THUYẾT MINH VỀ CHÙA CẦU HỘI AN

Một công trình mang tính biểu tượng của Phố Cổ, đây chính là Chùa Cầu Hội An. Trước khi chúng ta tìm hiểu về công trình này, cùng nhau điểm lại một số thông tin về lịch sử Phố Cổ.

chua_cau_1

Theo các thư tịch và tư liệu cổ, Phố Cổ được hình thành từ những năm cuối thế kỷ 15 và trong suốt thế kỷ 16, 17, 18 Hội An là một phố cảng. Các thương nhân nước ngoài như Anh, Pháp, Ân, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật Bản... đều cập bến tại đây để mua bán, giao thương. Nhưng đến nửa sau thế kỷ 19, do vị trí địa lý tự nhiên thay đổi, cửa sông, cửa biển hẹp lại, tàu buôn trọng tải lớn không vào được. Cảng mới dời ra cửa Hàn – Đà Nẵng. Và cộng thêm sự phát triển của đầu máy hơi nước, nên mặc dù Cảng Hàn kín gió nhưng tàu bè nhờ vào động cơ vẫn có thể cập bến được.

hoi_an_1

Những gì còn lại của Hội An hiện nay chỉ còn là mô hình đô thị thương cảng thôi. Ngày xưa, Hội An vừa là cảng sống vừa là cảng biển.

Từ đây ra cửa biển là 5km. Theo “Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn. Ông nói rằng “...Nhìn từ xa, cột buồm của những thuyền buôn như một rừng tên, con đường gốm sứ và con đường tơ lụa từ đây tỏa đi khắp thế giới. Không một món hàng nào mà ở đây không có”... Vậy ta có thể thấy Hội An xưa kia phát triển đến mức nào.

Và trong các quốc gia đến giao thương tại Hội An thì các chúa Nguyễn có phần ưu ái cho người Nhật và người Hoa. HDV cũng xin chia sẻ thêm là ngày trước, riêng các thuyền buôn từ Nhật Bản muốn qua buôn bán với Việt Nam, hoặc các quốc gia khác cũng khó khăn lắm.Vì thời đó nước Nhật rất ngại tạo quan hệ ngoại giao với nước ngoài thông qua con đường buôn bán, vì họ lo rằng thông qua việc buôn bán thì những bí mật về quân sự của đất nước sẽ rất dễ bị bại lộ. Nên những con thuyền mà được đi ra khỏi đất nước để đến nước ta buôn bán thì họ phải có một tờ giấy, trên đó ghi là “Từ Nhật Bản, chí (đến) Đông Kinh”, Đông Kinh là tên gọi từ năm 1430 tới năm 1831 của Hà Nội, thủ đô của nước ta hiện nay. Đông Kinh được phương Tây nói trại là Tonkin, dùng để chỉ cả Đàng Ngoài lúc đó. Thì tuỳ vào địa phương họ đến tên gì, thì tờ giấy thông hành sẽ ghi địa phương đó. Và cái giấy cho phép thuyền được ra khơi được gọi là Goshuinjo (Ngự chu ấn trạng). Còn con tàu có cấp giấy đó thì gọi là Shuinsen (Chu Châu ấn thuyền), vì có cái mộc chu sa màu đỏ đóng vào tờ giấy thông hành. Thuyền nào không có tờ giấy này mà tự ý ra khơi thì sẽ bị nghiêm trị.

Con đường Trần Phú bên tay phải của đoàn chính là con phố của người Nhật ngày xưa. Năm 1636, người Nhật bắt đầu về lại quê hương của họ và rời bỏ Hội An, người Hoa tiếp nhận luôn con phố này và xây dựng những công trình mang dấu ấn của họ mà lát nữa đoàn sẽ tham quan. Còn công trình còn lại của người Nhật nhưng chỉ còn một phần thôi đó chính là Chùa Cầu này. Thật ra thì nên gọi là Cầu Chùa mới đúng. Vì cái cầu được người Nhật xây trước, cái chùa là người Hoa xây sau. Cầu làm bằng gỗ, trụ cầu làm bằng đá, cầu dài 18m. Nối liền hai con phố là Nguyễn Thị Minh Khai (phố người Hoa) và Trần Phú (phố người Nhật). Và chữ “chùa” ở đây cũng không hẳn là chính xác về mặt ý nghĩa công trình cho lắm. Vì đối tượng suy tôn trên đó không phải là Phật mà là một vị thần của đạo giáo Trung Hoa là Bắc Đế Trấn Vũ. Công trình này tồn tại trên 400 năm rồi. Được in trong tờ tiền 20.000 đồng của mình. Vào khoảng thế kỷ 16, 17 số lượng người Nhật đến giao lưu và định cư tại đây khoảng 1.000 người, và khi họ rời đi chỉ còn để lại duy nhất công trình này thôi.

Kiến trúc ở cầu này gọi là Thượng gia – Hạ kiều. Ở hai đầu cầu là hai con khỉhai con chó. Lý do giải thích về sự xuất hiện của hai con vật này được người ta đưa ra là cầu được khởi công xây vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất. Tấm biển màu đỏ ở phía trên có ghi ba chữ Hán đọc là Lai Viễn Kiều nghĩa là cầu của người khách phương xa đến. Năm 1719 nhân một lần công du đến đây, vị chúa thứ 6 là Nguyễn Phúc Chu sau khi thấy một công trình do người nước ngoài xây như thế, chúa Nguyễn Phúc Chu mới đề tặng cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều. Vậy, cây cầu này có đến ba tên gọi Chùa Cầu - Cầu Nhật Bản – Lai Viễn Kiều.

Hai khối gỗ tròn ở dưới tấm bảng người ta gọi là Mắt Cửa. Người ta quan niệm rằng, hai con mắt đó sẽ có tác dụng xua đuổi tà ma hoặc những điều không tốt. Về nguồn gốc của Mắt Cửa thì có lẽ bắt nguồn từ hình thức thờ “Môn Thần”, trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa từ hàng trăm năm trước khi họ đến với Phố Cổ Hội An (theo các bác cao niên ở phố cổ mà người viết hỏi được thì đó là hai con mắt của Thần Đồ và Uất Lũy – hai vị thần chuyên bắt quỷ trong tín ngưỡng của người Hoa).

Mặt Cửa chỉ tập trung trong những di tích kiến trúc dân dụng và kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa. Còn các công trình của người Việt ở Hội An thì ít thấy. Riêng các công trình nhà của người Việt ở Hội An nếu có Mắt Cửa thì có lẽ là ảnh hưởng hình thức thờ này của người Hoa thôi. Nếu quý đoàn chúng ta có dịp về lại khu vực sinh sống của người Bạch, nằm cách thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, khoảng 40km sẽ thấy nhà của họ cũng có nhiều cái Mắt Cửa, nhưng không cầu kỳ và phong phú như ở Hội An. Nhưng dù nguồn gốc ở đâu đi chăng nữa, thì Mắt Cửa đều thể hiện cho khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro. Ở nước ta cũng có một số cây cầu có kiến trúc tương tự như Cầu Khum ở huyện Thạch Thất Nhật/Nguyệt Tiên Kiều ở chùa Thầy huyện Quốc Oai – Hà Nội Cầu ngói Phát Diệm ở huyện Kim Sơn – Ninh Bình, Cầu - Hà Nội; ;  cầu ngói chùa Lương ở huyện Hải Hậu - Nam Định; Cầu ngói Chợ Thượng ở huyện Nam Trực- Nam Định; Cầu ngói Thanh Toàn thị xã Hương Thuỷ - Thừa Thiên Huế.

Tuy đối tượng suy tôn trong đây không phải là Phật, nhưng do thói quen nên người dân cứ nơi nào thờ cúng thì đều gọi là chùa. Thật ra đây là Huyền Thiên Đại Đế hay Bắc Đế Trấn Vũ hoặc có tên gọi khác (danh xưng) như: Chân Vũ Tinh Quân, Chân Vũ Đại Đế, Đãng Ma Thiên Tôn. (chữ “Vũ” của Bắc Đế Trấn Vũ nghĩa là võ thuật, còn chữ “Vũ” của Quan Vũ nghĩa là lông chim).Vị thần này trấn giữ ở Phương Bắc theo tín ngưỡng Đạo Lão của người Hoa, có khả năng hỗ phong hoán vũ, tiêu diệt tà ma. Có rất nhiều dị bản về tiểu sử của Ngài. Ví dụ như Ngài là hóa thân của một trong Tứ thánh thú thời cổ đại (Tứ thánh thú bao gồm: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ).

chua_cau_2

Ngài là hóa thân của Huyền Vũ, là để vương trị vì vùng trời phương Bắc. Còn dị bản khác cho rằng, ngài là thể phách thứ 28 của Thái Thượng Lão Quân đầu thai mà thành. Ngài đầu thai làm một vị Thái Tử, nhưng đã từ chối ngai vàng để lên núi Võ Đang tu đạo. Khi Đạo thành, Ngài đã móc ruột gan của mình bỏ lại và xuống núi giúp đời. Nhưng ruột gan của ngài biến thành hai con quái vật là Linh Quy và Thần Xà, đã làm hại chúng sanh. Ngài quay về thu phục và hai con vật này trở thành thần thú dưới trướng của Ngài. Cho nên, quý đoàn sẽ thấy trên án thờ có tượng Bắc Đế Trấn Vũ đạp lên Linh Quy và Thần Xà. Hoặc có nơi còn tạc tượng Thần ngồi, tay trái bắt quyết, tay phải chống lên thanh gươm. Thanh gươm chống lên lưng rùa, có con rắn quấn quanh. Tương truyền, trước đây hình ảnh của Thần chưa phải là hình người mà là hình ảnh của rắn và rùa (tức là Huyền Vũ) thôi. Đến đời vua Tống Huệ Tông bên Trung Quốc, thì trong một lần lập đàn để mời Thần hiện thân (năm 1118), Tống Huệ Tông đã thấy một vị thần cao 10 trượng, tóc dài, chân để trần, mặc áo giáp vàng, tay cầm gươm. Hiện lên một chốc để biến mất. Vua Huệ Tông rất giỏi hội họa, nên ngay lập tức họa lại chân dung Thần. Về sau, chân dung này là hình mẫu để vẽ hoặc khắc tượng tại những nơi có thờ Bắc Đế. Ở Hội An này, việc thờ Bắc Đế gắn liền với việc trị thủy. Vì đây là vùng đất nước bao quanh bởi các con sông, nổi trội nhất là sông Thu Bồn. Đây là con sông có lượng nước lớn nhất miền Trung, chế độ thủy văn phức tạp. Hằng năm, sông đổ ra biển 20km nước, do lượng nước lớn, cửa sông hẹp nên lũ dâng lên rất nhanh vào mùa mưa. Mùa lũ thường diễn ra từ tháng 9 ÂL đến tháng 12 ÂL, ngập từ 1,5m đến 2,5m, và Hội An thì năm nào cũng ngập cả.

Và chính vì điều kiện khắc nghiệt như vậy, thì những người Hoa đã đặt niềm tin của mình vào thần Bắc Đế để mong Thần ngăn chặn mưa lũ, điều hòa thời tiết giúp họ thuận lợi trong việc sinh hoạt tại vùng đất mới. Ngoài ra, đối với quan niệm người Nhật Bản thì chiếc cầu này như là vật trấn yểm một con quái vật có tên là MaMaZu (HDV lưu ý “Zu” đọc theo âm tiếng Nhật là “Zư”), người Việt gọi là con Cù, hoặc người Nhật còn có cách gọi khác là NaMaZu. Theo truyền thuyết, thì những người Nhật đầu tiên khi đến Hội An thì thường xuyên nhìn thấy trên mặt sông xuất hiện sống lưng của con thủy quái này. Theo truyền thuyết Nhật Bản, NaMaZu vốn là con cá trê khổng lồ , đầu của nó nằm ở Nhật Bản, lưng vắt qua khe nước ở Hội An và đuôi nằm ở Ấn Độ. Mỗi khi nó quẫy mình thì sẽ kéo theo các trận động đất, núi lửa, sóng thần. Và chỉ có thần Kashima - vị thần của sấm sét và kiếm đạo mới chế ngự được. Nên cũng để cầu mong cho vùng đất mà họ làm ăn được yên ổn, mưa gió thuận hòa, thì họ mới xây dựng chiếc cầu ngay cuộc đất này, chiếc cầu là tượng trưng cho thanh kiếm của thần Kashima đâm ngay sống lưng của NaMaZu, khiến nó không thể gây ra tai ương bão tố nữa.

- Và chốt lại vấn đề, cho dù chiếc cầu này tên gì, có công trình thờ ai, xây dựng năm nào thì trong tâm thức người Hội An bao thế hệ thì công trình này vẫn là một tài sản quý giá của người dân Hội An, là nơi để người dân Hội An cho dù đi đâu chăng nữa vẫn nhớ về như là một niềm tự hào của con người xứ Quảng. Để khép lại bài thuyết minh về chùa Cầu, HDV xin đọc bốn câu thơ trong bài thơ “Chiều Hội An” của tác giả Bằng Lăng Tím:

 “Ta lại ghé chùa Cầu ngắm cảnh ...

Ly cà phê sóng sánh hương nồng

Tình người xứ Quảng mênh mông

Hội An đã đến là không muốn về...

cph_web

"Những bài viết từ Website do Hướng Dẫn Viên : Châu Phước Huy sưu tầm và chọn lọc . Nên có thể được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau từ các báo truyền thống , mạng xã hội và trang cộng đồng . Nên mong quý vị xem các bài viết mang tính chất tham khảo và và share nếu thấy bổ ích "

 

TUYẾN ĐIỂM BẠN CẦN
LIÊN HỆ VỚI HUY ?
Họ tên
Email
Số điện thoại
Nội dung
 
CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐỌC
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 760
Trong tuần: 5160
Lượt truy cập: 1317160

Copyright © 2018 Châu Phước Huy . Design by Chau Phuoc Huy