Vị tiến sĩ một đời oan khuất






Trong một khu vườn tọa lạc tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, H.Châu Thành (Tiền Giang) có một ngôi mộ cổ nằm sát hàng rào lưới B40, cạnh con mương mới xẻ làm ranh giới “chống lấn chiếm”. Ngôi mộ không có mộ chí theo kiểu thông thường, chỉ có tấm bia đá hai mặt đều khắc chữ. 

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đây là bài văn của cử nhân Phan Bộ Tam viết, nhằm minh oan cho người nằm dưới mộ là tiến sĩ Phan Hiển Đạo. 

Dòng họ khoa bảng… 

Phan Hiển Đạo sinh năm 1830, ở thôn Tân Đức Đông, H.Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Dưỡng Điềm, H.Châu Thành, Tiền Giang). Họ Phan là dòng họ khoa bảng ở chợ Thuộc Nhiêu. Cha ông là Phan Hiển Tần, đậu tam trường thời chúa Nguyễn Ánh còn ở Gia Định, ra làm quan đến chức Án sát. Đến đời Minh Mạng, không biết bị tội gì mà mất chức rồi về quê vợ ở thôn Vĩnh Kim Đông (nay là xã Vĩnh Kim) và chết trong sự ấm ức. Trên mộ bia còn ghi lại một câu đối “Quân ân bát thiên lý/Hương tình tam thập niên” (Ơn vua tám ngàn dặm/Tình quê 30 năm). 

Tấm bia ghi bài minh của cử nhân Phan Bộ Tam 

Thuở nhỏ Phan Hiển Đạo là người thông minh học giỏi. Tháng 3 năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), ông nộp đơn vào trường thi Thừa Thiên, đậu cử nhân hạng ba. Đến đời Tự Đức, nhà Nguyễn mở thi hội ân khoa Bính Thìn (1856). Ngày 14.9, khi Phan Hiển Đạo còn đang làm bài thi, thì Phan Thanh Giản nhận được tin báo thân mẫu Phan Hiển Đạo đã tạ thế tại quê nhà. Theo quy định thời bấy giờ, người có tang không được đi thi. Thấy Phan Hiển Đạo đang có triển vọng; đồng thời trường thi hội lúc đó đã đến giờ phút chót, “nội bất xuất ngoại bất nhập” nên Phan Thanh Giản quyết định ém nhẹm bức thư, chờ đến khi Phan Hiển Đạo thi xong trở về nhà. Nhận được tin, đêm ấy, Phan Hiển Đạo cố gắng viết xong tờ sớ xin tội gửi vào Nội các, rồi lật đật ra bến tìm thuyền quá giang trở về quê cư tang. 

Khoa thi này Phan Hiển Đạo đậu đệ tam giáp tiến sĩ. Năm đó, ông mới 27 tuổi, là tiến sĩ trẻ nhất. Tuy nhiên, đến ngày “truyền lô đãi yến” thì không thấy bóng dáng ông. Vua Tự Đức xem tờ sớ xin tội của Phan Hiển Đạo do Nội các dâng lên. Phát hiện ngày tháng ghi trong sớ, vua tức giận, truyền sứ giả đem áo mũ tiến sĩ ban cho Phan Hiển Đạo kèm lời phê: “Hà hữu Phan Hiển Đạo vi tử như thử, vi thần nhược hà?” (Tại sao có Phan Hiển Đạo làm con như vậy, làm tôi như thế nào?). Tương truyền lúc nhận áo mũ tiến sĩ và đọc lời phê, ông đã té xỉu. 

Ba năm sau, nhà tỉnh học Định Tường thiếu chân Đốc học, các quan đầu tỉnh làm sớ đề nghị chọn tuyển Phan Hiển Đạo bổ sung. Sau thời gian hậu bổ, Phan Hiển Đạo được cử làm Đốc học Định Tường, hàm Biện tu. Ông vừa lo chuyện giáo dục lại vừa dạy nhạc cho học trò. 

Nỗi oan khó giải 

Năm 1859, quân viễn chinh Pháp tấn công thành Gia Định. Bấy giờ, Phan Hiển Đạo và các quan đầu tỉnh Định Tường gấp rút mộ quân kéo lên Gia Định tiếp ứng, được triều đình thăng thưởng hàm Thương biện Tỉnh vụ. Nhưng sức khỏe của ông lúc này đã yếu hơn, liệu không kham được trọng trách nên dâng sớ từ chức. 

Tháng 5.1861, Pháp chiếm Định Tường, sau đó đánh chiếm các huyện lỵ Kiến Hưng, Kiến Hòa và Kiến Đăng... Anh hùng hào kiệt rút về lập đồn Tân Thành - Mỹ Quý tiếp tục kháng chiến dưới sự chỉ huy của Tri phủ Trần Xuân Hòa. Lúc bấy giờ Phan Hiển Đạo đang nằm dưỡng bệnh tại chợ Giữa, thì bất ngờ giặc Pháp đổ quân đóng đồn vàm Rạch Gầm và chợ Giữa để đánh Tân Thành - Mỹ Quý. Biết ông là quan cựu trào, giặc giở trò chiêu dụ, sai Tôn Thọ Tường đến nhà “thỉnh” ông xuống Mỹ Tho xem hát, tặng áo mũ, cờ biểu rồi “mời” làm Đốc học Định Tường. Nhưng Phan Hiển Đạo lấy cớ bị bệnh từ chối. 

Không ngờ thực dân Pháp thâm độc tìm cách diệt trừ ông bằng cách liên tiếp tung ra nhiều tin đồn thất thiệt. Đầu tiên là Nguyễn Thành Ý, Trưởng đoàn lãnh sự nhà Nguyễn ở Gia Định báo cáo là Phan Hiển Đạo đã ra làm quan cho giặc. Phan Hiển Đạo hoảng sợ viết thư minh oan gửi lên Kinh lược sứ Phan Thanh Giản lúc đó đang ở Vĩnh Long. Không ngờ Phan Thanh Giản lại phê vào bức thư 8 chữ “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã bị thất thân, sao cho là trinh được) rồi gửi lại. Phan Hiển Đạo ân hận vì đã nhận quà của giặc, nên hổ thẹn ra mộ cha thắt cổ tự tử vào năm 1864. 

Sự việc được báo cáo lên triều đình. Vua Tự Đức kết luận Phan Hiển Đạo tuy không đầu hàng giặc, nhưng kẻ sĩ mà đi lại với giặc, nhận quà của giặc, không biết tâm địa của giặc, thì danh tiết cũng bị nhơ nhuốc, nên ra chiếu cho truy đoạt quan hàm, xóa tên trong sổ Tiến sĩ và đục bỏ tên họ trong bia Tiến sĩ. 

Việc Phan Hiển Đạo hổ thẹn tự xử, có người cho rằng “bệnh án” Phan Hiển Đạo do vua Tự Đức kết luận quá gắt gao. Có người cho rằng lời luận tội của vua Tự Đức là động tác cảnh cáo răn đe quần thần nhiều hơn là kết tội Phan Hiển Đạo. Thực tế, Phan Hiển Đạo là một nghệ sĩ chỉ yêu thích lời ca tiếng hát, không ham thích danh vọng nên đã từ chức. Việc truy đoạt quan hàm, xóa tên trong sổ Tiến sĩ hoặc đục bỏ tên họ trong bia Tiến sĩ chắc ở suối vàng ông cũng chẳng quan tâm. Nhưng có lẽ vì cảm thông được nỗi niềm của cụ, nên bài minh trong văn bia có đoạn viết: “Trung vi mỹ đạo thị lý. Trinh nhi tử gian giả, chỉ sử dĩ thạch dĩ ký, diệc kỷ vi thần quỷ hề!” (Lấy trung làm đạo tốt, là sự tích. Sạch mà chết nhưng bị tiếng gian, thì chỉ có cách khắc ghi trên đá, để làm gương cho kẻ làm tôi vậy). 

Lại có một bi kịch khác: Cách ngôi mộ tiến sĩ Phan Hiển Đạo mấy bước là mộ cụ Án sát Phan Hiển Tần cũng bị “phong tỏa” bởi lưới rào B40. Mặc dù cha con nằm kề cận nhau, nhưng muốn thăm hai ngôi mộ thì phải đi vòng hàng trăm thước và phải vào bằng 2 ngõ khác nhau. Thậm chí, cũng không có một con đường đi thẳng tới khu mộ mà phải “đi nhờ” qua nhà hàng xóm và phải... nhảy qua vài con mương cạn. 

Theo bà Trần Thị Ngọc Hồng, cháu bên ngoại cụ Phan, thì khu đất này trước đây là đất hương hỏa của gia đình, nhưng sau đó người anh của bà đem bán cho người khác, qua nhiều chủ. Do vậy mà bây giờ mộ cụ Phan Hiển Đạo nằm trên đất của ông Đỗ Văn Út, còn mộ cụ Phan Hiển Tần thì vẫn còn nằm trong khu đất của gia đình. “Mấy năm trước đây, do đường đến khu mộ khó khăn nên sau khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, chúng tôi có đề nghị Sở VH-TT-DL tỉnh giúp đỡ, nhưng Sở trả lời rằng di tích cấp tỉnh là do huyện quản lý. Thế là chúng tôi tiếp tục đề đạt ý kiến lên huyện, nhưng rồi cũng không được phản hồi”, bà Hồng cho biết. 

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 745
Trong tuần: 5104
Lượt truy cập: 1339260

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy