TUYẾN ĐIỂM SÀI GÒN - PHAN THIẾT

 

 

 

 

 

TUYẾN TP.HCM – PHAN THIẾT

 

SÀI GÒN – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH :

 Thành phố Hồ Chí Minh ở vào vị trí 10o22'13" - 11o22'17" vĩ độ Bắc và 106o01'25" - 107o01'10" kinh độ Đông. Thành phố có diện tích hơn 2093,7 km2, dân số khoản 5.479.000 người (2002). Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội 1.730 km đường bộ, cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Toàn thành phố có 15 km bờ biển. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là thành phố lớn và đông dân nhất nước ta. Thành phố có năng lực lớn về sản xuất, kinh doanh, là đầu mối giao thông quan trọng nhất miền Nam và là một trong những thành phố đang phát triển khá sầm uất của khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất mới. Tính từ khi địa danh Sài Gòn được ghi vào sử sách năm 1698 thì đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập được hơn 300 năm. Vào đầu năm Mậu Dần (1698), Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược. Ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Vùng đất Nam Bộ lúc đó còn hoang sơ, dinh Phiên Trấn có huyện Tân Bình, còn dinh Trấn Biên có huyện Phước Long.

Năm 1772, lũy Bán Bích được xây dựng. Năm 1790, thành Bát Quái ra đời. Đó là một thành lũy lớn nhất ở phía Nam vào thời bấy giờ.

Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, thành Gia Định thất thủ. Từ năm 1862, một phương án qui hoạch thành phố với hơn 500.000 dân được phê duyệt. Thống đốc quân sự người Pháp là Bonard chia tỉnh Gia Định thành 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Sài Gòn lúc bấy giờ vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định, vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, vừa là huyện lỵ của huyện Bình Dương; còn Chợ Lớn là huyện lỵ của huyện Tân Long, cùng phủ Tân Bình.

Năm 1864, đứng trước đà phát triển dữ dội của người Hoa, vùng Chợ Lớn được tách khỏi Sài Gòn. Từ đây, Sài Gòn bắt đầu phát triển theo mô hình của một đô thị kiểu Tây phương thế kỷ 19. Những trục đường lớn được hình thành, những ngôi nhà cao tầng đồ sộ, những bến cảng, công viên… lần lượt ra đời.

Cảng Sài Gòn thành lập từ 1862. Các tàu buôn của người phương Tây và các nước lân cận bắt đầu tấp nập ở cảng Sài Gòn, biến Sài Gòn thành một trung tâm thương mại lớn của cả vùng Viễn Đông. Ngày 15/03/1874, Tổng thống Cộng Hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Sài Gòn lúc này thực sự trở thành một đô thị với hàng loạt công trình lớn được xây dựng theo kiểu phương Tây, những công sở, trung tâm thương mại, dịch vụ, giao thông. Đến đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn lại sát nhập vào Sài Gòn. Thành phố trở thành đô thị lớn nhất Đông Dương và được ban cho mỹ hiệu là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Thành phố Sài Gòn cũng từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Thành phố là nơi mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (23/09/1945), cũng là nơi kết thúc thắng lợi quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/04/1945.

Vào ngày 02/07/1976 trong cuộc họp quốc hội khoá VI nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành Phố Hồ Chí Minh, địa giới bao gồm thành phố Sài Gòn, tỉnh Gia Định và một phần các tỉnh Bình Dương, Hậu Nghĩa, Đồng Nai trước đây hợp thành.

Năm 2004, TP.HCM quyết định quy hoạch lại ranh giới hành chính của thành phố gồm 19 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành. Nội thành gồm quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận, Gò Vấp và Thủ Đức. Ngoại thành gồm huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. TP.HCM là thành phố trực thuộc TW cũng như 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. TP.HCM hiện nay vẫn là cơ sở công nghiệp lớn nhất đất nước chiếm 30% tổng sản lượng công nghiệp, 30% tổng nộp ngân sách nhà nước, ngoài ra còn là trung tâm du lịch lớn nhất nước thu hút hàng năm 70% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

 

CẦU SÀI GÒN

Cầu bắc qua sông Sài Gòn xây dựng năm 1959 – 1960 do công ty CEC (Capital Engineering Corporation) thiết kế và thi công, chiều dài của cầu 987,431 mét, 32 nhịp. Năm 1998 cầu được sửa chữa nâng cấp phần chịu lực và mở rộng chiều ngang từ 19.8 m đến 24 m như hiện nay. Trong tương lai sẽ có một cây cầu nữa được bắc song song với cây cầu hiện tại nhằm giảm áp lực cho cầu Sài Gòn, hiện đại hoá cữa ngõ vào thành phố. 

Bên tay phải ở chân cầu là khu vực Tân Cảng (Quân Cảng) trước đây khu vực này là hải cảng quân sự lớn của Mỹ – Ngụy. Sau giải phóng đây là khu vực Hải Quân Việt Nam. Trong thời kỳ kinh tế thị trường (1990) khu vực Tân Cảng được chia làm 2 khu: Khu Quân Sự và khu Kinh Tế, cho tàu xuất nhập hàng hoá và kho để các Container. Từ cầu Sài Gòn ta nhìn xuống có thể thấy rất nhiều Container xếp chồng lên nhau trong một khu vực rộng lớn.

 

SÔNG SÀI GÒN

Sông Sài Gòn dài trên 230 km bắt nguồn từ Cao Nguyên Hớn Quảng (Lộc Ninh – Bình Phước), một đoạn sông là ranh giới tự nhiên giữa Tây Ninh và Bình Phước, đọan chảy ngang qua thành phố có chiều dài là 106 km. Một phần nước sông Sài Gòn đổ vào khu vực lòng hồ Dầu Tiếng Tây Ninh. Sau đó chảy qua khu vực Bến Cát đến Thủ Dầu một vào TP.HCM và hợp với sông Đồng Nai đổ ra cửa Cần Giờ vịnh Gành Rái.

Sông Sài Gòn là con sông có giá trị kinh tế lớn về giao thông đặc biệt có nhiều hệ thống Cảng quan trọng: Cảng Sài Gòn – Cảng Cát Lái – Tân Cảng.

Theo quy hoạch địa giới hành chính mới, đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc thuộc ranh giới Quận 2. Đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến nghĩa trang Liệt Sĩ Thành Phố Hồ Chí Minh thì phía phải là Quận 9 còn lại phía trái là Quận Thủ Đức.

 

CẦU RẠCH CHIẾC

Cầu xây dựng cùng thời với cầu Sài Gòn và xa lộ Biên Hoà (1959 – 1961) dài 148.9m.

Cầu Rạch Chiếc tuy nhỏ nhưng lại là nhân chứng cho một sự kiện lịch sử quan trọng góp phần làm rạng rỡ cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 27/04/1975 tại chân cầu đã xảy ra liên tục 5 trận đánh giữa quân giải phóng và quân lính chế độ Sài Gòn bảo vệ cầu vì đây là điểm yếu nhất trên xa lộ Biên Hoà. Cuối cùng quân giải phóng đã chiếm được cầu Rạch Chiếc nhưng 59 chiến sĩ cách mạng đã hi sinh tại đây để dành đường lưu thông an toàn cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Hiện nay nhà nước đã có kế hoạch xây dựng tại chân cầu một đài tưởng niệm những chiến sỹ cách mạng hy sinh ngày 27/04/1975.

Phía bên phải là sân tập golf Rạch Chiếc. Được khai trương 06/08/1994 do công ty liên doanh Việt Hoa đầu tư, nơi đây là sân tập cho những người mới đánh golf.

 

ĐỊA DANH THỦ ĐỨC

Vào tháng 3 – 1995, tại xã Linh Đông (Thủ Đức), khi khai quật ngôi mộ cổ ở Trung Tâm Hướng Nghiệp Thủ Đức, các nhà khảo cổ học đã phát hiện gần đó còn có một ngôi mộ cổ khác. Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật và chuyên viên Hán học Nguyễn Hải Đường đã bắt tay vào nghiên cứu ngôi mộ. Bước đầu họ đã có thể làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp của vị chủ nhân ngôi mộ cũng như giải thích được địa danh Thủ Đức. Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 24 – 06 – 1995 có đăng chi tiết kết quả ban đầu của cuộc nghiên cứu. Các nhà khảo cổ học phát hiện tại ngôi mộ có tấm bia đá khắc bằng Hán tự, bia cao 0,24m, rộng 0,32m và dày 0,04m. Tạm dịch nội dung trên bia như sau: “Ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông, nước Đại Nam. Ông chết ngày 19 – 06. Hương chức dựng bia vào ngày lành thánh 2 năm Canh Dần 1890”.

Tuy kết quả cuộc nghiên cứu vẫn chưa hoàn thiện nhưng chúng ta đã có thể giải thích được tên Thủ Đức như sau: Thủ Đức là hiệu của ông Tạ Huy, là Tiền Hiền có công khai khẩn nơi đây. Nhớ tới công lao khai phá của ông nên về sau dân gian đã lấy hiệu của ông đặt cho vùng này, gọi là Thủ Đức.

 

XA LỘ HÀ NỘI (XA LỘ BIÊN HOÀ)

Trước đây, xa lộ này mang tên là xa lộ Biên Hoà. Xa lộ Biên Hoà được xây dựng từ 1959 – 1961 do Mỹ đầu tư và công ty CEC thiết kế và thi công. Xa lộ rộng 21 m dài 31 km từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã tư Tam Hiệp Biên Hoà. Do xa lộ này dẫn chúng ta đến Thành Phố Biên Hòa nên thời bấy giờ được đặt tên là xa lộ Biên Hoà. Trước năm 1975 Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng con đường này như một đường băng quân sự dã chiến phòng khi sân bay Tân Sân Nhất bị sự cố. Đến năm 1971, họ cho rằng xa lộ thuận lợi cho quân cách mạng đổ bộ tấn công Sài Gòn nên đã cho xây dựng vạch ngăn cách giữa tim đường. Năm 1984 nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Hà Nội, xa lộ Biên Hòa được đổi tên thành xa lộ Hà Nội.

Năm 1998 cùng với dự án khôi phục quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội cũng được khôi phục và mở rộng bàn giao cho chính phủ Việt Nam ngày 20/01/1998. Ngày nay hai bên xa lộ đã mọc lên các khu dân cư sầm uất, khu vui chơi giải trí thể thao, làng đại học và đặc biệt các khu công nghiệp rất hiện đại.

 

QUỐC LỘ 1A – ĐƯỜNG XUYÊN Á (XA LỘ ĐẠI HÀN)

Đường Xuyên Á trước đây được mang tên là Xa Lộ Đại Hàn. Xa lộ Đại Hàn dài 40 km kéo dài từ ngã ba Trạm 2 đến vòng xoay An Lạc Bình Chánh, được xây dựng năm 1969 – 1970 do Mỹ thiết kế và công binh Đại Hàn thi công nên gọi là xa lộ Đại Hàn.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta, Mỹ đã hoảng sợ và lập tức cho xây dựng con đường này, xem nó như một vành đai bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất và Sài Gòn để ngăn cách giữa Sài Gòn và cái nôi cách mạng ở Hóc Môn – Củ Chi.

Ngày hôm  nay, dự án cải tạo và nâng cấp đường Xuyên Á đã hoàn chỉnh, góp phần làm nâng cao vai trò và tầm vóc của tuyến đường quan trọng này. Con đường này giúp nối liền vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ mà không phải đi vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai dự án đường xuyên Á từ Băng Cốc – Phnông Pênh – Mộc Bài – Quốc lộ 22 – Xa lộ Đại Hàn – Quốc lộ 51 – Vũng Tàu sẽ được thực hiện.

 

NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TP.HCM

Nghĩa trang liệt sỹ Tp.HCM rộng 3 ha là nơi yên nghĩ của các chiến sỹ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trên chiến trường Campuchia. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1984 đến năm 1987 thì hoàn tất với hình ảnh người mẹ Việt Nam cao sừng sững ôm trọn lấy gần 10.000 đứa con thân yêu ngã xuống bảo vệ tổ quốc. Điêu khắc gia Nguyễn Hải là tác giả của bức tượng “Người mẹ Việt Nam Anh Hùng”, đã gửi tặng bức tượng cho người dân TP.HCM một thành phố năng động nhưng hào hùng.

Qua khỏi Nghĩa Trang Liệt sĩ TP chúng ta đến với Huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Địa giới tỉnh Bình Dương trên Xa Lộ Hà Nội được tính từ Nghĩa Trang Liệt Sĩ TP đến chân cầu Đồng Nai. Từ cầu Đồng Nai, chúng ta đã vào đến tỉnh Đồng Nai.

 

 

TỈNH ĐỒNG NAI

Tỉnh Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ nước ta. Tỉnh có diện tích 5864 km2, dân số 1.989.541 người. Tỉnh lỵ là thành phố Biên Hoà nằm bên dòng sông Đồng Nai. Đất đai của tỉnh thuộc loại phù sa cổ do sông Đồng Nai bồi đắp. Nhiệt độ trung bình hàng năm 270C. Các đơn vị hành chánh của tỉnh gồm Thành phố Biên Hoà, Thị xã Long Khánh và các huyện: Long Thành, Trảnh Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc.

Tên gọi Đồng Nai xuất phát do đọc trại từ tên “Nông Nại Đại Phố”, có ý kiến khác cho rằng xưa kia vùng này có nhiều đồng cỏ, nai kéo về đây sinh sống rất đông nên gọi là Đồng Nai. Vì đất đai màu mỡ nên Đồng Nai rất thích hợp với nhiều loại cây hoa màu, lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày như đậu nành, thuốc lá, cây công nghiệp dài ngày như cây cao su, cây điều. Ngày nay, tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế quan trọng ở phía Nam, vẫn mở lòng chào đón mọi người :

“Đến đây thì ở lại đây,

Bao giờ bén rễ xanh cây rồi về”.

 

CẦU ĐỒNG NAI

Cầu Đồng Nai dài 453,9m rộng 25m được xây dựng cùng thời với cầu Sài Gòn và xa lộ Biên Hoà. Sông Đồng Nai dài 586km được bắt nguồn từ Cao Nguyên Lâm Viên chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai sau đó hợp với sông Sài Gòn tại khu vực Nhà Bè – Tp. HCM rồi đổ ra vịnh Gành Rái. Bởi thế nên mới có câu:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Làm trai biết đủ trăm bề

Phú Xuân cũng rõ, Đồng Nai cũng tường”.

Sông Đồng Nai có giá trị về đời sống kinh tế lớn như nước sinh hoạt, giao thông, nông nghiệp và đặc biệt là thủy điện. Được biết, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày tại Tp. HCM của chúng ta được lấy từ sông Đồng Nai.

 

SÔNG ĐỒNG NAI

Hệ thống sông Đồng Nai, Vàm Cỏ là một hệ thống kép, vì hai con sông Đồng Nai và Vàm Cỏ chỉ có gặp nhau ở cửa Soài Rạp và được nối với nhau bằng những con kênh nhân tạo. Đây là hệ thống sông lớn thứ ba trong nước sau hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long, chiều dài dòng chính Đồng Nai 635km và diện tích toàn lưu vực là 44100km2 phát triển chủ yếu ở Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, ngoài ra còn có một phần nằm trên đất Campuchia ở thượng lưu cách sông Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn, rộng khoảng 6700km2. Nhìn chung, sông Đồng Nai là một lưu vực khá hấp dẫn đối với đời sống kinh tế của toàn miền Đông Nam Bộ.

 

CÙ LAO PHỐ

Ngược dòng lịch sử năm 1679 khi triều Minh ở Trung Hoa bị nhà Thanh lật đổ có khoảng 3000 binh sĩ và gia đình trong nhóm Bài Thanh Phục Minh đã đến và xin chúa Nguyễn cho làm dân Việt. Chúa Nguyễn đã thuận tình và cho phép nhóm người Hoa này cùng với một số lưu dân người Việt và khai phá vùng đất hoang ở phương nam. Trong số những nhóm đi khai hoang đó có một nhóm do Trần Thượng Xuyên làm thủ lĩnh đã đến cư trú tại khu vực Cù Lao Phố này và lập nên một cảng có hoạt động thương mại sầm uất được gọi là Nông Nại Đại Phố. Năm 1698 thừa lệnh chúa Nguyễn Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, ông thấy vùng đất này trù phú và yên bình nên đã dừng chân tại đây. Ông đã chia đặt các đơn vị hành chính và thành lập những cơ sở chính quyền đầu tiên tại Nam Bộ. Nguyễn Hữu Cảnh “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai là huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Nông Nại Đại Phố tức là Chợ Lớn của xứ Đồng Nai. Đồng Nai âm theo tiếng Quảng Đông, viết chữ Nông Nại.

Mô tả về Cảng và chợ Cù Lao Phố thì ít thấy tư liệu nào đề cập đến, cơ bản chỉ được biết đến trong “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức. Sử cũ ghi chép lại về thân thế của Trịnh Hoài Đức như sau: “Ông chào đời vào khoảng 1765, khi được 10 tuổi thì gặp buổi nhiễu nhương nên theo mẹ rời đến Phiên Trấn và được mẹ cho theo học với Võ Trường Toản. Trịnh Hoài Đức gốc là người Trung Hoa, cha ông từng làm quan cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Về sau, Trịnh Hoài Đức theo phò Trần Thượng Xuyên là một trong những người có công lập nên và phát triển Cù Lao Phố.” Thành tựu lớn nhất của Trịnh Hoài Đức được biết đến ngày hôm này là cuốn Gia Định Thành Thông Chí, được xem như cuốn tư liệu gốc đáng tin cậy nhất miêu tả về vùng đất Gia Định – Đồng Nai. Theo Trịnh Hoài Đức ghi lại: Nông Nại Đại Phố lúc đầu do Trần Thượng Xuyên khai thác. Trần Thượng Xuyên cho chiêu tập người ở nước tàu đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường voi, lầu cao, quán rộng dọc theo bờ sông liên tục dài 5 dặm chia và vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá gạch xanh, đường rộng bằng phẳng kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu.

Sau khi qua khỏi giai đoạn phát triển cực thịnh của mình, Cù Lao Phố bị vướng vào vòng vây của chiến tranh của thời cuộc nhiễu nhương nên trở nên điêu tàn, tang hoang. Lưu dân người Hoa sống ở khu vực này phần lớn đã di cư vào vùng Chợ Lớn tiếp tục sinh sống và phát triển cho đến tận ngày nay. Tuy vậy, kí ức về một vùng đất trù phú định cư đầu tiên luôn không phai mờ trong tâm trí họ, cho nên có một bộ phận người Hoa ở Tp.HCM luôn xem Cù Lao Phố là quê hương thứ hai của mình.

 

ĐẠI SIÊU THỊ BIG C

Phía trước chúng ta là Ngã Tư Vũng Tàu. Rẽ phải theo quốc lộ 51 là đường đi Vũng Tàu. Phía bên phải là siêu thị Big C. Siêu thị này trước đây mang tên Cora, được khánh thành lần đầu vào ngày 18/8/1998 do tập đoàn Bourbon của Pháp đầu tư với tổng số vốn 54 triệu USD diện tích 20.000 m2. Nhưng do làm ăn thua lỗ, vào tháng10/2003, tập đoàn Bourbon - Pháp đã bán hệ thống siêu thị Cora lại cho tập đoàn Casinô – Pháp. Do vậy hiện nay tập đoàn Casinô có 3 siêu thị tại Việt Nam: siêu thị Big C An Lạc rộng 120.000 m2 tại An Lạc; Siêu thị Big C miền Đông 10.000m2; Siêu thị Big C Hà Nội rộng 42.000 m2.

 

TỔNG KHO LONG BÌNH

Nằm ở bên phải, góc Đông Bắc ngã tư Vũng Tàu chính là khu vực cũ của Căn Cứ Long Bình. Căn cứ Long Bình được xây dựng năm 1964 với diện tích ban đầu là 6km2, được dùng làm kho chứa đạn và dụng cụ chiến tranh cho Mỹ và quân chư hầu.

Tháng 4 – 1965, sau khi kiểm tra tình hình miền nam Việt Nam, phái đoàn quân sự do Mac Namara và Taylor cầm đầu đã quyết định xây dựng lại căn cứ Long Bình thành Tổng Kho Long Bình. Năm 1966, Tổng Kho được mở rộng gấp 4 lần so với trước tức là khoảng 24 km2. Tổng kho trở thành trung tâm cung cấp vũ khí cho quân đội Mỹ và chư hầu. Toàn bộ tổng kho có 6 hầm ngầm chứa trên 150.000 tấn vũ khí đạn dược. Khu vực này được bảo vệ cẩn mật với 6 hàng rào thép gai kiên cố, 72 tháp canh và 3 tiểu đoàn túc trực bảo vệ.

 

THÀNH PHỐ BIÊN HÒA - KHU CÔNG NGHIỆP BIÊN HÒA I – KHU CÔNG NGHIỆP BIÊN HÒA II

Qua khỏi siêu thị Big C, chúng ta sẽ vào trung tâm thành phố Biên Hoà – tỉnh Đồng Nai. Bên trái Quý khách có thể nhìn thấy Khu Công Nghiệp Biên Hòa I. Khu Công Nghiệp Biên Hòa I được thành lập từ 1963 với diện tích 335ha, kết cấu hạ tần tương đối hoàn chỉnh. Nằm đối diện với Khu Công Nghiệp Biên Hòa I là Khu Công Nghiệp Biên Hòa II. Khu Công Nghiệp Biên Hòa II được xây dựng muộn hơn từ nằm 1993 diện tích khoảng 396ha. Đây là hai trong số những khu công nghiệp đầu tiên của thành phố Biên Hoà.

 

GỐM BIÊN HOÀ - LÀNG BƯỞI BIÊN HOÀ.

Một trong những tiềm năng kinh tế của Biên Hoà đã và đang phát triển tốt là ngành nghề truyền thống sản xuất gốm. Từ năm 1920 gốm Biên Hoà đã có những sản phẩm nổi tiếng là đẹp, bền, duyên dáng. Năm 1945 gốm Biên Hoà đã thu hút thị trường Châu Âu. Hiện nay, công ty DONACO là đơn vị kinh doanh, xuất khẩu gốm đạt được giá trị xuất khẩu hàng năm trên 1,5 triệu USD. Vùng Tân Vạn - Biên Hoà là vùng làm gốm truyền thống, theo thời gian nghề gốm tiếp tục phát triển hiện nay ở Biên Hoà có hơn 500 thợ lành nghề.

Đến Biên Hoà chúng ta còn có thể thăm những vườn bưởi đã từng đi vào văn thơ :

“Ai qua Phú Hội, Phước Thiên,

Bâng khuâng nhớ mãi sầu riêng Long Thành

Ngọt hơn quýt mận cam sành

Biên Hoà có bưởi trứ danh tiếng đồn.”

Dưới bóng mát của những vườn cây, quý khách có thể thấy được những quả bưởi nặng trĩu cành, mỗi cây trung bình cho từ 200 - 300  trái và ngoài ra chúng ta còn có thể thưởng thức nhiều loại bưởi với những hương vị khác nhau như: bưởi Thanh Trà ngọt dịu và hơi chua, bưởi Đường ngọt lịm, bưởi Xiêm ruột hồng và vị mát ngọt dịu, đặc biệt ở đây có một loại bưởi để càng lâu thì càng ngọt đó là bưởi Ổi. Ở Tân Triều nhà nào cũng trồng bưởi, bưởi ở đây trồng phủ kín cả cù lao Tân Triều vì vậy nơi đây có tên là “Làng bưởi Tân Triều”.

Trước mắt chúng ta hiện nay là Ngã Tư Tam Hiệp. Phía tay trái là đường vào trung tâm thành phố Biên Hòa, phía bên phải là đường đi Quốc Lộ 51 đến Vũng Tàu. Ở giữa Ngã Tư Tam Hiệp, chúng ta thấy một tượng đài cao sừng sững, đó chính là tượng đài “Chiến Thắng Long Bình”.

 

KHU THIÊN CHÚA GIÁO HỐ NAI

Khu Thiên Chúa Giáo Hố Nai nằm cặp theo Quốc Lộ 1A, cách thành phố Biên Hòa 3 km về phía Đông Bắc và nằm trải dài trên 12km.

Trước 1954, khu đất này là rừng hoang thuộc xã Bình Trước, huyện Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Người dân gọi là khu Hố Nai vì nai thường về đây uống nước rất nhiều.

Vào năm 1954, khu Hố Nai có khoảng 40.000 đồng bào theo đạo Thiên chúa thuộc 29 xứ đạo từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, đặc biệt là tỉnh Hà Nam Ninh cũ, theo sự bố trí của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tháng 8 năm 1956, Ngô Đình Diệm thành lập các xã Hố Nai như vành đai bảo vệ Sài Gòn. Đa số dân ở đây là người Kinh, một số là người Nùng, họ có nghề truyền thống là khai thác lâm sản và mộc. Sau năm 1975, Hố Nai có khoảng 700.000 người được chia thành 4 khu.

 

THỦY ĐIỆN TRỊ AN

Thưa quý khách, trước mắt chúng ta là một Ngã Ba. Nếu rẽ trái theo Ngã Ba này chúng sẽ đến khu vực hồ Trị An – Thuỷ Điện Trị An. Được biết, thác Trị An là bậc hạ cuối cùng của dòng sông Đồng Nai trước khi chảy vào đồng bằng. Năm 1983, với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ, Chính Phủ đã khởi công xây dựng công trình thuỷ diện Trị An với tổng kinh phí là 150 triệu Rúp và 51 tỷ đồng Việt Nam. Hồ Trị An rộng 232km2 với sức chứa 2,7 tỉ m3, công suất nhà máy là 400MW, sản lượng điện 1,7 tỉ Kwh/năm. Đến tháng 9/1988 đã vận hành đưa vào tiêu dùng. Đây là công trình thuỷ điện lớn nhất miền Nam, giải quyết cấp bách nhu cầu về điện cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt. Từ lòng hồ Trị An hằng năm thu về trên 10 ngàn tấn cá, làm thay đổi cảnh quan phục vụ cho du lịch.

 

NGÃ BA DẦU GIÂY

Ngã 3 Dầu Giây cách TP.HCM 67km (tính km từ mốc ngã 3 Dầu Giây). Giả thuyết cho rằng tên gọi Dầu Giây có được là do trước kia vùng này có trồng nhiều cây dầu và có dây leo. Còn có một cách giải thích khác về địa danh Dầu Giây như sau. Chúng ta biết rằng sau năm 1954 một số giáo dân theo 2 giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào khu vực miền Nam và định cư ở đây. Họ đem theo phong tục, thói quen trồng Trầu ven khu vực mình sinh sống. Tại khu ngã ba này họ trồng rất nhiều Trầu Dây nhưng do người miền Bắc không đọc được chữ “Tr” nên nói trại thành Dầu Giây.

Từ đây quẹo trái theo Quốc lộ 20 đi khoảng 232km chúng ta sẽ đến Đà Lạt, còn đi thẳng là theo quốc lộ 1A.

 

QUỐC LỘ 1A – ĐƯỜNG THIÊN LÝ BẮC NAM

Quốc lộ 1A là con đường giao thông chính của nước ta, xuyên suốt từ Bắc xuống Nam điểm khởi đầu là cửa khẩu Hữu Nghị Quan - Đồng Văn (Lạng Sơn) và kết thúc là Rạch Tàu, Xóm Mũi - Năm Căn (Cà Mau). Quốc lộ 1A ngày nay được xây dựng trên cơ sở là con đường thiên lý Bắc – nam đã có từ thời nhà Nguyễn.

Đường Thiên lý Bắc – Nam dưới thời nhà Nguyễn dùng để liên lạc giữa ba xứ Nam – Trung – Bắc. Đường được chia làm nhiều trạm, ở mỗi trạm có phu trạm lo việc truyền công văn, khiêng cán kệ, đồ đạc của các quan. Thời Gia Long mỗi trạm đặt một cai đội và phó cai. Từ Quảng Nam đến Gia Định mỗi trạm có 50 phu trạm. Từ Huế ra Quảng Bình mỗi trạm có 80 người. Từ Quảng Bình đến Hà Nội mỗi trạm có 100 phu trạm. Để phục vụ cho việc liên lạc nhanh chóng, vua Minh Mạng cho cấp mỗi trạm 3 con ngựa. Việc phát đệ (công văn) được xếp hạng như sau: 1/ Phi đệ, 2/ Tối khẩn, 3/ Thứ khẩn, 4/ Thường hành.

Chuyển đệ công văn từ Gia Định đến Kinh Thành mất khoảng 13 ngày, từ Bắc vào Kinh là 5 ngày. Nếu đúng hạn, phu trạm được thưởng 3 – 5 quan. Nếu chậm 1 – 3 ngày, hình phạt là một ngày không thưởng, nếu chậm 3 – 4 ngày, phạt 30 roi. Công văn chuyển đi được niêm phong rất kĩ càng. Thời Tự Đức qui định dùng ống tre khô, chặt một cái lớn, một cái nhỏ, công văn được cuốn lại bỏ vào ống tre nhỏ, dán miệng ống lại rồi cắt giấy niêm phong ống 2 – 3 lần đóng dấu vào chỗ miệng ống giáp nhau, buột dây dán lại, đóng dấu rồi cuối cùng bỏ vào ống tre lớn, dán lại và đóng dấu một lần nữa, trước khi buộc chặt để chuyển đi không sợ bị hư hại hay bị ướt. Những chiếu chỉ sắc dụ của nhà vua đưa đến trạm nào thì trạm ấy phải có người đưa đi ngay bất kể ngày đêm, mưa nắng. Những công văn ghi chữ Phi Đệ các trạm phải dùng ngựa để đi cho kịp. Nhờ thế mà những công văn Phi Đệ chuyển từ Huế đến Gia Định chỉ mất 6 ngày, hay ra Hà Nội chỉ có 3 ngày. Nhờ đường giao thông thông suốt, tổ chức trạm chặt chẽ, sự lãnh đạo của triều đình Huế đã đến mọi miền đất nước được kịp thời. Đó là một yếu tố quan trọng giúp cho nhà Nguyễn tồn tại gần 1,5 thế kỷ.

CÂY CAO SU

Vào khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI nhà thám hiểm Christopher Columbo trong cuộc thám hiểm vùng đất Châu Mỹ, đi ngang qua lưu vực sông Amazôn. Tại đây ông phát hiện những người thổ dân Châu Mỹ dùng mủ của 1 loại cây có màu trắng bôi lên quần áo để chống ẩm và các em nhỏ thì vò mủ đó thành những trái banh để chơi. Lúc bấy giờ ông mới hỏi cây đó là cây gì? Những thổ dân trả lời là “Caoutchouk” (theo tiếng thổ dân có nghĩa là “Nước mắt của cây”). Người Pháp phiên âm lại tên gọi đó, sau đó đến lượt người Việt thì đọc thành “Cao Su”. Đó chính là nguồn gốc và cách giải thích tên gọi của cây cao su.

Mãi đến thế kỷ XIX, khi các nhà khoa học tìm ra được phương thức lưu hóa cao su thì cây cao su bắt đầu phát triển và được trồng rộng rãi khắp nơi.

Cao su xuất hiện ở nước ta năm 1897 do dược sĩ Raoult người Pháp đưa hạt giống từ Java, Malaysia về gieo trồng tại vườn ông Yêm - Thủ Dầu Một, ngoài ra ông còn trồng thí điểm tại Phú Nhuận với diện tích khoảng 45 ha. Cùng thời điểm với dược sĩ Raoult, bác sĩ Yersin cũng trồng thử nghiệm cây cao su tại suối Dầu cách TP. Nha Trang 23km. Với kết quả khả quan từ hai cuộc thử nghiệm trên, chính phủ Pháp cho nhập giống cao su từ Columbia và Brazil tiếp tục phát triển cây cao su. Năm 1904 cây cao su bất đầu được lập thành đồn điền, với đồn điền cao su tên Suzanal, diện tích 3.400 ha trồng đầu tiên ở ngã 3 Dầu Giây.

Cách trồng cao su:

Bây giờ chúng ta hãy thử tìm hiểu về cách thức trồng cây cao su. Đầu tiên cao su được ươm trồng trong vườn cây giống. Đến khi cây cao đến khoảng 0,8m à 1,0m người ta đem trồng theo hàng, mỗi cây cách nhau từ 4 – 5 m. Mục đích của việc trồng thành hàng là để cho xe lớn có thể thuận tiện vào rừng lấy mủ và thứ hai là để dễ dàng cho công nhân khai thác mủ.

Sau khi trồng cao su được 5 năm, người ta bắt đầu khai thác mủ. Tuỳ theo mức chăm sóc chúng ta có thể khai thác cao su từ 25 – 30 năm.

Kỹ thuật khai thác:

Người ta dùng dao có móc cong trên đầu, cạo lớp vỏ lụa bên ngoài, tránh cạo sâu vào bên trong vì như vậy cây sẽ bị tổn thương và làm ảnh hưởng đến năng suất. Trung bình một năm người ta khai thác khoảng 300 ngày. Hai tháng mưa hay khô người ta không khai thác, trong thời gian này người ta sẽ chăm sóc, bón phân cho cây. Trung bình một cây cao su cho được khoảng 60 lít mủ tương đương 23 kg. Mủ tươi sau khi sấy khô sẽ còn 1/3 trọng lượng. Giá trung bình 1 tấn mủ khô là 1.600 USD. Hiện nay cả nước có hơn 250.000 ha cao su.

Gỗ cao su:

Cách đây gần 2 thập niên những người trồng cao su không ngờ loại gỗ mà trước đây người ta chỉ làm củi chụm, sau vòng đời khai thác từ 25 – 30 năm, giờ đây được cả thị trường Châu Âu ưa chuộng. Những sản phẩm từ gỗ cao su hàng năm thu về có giá trị tính bằng hàng triệu đôla.

Các nhà khoa học thường khuyến cáo: “Rừng có trước con người nhưng sa mạc đang theo chân con người”. Người tiêu dùng ở các quốc gia văn minh đã kiên quyết không sử dụng gỗ rừng, như vậy một vấn đề đặt ra là cần một loại gỗ khác để thay thế mà vẫn đáp ứng nhu cầu khắc khe của con người hiện đại. Loại gỗ đó phải phù hợp thời trang, màu sắc tự nhiên vân đẹp, dễ gia công, sản phẩm nhẹ độ bền cao thân thiện với môi trường. Thị trường Châu Âu đã chọn loại gỗ cao su vì gỗ cao su sau khi ngâm hoá chất đã đáp ứng được nhu cầu khắc khe của thị trường. Gỗ cao su được xử lý đưa vào sản xuất các mặt hàng gỗ trang trí trong nhà như: Bàn, ghế, tủ giường.v.v. Người ta ước tính 1 ha cao su sau vòng khai thác từ 25 – 30 năm đem thanh lý cây già cho từ 40 – 60 triệu đồng.

Cây cao su có giá trị rất lớn trong đời sống cũng như trong nền kinh tế. Từ thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, các nước đế quốc phát triển, trong đó có thực dân Pháp biết rất rõ điều này, tuy nhiên tại chính quốc họ không thể trồng cao su vì khí hậu không thích hợp, đó chính là lý do tại sao khi xâm lược Việt Nam, Pháp lại cho phát triển hàng loạt đồn điền cao su, bóc lột công sức lao động của hàng ngàn công nhân Việt Nam. Những người phu làm đồn điền cao su cho Pháp rất cực khổ, sống trong những điều kiện thiếu thốn, phải ở trong những vùng rừng thiên nước độc dễ bệnh hoạn.

Xin kết thúc bài thuyết minh về cây cao su bằng những câu ca dao nói về thân phận bấp bên của những người phu đồn diền cao su.

Cao su đi dễ khó về

Khi đi trai tráng khi về bủng beo

Hay: “Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi xác cao su mấy tầng

 

DỐC MẸ BỒNG CON

Đoạn đường phía trước chúng ta thấy có 2 dốc, một dốc lớn và một dốc nhỏ người ta ví như dốc mẹ và dốc con nên đã gọi nơi này là Dốc mẹ bồng con.

Qua khỏi con dốc phía bên tay trái chúng ta là khu du lịch Suối Tre nằm cách TP.HCM 74 km. Chúng ta rẽ trái vào khoảng 300m sẽ đến khu du lịch Suối Tre nằm trong khu vực rừng cao su. Thực ra đây là khu nhà ở của người Pháp, chủ quản lý đồn điền cao su. Sau đó công ty cao su Đồng Nai xây dựng thành một điểm du lịch nghĩ ngơi cho dân địa phương. Ở đây còn có những vườn hoa bãi cỏ xanh rộng, có thể tổ chức vui chơi cắm trại vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Đi tiếp một đoạn đến đầu con dốc, bên tay trái là Trụ sở công đoàn cao su Đồng Nai, bên tay phải là Tổng công ty cao su Đồng Nai.

Từ ngã ba đi vào phía phải khoảng 3 km là khu dân cư rất lớn, đa số là dân di cư từ năm 1954, ở đây có một nhà thờ lớn được xây dựng năm 1984 mà người dân quanh vùng vẫn quen gọi là nhà thờ Sắt Suối Tre vì nhà thờ này được xây dựng bằng sắt và lại nằm gần Suối Tre.

 

NGÃ BA LONG KHÁNH

(cách Dầu Giây 12km, cách Tp.HCM 79km)

Ngã ba Long Khánh nằm cách Dầu Giây 12km. Từ ngã ba Long Khánh đi về phía trái là Chợ Long Khánh, bến xe Long Khánh thị xã Long Khánh. Đặc biệt ở trung tâm thị xã một có nhà hát rất lớn xây dựng năm 1983 với sức chứa 1250 người, phía trước nhà hát trưng bày một chiếc xe tăng. Trước đây Long Khánh – Xuân Lộc là cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn, nơi đặt tổng hành dinh sư đoàn 18 Ngụy. Tượng đài nằm ở mũi tàu của ngã ba là tượng đài “Chiến Thắng Long Khánh”, từ đây nhìn phía bên phải là Nghĩa trang liệt sỹ Long Khánh xây dựng năm 1983.

 

TRẠI K4

Trước đây là trại giam giữ tù chính trị, hiện nay là trại giam giữ các tội phạm hình sự của Long Khánh.

Công viên Hoà bình bên phải còn gọi là khu K4. Ở đây có khu du lịch khá đẹp được xây dựng  khoảng năm 1980 do công sức của các phạm nhân chính trị ở trại K4, chiếm một diện tích khoảng 955.000 m2. Khuôn viên khu du lịch có 4 hồ lớn dưới lót đá và kè đá xung quanh hồ. Trên hồ xây dựng những nhà sàn làm nhà hàng ăn uống, đi theo những đường lót đá vào bên trong là vườn cây cảnh.

 

 

NGÃ BA TÂN PHONG

Nếu rẽ trái đi khoảng 5 km sẽ đến nông trường cao su Hàng Gòn. Ở đây có ngôi mộ cổ Hàng Gòn có niên đại 2500 năm. Đi tiếp khoảng 54 km là đến Bà Rịa.

 

MỘ CỔ HÀNG GÒN

Mộ cổ Hàng Gòn được phát hiện bởi một kỹ sư cầu đường người Pháp tên Bouchot vào năm 1927 khi mở đường liên tỉnh số 2 nối liền giữa Long Khánh và Bà Rịa. Mộ cổ có kiến trúc gồm 2 hàng trụ bao quanh một hầm mộ. Tổng số trụ là 10, làm bằng đá granit hay bazan, có chiều cao 2,5 – 3m, đặc biệt có 2 trụ là những tấm đan bằng granit với kích thước lớn 7,2 x 1m và 1 x 0,35m. Phần hầm mộ có dạng hình hộp, được ghép bằng 6 tấm đan bằng đá granit kích thước 4,2 x 2,7 và cao 1,6m. Theo các nhà nghiên cứu di tích này có niên đại cách đây 3.950 năm. Từ năm 1992 mộ cổ Hàng Gòn đã được trùng tu, xây dựng tường bảo vệ, lát gạch quanh hầm mộ để chống sói mòn và trồng cây kiểng xung quanh.

Đây là điểm tham quan khá hấp dẫn vì là ngôi mộ cổ nhất và quy mô nhất tại Việt Nam còn được bảo tồn cho đến ngày nay

 

NÚI CHỨA CHAN

Núi Chứa Chan hay còn gọi là Núi Sót cao 843m, trên núi có chùa Gia Lào, vào những ngày rằm người dân các nơi tụ hội về đây hành hương rất đông. Tên núi gắn liền với một truyền thuyết: Vào thế kỷ thứ 17 có một viên tướng người Việt tên là Việt Hùng trong lúc giao chiến với quân Khơme ông và vợ đã bị bắt. Sau đó ông bị giam lỏng ở núi này. Còn vợ ông vì có nhan sắc nên đã bị vua Khơme ép làm vợ lẻ mặc dầu biết bà đang mang thai. Bà sinh được một người con gái. Khi lớn lên biết được sự thật người con đã cùng mẹ bỏ trốn lên núi tìm cha, nhưng hai mẹ con bị quân lính đuổi theo ráo riết. Trong lúc hỗn loạn cả gia đình họ đã gieo mình xuống vực sâu tự vẫn. Chính vì câu chuyện thương tâm đó người ta đã đặt tên cho ngọn núi này là núi Chứa Chan để nói lên tình cảm chứa chan của gia đình họ. Hiện nay trong chùa Gia Lào ở trên núi còn có ba pho tương được mọi người gọi là Ông Vàng, bà Bạc và cô Chì, tương truyền đây là ba pho tượng tạc về ba nhân vật trong truyền thuyết kể trên.

 

NGÃ BA ÔNG ĐỒN – NÚI LE – RỪNG LÁ BUÔNG

Ngã ba Ông Đồn cách TP.HCM 120 km thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Từ ngã ba này rẽ trái chúng ta sẽ vào đến thị trấn Gia Ray là trung tâm của huyện Xuân Lộc. Tháng 7/1991 huyện Xuân Lộc cũ được tách thành huyện Long Khánh và huyện Xuân Lộc. Sang năm 2004, huyện Long Khánh được nâng cấp thành Thị Xã Long Khánh, còn huyện Xuân Lộc thì lại được tách thành huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc.

Đi qua khu vực này chúng ta sẽ gặp núi Le. Núi Le cao 293m, là đầu nguồn của con sông Le. Đi tiếp khoảng 5km từ khu vực núi Le, chúng ta thấy hai bên đường phơi rất nhiều lá buông, lá này được cắt ở trong rừng đem về phơi khô thường sử dụng đan làm phên, vách, một số đồ vật dụng thủ công xuất khẩu rất được người dân ưa chuộng.

Qua khỏi khu vực rừng lá buông một đoạn khá xa, chúng ta sẽ gặp Trại Giam Z30D ( naylà trại giam Thủ Đức) nằm phía tay phải quốc lộ. Trại giam Thủ Đức chính là ranh giới trên đường quốc lộ của hai tỉnh Đồng Nai – Bình Thuận.

 

NGÃ BA TÂN MINH

Qua khỏi Cầu Sông Dinh, bắt qua Sông Dinh là con sông lớn nhất tỉnh Bình Thuận, đi khoảng 1km chúng ta sẽ tới Ngã Ba Tân Minh. Từ đây, nếu rẽ trái đi khoảng 30 km chúng ta đến hồ Biển Lạc và khu thuỷ điện Đa Mi thuộc huyện Tánh Linh. Huyện có diện tích 1.175 km2, dân số 85577 người. Huyện Tánh Linh bắt đầu được nhiều người biết đến sau sự kiện “Voi Tánh Linh”.

Nếu tiếp tục đi thẳng từ ngã ba Tân Minh chúng ta sẽ đi qua núi Lồ Ồ nằm bên trái đường, cầu sông Hoay và đến Ngã Ba Hàm Tân.

 

NGÃ BA HÀM TÂN

Ngã Ba Hàm Tân còn được gọi là Ngã Ba 46 vì từ đây còn cách thành phố Phan Thiết 46km. Từ ngã ba Hàm Tân rẽ phải 22km sẽ vào thị trấn Lagi là trung tâm của Huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Từ Ngã Ba Hàm Tân tiếp tục đi thẳng sẽ vào khu vực Lò Gạch. Tại đây ta thấy rất nhiều là gạch theo kiểu truyền thống nằm rãi rác hai bên đường, qua khỏi khu vực lò gạch là vào địa phận của huyện Hàm Thuận Nam.

 

DINH THẦY THÍM

Từ ngã ba Hàm Tân, rẽ trái theo đường vào thị trấn Lagi, đi khoảng 18km là đến Dinh Thầy Thím. Dinh Thầy Thím toạ lạc tại giữa khu rừng già có tên là rừng dầu Bàu Cái thuộc xã Tân Hải, huyện Hàm Tân cách thành phố Phan Thiết khoảng 65 km về phía Đông Nam.

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: Dưới triều vua Tự Đức, ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có hai vợ chồng đạo sĩ, người giàu có, tài phép hơn người, sống đức hạnh, hay giúp đỡ người nghèo khó, nên được làng xóm quý mến. Năm nọ, trời giáng thiên tai, dân làng gặp phải dịch bệnh lạ. Vợ chồng đạo sĩ vào rừng hái thuốc chữa bệnh lạ cho mọi người. Bọn quan lại vô ơn, vu cho vợ chồng ông tội gây rối, mưu toan bạo loạn bằng phép thuật. Vua ghép vợ chồng ông vào hình phạt “Tam ban Triều Điển”. Trước lúc bị hành hình, đạo sĩ xin được cho một tấm vải điều đỏ. Ông cầm bút vẽ vào tấm vải hình một con rồng uy nghi lẫm liệt. Sau nét bút cuối cùng chấm vào mắt rồng, con rồng trong tấm vải biến thành rồng thật, chở vợ chồng đạo sĩ bay về phương Nam.

Đến phương Nam, hai vợ chồng dừng chân tại khu vực Hàm Tân hiện nay và ở trọ nhà ông Hộ Hai. Vợ chồng đạo sĩ hái thuốc ngày ngày chữa bệnh cho dân làng. Tài đức của đạo sĩ nổi tiếng cả vùng, từ đó dân làng gọi hai vợ chồng đạo sĩ với cái tên thân mật là “Thầy và Thím”. Đến lúc hai vợ chồng Thầy Thím mất năm 77 tuổi, dân làng cho xây Dinh để tưởng nhớ họ và mai táng họ gần đó. Theo truyền thuyết khi mới xây dựng Dinh quay mặt về hướng Đông, nhưng qua một đêm thì thấy quay mặt về hướng Nam, người làng cho là ý thầy nên để vậy luôn cho đến hôm nay. Hàng năm vào ngày 5 tháng giêng Âm Lịch người ta còn thấy một đôi hổ thường đến viếng mộ Thầy.

Đến năm Thành Thái thứ 18, nhà vua xét thấy công đức Thầy Thím nên xoá án và ban sắc phong “Chi đức tiên sinh, chi đức nương nương tôn thần”. Dinh Thầy Thím được xây dựng lại từ năm 1879. Nhân dân quanh vùng coi Thầy Thím như vị Thành Hoàng biểu hiện cho nhiều tính cách đáng quý đó là: tài đức, tính cần cù, miệt mài lao động, lòng nhân ái với người nghèo khổ.

 

NÚI TÀ CÚ

Qua khỏi Cầu Sông Phan một đoạn, nhìn phía bên phải đường quốc lộ chúng ta nhìn thấy một ngọn núi cao sừng sững, đó chính là núi Tà Cú.

Núi Tà Cú cao 580m, nằm cách quốc lộ 2 km. Trên núi có một ngôi chùa nổi tiếng tên gọi là chùa Linh Sơn Trường Thọ. Vì chùa toạ lạc trên đỉnh núi Tà Cú nên người dân còn gọi là chùa núi Tà Cú để phân biệt với một số ngôi chùa trên các núi khác ở Bình Thuận. Chùa núi xây dựng từ năm 1879 nhưng trước đó nhiều năm đã có chùa thờ Phật bằng mái tranh vách đất. Chùa thuộc địa phận xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam cách TP.Phan Thiết khoảng 30 km về hướng Đông Nam. Chùa núi lúc mới xây dựng do sư Trần Hữu Đức trụ trì. Nơi xây dựng chùa do nhà sư chọn hiện ở đỉnh cao 475m, ở đó quanh năm có cây xanh, suối chảy, chim vượn ở ngay cạnh chùa. Về sau vì nhiều lý do khác nhau, chùa tách thành hai, chùa cũ vẫn ở chổ cũ gọi là chùa trên với tên gọi là Linh Sơn Trường Thọ và chùa dưới có tên là Linh Sơn Long Đoàn, gọi chung là chùa núi.

Năm 1872 nhà sư Trần Hữu Đức (1812 – 1887) pháp danh Thông Âm, pháp hiệu Hữu Đức từ miền Trung một mình vượt núi, xuyên rừng rậm, thú dữ, đường đi khó khăn hiểm trở lên đỉnh núi Tà Cú tìm nơi an tịnh để tu hành. Nơi tu hành của nhà sư ban đầu là một hang đá về sau gọi là Hang Tổ. Mãi 7 năm sau những người đi rừng mới phát hiện ra hang đá nơi tu hành của nhà sư và góp công của để xây dựng thảo am cho nhà sư tu hành. Vừa tu vừa bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân được 16 năm thì sư Trần Hữu Đức viên tịch ngày 5 tháng 10 năm 1887.

Lúc còn sống sư Trần Hữu Đức là một thầy thuốc nổi tiếng. Tương truyền “Vào năm Tự Đức thứ 33 Canh Thìn (1880), Hoàng Thái Hậu Từ Dụ lâm bệnh nặng. Các ngự y trong triều đều bó tay bất lực. Nghe đồn trên núi Tà Cú có một vị chân tu được cho là “chữa bệnh như thần”, vua bèn sai sứ đích thân tìm gặp và cầu ngài ra tay cứu nhân độ thế. Nhưng nhà sư thoái thác việc hạ sơn vì trái với tâm nguyện của ngài là lánh xa chốn phồn hoa đô hội. Tuy nhiên ngài vẫn đưa cho sứ giả một số lá thuốc và chỉ rõ bài thuốc để sứ giả mang về triều. Nhờ vậy mà chẳng bao lâu sau, Hoàng Thái Hậu thoát khỏi bệnh hiểm nghèo. Vua Tự Đức hết sức vui mừng đã ban sắc, đặt tên cho chùa là “Linh Sơn Trường Thọ” và phong nhà sư Trần Hữu Đức là “Đại Lão Hoà Thượng”. Cũng từ đó chùa có tên là Linh Sơn Trường Thọ. Ngôi chùa dưới Linh Sơn Long Đoàn được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX theo ý nguyện của nhà sư trước lúc viên tịch.

Chùa Núi Tà Cú kết hợp xen kẽ với núi rừng làm nên một khu di tích danh thắng hoành tráng. Toàn thể cảnh chùa là 1 tổng thể kiến trúc bao gồm: cổng tam quan, điện thờ, tượng phật, tháp mộ, hang tổ… ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Từ dưới chân núi, leo khoảng từ 2 đến 3 tiếng theo hàng trăm bậc tam cấp bằng những con đường ngoằn ngoèo giữa rừng già thì sẽ đến chùa. Ở đây không khí lạnh, mát mẻ quanh năm. Danh lam thắng cảnh chùa Núi nổi tiếng cũng nhờ phong cảnh hùng vĩ nên thơ của núi rừng. Mặt khác bàn tay con người qua nhiều thế hệ thay nhau bồi đắp nên những công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ có một không hai. Đó là pho tượng khổng lồ “Phật Thích Ca nhập niết bàn” dài 49m nằm ở vị trí cao nhất, cách chùa khoảng 100m. Bằng tài nghệ điêu khắc và lòng sùng kính, các nghệ nhân đã tạo nên một pho tượng hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tác phẩm do kiến trúc sư Trương Đình Ý chủ trì vào năm 1962. Cách pho tượng Phật nằm chừng 50m là nhóm tượng Tam Tôn gồm: A Di Đà, Quan Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát. Cả ba pho tượng có chiều cao khoảng 7m, với nét mặt hiền hoà đang nhìn bao quát thế gian như để sẵn sàng cứu nhân độ thế.

Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp xuân sang tết đến có hàng vạn người kéo đến chùa, rồng rắn nối nhau leo núi. Những năm gần đây năm nào cũng tổ chức hội thi leo núi thu hút nhiều thanh niên từ các tỉnh miền Đông tham gia. Chùa Núi Tà Cú cùng với những cánh rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên đã được nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia năm 1993.

Cáp treo núi Tà Cú: Hệ thống cáp treo núi Tà Cú khánh thành ngày 02/09/2003. Cáp treo được xây dựng bằng công nghệ của Ao nhưng cabin là của Thụy Sĩ. Mỗi cabin chứa được khoảng 6 người. Tổng chiều dài hệ thống từ chân núi đến chùa dài khoảng 1500m. Nếu đi cáp treo, chúng ta chỉ mất khoảng 20 phút ngồi cabin và 500m đường đi là đến được chùa núi Tà Cú.

 

MŨI ĐIỆN - HẢI ĐĂNG KHE GÀ

(Từ núi Tà Cú đi vào khoảng 25 km)

Hải Đăng Khe Gà được xây dựng trên đỉnh đảo Khe Gà. Đảo có diện tích 5ha ở vùng biển thuộc xã Tân Thành, trước thuộc huyện Hàm Tân, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết khoảng 50 km về phía Tây Nam.

Hải Đăng Khe Gà do một kỹ sư người Pháp tên là CHNAVAT thiết kế, xây dựng để hướng dẫn tàu thuyền qua lại. Công trình khởi công từ tháng 2 năm 1897, đến cuối năm 1898 mới khánh thành, nay vẫn còn một tấm đá hoa cương lớn đặt ngay trước cửa vào Hải Đăng khắc số 1899. Hải Đăng Khe Gà chính thức hoạt động từ năm 1900. Nhân viên điều hành lúc bấy giờ gồm có một người Pháp (trạm trưởng) và 8 người Việt canh giữ đèn.

Trong lịch sử hàng hải ở khu vực này, các thế hệ trước có rất nhiều thuyền buôn qua lại bị đắm do không xác định được toạ độ, vị trí. Bởi mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu.

Do vị trí hiểm yếu của vùng biển này, và để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu cho xây dựng ngọn Hải Đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng thì có rất nhiều người chết do tai nạn, hiện nay ở đây vẫn còn nghĩa địa chôn những người chết vì công trình này. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, thì “Ở phía Tây huyện Tuy Lý cách 52 dặm sát với biển có những hòn đá lớn ngang ra bờ biển. Ở ngoài có hòn đảo tên Kê – Dữ (Đảo gà).

Đảo Khe gà cách bờ biển 500m, những ngày nước ròng, từ bờ biển có thể lội ra đảo được nhưng vào lúc triều cường và có gió đi lại rất vất vả. Để ra được đảo, bạn có thể đi bằng hai cách: dùng thuyền thúng hoặc thuê ghe của ngư dân. Nếu đã thuê được ghe nên yêu cầu cho ghe chạy một vòng quanh đảo để xem được toàn cảnh của hòn đảo nhỏ bé này trước khi lên đảo thì rất tuyệt.

Trên đảo Khê Gà là ngọn Hải Đăng tương đối đồ sộ, xây bằng đá hoa cương, hình bát giác. Đá hoa cương xây ở Hải Đăng Khe Gà, chưa biết người Pháp đưa từ đâu đến vì trong khu vực xung quanh đây không có loại đá này. Tất cả những khối đá hoa cương dùng xây Hải Đăng đều đã được chạm khắc thành từng ô, từng hình cạnh cụ thể, khớp với nhau, nghĩa là gần như có sẵn một ngọn tháp bằng đá đã được làm sẵn, khi xây dựng chỉ cần lắp đặt vào đúng thứ tự, góc cạnh từ dưới lên trên, và chỉ cần đưa vữa vào là kết dính lại, không cần phải tô, trét sửa chữa. Tháp Hải Đăng bằng đá cao 35m, độ cao toàn bộ từ mặt đất đến chóp đèn là 41,5m. Độ cao từ hầm ngọn đèn đến mặt biển là 65m, kích thước cạnh của tháp (chân tháp) là 2,60m. Bề dày tường tháp từ chân tháp đến độ cao 6m là 1,6m, càng lên cao độ dày càng giảm từ 1,50m và mỏng nhất là đỉnh tháp 1m. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2000W làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại.

Ngoài ngọn Hải Đăng, còn có một căn nhà lớn hình vuông mỗi cạnh 40m, dưới nhà là một hầm chứa nước sâu 3m, trước nhà có một giếng gọi là giếng Tiên. Từ dưới mép nước biển đến chân Hải Đăng là hai hàng hoa sứ được trồng dọc theo lối đi. Hai hàng hoa sứ này được người Pháp trồng ngay từ những ngày đầu xây dựng Hải Đăng, cho đến nay vẫn còn tỏa mát. 184 bậc thang xoáy ốc bằng thép dẫn đến đỉnh Hải Đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn, tất cả đều được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh, máy phát điện. Hiện nay hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách bởi phong cảnh hữu tình và nét kiến trúc độc đáo.

 

TỈNH BÌNH THUẬN

1. Lịch Sử :

Trước năm 1693, vùng đất Bình Thuận thuộc cực Nam của Vương Quốc Chămpa.

Năm 1693, chúa Nguyễn chiếm được mảnh đất cuối cùng này của người Chăm, sau đó đặt là Trấn Thuận Thành.

Năm 1697, chúa Nguyễn cho đặt phủ Bình Thuận gồm 2 huyện An Phước và Hoà Đa, dựng Dinh Bình Thuận.

Năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi thành tỉnh Bình Thuận.

Năm 1883, Nhà Nguyễn ký hiệp ước Harmand cắt Bình Thuận nhập vào thuộc địa Nam Kỳ của Pháp.

Đến năm 1884 Bình Thuận lại được trả về Trung Kỳ của nước ta.

Năm 1976, chính phủ xác nhập các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.

Cuối năm 1991, chính phủ tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tỉnh Bình Thuận tồn tại từ đó cho đến ngày nay.

  

2.Tổng Quan :

Tỉnh Bình Thuận có diện tích tự nhiên là 7.849 km2, dân số trên một triệu người. Tỉnh lỵ của tỉnh là Thành Phố Phan Thiết, các đơn vị hành chính gồm các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh và huyện đảo Phú Quý.

Bình Thuận nằm ở vị trí cực Nam của khu vực Nam Trung Bộ nước ta, phía Đông Bắc giáp Ninh Thuận, phía Bắc giáp Lâm Đồng, phía Tây giáp Đồng Nai, phía Tây Nam giáp Bà Rịa – Vũng Tàu, phía Đông giáp Biển Đông.

Địa hình của tỉnh khá đa dạng, có thể chia thành ba vùng: Vùng rừng núi, vùng đồng bằng, vùng ven biển. Bờ biển dài hơn 192 km kéo dài từ bãi biển Cà Ná đến bãi bồi ở khu vực Bình Châu thuộc BR – VT. Tỉnh có nhiều nhánh núi đâm ra biển tạo thành các mũi biển như: mũi La Gan, mũi Hòn Rơm, mũi Né, mũi Khe Gà… chia bờ biển thành những đoạn lõm tạo thành những bãi biển đẹp, kín gió. Ngoài khơi của tỉnh có đảo Phú Quý rộng 23km2 là cầu nối đất liền với quần đảo Trường Sa.

Ở Bình Thuận có nhiều sông nhỏ và ngắn chủ yếu bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh và Lâm Viên. Sông Dinh bắt nguồn từ núi Lốp đổ ra cửa biển Hàm Tân. Sông Quao và sông Mường Mán đổ ra Vỉnh Hảo. Sông Dinh là sông lớn cung cấp nước cho vùng Nam Bình Thuận, sông bắt nguồn từ núi Lốp đổ ra cửa biển Hàm Tân.

Bình Thuận có khí hậu khắc nghiệt. Tỉnh nằm trong khu vực có lượng mưa ít nhất trong cả nước, lượng mưa trung bình cả nước là 1600 – 1800 mm/năm thì tại tỉnh là 1200 mm/năm. Nhiệt độ cao và khắc nghiệt như vậy nên đất đai Bình Thuận bị “sa mạc hóa” khá nhiều gây tổn hại không ít cho ngành nông nghiệp. Ngược lại, nhờ nhiệt độ cao nên tỉnh cũng rất nổi tiếng với nghề làm muối.

Được thiên nhiên ưu đãi cho một dãi bờ biển dài nên kinh tế Bình Thuận chủ yếu mạnh về nghề biển với các nghề nổi tiếng như: đánh bắt cá, làm muối, làm nước mắm. Ngư nghiệp chiếm vị trí hàng đầu, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 100.000 tấn. Trong đó có các loại hải sản có giá trị như: cá Thu, cá Nục, cá Ngừ Đại Dương, cá Cơm, mực, sò điệp… Ngư dân Bình Thuận đánh bắt cá quanh năm trừ tháng 10 thì chỉ đánh bắt ven bờ vì thường có bão. Nhờ thế mạnh của ngư nghiệp, Bình Thuận nổi tiếng với nghề chế biến các loại hải sản khô như: mực khô, cá khô… đặc biệt nhất vẫn là nước mắm.

 

Ngành du lịch ở Bình Thuận:

Năm 1995, tại Bình Thuận xảy ra Nhật Thực Toàn Phần. Sự kiện này như là một nguồn động lực lớn giúp phát triển mạnh ngành du lịch của tỉnh. Vẻ đẹp trinh nguyên của những bãi biển hãy còn nguyên sơ chưa có dấu chân người, những đồi các mịt mù trong nắng gió dần dần được phát hiện ra. Liên tục các nguồn đầu tư cho du lịch được đổ về, giúp cho tỉnh phát triển các du lịch, các khu nghĩ mát. Vẻ đẹp tự nhiên cộng thêm với những nét đẹp nhân văn của nền văn hóa Chăm tất cả đã góp phần làm nâng cao vị trí của du lịch Bình Thuận trong hiện tại và tương lai.

 

THÀNH PHỐ PHAN THIẾT.

Cách TP.HCM 198km, Phan Thiết là một thành phố biển hiền hòa và đang dần trở thành một trung tâm du lịch mới của cả miền Nam.

Phan Thiết được thành lập từ ngày 20/10/1898, nằm dọc hai bên bờ sông Mường Máng hay còn gọi là sông Cà Ty. Phan Thiết được nâng cấp từ thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh vào ngày 25/08/1999 với diện tích là 20.586ha, dân số khoảng trên 186.500 người (1999).

Sự kiện được đánh giá là rất quan trọng với sự phát triển của Phan Thiết ngày nay chính là hiện tượng Nhật Thực Toàn Phần 100% có một không hai xảy ra vào ngày 24/10/1995. Chính nhờ dịp này mà Phan Thiết đã được đông đảo du khách biết đến và xem nơi đây như là một điểm du lịch lý tưởng sau một tuần làm việc mệt nhọc.

Cảnh quan Phan Thiết rất thơ mộng và trữ tình. Nếu có một góc thích hợp, ta có thể nhìn rõ quan cảnh từ mũi Khe Gà giáp Hàm Thuận Nam đến Hòn Rơm – Mũi Né. Hai màu xanh của nước biển và lá cây xem kẽ nhau giữa những đụn cát trắng phau, vách đồi thì đỏ rực thay đổi độ đậm nhạt do ánh nắng theo từng giờ. Khi nước triều lên, sống vỗ rì rầm vờn trên ghềnh đá nhấp nhô những rặng dừa như trườn ra ngoài bãi biển. Ngoái nhìn lại theo một hướng khác, ta sẽ thấy cụm tháp Chàm PôShaNư hùng dũng, đối chọi với thời gian, thấp thoáng đâu đó là bóng hình còn lại của Lầu Ông Hoàng lộng gió. Cảnh sắc thiên nhiên với những công trình của con người như cùng hòa vào nhau không thể tách rời.

 

ĐÀI NƯỚC PHAN THIẾT – BIỂU TƯỢNG CỦA TP.PHAN THIẾT.

Tuy chưa có cuộc hội thảo nào, cũng như chưa có quyết định nào của nhà nước coi đài nước là biểu tượng của quê hương Phan Thiết, nhưng sau ngày Phan Thiết được giải phóng (19/04/75), khi hình ảnh đài nước xuất hiện trên các báo, trên đài truyền hình.... Mặc nhiên người ta coi nó là biểu tượng của Phan Thiết.

Đài dược xây dựng 1928 và hoàn thành 1934 do hoàng thân của vương quốc Lào  Suphanouvong, lúc bấy giờ đang là kỹ sư trưởng khu công chánh Nha Trang. Công trình được đưa ra đấu thầu, các nhà thầu gồm người Pháp GeoreMotte, Langlet và người Việt có Ưng Du, Huỳnh Văn Dậu, cuối cùng Ưng Du trúng thầu.

Đài nước chiều cao từ sân lên đến đỉnh là 32m. Có hai phần: phần trên là bầu đài (bồn nước) hình bát giác chiều cao 5m đường kính dưới chân đài là 10m. Thân đài hình trụ bát giác dưới to trên nhỏ, mỗi cạnh dưới chân đài 4,5m, chu vi chân đài là 32,40m. Dưới chân đài có sân chung quanh, đường kính sân là 26m.

Trên nóc đài có nước mái che bầu đài, lợp bằng ngói móc. Mái che có ba tầng cách nhau 0,50m, bề rộng 10m. Mỗi tầng lợp phủ ra 0,50m, vách giữa có khoảng trống để nước chứa khỏi hấp hôi mùi khó uống. Xung quanh bầu đài có 8 hình tròn được lắp nổi bằng các mảnh chén sứ xanh, theo kiểu chữ Triện với 4 chữ Quốc Ngữ: UEPT, là 4 chữ đầu của chữ Pháp “Usine des Eaux de Phan Thiet” (nhà máy nước Phan Thiết).

Về thân đài có 8 cạnh mỗi cạnh phân làm 5 ô, mỗi ô đúc một hoa văn theo kiểu chữ Triện đọc từ trên xuống có 5 chữ: Hỷ, Phúc, Thọ, Kiết, Lọc, phía tây chỉ có 4 chữ: Hỷ, Phúc, Thọ, Kiết, thay cho chữ Lộc là cửa ra vào đài nước.

Đài được xây dựng rất công phu và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật lúc bấy giờ sỏi đúc bê tông toàn bằng sỏi trắng, rửa năm lần cho sạch cát bụi dính vào, cát phải ngâm rửa 3 lần cho sạch chất bẩn, sắp phải dùng giấy nhám chà sát thập kỷ cho sạch rỉ sét. Tỷ lệ vật liệu để đúc bê tông là: 0,8m3, cát 0,3m3 ciment và Pulo (bột chất dẻo) 500kg, ván làm cốt – pha được bào láng (gần như ván nằm) để đúc xong 21 ngày, tháo ra coi như xong không tô trát gì nữa.

Tuy được xây dựng cách nay đã gần 100 năm, cùng với sự tàn phá của khí hậu miền biển cũng như các trận bão lũ nhưng cho đến hôm nay đài nước vẫn đứng vững bên bờ sông Cà Ty và chất lượng thì vẫn còn rất tốt.

 

Các điểm tham quan:

1. DI TÍCH LỊCH SỬ TRƯỜNG DỤC THANH.

Trường Dục Thanh xây dựng năm 1907 toạ lạc trên địa bàn làng Thành Đức nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết, để hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Trường do các cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, con của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông thành lập. Mục tiêu của phong trào Duy Tân và của trường là mở mang dân trí, vực dậy ý thức dân tộc, nòi giống. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở Bình Thuận lúc bấy giờ.

Năm 1910 trên đường đi tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ nghè Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh. Học sinh của trường có khoảng 60 người cùng 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán  Văn, Pháp Văn, thể dục thể thao… Thầy Thành dạy lớp nhì, chủ yếu dạy quốc ngữ, Hán văn. Trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh ngoài những nội dung được phân công giảng dạy thầy Thành còn bằng tình cảm của người thầy người anh đã truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh.

Vào khoảng tháng 2 – 19911 thầy Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Một vài năm sau, ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn người phụ trách và nhiều lý do khách quan khác trường Dục Thanh đóng cửa vào năm 1912.

Ngôi trường xưa đã bị hư hỏng và dở bỏ từ lâu. Nhưng trong số những học trò thầy Thành dạy năm xưa vẫn còn vài người còn sống. Sau ngày quê hương được giải phóng, nguyện vọng của nhân dân là muốn phục chế lại ngôi trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hiện nay và mai sau. Nhờ những ký ức, kỉ niệm của các cụ, vị trí ngôi trường và những thành phần kiến trúc nội, ngoại thất được hình thành qua các bản vẽ và được dựng lại từ những năm 1978 – 1980. Nhà ngư được xây dựng năm 1906 và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của học sinh cũng được khôi phục lại. Di tích Trường Dục Thanh được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1986.

 

2. THÁP CHÀM PÔSHANƯ.

Nhóm đền tháp Chăm Pôshanư tọa lạc trên đồi Phú Hài, thuộc xã Phú Hải, cách trung tâm Tp Phan Thiết chừng 7 km. Theo các nhà khoa học dự đoán, Tháp Chàm Phoshanư được người Chăm xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, theo phong cách kiến trúc nghệ thuật Hoà Lai – một trong những phong cách kiến trúc cổ của Vương Quốc Chăm pa - mà hiện nay những ngôi tháp này còn lại rất ít như là một số phế tích ở khu Thánh địa Mỹ Sơn, còn lại nhóm Hoà Lai (Phan Rang) nhóm PôDam (Tuy Phong  - Bình Thuận) và tương đối nguyên vẹn là Tháp Pôshanư.

Nhóm tháp Phoshanư gồm có 3 tháp: tháp chính A hơi nhích về phía Nam, hai tháp phụ B hơi nhích về phía Bắc và C nhếch về phía Đông, cạnh tháp A. Nội dung của việc xây dựng nhóm tháp trong giai đoạn lịch sử này là để thờ thần SHIVA (một trong những vị thần được người Chăm sùng bái, tôn kính) biểu hiện bằng bệ thờ Linga – Yôni bằng đá hiện còn lưu giữ tại tháp chính.

Đến thế kỷ XV, người Chăm tiếp tục xây dựng trong khuôn viên nhóm đền Tháp này một số đền thờ dạng kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pôshanư. Pôshanư theo tiếng Chăm có nghĩa là “Nàng tiên chuột nhỏ bé”, tương truyền bà là con của vua ParaChanh. Bà được nhân dân yêu quý về tài đức và phép ứng xử của bà đối với người Chăm đương thời. Về sau, do thời gian vùi dập nên một số tháp trong khu vực đền Tháp Pôshanư bị sụp đổ không còn để lại dấu tích. Do trong khu vực không để lại một bia ký nào nên các nhà khoa học không tìm ra được thời gian chính thức xây dựng tháp mà chỉ phỏng đoán thông qua các kiểu kiến trúc tháp còn lại.

Những cuộc khai quật khảo cổ học từ năm 1992 – 1995 đã phát hiện nhiều nền móng của những ngôi đền bị sụp đỗ và bị vùi lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch, ngói và 1 số hiện vật trong các đền tháp có niên đại từ thế kỷ XV. Từ đây tháp có tên gọi là Poshanư.

Poshanư là nhóm đền tháp Chăm có vai trò quan trọng trong số các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Thuận, từ hình dạng kiến trúc đến kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật trên thân tháp, các vòm uốn, các cửa chính, cửa giả, trong lòng và lên đến đỉnh tháp. Riêng kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật còn lại ở thân tháp đủ gợi lên yếu tố thẩm mỹ khá riêng biệt của phong cách Hoà Lai.

Tháp chính A từ trong lòng tháp lên đến đỉnh cao 15m, cạnh đáy mỗi bề gần 10m, một cửa chính dài, hướng về phía Đông mà theo truyền thuyết Chăm hướngĐông là nơi cư ngụ của thần linh. Có 3 cửa giả ở những hướng Bắc, Tây, Nam. Trên vòm cuốn ở hướng Tây có những dãy chạm khắc dày đặc với những bông hoa và hình tượng kỳ lạ. Tháp có 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại và bớt đi các yếu tố kiến trúc ở tầng dưới. Trên đỉnh tháp có 4 cửa sổ hình tam giác hướng về 4 phía, bên ngoài xây bít kín, dưới mỗi cửa sổ gạch có 4 lỗ lớn để thông gió ra ngoài.

Tháp B nằm riêng nhích về hướng Bắc cao khoảng 12m, về cơ bản hình dáng kiến trúc giống tháp A nhưng đơn giản hơn. Trước đây trong tháp có thờ con bò thần Nandin nhưng sau đó không thấy nữa. Năm 1995 lúc khai quật dưới lòng đất đã tìm thấy một bàn chân và một tai bò thần bằng đá.

Tháp C hiện chỉ còn lại với chiều cao hơn 4m, duy nhất cửa trổ về hương Đông, những kiến trúc và trang trí nghệ thuật bên ngoài đã bị thời gian bào mòn chỉ còn lại một số đường nét gốc.

So với những tháp Chăm khác, đến nay di tích này hàng năm vẫn có đông đảo người Chăm từ các vùng lân cận đến làm lễ cầu mưa và những nghi lễ khác liên quan đến phong tục tập quán của họ. Một điều khá lý thú nữa là đối với ngư dân ở những vùng lân cận trước khi ra biển, họ cũng đến đây cầu xin cho những chuyến đi biển được bình yên, may mắn. Ngoài ra nơi đây còn thu hút rất nhiều nhà thơ, thi sĩ bởi nét đẹp hoàn chỉnh và những thiên tình sử lâm ly như  nhà thơ Xuân Thủy viết :

“Đây có bàn tay tự thửơ nào,

Tháp Chàm tô điểm ngọn non cao

Có thiên tình sử ngàn năm trước

Mà vẫn lâm ly, vẫn dạt dào.”

Hay bài thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử :

“Ta mới thấy xuân vờn trong ánh nắng

Muôn sắc xuân hình múa rỡn dưới ao khuya

Đôi tháp cao hãnh với hàng bia

Với lau lách ngã mình trong cảnh vắng

Sợ chùng như tiếng rụng của sao băng

Mà vì đâu hỡi tháp hời kiêu ngạo

Hàng muôn năm sống mãi dưới đêm sương

Mà vì đâu nghe tiếng bật giữa im lìm”.

Nhóm đền tháp Chăm Pôshanư đã được tu bổ tôn tạo từ năm 1990 – 2000 và hiện nay đã hoàn chỉnh việc tu bổ di tích. Di tích này đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1991.

 

3. PHẾ TÍCH LẦU ÔNG HOÀNG.

Lầu Ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông, biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên với ngọn núi Cố tương đối cao và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển, đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng những làng chài xưa.

Đầu thế kỷ XX, Công tước De Montpensier từ Pháp sang du lịch trên cửa sông Phú Hải – Phan Thiết, săn bắn và đã say mê phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” của vùng này. Năm 1911, ông đã cho xây dựng một biệt thự 13 phòng, với diện tích 536m2 và một hệ thống hầm ngầm chứa nước mưa (vì vùng này thời đó khan hiếm nước ngọt). Biệt thự được xây dựng xong, đêm đêm rực ánh đèn. Công tước De Montpensier đặt tên cho biệt thự là Tổ Chim Ưng vì đây là nơi tự tình của ông và cô người yêu ở Phan Thiết. Riêng dân chài khi từ biển nhìn vào, từ các làng nhìn lên thấy khu đồi rực sáng quá đẹp, họ gọi nôm na là “Lầu Ông Hoàng” cái tên ấy còn tận cho đến bây giờ.

Tháng 7 năm 1917, toà nhà này được bán lại cho chủ khách sạn người Pháp Prasetts… Sau khi có Lầu Ông Hoàng một người Pháp tên là Bell đã xây dựng Hotel Ngọc Lâm ở quả đồi bên cạnh để phục vụ người Pháp, biến khu vực này thành một thắng cảnh mà hễ ai đến Phan Thiết cũng muốn ghé thăm.

+ Nơi chứng kiến mối tình nên thơ giữa Mộng Cầm – Hàn Mạc Tử.

Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912 – 1940). Ông sinh ra ở Quy Nhơn và sớm đã nổi danh trên văn đàn với những dòng thơ tuyệt tác. Khoảng năm 1934, Hàn Mạc Tử từ Quy Nhơn vào Sài Gòn làm báo. Khi ấy cô nữ sinh Huỳnh Thị Nghệ chỉ mới 16 tuổi, đang học tại E’cole des pleins D’exercies Phan Thiết và thường gởi thơ vào Sài Gòn đăng báo với bút danh Mộng Cầm. Hàn Mạc Tử vốn phụ trách trang văn thơ cho tờ báo, phát hiện thơ Mộng Cầm hay nên viết thư làm quen. Từ đó họ quen nhau, yêu nhau. Hai tâm hồn ấy đã gặp và yêu nhau qua văn thơ. Cứ chiều thứ 7 Hàn Mạc Tử đi xe lửa ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Họ từng đưa nhau đến ngoạn cảnh ở Lầu Ông Hoàng, nói những lời thề hẹn trăng sao.

Mối tình nên thơ giữa Hàn và Mộng Cầm kéo dài trong suốt 2 năm, lúc này, Mộng cầm chính là nàng thơ, giúp Hàn dệt nên những dòng châu ngọc. Đến cuối năm 1936, Hàn Mạc Tử nhận ra mình mắc bệnh phong. Tuy có bàng hoàng đau đớn nhưng để tránh liên lụy đến người yêu, Hàn Mạc Tử viết thư giải bày với Mộng Cầm và khuyên nàng hãy quên đi hết những lời hẹn ước. Mộng Cầm không tin và cứ cho rằng Hàn tàn nhẫn và coi thường nàng. Mối tình của họ từ đó tan vỡ. Sáu tháng sau, Mộng Cầm lên xe hoa, kết thúc câu chuyện tình nên thơ lãng mạn. Nhận được tinh giữa lúc bệnh tình nguy cấp, Hàn Mạc Tử chết lặng đi trong đau đớn. Về sau, Hàn Mạc Tử để lại bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết!” trong đó có những câu nhắc lại kỷ niệm với Mộng Cầm ở Lầu Ông Hoàng như:

“… Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trang

Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang

Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết

Ôi trời ơi ! Là Phan Thiết! Phan Thiết!

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi….”

  Trải qua các biến cố, chiến tranh đến nay Lầu Ông Hoàng chỉ còn lại là một phần công trình, trông xa như một lô cốt phủ rêu phong giữa khu đồi um tùm cỏ dại. Hệ thống hầm ngầm còn khá nguyên vẹn cùng với dấu tích của những bao lơn hóng gió, nhưng tất cả đã hoang phế. Dù vậy khi leo tới đỉnh đồi, du khách vẫn choáng ngợp, mê mẩn trước cảnh quan quá đẹp, không khí trong lành lồng lộng gió biển. Những người yêu văn chương thì có thêm những giây phút hoài niệm, nhớ về tình yêu, sự nghiệp của Hàn Mạc Tử – thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Nếu được xây dựng, phục hồi, lầu ông Hoàng chắc chắn sẽ là một địa danh du lịch thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Phan Thiết, Bình Thuận.

 

4.KHU LĂNG MỘ NGUYỄN THÔNG.

Danh sĩ Đại Thần Nguyễn Thông tự là Hi Phần, hiệu Kì Xuyên, biệt hiệu Độn Am, thuở nhỏ có tên là Thiệu, con ông Nguyễn Hạnh và bà Trịnh Thị Mầu. Quê của ông ở Gia Định, nay thuộc địa phận tỉnh Long An.

Năm 1849, ông đỗ Cử Nhân đồng khoa với Phan Văn Trị. Năm 1851, ông tiếp tục đi thi thì lại trượt, vì nhà nghèo nên phải nhậm chức Huấn Đạo tại An Giang.

Năm 1856, Nội Các đề cử ông vào Hàn Lâm Viện, tại đây, ông tham gia biên soạn bộ Khâm Định Nhân Sự Kim Giám (1857).

Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định, ông về Nam tòng quân đánh giặc dưới sự chỉ huy của Thống Đốc Quân Vụ Tôn Thất Hiệp.

Năm 1861, ông trở về Tân An, cùng với Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghi tham gia chống Pháp tại địa phương.

Năm 1862, sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền  Đông Nam Bộ, ông ra Tị Địa tại Bình Thuận rồi nhậm chức Đốc Học ở Vĩnh Long. Thời gian này, Nguyễn Thông có công trong công cuộc giáo dục tại Vĩnh Long. Năm 1866, khi xây xong Văn Miếu, ông viết bài ký tại Văn Xương Các.

Năm 1867, ông cùng Phan Thanh Giản cải táng Xử Sỉ Võ Trường Toản từ Hoà Hưng về Ba Tri theo tinh thần Tị Địa.

Sau đó, ông ra Tị Địa tại Bình Thuận lần thứ hai rồi lãnh chức Án Sát Khánh Hòa. Năm 1868, ông được điều về kinh giữ chức Biện Lí Bộ Hình, đến cuối năm thì được cử làm Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1871, ông bị Lê Doãn vu cáo nên bị mất chức, nhưng nhờ bạn bè xin giảm tội nên ông tiếp tục được làm việc tại Sở Kiểm Biên, lầu tàng thư Huế.

Năm 1873, ông cáo quan về ở tại Núi Cố Bình Thuận, ông lập thi xã, mở trường học. Năm 1876, ông được thăng Hàn Lâm Viện Trứ tác, lãnh chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám. Ông tham gia kiểm duyệt bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Đến cuối năm, ông lãnh chức Bố Chánh tỉnh Bình Thuận.

Bấy giờ ông trở bệnh, có lúc thổ huyết nhưng vẫn tận tụy phục vụ đất nước. Năm 1878, ông xin về hưu và về nghỉ ở Núi Cố tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian này, Nguyễn Thông vẫn tham gia cùng quan chức địa phương giải quyết những vấn đề giữa người Việt và người Thượng. Ông lại ra sức giúp đỡ những đồng bào từ Nam ra Bình Thuận để Tị Địa, ông lâp nhà học có tên Ngọa Du Sào.

Năm 1881, triều đình sung ông làm Đốc Học Bình Thuận. Đến năm 1884, ông mất hưởng dương 57 tuổi.

 Khu lăng mộ Nguyễn Thông là một thắng tích quan trọng trong tuyến du lịch dọc bờ biển Đông Bắc thành phố Phan Thiết. Qua khỏi khu vực Lầu Ông Hoàng chừng 1km là đến thắng cảnh Núi Cố, nơi có mộ phần Nguyễn Thông. Đến viếng lăng mộ Nguyễn Thông, chúng ta có dịp hồi tưởng về một danh nhân nổi tiếng đã có những đóng góp rất lớn cho nền giáo dục của đất nước trong thế kỷ XIX.

 

5. DINH VẠN THỦY TÚ.

 Dinh Vạn Thủy Tú được ngư dân Vạn Thủy Tú thiết lập bắt đầu vào năm Nhâm Ngọ 1762 để thờ Ông (cá voi) với những công trình như: chính điện, nhà thờ tiền hiền, võ ca bố trí theo hình chữ Tam (=) mặt chính quay ra hướng Đông. Lúc mới xây dựng xong cửa Vạn sát ngay bờ biển, ngày nay bờ biển đã dời xa ra ngoài hơn 100m. Hiện nay Dinh Vạn Thuỷ Tú toạ lạc trên đường Ngư Ông, thuộc phường Đức Thắng, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Khác với những “Đình Làng” thường xây dựng để thờ Thành Hoàng làng và “Đình Làng” thường đi liền với các làng mạc nông nghiệp, còn “Dinh Vạn” lại thờ Cá Ông (cá voi) và thường được xây dựng ngay sát bờ biển của các Vạn Chài (làng của những người dân chài). Ngư dân của các làng làm nghề biển đa số đều có “Dinh Vạn” để thờ cá Ông, mà theo họ đó là vị thần cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp tai nạn trên biển nên được ngư dân kính yêu và tôn trọng. Tín ngưỡng dân gian gắn với tín ngưỡng nghề nghiệp từ đời này qua đời khác theo phong tục và truyền thống của ngư dân.

Dinh Vạn Thuỷ Tú từ ngày xây dựng xong đến nay chứa gần 100 bộ xương cá voi và nhiều loài khác cùng họ, quá nửa có niên đại trên 100 – 150 năm, trong đó có những bộ xương to lớn được thờ phụng tôn nghiêm.

Trong khuôn viên của Vạn có một doi đất rộng, dùng để mai táng cá Ông mỗi khi Ông “lụy” (chết) và dạt từ biển vào. Mỗi lần mai táng xong, sau 3 năm mới được thương cốt nhập tẩm theo phong tục. Trong số ngư dân hễ người nào trông thấy Ông “lụy” trước thì người đó được phong là con trưởng của ngài và phải lo làm đám tang chu đáo, để tang ngài như để tang cha mẹ, sau 3 năm mới hết hạn. Điều đó cho thấy những phong tục, cử chỉ của ngư dân đối với Cá Ông theo tín ngưỡng gần như quan hệ giữa người với người.

Vào tháng 10 – 2002, tại Vạn Thủy Tú, Viện Hải Dương Học Nha Trang đã tiến hành ráp lại một bộ cốt Ông Nam Hải (bộ xương cá voi) đã tồn tại hơn 200 năm và được đánh giá là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Bộ xương có chiều dài hơn 22 mét và nặng trên 5 tấn này được nhân dân bảo quản tốt nên dường như vẫn còn nguyên vẹn. Công cuộc lắp ráp tiến hành đến tháng 5 – 2003 thì hoàn chỉnh và hiện nay đã đưa vào trưng bày đón khách tham quan. Đây là một điểm nhất hết sức quan trọng mà du khách khi đến tham quan Vạn Thủy Tú đều muốn một lần chiêm ngưỡng.

Dinh Vạn Thuỷ Tú là một trong những “Dinh Vạn” cổ xưa nhất của nghể biển ở Bình Thuận, được ngư dân làm nghề biển coi như thuỷ tổ của nghề. Trong Vạn chứa nhiều di sản văn hoá Hán – Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liễn đối, trên văn chuông của Đại Hồng Chum. Dinh Vạn Thuỷ Tú là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng để thờ cá Ông và các vị Hải Thần, vì trước đây trong chiến tranh phong kiến với nghĩa quân Tây Sơn các tướng nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá Voi cứu nạn trên biển. Có 24 sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, riêng vua Thiệu Trị (1841 – 1847) đã ban tặng 10 sắc thần là điều hiếm thấy so với các di tích khác. Dinh Vạn Thuỷ Tú đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996.

 

 

6. LỄ HỘI NGHINH ÔNG.

Về nguồn gốc, tục thờ cá Ông vốn là một tín ngưỡng của người Chăm mà những lưu dân người Việt đã tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hoá, qua thời gian tín ngưỡng này đã ăn sâu vào nếp sống của ngư dân. Đó là lý do giải thích vì sao tục thờ cá Ông và việc tổ chức lễ cúng bái hàng năm chỉ diễn ra từ mạn đèo Ngang trở vào Nam mà không ở phía Bắc. Đương nhiên trong quá trình tiếp thu, giao lưu văn hoá, người Việt đã có những thay đổi biến cải rất cơ bản, từ nghi thức tổ chức đám tang lấy cốt cá Ông đến việc thờ phụng, cúng tế hàng năm. Ở đây có hiện tượng “hoà đồng” với một số tín ngưỡng khác nhau của người Việt như tục thờ ông bà, thờ tiền hiền, hậu hiền, hoặc kết hợp với một số lễ nghi nông nghiệp như lễ cầu mùa, cầu an… Đặc biệt, việc rước sắc phong thì hoàn toàn theo lễ nghi Việt, từ trang phục đến cờ, lọng, kiệu, phướn, đến những động tác hành lễ.

Về nghi thức thì Lễ Hội Nghinh Ông gồm có hai phần là Phần Lễ và Phần Hội.

PHẦN LỄ:

Về thời gian mở lễ cá Ông thì không có ngày thống nhất chung, mà mỗi nơi tuỳ thuộc vào ngày có cá Ông lụy đầu tiên, hoặc ngày nhận sắc phong để tiến hành lễ, coi như là một hình thức “ngày giỗ Ông” vậy.

Ngày tháng tổ chức Lễ Nginh Ông có thể xê xích nhau nhưng nói chung thường diễn ra vào những ngày tháng biển động, có gió bão nhiều – thời điểm Ông hay lâm nạn, xác trôi dạt vào bờ.

Có điều gần như trở thành quy tắc là vật phẩm dâng cúng Ông thường không hoặc rất ít dùng hải sản. Quy mô tổ chức lễ hội to hay nhỏ thường tuỳ thuộc vào tình hình thu nhập kinh tế ở nơi đó, bởi vì mọi chi phí đều dựa vào sự đóng góp tự nguyện của chủ ghe nghề là chính.

Trong ngày lễ, lăng thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm, có chăng đèn, kết hoa. Các nhà trong vạn ghe nghề đều đặt hương án, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi… ban đêm có treo đèn lồng. Các tàu thuyền của ngư phủ đều đậu ở bến, mỗi chiếc đều treo đèn giấy nhiều màu, kết hoa từ mũi đến lái, kể cả cột buồm.

Về nghi thức lễ Nghinh Ông gần giống như lễ cúng đình, có lễ nghinh rước, dâng hương, tế tiền hiền, hậu hiền có nơi thêm giàn cúng cô hồn, cũng có nơi mời cả sư sãi đến tụng kinh gõ mõ. Như vậy tuỳ theo tập tục của địa phương mà nghi thức lễ có một vài thay đổi tăng hoặc giảm. Nghi thức lễ gồm có những phần sau:

+ Lễ rước cốt cá Ông. Lễ này thường tiến hành vào buổi sáng. Mở đầu là lễ rước Ông, có kiệu, trong đặt bài vị, có cờ, lọng, tán, gươm giáo hộ tống đi từ lăng ra mé bờ biển, rồi quay trở về.

+ Lễ chánh tế. Tại đây trong khói hương trầm nghi ngút, vị chủ tế tổ chức dâng đồ cúng, đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với cá Ông, đồng thời bày tỏ nguyện vọng cầu mong những ngày mùa sắp đến tôm cá sẽ đầy khoang, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Đêm đến biểu diễn múa bông và tiết mục hò khoan – chèo cân.

+ Chánh lễ. Già trẻ, lớn bé trong làng cùng tham gia tế lễ, ăn uống vui chơi, bàn chuyện làm ăn, trao đổi kinh nghiệm.

+ Lễ “xuống biển” cũng là lễ kết thúc hội Cầu Ngư. Lễ diễn ra vào ngày thứ 3. Từ sáng sớm, dân chúng tập trung ra bãi biển để làm lễ. Một chiếc ghe tượng trưng bằng khung tre bồi giấy, bên trên đặt mô hình một con cá biển cũng bằng giấy. Khi mặt trời vừa lên, người ta đẩy thuyền ra khơi giữa sự hò reo hoan hỉ của mọi người, như mội cuộc tiễn đưa lớn. Chiếc thuyền theo con sóng, bị trôi ra xa và chìm dần. Người dân ở đây quan niệm hễ năm nào chiếc thuyền tượng trưng giữ được cân bằng lâu trên sóng nước không bị nghiêng úp, từ từ chìm xuống thì năm đó lễ “xuống biển “ gặp hên, cũng có nghĩa là ngư dân sẽ gặp nhiều may mắn.

 

PHẦN HỘI:

Phần hội vui chơi tiếp theo phần lễ diễn ra cũng rất đa dạng và phong phú. Nếu như ở vùng Bình – Trị – Thiên là những đêm văn nghệ với tiết mục hò khoan – chèo cạn và trò múa bông thì ở các tỉnh Nam – Ngãi bình thường có hát bả trạo và cả hát bội. Ở Phú Yên – Khánh Hoà trong dịp lễ cúng cá Ông thường mở hội vui chơi, tổ chức đua ghe, đua thuyền thúng và hát bội.

Lễ nghinh Ông ở các tỉnh ven biển Nam Bộ thường có tổ chức hát bội, xây chầu từ một đến nhiều đêm trước, trong những ngày này ngư dân đều nghỉ ngơi, để dự lễ vui chơi. Cờ bạc đánh công khai, không ai ngăn cấm.

 

7. BÃI ĐÁ ÔNG ĐỊA – RỪNG DỪA HÀM TIẾN.

Bãi Đá Ông Địa là một bãi biển trong xanh với nhiều gềnh đá nổi trên mặt biển. Nơi đây người dân gọi là Bãi Đá Ông Địa vì ngày xưa thiên nhiên đã tạo ra một tảng đá nằm ngang giữa bãi biển mon hình dung giống như ông Địa. Cư dân quanh vùng tin rằng Ông Địa kia là do trời phái xuống phù hộ cho dân nên từ đó họ ra tay sơn phết lại tảng đá thành hình Ông Địa hoàn chỉnh và dựng một miếu nhỏ để thờ.

Từ Bãi Đá Ông Địa đến cầu Suối Tiên là khu vực trồng rất nhiều dừa, người dân gọi là rừng dừa Hàm Tiến, nhìn đường đi chúng ta thấy rất đẹp nhờ hai hàng dừa bên đường che bóng.

 

8.MŨI NÉ.

Mũi Né nằm cách trung tâm tp Phan Thiết 22km về phía Đông Bắc. Đây là một mũi đất nhô ra ngoài biển. Nguồn gốc tên gọi Mũi Né có nhiều giả thuyết cho rằng:

Giả thuyết một: Người ta cho rằng vào mùa gió Tây Nam thì gió sẽ thổi mạnh ở khu vực bãi trước nên những chiếc tàu đánh cá phải đậu ở bãi sau để tránh gió. Ngược lại mùa gió Đông Bắc tàu phải đậu ở bãi trước để tránh gió. Mũi đất cho tàu bè tránh gió người ta gọi là Mũi Né.

Giả thuyết hai: Nơi đây là mảnh đất cuối cùng của người ChămPa, người ta kể rằng vào những ngày cuối đời của mình công chúa Chăm tên là Nà Né đã dựng một cái am nhỏ để sống hết những ngày còn lại tại nơi đây. Mũi đất có công chúa Nà Né sống nên người dân gọi là Mũi Né. Cái am này hiện nay vẫn còn, người dân gọi là am Bà Giàng (Bà Trời).

 

9. SUỐI HỒNG - ĐỒI CÁT DI ĐỘNG.

Đây là một mạch suối nhỏ, do suối chảy trên cát màu đỏ hồng nên người ta đặt tên là Suối Hồng. Đầu Suối Hồng là cả một khu vực do nhiều dòng nước chảy xói mòn tạo ra địa hình lỏm chỏm nham nhở và nhiều hình dáng kỳ lạ rất đẹp như Ngũ Hành Sơn.

Phía trái của Suối Hồng là khu vực đồi cát rộng lớn. Cát ở đây hình thành từ rất lâu đời do hiện tượng “Sa Mạc Hóa” liên tục. Toàn khu vực có nhiều đồi cát nằm nối tiếp nhau. Nếu có dịp đi lên đến đỉnh đồi cát ở độ cao khoảng 40m, chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Đồi cát giống như một hoang mạc thu nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau. Thêm một điều lý thú nữa là hình dạng Đồi Cát luôn thay đổi. Sau một đêm gió thổi đồi cát đã xoá sạch dấu chân người, cảnh vật hoàn toàn đổi khác sau mỗi lần du khách ghé thăm. Du khách đến tham quan thường có thú thích lên trên đỉnh đồi cát vào sáng sớm khi chưa có dấu chân ai. Từ đó, ta có thể ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc nơi xứ biển.

 

10. HÒN RƠM.

Hòn Rơm nằm cách Mũi Né 4km. Chúng ta gọi là Hòn Rơm nhưng đây không phải là đảo vì Hòn Rơm vốn dĩ chỉ là một mũi đất. Người dân kể rằng hàng năm vào mùa mưa, điều kiện khí hậu thuận lợi nên cỏ dại mọc trên hòn rất nhiều. Khi mùa khô đến, dưới cái nắng chói chang, cỏ dại trở nên vàng úa, nhìn từ xa thì giống như những đống rơm khổng lồ nên người ta gọi là Hòn Rơm.

Năm 1995, tại Phan Thiết xảy ra nhật thực toàn phần thì Hòn Rơm chính là vị trí quan sát nhật thực tốt nhất.

 

11. BÀU TRẮNG (BÀU SEN) – ĐỒI TRINH NỮ.

Bàu Trắng là một hồ nước ngọt khá lớn thuộc huyện Bắc Bình cách Phan Thiết khoảng 65km về hướng Đông Bắc.

Bàu Trắng hình thành từ lâu đời, nằm ở giữa vùng đồi cát Trinh Nữ rộng mênh mông xen lẫn nhiều nhóm cây rừng thấp. Nước trong hồ ngọt và trong. Bàu Trắng chia làm 2 phần bởi một đồi cát vắt ngang. Nhân dân gọi phần nhỏ hơn là Bàu Ông và phần lớn hơn là Bàu Bà.

Người Việt xưa đã biết đến sự tồn tại của Bàu Trắng. Các sách sử cũ viết: “Bạch Hồ có hai hồ, hồ trên và hồ dưới, ở phía Tây Nam huyện Hòa Đa, phía Tây Ba Động. Hồ trên chu vi 8 dặm lịch, hồ dưới chu vi 22 dặm lịch, nước trong, ngọt, bốn mùa không tăng, không giảm. Phía Tây Bắc là động cát, phía Tây Nam là chân rừng, trên bờ phía Nam có đền thờ chúa động.

Nơi sâu nhất có thể ước lượng được của Bàu Trắng là 19m và cạn dần về phía bờ. Quanh bờ hồ có nhiều bông sen, vào mùa hạ sen nở rộ khắp hồ, quan cảnh đẹp tuyệt nên hồ còn có tên gọi là Bàu Sen.

Bàu Trắng là nơi có nguồn nước ngọt duy nhất xung quanh vùng cát trắng mênh mông này nên từ xưa vốn đã trở thành điểm tựa cho khu căn cứ cách mạng Lê Hồng Phong. Bàu Trắng như là bầu sữa nuôi lớn bộ đội và nhân dân Bắc Bình trong suốt hai thời kỳ kháng chiến. Gần Bàu Trắng các nhà khoa học tìm thấy được dấu tích của đền thờ nữ thần Thiên Yana, chứng tỏ từ lâu đời xung quanh Bàu Trắng còn có rất nhiều làng mạc của người Chăm.

Năm 1867, cụ Nguyễn Thông đi ngang qua đây, thấy cảnh đẹp của Bàu Trắng, mà cụ gọi là Bạch Hồ, đã làm nhiều bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của hồ như bài: Quá Bình Nhơn sa mạc (Qua bãi cát Bình Nhơn), Bạch Hồ nhành hành (Dạo chơi Bàu Trắng).

Bàu Trắng không chỉ là nguồn cung cấp nước ngọt mà còn là thắng cảnh đẹp vào loại bậc nhất của Bình Thuận. Bàu Trắng ngày càng thu hút trí tò mò của khách du lịch vì vẻ đẹp nguyên sơ và trinh trắng của nó.

 

ĐẶC SẢN BÌNH THUẬN.

+ Nước mắm Phan Thiết.

 Tại Bình Thuận nước mắm được chế biến ở khắp các vùng ven biển, nhưng người tiêu thụ cả nước chỉ quen gọi chung là Nước Mắm Phan Thiết. Điều này không có gì lạ cả vì từ lâu Phan Thiết đã có tiếng là sản xuất ra nhiều nước mắm và đặc biệt là rất ngon. Nếu chỉ tính từ khi công ty Liên Thành ra đời và chỉ tính thời điểm mà công ty tham gia hội chợ Hà Nội năm 1918 để giới thiệu nước mắm Phan Thiết tới nay đã hơn 80 năm trôi qua, giờ đây nước mắm Phan Thiết đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Quanh năm suốt tháng, biển Bình Thuận dâng tặng cho nhân dân trong vùng một lượng cá mà ít vùng biển nào sánh kịp. Cá được đưa vào bờ, chuyển đi khắp nơi và một phần lớn nguồn cá ấy đã được cho vào các “mái” sành để ủ nước mắm. “Mái” là tiếng mà người dân địa phương dùng để gọi những lu sành ủ nước mắm. Một mái như vậy cao khoảng hơn 1m  và thường được đậy bằng những nắp làm bằng rơm khá lớn. Nhà nào có tiền thì dùng những thùng gỗ to, cao trên cỡ 3m để ủ nước mắm, đa số còn lại thường dùng những mái như vậy.

Công đoạn sản xuất nước mắm Phan Thiết truyền thống khá phức tạp, khá lâu và trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu tốt nhất làm nước mắm là cá cơm, ngày nay, do đáp ứng yêu cầu tiêu dùng có một số nơi còn dùng thêm cá tạp. Cá được lấy và rửa bằng nước biển ở bãi cá, sau đó đem đổ vào thùng ủ với tỷ lệ 3 cá – 1 muối, một lớp cá, 1 lớp muối. Ủ đầy thùng xong thì dùng tre và đá xanh đậy lên trên để cá không bị sình và tránh ruồi, muỗi. Sau khoảng 100 ngày xác cá trong thùng sẽ bị rã, khi đó người ta mở lỗ lù cho nước cá chảy ra. Họ hứng lấy nước đó rồi đổ ngược lại vào thùng, đợi ít lâu sau lại tháo nước…… và làm như vậy cho đến khi nước không còn đục nữa thì dùng được. Để sản xuất ra nước mắm theo công nghệ truyền thống kể trên, thông thường sẽ mất thời gian từ 5 đến 7 tháng, tùy theo kinh nghiệm và bí quyết gia truyền của người ủ.

Thành phẩm đầu tiên ủ từ thùng ra gọi là Nước Mắm Nhất hay còn thường được đọc trại thành Nước Mắm Nhĩ. Loại này đặc biệt quý và thơm ngon, được xem như là tinh túy của cả một quá trình ủ ròng rã. Sau khi lấy hết nước mắm nhất từ thùng ủ ra, nhà thùng đổ thêm một lượng nước muối và nước luộc cá vào thùng để lấy thêm nước mắm, với loại này người ta gọi là “nước bổi”. Sau khi lấy hết nước mắm người ta xúc thùng, xác mắm được dùng làm phân bón.

Để phục vụ đại trà cho nhu cầu của người tiêu dùng, ngày nay còn rất ít nhà sản xuất làm theo quy trình truyền thống trên vì tốn nhiều thời gian và lượng thành phẩm khá ít. Họ nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học để rút ngắn thời gian sản xuất bằng các phản ứng hóa học để sản xuất ra nước mắm nhanh hơn. Loại nước mắm làm ra theo công nghệ này tuy bề ngoài chẳng khác gì nước mắm truyền thống nhưng thời gian phân rã rất mau. Vả lại, khách du lịch hiện nay đang muốn tìm về loại nước mắm cổ truyền do công sức cực khổ của con người trải bao nắng gió làm ra, thấm trong từng vị mặn của nước mắm còn có vị mặn của những giọt mồ hôi, đó mới là loại nước mắm ngon nhất.

 

  + Cây Thanh Long.

Thanh Long là cây thuộc họ Xương Rồng có nguồn gốc từ Mehico, Columbia được trồng nhiều ở Nicaragua. Đặc điểm của cây Thanh Long thích hợp với khí hậu nhiệt đới, chịu hạn tốt, chịu được cường độ ánh sáng cao, thích hợp nhiều loại đất.

Cây Thanh Long có mặt ở Bình Thuận từ rất lâu đời, nhưng chỉ được đem trồng làm hàng rào. Đầu năm 1980, cây Thanh Long bắt đầu được chú ý nhưng mãi đến năm 1990 cây Thanh Long mới được trồng rộng rãi ở xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc), Phong Mẫn (Phan Thiết), Hàm Mỹ, Hàm Thanh, Hàm Thuận Nam rồi đến Bắc Bình, Tuy Phong. Mãi đến nay cây Thanh Long đã trở thành cây có giá trị kinh tế vào loại nhất ở Bình Thuận. Diện tích Thanh Long toàn tỉnh trên 2000 ha, tập trung cao ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, TP.Phan Thiết, trong đó diện tích đang thu hoạch 1290 ha với sản lượng từ 15000 – 20000 tấn/năm.

Cây Thanh Long được trồng bằng trụ gỗ, người ta đóng một khung cây để cho Thanh Long bám vào. Sau đó, họ chặt thành hom ngắn cắm xuống đất, sau khoảng 3 – 4 hom thì lấy dây buộc lại… Thanh Long trồng một năm thì có trái bói, năm thứ 3 – 4 – 5 Thanh Long mới cho năng suất cao. Đến năm thứ 6 năng suất giảm dần. Mùa Thanh Long kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11.

Năm 1995, một người nuôi vịt tình cờ vây mành quanh các trụ Thanh Long ban đêm để đề phòng kẻ gian, không ngờ các trụ Thanh Long này cho trái sớm hơn hẵn các trụ khác. Từ sau sự kiện này người dân bắt đầu mắc các bóng đèn trong các vườn cây Thanh Long và cho ra kết quả rất tốt. Người ta gọi là Thanh Long Trái Vụ. Đến tháng 12 năm 1997, phương pháp trồng Thanh Long Trái Vụ được áp dụng rộng rãi. Nhiều người làm giàu đột ngột do thu hoạch Thanh Long Trái Vụ. Thanh Long Trái Vụ trái to vỏ láng có giá trị xuất khẩu cao. Nếu treo từ 15 – 20 ngày thì Thanh Long nứt nụ, 5 – 7 ngày nữa ra hoa và sau đó kết trái. Tên xuất khẩu của cây là RED DRAGON.

 

  + Con Dông Bình Thuận.

Dông là loài động vật thuộc họ bò sát. Dông thường sống dưới hang, hình thù thì rất giống với rắn mối nhưng màu sắc thì đẹp hơn. So với con cái thì con Dông trống thường nhỏ hơn nhưng trên mình nhiều bông và có màu sắc sặc sỡ hơn. Loài Dông thường thích sống ở các vùng đất cát ven biển, nhất là vùng Bình Thuận, chính vì lý do đó Dông đã trở thành món dặc sản nổi tiếng của cả vùng.

Khoảng tháng 4, 5, 6 âm lịch hằng năm là thời điểm Dông béo nhất. Nguyên do là vì đây là thời điểm đầu mùa mưa, các loài côn trùng sinh sôi nảy nở, con Dông rời khỏi hang lên mặt đất ăn các loại côn trùng này với cỏ non. Cũng trong thời gian này, Dông bắt đầu bắt cặp, đến cuối tháng 6 âm lịch, Dông bắt đầu sinh sản. Mỗi con Dông mẹ đẻ từ 6 trứng trở lên. Trứng Dông hình thù giống hột mít, khi luộc lên ăn rất ngon. Những tháng còn lại trong năm Dông nằm ẩn dưới đất, nếu không ăn được gì thì nó gặm nhấm đuôi của nó để sống qua ngày.

Thịt Dông ăn rất ngon và đã trở thành món đặc sản của các nhà hàng ở Bình Thuận. Thịt Dông có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như:

  • Dông nướng chấm mắm me. Trước khi nướng, người ta đem Dông trụng trong nước sôi rồi cạo lớp vảy trên da nó. Để nướng Dông, người ta chặt đầu và các chi, sau đó rạch một đường trên sống lưng. Dông được mổ bụng, bỏ hết tất cả chỉ chừa lại trứng mà thôi. Lớp đen bên trong bụng Dông phải được cạo hết, nếu không thịt sẽ bị tanh và hôi mùi cỏ.
  • Nem Dông. Dông được lột da, băm thịt thật nhuyễn, cho gia vị vào  vo thành viên. Thưởng thức món nem Dông, ta còn cảm nhận nguyên mùi vị tươi ngon tuyệt hảo của thịt Dông.
  • Lẩu Dông lá me. Dông đem chặt bỏ đầu, dùng dao rạch nhẹ một đường chạy dài từ cổ xuống đuôi. Cạo sạch lớp da toàn thân xong thì mổ bụng moi ruột, cắt bỏ bốn chân và chóp đuôi. Thị Dông băm nhỏ, chiên sơ qua dầu cho hơi vàng. Lá mẹ chua vò dập cho vào nước lẩu cùng các gia vị: tỏi, hành lá, muối tiêu, bột ngọt, cho thêm nữa trái nước dừa nấu chung. Nấu sôi nước thì bỏ thịt Dông vào. Món này ăn với bún kèm ít rau sống. Lẩu Dông lá me là món có một không hai ở Phan Thiết.

Thường thì ai ăn thịt Dông cũng khen ngon nhưng nếu có dịp xem người ta làm thịt Dông thì không ít người rùng mình, ghê sợ mà không dám thưởng thức. Con Dông khi cắn sẽ không nhả ra cho đến khi nó bị cạy miệng rất mạnh, vì thế nên dân Bình Thuận mới có câu “Trời Gầm Dông Mới Nhả”

 

 

 

 

 

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 723
Trong tuần: 5153
Lượt truy cập: 1318323

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy