỳ sụp xuống. Nhưng bỗng trên mặt phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Nguyễn Khoa Đăng bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Thực ra thì người của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước. Từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự. Nỗi lo sợ về truông nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn, nay được chắp thêm hai câu ghi nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng: 

“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”. 


Truông nhà Hồ về sau gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Giặc Pháp xâm chiếm nước ta, truông nhà Hồ là trở thành nơi trú ngụ của các nghĩa sĩ Cần Vương đi theo vua Hàm Nghị và Tôn Thất Thuyết. Thời chống Mỹ, truông nhà Hồ không còn là truông vắng mà trở thành đường lớn, tấp nập xe pháo hành quân. Ba vợ tôi từng tham gia chiến đấu ở đây cho biết: Truông nhà Hồ được đặt tên mới vừa mang ý nghĩa hiện đại và chính xác trong quân sự là “Dốc 6 độ” Nơi đây đã ghi nhiều chiến công rực rỡ của quân dân ta đánh thắng không lực Hoa Kỳ. Trong cuộc đọ sức quyết liệt nhiều đơn vị phòng không quân đội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng như Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân, Trung đoàn 280...


Truông nhà Hồ không còn là chướng ngại vật ngăn trở những cuộc tình “anh ở đầu sông em cuối sông nữa” nhưng câu ca xưa mãi hằn sâu trong tâm trí nhiều người, nhất là những đôi lứa yêu nhau, lưu truyền đời này sang đời khác... 

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 715
Trong tuần: 5213
Lượt truy cập: 1358194

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy