Không biết từ bao giờ rượu đẫ chiếm một vị trí đặc biệt trong văn hóa nhân loại. Rượu không chỉ thức uống, nó đưa đẩy cảm xúc con người đi hết từ cung bậc này đến cung bậc khác.
Hiện nay, người ta không biết chính xác rượu có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn, nó phải có lịch sử lâu đời.
Trong thần thoại cổ Hy Lạp, một trong 12 vị thượng đẳng phúc thần là những vị thần tối cao, đem lại cho con người nhiều lợi ích, chính là vị thần rượu nho Dionysus. Ngài được mô tả là một người to béo, với khuôn mặt nhân hậu, lúc nào cũng đùa tếu.
Theo ghi chép và trên những phiến đá từ thời đế chế Babylon cổ ghi lại, cách làm rượu bia đã có cách đây gần 4000 năm. Ở Ai Cập, người ta cũng tìm thấy những dấu tích của rượu từ 5000 năm trước công nguyên. Trong những ngôi mộ cổ, người ta cũng tìm thấy các dấu tích của 6 loại rượu vang và 4 loại bia được dùng để cúng cho linh hồn người chết ở cõi vĩnh hằng.
Ở Trung Hoa rượu đã xuất hiện từ hàng ngàn năm, luôn hiện diện trong đời sống, lịch sử và cả văn học của người Trung Hoa tự cổ chí kim. Nếu ai đã từng làm quen với những bộ lịch sử tiểu thuyết Trung Hoa như: "Tam Quốc chí", "Tây Hán chí", "Thủy Hử truyện"... đều thấy rượu là thức uống hiện hữu trong nhiều biến cố quan trọng.
Đó là một trong những ẩm phẩm không thể thiếu của dân tộc này và tiếng tăm của một số thi nhân, nho sĩ cũng gắn liền với rượu như: Lý Bạch là người từng được mệnh danh là thi tiên, là tửu thánh và tục truyền ông say rượu nên nhảy xuống sông ôm bóng trăng chết đuối. Lưu Linh đời Tam Quốc cũng được sách vở nhắc đến nhiều với tài uống hàng trăm chén mà không say, trong cái ngà ngà của men rượu ông đã để lại cho nhân loại bài “Tửu đức tụng” ca ngợi việc uống rượu như một thú vui tao nhã
“Hành vô triệt tích, cư vô thất lư, mộ thiên tịch địa, tùng ý sở như.
Chỉ tắc thao chi chấp cô, động tắc khiết đề hồ, duy tửu thị vụ, yên tri kỳ dư?”.
Vợ ông Tô Ðông Pha được tiếng là hiền đức cũng vì đã biết để dành một vò rượu ngon và đem ra đúng lúc chồng cần thù tạc với bạn bè trong một ngày giá rét. Ngay trong các huyền thoại, không hiếm những tiên đồng ngọc nữ vì vô ý làm vỡ chén lưu ly của Ngọc Hoàng mà bị đày xuống trần.
Đối với dân tộc ta, người Việt đã biết làm rượu từ buổi bình minh của đất nước.
Sách Lĩnh Nam chích quái viết: “Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm làm rượu gạo, lất bột quang lang làm bánh, lấy thịt chim muông làm mắm, lấy gừng làm muối…”.
Rượu đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thi hào Việt Nam, họ không đêm ngày say túy lúy như các thi nhân đời Đường nhưng khi có dịp họ sẵn sàng uống hết mình
"Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu không từ chén
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”
Nhiều nhà thơ mượn men rượu để giải sầu, để quên đời, quên những nỗi buồn man mác đang giày xéo tâm hồn:
“Đời này thực tỉnh những ai đây?
Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say
Buồn ruột cho nên men phải nhấp
Dở mồm nào biết giọng là cay”.
Rượu dường như đã trở thành nổi ám ảnh đối với một số thi nhân, khi sống trên dương gian đã đành, khi chết rượu vẫn theo họ.
“Sống ở dương gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ cắp kè kè
Diêm vương phán hỏi mang gì đó Be!”.
Tuy nhiên không phải người nào uống rượu cũng muốn say, trái lại nhiều người uống rượu chỉ để tiêu sầu, chán chê đường công danh, họ tìm nơi vắng vẻ ngồi nhìn trời xanh, mây trắng, nắng hồng, lưng dựa vào gốc cây, miệng nhắp vài ly rượu hồng thưởng thức cảnh thanh bình nơi miền hoang dã:
“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích " |
Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy