Nhà Lý

lythaito

Nhà Lý (1010-1225)

  • Lý Thái Tổ 0110-1028
  • Lý Thái Tông 1028-1054
  • Lý Thánh Tông 1054-1072
  • Lý Nhân Tông 1072-1127
  • Lý Thần Tông 1127-1138
  • Lý Anh Tông 1138-1175
  • Lý Cao Tông 1176-1210
  • Lý Huệ Tông 1211-1225
  • Lý Chiêu Hoàng 1225

I. Lý Bát Đế

Năm 1009, sau khi Lê Long Đĩnh chết, Triều đình tôn Lý Công Uẩn, một người có uy tín và thế lực trong triều lên làm vua.

Lý Công Uẩn người làng Cổ Pháp (Tiên Sơn, Hà Bắc) không có cha, mẹ họ Phạm. Thời niên thiếu của Lý Công Uẩn trải qua trong môi trường Phật giáo. Năm lên ba, Lý Công Uẩn làm con nuôi cho nhà sư Lý Khánh Vân (vì thế ông mang họ Lý). Sau đó ông lại là đệ tử của Sư Vạn Hạnh và ở hẳn trong chùa Lục Tổ (còn gọi là chùa Cổ Pháp)

Lớn lên, Lý Công Uẩn được giữ một chức nhỏ trong đội cấm quân của vua Lê Đại Hành. Ông nổi tiếng là người liêm khiết và được giới Phật giáo ủng hộ. Năm 1005, sau khi Lê Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi, Thái tử Long Việt lên ngôi chỉ mới ba ngày thì bị Lê Long Đĩnh giết. Lý Công Uẩn không ngại ngần, ôm xác người vua mới mà khóc. Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn làm Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, thống lĩnh toàn thể quân túc vệ.

Lê Long Đĩnh chết vào năm 1009 sau một thời gian trị vì tàn bạo. Lúc bấy giờ giới Phật giáo với các vị cao tăng danh tiếng như sư Vạn Hạnh đang có uy tín trong xã hội và trong triều đình. Họ cùng quan đại thần là Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên làm vua.

Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, lập nên nhà Lý. Nhà Lý truyền được tám đời nên sử sách thường gọi là Lý Bát Đế (không kể đời Lý Chiêu Hoàng)

Lý Thái Tổ là một vị vua hiền từ, rất lo cho dân. Vua ở ngôi được 19 năm, mất vào năm 1028. Việc tang lễ chưa kịp hoàn tất thì các hoàng tử tranh nhau ngôi vua dù Lý Phật Mã đã được lập làm Thái tử từ lâu. Nhờ sự giúp sức đầy dũng mãnh của Lê Phụng Hiểu mà Lý Phật Mã được lên ngôi, lấy hiệu là Lý Thái Tông. Các hoàng tử đã từng tranh ngôi với Lý Phật Mã xin về chịu tội, với tinh thần từ bi hỉ xả của đạo Phật, nhà vua tha tội và phục chức cho họ lại như cũ.

Lý Thái Tông cũng là một vị vua nhân từ. Nhà vua thường tha thuế cho dân chúng mỗi khi trong nước gặp nạn mất mùa hoặc vừa có chiến tranh. Ngay đối với kẻ làm nội loạn, nhà vua cũng dùng chữ nhân để đối xử. Như trường hợp Nùng Trí Cao, sau khi nổi lên cát cứ, bị bắt, vua Thái Tông không những tha tội làm loạn mà còn phong tước cho nữa. Vua Lý Thái Tông làm vua được 27 năm thì mất.

Lý Thánh Tông lên ngôi vào năm 1054 và cũng trong năm ấy nhà vua đặt quốc hiệu là Đại Việt. Lý Thánh Tông nổi tiếng nhân từ, yêu dân như yêu con. Nhà vua còn thương đến cả những người bị tù tội, cấp cho họ chăn chiếu để đắp, cho cơm ăn ngày hai bữa. Vì thế, dưới triều này, trong nước ít có nội loạn, cuộc sống tương đối thanh bình. Nguyên phi của vua là bà ỷ Lan, nổi tiếng giỏi việc trị nước thay vua khi vua bận đi đánh Champa. Bấy giờ, cương vực của Đại Việt có thêm phần đất Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay.

Vua Thánh Tông mất vào năm 1072, Thái Tử Càn Đức, là con của vua Lý Thánh Tông cùng bà ỷ Lan, mới 7 tuổi, lên làm vua, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Quan Thái sư là Lý Đạo Thành làm phụ chính. Đặc biệt dưới triều Lý Nhân Tông có cuộc phá Tống của Lý Thường Kiệt.

Lý Nhân Tông mất năm 1127, làm vua được 56 năm. Vì vua Nhân Tông không con nên đã lập con của người em lên làm thái tử. Đó là Lý Thần Tông, lúc ấy mới có 13 tuổi. Tuy vua nhỏ tuổi nhưng các quan đại thần hết lòng giúp đỡ, nên trong nước cũng được yên ổn, ít có loạn lạc. Lý Thần Tông chỉ làm vua được mười năm thì mất. Con là Lý Anh Tông mới ba tuổi đã làm vua, được Tô Hiến Thành phụ tá đắc lực nên việc triều chính vẫn ổn định.

Lý Cao Tông lên nối ngôi cha cũng chỉ có ba tuổi. Nhà Lý bắt đầu suy vong từ đây. Vào đầu triều Lý Cao Tông, Tô Hiến Thành còn làm phụ tá vài năm thì mất, triều thần vẫn còn giữ được nền nếp của các triều trước nên cũng tạm ổn. Nhưng khi lớn lên, Lý Cao Tông ham chơi bời, săn bắn, bê trễ việc nước lại thêm tiêu hoang phung phí, cho xây cung điện bắt dân chúng phải phục dịch. Quan lại thì nhũng nhiễu nên trong nước loạn lạc nổi lên như ong.

Những cuộc nổi loạn lớn nhất và có ảnh hưởng đến ngai vàng của họ Lý là loạn Phạm Du và loạn Quách Bốc.

Năm 1208, Phạm Du nổi lên làm loạn ở Nghệ An, vua sai quan phụng ngự là Phạm Bỉnh Gi đi đánh dẹp. Bỉnh Gi đánh đuổi được Phạm Du, tịch biên của cải và đốt phá cửa của Phạm Du. Phạm Du cho người về kinh đô, đem vàng bạc đút lót cho các quan lại để vu cho Bỉnh Gi tội giết người vô tội. Lý Cao Tông nghe lời, cho bắt Bỉnh Gi. Thuộc tướng của Bỉnh Gi là Quách Bốc nổi lên, tiến đánh đến tận kinh thành. Lý Cao Tông cho giết Bỉnh Gi rồi cùng gia quyến chạy trốn. Thái Tử Sam chạy đến nương náu tại nhà Trần Lý, trưởng họ một gia đình đánh cá giàu có và có thế lực ở làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định. Tại đây, thái tử Sam thấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung xinh đẹp nên cưới làm vợ. Gia đình họ Trần đem của cải ra mộ quân dẹp loạn và hộ tống được nhà vua về Thăng Long.

Về kinh được một năm thì vua mất, thái tử Sam lên nối ngôi, đó là Lý Huệ Tông, Trần Thị Dung làm hoàng hậu.

Từ đấy họ Trần uy thế nhất triều, hai người anh của hoàng hậu là Trần Thừa và Trần Tự Khánh cùng người em họ là Trần Thủ Độ giữ các chức vụ chủ chốt trong triều. Trần Thừa làm Nội thị phán thủ, Trần Tự Khánh làm Phụ chính, Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Quyền hành ở trong triều nằm cả trong tay của Trần Tự Khánh, khi Trần Tự Khánh chết rồi thì Trần Thủ Độ nắm quyền.

Lý Huệ Tông không có con trai, chỉ có hai người con gái cùng Trần Thị Dung. Công chúa Thuận Thiên, gả cho Trần Liễu, con trưởng của Trần Thừa. Người con gái thứ hai là Chiêu Thánh, rất được Lý Huệ Tông yêu mến và lập làm Thái tử. Năm 1224, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh và vào ở trong chùa Chân Giáo.

Dưới sự sắp đặt của Trần Thủ độ, Lý Chiêu Hoàng lấy con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh làm chồng và sau đó nhường ngôi cho Trần Cảnh, triều Lý chấm dứt, triều Trần thay thế. Một cuộc đảo chánh không đổ máu đã thành công.

II. Chính quyền Nhà Lý

Sau khi lên làm vua, Lý Thái Tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp nên cho dời đô về Đại La (1010) và đổi tên Đại La thành Thăng Long (Hà Nội). Thăng Long bấy giờ nằm vào vị trí trung tâm của đất nước, là nơi hội tụ của đường bộ, đường sông. Theo quan niệm của người xưa, Thăng Long có "được cái thế rồng cuộn hổ ngồi; vị trí ở giữa bốn phương Đông Tây Nam Bắc; tiện hình thế núi rừng sau trước... Xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời" (Chiếu dời đô).

Thời nhà Lý, các hoàng tử đều được nhà vua phong tước vương và đều có bổn phận đi đánh dẹp các cuộc nội loạn, nên ai cũng giỏi việc quân sự. Các công chúa thì được phân công trông coi việc trưng thu các thứ thuế. Số hậu phi và cung nữ được định rõ ràng dưới triều vua Lý Thánh Tông: hoàng hậu và phi 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ 100 người.

Cơ cấu hành chính trong nước được vua Lý Thái Tổ cải tổ. Toàn quốc được chia ra làm 24 lộ, phủ do quan lại cai trị. Dưới lộ, phủ là huyện và hương. Làng xã tự bầu người quản lý và có bổn phận đóng thuế cho Nhà nước.

Bộ luật đầu tiên của nước ta được viết ra dưới triều Lý Thái Tông (1042). Đó là bộ Hình thư, nhưng hiện nay văn bản của bộ luật này đã thất truyền. Các sách sử chỉ ghi lại rằng nhà vua định các bậc hình phạt, các cách tra hỏi và cho phép những người già hoặc vị thành niên được lấy tiền mà chuộc tội khi phạm phải tội nặng. Có điều lệ cấm không cho mua bán hoàng nam (tức là đàn ông từ 18 tuổi trở lên) làm nô tì và cấm mổ trâu bò ăn thịt

Thuế được định ra sáu loại:

  • Thuế ruộng, đầm, ao
  • Thuế đất trồng dâu và bãi phù sa
  • Thuế sản vật ở núi
  • Thuế mắm muối đi qua ải quan
  • Thuế sản vật quý như sừng tê, ngà voi hương trầm
  • Thuế tre, gỗ, hoa, quả.

Quân đội nhà Lý được tổ chức có quy mô. Dưới đời Lý Thánh Tông, tổ chức quân đội được chia làm bốn lộ là tả, hữu, tiền, hậu. Tất cả gồm có 100 đội, mỗi đội có lính kỵ và lính bắn đá. Binh pháp nhà Lý rất nổi tiếng, nhà Tống bên Trung Hoa đã từng bắt chước, áp dụng binh pháp này cho quân đội của mình. Đến thời Lý Thần Tông có một ít thay đổi trong cơ chế quân đội. Quân lính được sáu tháng một lần đổi phiên nhau về làm ruộng. Nhờ thế, nhân lực cho nền nông nghiệp vẫn được bảo đảm.

III. Phát triển kinh tế

1. Nông nghiệp

Đại bộ phận ruộng đất trong nước là ruộng đất của công xã. Công xã có được uy quyền tự trị rộng rãi. Ruộng đất của công xã nào là do công xã ấy quản lý. Tuy thế, nhà vua vẫn có quyền sở hữu tối cao tên ruộng đất, nên nông dân cày ruộng công xã vẫn phải nộp tô thuế, lao dịch và đi lính cho nhà vua. Mức thuế được định là 100 thăng mỗi mẫu.

Ngoài ra còn có ruộng cấp cho quý tộc quan lại có công và được gọi là thác đao điền (ruộng ném đao, từ sự tích Lê Phụng Hiểu). Từ đó hình thành thái ấp của một số quý tộc và quan lại cao cấp. Nông dân trong thái ấp không có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước mà chỉ đóng cho chủ thái ấp. Chủ thái ấp đóng thuế cho nhà nước tương đương với mức thuế của ruộng đất công xã.

Nhà nước có ruộng riêng của nhà nước gọi là ruộng quốc khố, người cày ruộng là tù binh hay phạm nhân. Tô thuế ruộng quốc khố nặng hơn so với các loại ruộng trên.

Nhà Lý coi trọng nghề nông và đề ra nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp. Sức lao động và sức kéo được bảo vệ. Quân lính thay phiên nhau làm ruộng, những người đi phiêu bạt được trở về quê hương nhận ruộng cày cấy. Trâu bò được bảo vệ. Không những việc trộm trâu bị trừng phạt nặng mà ngay cả việc giết trâu sở hữu của mình cũng bị ngăn cấm. Nhà nước quy định cứ ba nhà hợp thành một "bảo" để kiểm soát lẫn nhau và cùng liên đới chịu trách nhiệm về tội giết trâu bò.

Vấn đề thủy lợi được tiến hành với qui mô lớn. Đê Cơ Xá được đắp vào triều Lý Nhân Tông đã giúp chống được lụt của sông Hồng. Nông nghiệp dưới thời nhà Lý nhờ vậy đã được phát triển và nuôi được dân chúng.

2. Thủ công nghiệp

Nghề dệt đã phát triển đáng kể, sản xuất đủ loại từ gấm đoạn, lụa cho đến vải sợi. Năm 1040, Lý Thái Tông quyết định dùng gấm vóc trong nước để may lễ phục cho vua quan mà không phải mua gấm vóc của nước ngoài nữa.

Nghề gốm tiến một bước khá dài và đạt được trình độ cao về sản xuất cũng như về nghệ thuật. Ngói gạch được sản xuất đầy đủ để phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa cùng lâu đài, cung điện. Có loại ngói tráng men, ngói bằng sứ trắng, gạch cỡ lớn có trang trí hoa văn và có khắc niên hiệu nhà Lý. Các đồ dùng bằng sành sứ được chế tạo tinh xảo với các lớp men nâu, men ngọc, men trắng ngà cùng những hoa văn trang nhã hoặc khắc chìm, nổi rất công phu.

Nghề khắc bản in đã xuất hiện, chủ yếu dùng để in các kinh Phật.

Giao thông và buôn bán cũng được phát triển. Các con đường giao thông thủy bộ được mở mang. Từ Thăng Long có những con đường thủy đi đến tận biên giới phía Bắc và phía Nam. Dọc các đường bộ quan trọng có nhà trạm và các ụ đất cắm biển gỗ ở trên để chỉ phương hướng.

Việc buôn bán với nước ngoài rất phát triển. Cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) là nơi tàu thuyền nước ngoài tấp nập đến trao đổi.

IV. Phát triển văn hóa - xã hội

Nho giáo:

Nhà Lý bắt đầu chăm lo việc mở mang học tập và thi cử để tuyển lựa nhân tài ra làm quan. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho dựng Văn miếu (thờ Khổng Tử, Chu Tử và 72 vị tiền hiền) và mở Quốc Tử Giám. Nền đại học Việt Nam bắt đầu từ đấy. Năm 1075 triều đình mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài. Đây là khoa thi tam trường gồm có đủ Phật, Lão, Nho. Vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta là Lê Văn Thịnh đậu ở khoa thi này.

Tầng lớp nho sĩ thấm nhuần ý thức Nho giáo bắt đầu xuất hiện. Trước đây tầng lớp có học trong xã hội hầu hết là các nhà sư. Từ đời Lý, Nho giáo bắt đầu có địa vị trong xã hội. Tuy thế, chế độ giáo dục và thi cử theo tinh thần Nho giáo cũng chỉ mới bắt đầu. Số nho sĩ được tạo ra hãy còn quá ít, Phật giáo vẫn chiếm ưu thế và các nhà sư vẫn giữ vai trò quan trọng trong xã hội.

Phật giáo:

Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong quần chúng và có dấu ấn lên mọi sinh hoạt văn hóa. Nhà vua và tầng lớp quý tộc rất tôn sùng đạo Phật. Tất cả tám đời vua nhà Lý, vua nào cũng sùng tín đạo phật. Lý Thái Tổ bản thân là con nuôi của sư Lý Khánh Vân và từng được nuôi dạy trong chùa từ nhỏ. Đó là vị vua Phật tử đầu tiên của Việt Nam. Còn vua Lý Thái Tông là Tổ thứ bảy của phái thiền Vô Ngôn Thông, Lý Thánh Tông là Tổ thứ hai của phái thiền Thảo Đường.

Phái thiền Thảo Đường là phái thiền thứ ba được thành lập tại Việt Nam vào năm 1068. Việc hiện diện của vị thiền sư này tại đất Đại Cổ Việt là một sự tình cờ. Thảo Đường vốn người Trung Hoa đang hành đạo tại Champa, thì vào năm 1069 bị quân Đại Việt bắt trong chuyến vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt. Ông bị đưa về Thăng Long. Tại đây, ông giúp việc cho một vị tăng lục và bộc lộ ra kiến thức thiền học của mình. Vua biết đến, vời ông làm quốc sư và cho ông trụ trì tại chùa Khai Quốc ở Thăng Long. Phái thiền này truyền sáu thế hệ. Kể cả thiền sư Thảo Điền, có tất cả 19 thiền sư. Lý Thánh Tông là vị Tổ thứ hai, Lý Anh Tông thuộc thế hệ thứ tư, Lý Cao Tông thuộc thế hệ thứ sáu.

Hệ thống tăng già (sangha) được duy trì, quốc sư có vai trò như người cố vấn tối cao. Nhà vua cho các nhà sư được bận lễ phục riêng của họ. Quý tộc, quan lại thi nhau cúng tiền bạc cho nhà chùa. Các nhà sư được cấp phát bằng, được miễn thuế và lao dịch cùng đi lính. Chùa chiền mọc lên khắp nơi, không năm nào mà không có xây chùa mới, triều đình lại miễn thuế cho dân chúng. Năm 1018, Lý Thái Tổ cho người đi thỉnh kinh Tam Tạng (Tripitaka) về sao lại và cất vào kho Đại Hưng.

Vua Lý Thái Tông cho xây ngôi chùa Một Cột. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng không phải vì tính chất kỹ thuật mà vì tính nghệ thuật của nó.

Kiến trúc

Phát triển mạnh dưới thời nhà Lý và chịu ảnh hưởng của Phật giáo rất sâu đậm. Cung điện, lâu đài, thành quách và chùa tháp được xây dựng với qui mô lớn. Thành Thăng Long là một công trình xây dựng lớn trong các triều đại phong kiến. Thành gồm hai vòng dài khoảng 25 km. Trong hoàng thành có những cung điện cao đến bốn tầng. Việc xây dựng các chùa tháp rất được coi trọng. Năm 1031 Lý Thái Tông cho xây 950 ngôi chùa. Năm 1056, Lý Thánh Tông lập chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên, phải dùng 11 ngàn cân đồng để đúc chuông chùa, năm sau lại dựng Tư Thiên Bảo tháp trước chùa Báo Thiên, cao vài chục trượng (khoảng 50-60m) và có 30 tầng. Ngoài ra còn có nhiều chùa tháp khác cũng đồ sộ và huy hoàng không kém.

Điêu khắc

Ñieâu khaéc ñời Lý độc đáo, chủ yếu trên gốm và trên đá. Đề tài thường là thiên nhiên như mây, nước, hoa sen, hoa cúc và đặc biệt là hình tượng con rồng với nhiều nếp cong mềm mại tượng trưng cho nguồn nước, niềm mơ ước của cư dân trồng lúa.

Hình tượng con rồng của triều đại này không lẫn được với các triều đại khác. Những hình điêu khắc ở chùa Phật Tích cho ta thấy rằng nghệ thuật điêu khắc thời Lý không những tiếp thu nghệ thuật Trung Hoa mà còn của Champa nữa: Nhạc công và vũ nữ, hình tượng thần điều Garuda.

 

Ca hát nhảy múa

là những sinh hoạt phổ cập trong dân chúng. Hát ả đào đã xuất hiện. Cảnh vũ nữ múa dân hoa hay vũ công vừa múa vừa sử dụng nhạc cụ được khắc trên các phù điêu. Đua thuyền, múa rối nước là sinh hoạt lễ hội không thể thiếu được trong cuộc sống văn hóa của người dân đời Lý.

Ta có thể nói đời Lý là một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hóa dân tộc.

V. Nhân vật tiêu biểu

Ngoài những ông vua lỗi lạc của nhà Lý như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, nước Việt thời Lý còn có những nhân vật nổi tiếng như Lê Phụng Hiểu, Lý Đạo Thành, Lê Văn Thịnh... đặc biệt có Lý Thường Kiệt, một nhà quân sự tài ba và ỷ Lan Nguyên phi, một người phụ nữ đã phát huy được khả năng trong việc cai trị đất nước.

Lan nguyên phi

YÛ Lan quê ở làng Thổ Lỗi (Thuận Thành, Hà Bắc). Năm 1062 vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà không có con nên thường đi các nơi để cầu tự. Một hôm vua qua làng Thổ Lỗi, trong khi mọi người đổ ra đường xem xa giá thì bà đang hái dâu, chỉ đứng dựa cây lan mà nhìn. Vua thấy thế làm lạ, cho gọi đến để hỏi. Thấy bà xinh đẹp, đối đáp dịu dàng lại thông minh sắc sảo, vua đưa về cung và phong làm ỷ Lan phu nhân. Năm 1066 bà sinh Thái tử Càn Đức và được phong là Nguyên phi.

Lúc bấy giờ giữa Đại Việt và Champa đang xảy ra chiến tranh biên giới. Vua Lý Thánh Tông phải thân chinh đi đánh (1069). Vua giao cho bà quyền giám quốc. Sau nhiều trận không thành công, Lý Thánh Tông rút quân về nước. Trên đường về kinh đô, nghe báo là bà ỷ Lan thay vua trị nước được yên vui, Thánh Tông nghĩ: "Người đàn bà trị nước còn được như thế, ta đi đánh Chiêm Thành không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm à! Vua đem quân trở lại và lần này chiến thắng.

Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức mới bảy tuổi lên nối ngôi. Bà được phong làm Thái phi. Có tài liệu ghi rằng lúc bấy giờ Thái hậu họ Dương buông rèm lo việc triều chính. ỷ Lan lên làm Hoàng Thái Hậu (tức Linh Nhân Thái Hậu) giúp vua trị nước. Trước họa nhà Tống lăm le xâm lăng Đại Việt, bà đã nghe theo lời Lý Thường Kiệt gọi Lý Đạo Thành trở lại giữ chức Thái phó Bình Chương quân quốc trọng sự để lo việc triều chính. Đây là lúc triều đình nhà Lý tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống. Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh sang tận Ung Châu, Liêm Châu, năm sau chận đứng quân xâm lăng ở sông Như Nguyệt buộc chúng phải rút về nước. Trong việc trị nước, Thái hậu coi trọng việc phát triển nông nghiệp, bảo vệ trâu bò dùng làm sức kéo. Thương những phụ nữ nghèo khổ phải đem thân thế nợ, không thể lập gia đình, bà cho xuất tiền chuộc họ và tìm người gả chồng cho. Thái hậu cũng chú ý mở mang đạo Phật. Tương truyền bà đã cho xây dựng đến 100 ngôi chùa để mong chuộc lại lỗi đã bức tử Dương Thái Hậu cùng các cung nữ trước kia.

Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt vốn tên là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, quê ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Từ nhỏ ông đã ham chuộng cả văn lẫn võ, thích đọc sách và tập luyện võ nghệ. Năm 20 tuổi, ông được bổ làm một chức quan nhỏ trong đội kỵ binh. Sau theo lời khuyên của vua Lý Thái Tông, ông tự hoạn để vào làm quan trong cung. Ông được thăng dần lên đến chức Đô tri nội thị sảnh, trông coi mọi việc trong cung vua. Đến năm 1069, ông được cử làm Đại tướng theo vua Lý Thánh Tông tiến công Champa. Lý Thường Kiệt bắt được Chế Củ trong dịp này khi tiến quân đến tận biên giới Chân Lạp (vùng Phan Rang, Phan Thiết ngày nay). Chiến thắng trở về, ông được phong làm Phụ quốc Thái phó, tước Khai quốc công và được vua Lý nhận làm con nuôi, vì thế ông đổi sang họ Lý và có tên là Lý Thường Kiệt.

Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức (7 tuổi, con của ỷ Lan Nguyên phi) lên nối ngôi, tức là Lý Nhân Tông, Thái hậu Thượng Dương cùng Thái sư Lý Đạo Thành là phụ chính nhưng Lý Thường Kiệt giúp ỷ Lan (đã trở thành Linh Nhân Thái hậu) truất quyền phụ chính của Thái hậu Thượng Dương, giáng Lý Đạo Thành xuống làm Tả gián nghị Đại phu và đổi đi trấn nhậm ở Nghệ An. ỷ Lan lên làm Phụ chính còn Lý Thường Kiệt làm Tể tướng.

Lúc bấy giờ ở Trung Quốc, nhà Tống đang gặp khó khăn về mọi mặt. Tể tưởng của nhà Tống là Vương An Thạch đưa ra Tân pháp để giải quyết những bế tắc của Trung Quốc. Một trong những biện pháp của Tân pháp Vương An Thạch là phải tạo nên uy danh cho nhà Tống bằng cách bành trướng xuống phía Nam, xâm lăng Đại Việt. Do vậy nhà Tống cho tích trữ lương thảo, quân dụng tại các thành Ung Châu (Quảng Tây), Khâm Châu và Liêm Châu (Quảng Đông) để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng. Trước tình thế đó Lý Thường Kiệt chủ trương như sau: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc". Trước hết để củng cố nội bộ, ông đề nghị cùng ỷ Lan mời Lý Đạo Thành về lại triều đình giữ chức Thái phó trông coi việc triều chính. Trước họa nước, Lý Đạo Thành hợp lực cùng Lý Thường Kiệt tích cực chuẩn bị việc đối phó.

Cuối năm 1075, Lý Thường Kiệt đem 10 vạn quân tiến sang đất Tống đánh vào Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu. Sau 42 ngày vây hãm quân Việt chiếm được thành Ung Châu. Sau khi phá hủy phần lớn căn cứ hậu cần của quân Tống, tháng 4.1076, Lý Thường Kiệt cho rút quân về. Cuối năm ấy, nhà Tống cử tướng Quách Quỳ đem 30 vạn quân theo hai đường thủy bộ sang xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt cho lập phòng tuyến kiên cố dọc theo sông Như Nguyệt để chặn địch. Đồng thời ông cũng cho quân đón đánh thủy binh địch và đã ngăn được hai cánh quân thủy bộ của địch phối hợp với nhau. Trên phòng tuyến Như Nguyệt, chiến trận diễn ra ác liệt. Để cổ vũ quân sĩ, ông làm nên bài thơ và cho người đêm khuya vào đền thờ Trương Hát ở bờ Nam sông Như Nguyệt giả thần nhân đọc vang lên:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam vua Nam
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)

Nhờ thế tinh thần quân sĩ thêm hăng hái. Sau hơn ba tháng đánh không thắng lực lượng bộ binh, không thể sang sông vì thiếu thủy binh hỗ trợ, quân Tống bị chết mất quá nửa lại thêm bệnh tật đe dọa, Quách Quỳ lâm vào thế quẫn bách. Lý Thường Kiệt chủ động đề nghị hòa để mở lối thoát cho quân địch nhằm sớm chấm dứt chiến tranh. Đến tháng ba năm 1077 Quách Quỳ rút quân về nước. Từ đấy quân Tống từ bỏ ý định xâm lược Đại Việt.

VI. Di sản văn hóa tiêu biểu

Nhà Lý để lại nhiều công trình kiến trúc có tính chất Phật giáo như tháp Báo Thiên (Hà Nội) cao vài mươi trượng (trên 60m), tháp Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi) cao 13 tầng... Đặc biệt có chùa Một Cột, tuy không cao lớn, đồ sộ nhưng lại thanh thoát nhẹ nhàng, biểu trưng chiều sâu văn hóa. Để tưởng nhớ triều Lý, người đời sau có xây Đền Đô (còn gọi là đền Lý Bát Đế) tại đất phát tích của nhà Lý. Đền Đô, tuy không được xây dựng vào thời nhà Lý, nhưng vẫn mang những đường nét của thời ấy với hình tượng những con rồng, hoa sen, lá sen... Ngoài ra, nhà Lý còn truyền lại nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo như múa khiên, đánh cầu và đặc biệt là múa rối nước.

1. Chùa Một Cột

Chùa được xây dựng vào năm 1049. Chùa có tên là Diên Hựu, nghĩa là phúc lành dài lâu. Tục truyền rằng một đêm vua Lý Thái Tông nằm một thấy Phật Bà Quan Âm dẫn đi thăm một tòa sen. Vua đem giấc mộng kể lại cho bá quan văn võ nghe. Triều thần cho là điềm gỡ, khuyên vua nên xây một ngôi chùa để cầu phúc.

Chùa có hình dáng như một hoa sen mọc trên nước. Tòan bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá cao chừng 20m. Các cột gỗ đỡ mái được bố trí uốn lượn chồng chéo tạo nên đường nét của cánh sen. Bên dưới là ao vuông tượng trưng cho đất. Chung quanh là cây cối xum xuê. Tổng thể khu kiến trúc tạo nên được không khí thanh tịnh của chữ Thiền.

Chùa Một Cột ngày nay có quy mô nhỏ hơn chùa nguyên thủy vì bị tàn phá và trùng tu lại nhiều lần, nhưng vẫn còn mang dán dấp độc đáo của ngôi chùa Diên Hựu xưa.

2. Đền Lý Bát Đế

Làng Cổ Pháp xưa, nay thuộc làng Đình Bảng (huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc), quê hương của Lý Thái Tổ, là nơi hội tụ nhiều kiến trúc cổ. Trong đó có đền Lý Bát Đế thờ tám vị vua của triều Lý. Đền còn gọi là đền Đô vì do Đô nguyên soái Vũ Kỳ Sỹ xây nên vào năm 1600-1602.

Từ khi được xây vào thế kỷ XVII, đền trải qua nhiều thời kỳ bị hư hao nặng. Và đến năm 1952 đền lại bị quân Pháp phá hoại để truy kích du kích Đình Bảng. Vào năm 1989, để kỷ niệm 980 năm lên ngôi của Lý Thái Tổ, đền được trùng tu lại y như cũ. Vì thế, do qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện nay không tượng trưng được hoàn toàn cho nghệ thuật kiến trúc thời Lý, tuy nhiên, đây là nơi cổ kính mang dáng dấp triều Lý, một triều đại đã đặt nền móng vững chắc cho văn hóa dân tộc.

Trước khi bước vào đền là hồ bán nguyệt và thủy đình, nơi đây hàng năm, vào dịp hội đền Đô tháng ba âm lịch vẫn thường được tổ chức biểu diễn múa rối nước. Cổng tam quan có năm cửa rộng. Sân rộng có lát đá để đi đến nhà tiền tế và điện thờ trung tâm. Có hai con voi lớn bằng vôi vữa phủ phục chầu tại đây. Có nhà văn chỉ, võ chỉ, nhà hiệu, nhà để kiệu, nhà chủ tế. Hình tượng con rồng uốn lượn, ẩn trong mây, trong lá sen được trang trí trên gỗ hay trên đá gợi nhớ đến thời Đại La trở thành Thăng Long.

Hàng năm hội đền được tổ chức trọng thể từ ngày 14 đến ngày 16 tháng ba âm lịch. Các nghi thức của hội này gồm có lễ dâng hương, lễ tế "hiến sinh" và lễ rước. Lễ hiến sinh được cử hành trong cả ba ngày lễ. Vật tế là một con trâu thui. Lệ tế trâu thui xuất phát từ việc vua Lý Thần Tông đền ơn cho sự Minh Không. Nguyên vua Lý Thần Tông bị bệnh mọc lông đầy người, trông giống hổ. Nhà sư Minh Không trị được cho vua. Vì thế, khi ông mất, vua phá lệ cấm giết trâu, cho phép giết một con trâu để tế cho ông. Lễ rước thì được tiến hành từ đền Lý Bát Đế đến chùa Cổ Pháp. Số kiệu được rước là tám chiếc, tượng trưng cho tám ông vua của triều Lý. Sau đó là các trò chơi như đấu vật, đu dây, chọi gà, cờ người. Những trò chơi này tượng trưng cho sự đấu trí, thi tài chiến lược của các chinh nhân thời Lý.

Trong số con cháu nhà Lý còn sót lại, đặc biệt có hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc. Nguyên vào năm 1226, sau khi nhà Trần lật đổ nhà Lý, Hoàng tử Lý Long Tường, con thứ hai của vua Lý Anh Tông, em của vua Lý Cao Tông, cùng thuộc hạ vượt biển chạy trốn, bị bão đánh dạt vào lãnh thổ Cao Ly (Hàn Quốc ngày nay). Tại đây Hoàng tử đã có công giúp nước Cao Ly chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1253 và được vua Cao Ly ưu đãi, phong tước là Hoa Sơn Tướng Quân, ngoài ra còn cấp cho thái ấp 30 lý, nhân khẩu 20 hộ. Con cháu của ông cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các vương triều Cao Ly, Triều Tiên. Hiện nay hậu duệ của Hoàng tử gồm có chừng 200 gia đình, đang sinh sống tại Thủ đô Seoul và Youdo-dong và đã truyền đến đời thứ 31. Họ vẫn giữ được gia phả của mình và luôn luôn hướng về đất quê Tổ.

Lý Xương Căn, người cháu thứ 26 của Hoàng tử đã trở về quê hương và đã đến đền Đô thắp hương tưởng nhớ đến Tổ tiên oanh liệt của mình (1994). Một hội thảo khoa học với đề tài: "Lễ hội kỷ niệm Hoàng tử Long Tường" được "Hiệp hội Hợp tác phát triển Văn hóa Kinh tế Hàn-Việt" tổ chức từ 17 đến 22 tháng 10 năm 1994 tại hai địa điểm Seoul và trấn Hoa Sơn (tỉnh Hoàng Hải) có sự tham gia của nhiều nhà sử học Việt Nam và Hàn Quốc. Ngoài ra, một cuộc hành trình của các đại biểu dòng họ về viếng đất Tổ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ lên ngôi vào tháng ba (âm lịch) năm 1995. Ngày 13.4.1995 cuộc hành hương bắt đầu bằng một buổi lễ diễu hành dọc đường Lý Thái Tổ ở Hà Nội. Ngày hôm sau, cả đoàn đến đền Đô dự lễ hội. Cuộc trở về của di duệ họ Lý ở Hàn Quốc càng thắt chặt mối quan hệ giao lưu giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.

3. Múa rối nước

Vào thời Lý, các loại hình văn nghệ đã trở nên đa dạng. Lý Thái Tổ có đặt chức "quan giáp" để trông coi người ca múa. Lý Nhân Tông cho xây nhà múa (vũ định). Các trò tiêu khiển như múa khiên, đánh cầu rất phổ biến trong giới quý tộc cũng như trong dân gian. Múa rối nước, một nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam, đã được phôi thai từ trước thời nhà Lý tại đồng bằng sông Hồng. Dưới thời nhà Lý, thể loại nghệ thuật này trở nên tinh xảo và từ đó truyền đến bây giờ. Có tài liệu xác định năm 1121 là mốc mà múa rối nước trở thành một nghệ thuật phổ biến. Đó là bia đá Sùng Thiện Diên Linh (chùa Chọi, Duy Tiên, Nam Hà), ghi lại việc diễn rối nước như một nghi lễ mang tính nghệ thuật để mừng thọ nhà vua. Hiện nay, ở trước cửa chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây), trên hồ Long Trì, còn lại một di tích gần như nguyên vẹn của một sân khấu rối nước được xây cất từ thời Lê.

Múa rối nước là một nghệ thuật biểu diễn bằng con rối trên mặt nước, kết hợp một cách kỳ ảo hai yếu tố rối và nước. Sân khấu của rối nước là ao, hồ của làng mạc thôn quê. Khán đài là bãi cỏ quanh đấy. Rất thuận tiện cho dân chúng đến thưởng lãm.

Trên nước là một tòa thủy đình hai tầng, tầng trên dùng để thờ Tổ, tầng dưới là hậu trường có mành che. Khác với các loại hình biểu diễn khác, nghệ nhân của trò múa rối nước không xuất hiện trên sân khấu. Họ đứng trong nước, núp sau bức mành tre, điều khiển các con rối bằng một hệ thống que, dây phức tạp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật, nghệ thuật tinh xảo.

Các con rối được làm bằng gỗ, thường là gỗ sung, vì gỗ sung nhẹ, nổi trên nước được. Rối cao không quá 50cm và được điêu khắc một cách tinh xảo. Chúng được sơn phết lộng lẫy bằng sơn ta để không bị đổi màu khi xuống nước và không thấm nước. Mỗi con rối là một tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân. Họ phải nghiên cứu kịch bản, phác ra trên giấy một hình tượng rối với đủ tính chất, thần sắc cùng vóc dáng, trang phục phù hợp với nhân vật, sau đó mới đến giai đoạn đục khắc trên gỗ. Gỗ sung phải có số tuổi từ 4 đến 5 năm mới thích hợp, vì nếu gỗ non quá thì dễ bị mục. Do nước hủy hoại, các con rối chỉ được sử dụng nhiều lắm là 100 buổi diễn. Hình tượng các con rối thường là những con người, con vật quen thuộc của cuộc sống Việt Nam như nông dân, ông câu, con cá, ếch, nhái, rùa...

Trước đây, múa rối nước biểu diễn không lời, chỉ dùng động tác để diễn tả. Về sau, múa rối trở nên phong phú hơn, không những có lời mà còn được tăng cường thêm nhạc và cả pháo bông nữa. Mở đầu buổi diễn thường có trò bật cờ. Sau hồi chiêng trống inh ỏi pháo nổ dòn tan, từng chiếc cờ sặc sỡ đột nhiên từ dưới nước phóng lên, tạo nên một bầu không khí háo hức. Sau đó là các màn diễn. Nội dung của các vỡ diễn là những câu chuyện thần tiên hay chuyện đời thường ý nhị. Các con rối xuất hiện bất ngờ thoắt ẩn, thoắn trên làn nước lung linh, rất thần diệu. Đó là cảnh đôi rồng vàng uống lượn, nhảy vờn, miệng phu nước, bỗng nhiên lặn xuống, biến mất, rồi bất chợt phóng lên, phun đầy lửa khói. Hoặc có khi là cảnh nông dân, trâu cày lội chìm trong nước. Trẻ con bơi lội, nô đùa, ếch nhái nhảy tung tăng. Một chú chồn bắt được vịt con, phóng tuốt lên cao. Có chàng nơm cá. Cả đàn cá con nối đuôi theo cá mẹ, thế mà chàng chài không nơm được, lại chộp trúng vào một cô thôn nữ đang bì bõm lội. Hoặc đấy là cảnh hai đô vật đang tranh tài. Họ xông vào nhau, ôm ghì lấy nhau, lừa miếng, đẩy, chống, thiện nghệ chẳng khác gì đô vật thật. Đặc biệt, rối nước có nhân vật chú Tễu, một chàng trai có thân hình lực lưỡng, nét mặt vui tươi, chuyên đóng vai hề như trong hát chèo. Ngoài ra còn có các vỡ diễn có nội dung là những truyện cổ Việt Nam như "Tấm Cám", "Thạch Sanh".

Múa rối nước thường được biểu diễn tại các lễ hội, như hội Gióng Phù Đổng, hội chùa Thầy, hội chùa Trăm Gian... Đặc biệt làng Nguyễn ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là có truyền thống, còn sáng tác thêm các vở hiện đại như "Bình dân học vụ", "Chiến thắng sông Lô".

Múa rối nước là sản phẩm tinh thần độc đáo của cư dân lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện nay múa rối nước đã phát triển khắp nước và càng khẳng định giá trị nghệ thuật của mình. Múa rối nước không những chỉ chinh phục lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam mà còn của thế giới nữa. Các cuộc lưu diễn nước ngoài đã giới thiệu thành công thể loại văn hóa tuyệt diệu này, làm thành một nhịp cầu giao lưu giữa Việt Nam và các nước bạn.

4. Hình tượng con rồng Việt Nam

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Rồng là hình ảnh mà các vua Việt Nam phải xăm lên đùi mình để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi của các vua. Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng". Vì thế, hình tượng con rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.

Hình tượng rồng đã được hình dung lên từ thời đại Hùng Vương qua con vật thân dài có vẩy như cá sấu được chạm trên các đồ đồng thời ấy.

Qua thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh "rồng bay lên" Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đem đặt cho đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân có vẩy và lưng có vây. Thân rồng uống cong nhiều vòng uyển chuyển theo hình "Omega", mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa, vì thế được gọi là mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ "S", cổ tự của chữ "lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa.

Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng thời Trần không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nguồn nước nữa. Dạng tự chữ "S" dần dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vẩy như những nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.

Rồng thời Lê (thế kỷ XV) thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài rắn uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), qui (con rùa - tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).

Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi.

Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ... Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vậy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.

Hiện nay hình tượng con rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật... Trong mọi thời điểm nào, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt.

 

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 28
Trong ngày: 788
Trong tuần: 5225
Lượt truy cập: 1358289

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy